Không nổi tiếng như Mỹ, Ấn Độ vạch ra chính sách “hướng Đông” từ khá lâu. Chính sách này cho phép Ấn Độ ngầm thu hút và dần thiết lập ảnh hưởng đối với các quốc gia trong khu vực. Đáng nói nhất là, trong những tháng gần đây, Delhi đã đạt được những bước đột phá ấn tượng trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng ở khu vực Đông Nam Á.
Hiện, danh sách các đồng minh trong khu vực của Ấn Độ gia tăng nhanh chóng. Gần đây, báo chí Indonesia tràn ngập loạt bài tán dương nỗ lực tăng cường quan hệ song phương của hai đồng minh lâu đời bằng những lời lẽ bóng bẩy. Chẳng hạn, một bài bình luận viết Jakarta và New Delhi sốt sắng “khơi dậy lại sự hấp dẫn” nhằm tăng cường quan hệ vốn đã luôn tốt đẹp giữa hai bên.
Cũng như Trung Quốc và Mỹ, Ấn Độ đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh minh họa: xinhuanet.
Tháng trước, một lãnh đạo quân sự cấp cao Ấn Độ tới Myanmar trong bối cảnh gần đây nhiều lời đồn đoán nổi lên rằng chính quyền Myanmar đang mong muốn tăng cường quan hệ với Ấn Độ để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trên thực thế, quan hệ hai nước khăng khít và bền chặt rất nhiều kể từ sau chuyến thăm Delhi của Thống tướng Myanmar Than Shwe hồi năm 2010. Thời điểm đó, việc Ấn Độ trải thảm đỏ đón ông Shwe được xem là bao hàm ý nghĩa to lớn để “dỗ dành, mua chuộc” Myanmar - đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia này.
Không dừng lại ở đó, cuộc đối thoại quốc phòng giữa Ấn Độ và Thái Lan hồi tháng 12 năm ngoái cộng với chuyến thăm của Thủ tướng Yingluck Shinawatra hồi tháng trước cũng được xem là đòn bẩy để hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hơn.
Trong khi đó, tháng 1 năm nay, Ấn Độ và Philipines phấn khởi tổ chức Hội nghị hợp tác quốc phòng tại Manila, đẩy mạnh quan hệ trên lĩnh vực quân sự. Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực không ai xa lạ với các đợt tập trận chung thường niên giữa Ấn Độ và Đảo quốc sư tử Singapore.
Một sự kiện đáng lưu ý mới đây nhất chứng tỏ “mối thâm tình” Singapore - Ấn Độ chính là việc hai bên vừa ký bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác quốc phòng ngày 13/2. Theo Bộ Quốc phòng Singapore, việc ký MOU sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực như chính sách quốc phòng, giáo dục và đào tạo quân sự, nghiên cứu và phát triển, hậu cần.
Vốn khá khiêm nhường so với Trung Quốc và Mỹ, song nền công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, thông qua các quan hệ tăng cường mới thiết lập được, kỳ vọng giành được nhiều hợp đồng mua bán trang thiết bị quốc phòng cho các quốc gia trong khu vực. Kỳ vọng này của Delhi hoàn toàn khả dĩ khi các quốc gia Đông Nam Á có xu hướng tăng ngân sách quốc phòng và hiện đại hóa quân đội.
Nhiều người cho rằng, hiện nay chính là thời cơ tốt nhất cho Ấn Độ để giành lấy các hợp đồng mua bán trang thiết bị quân sự với các quốc gia Đông Nam Á, tiêu biểu là Indonesia, Philippines và Việt Nam. Đối với khả năng này, Ấn Độ có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh trước các nhà cung cấp khác bằng cách ra giá mềm hơn để có được sự chọn lựa của các quốc gia trong khu vực.
Bạch Dương (theo Asia Times)
http://baodatviet.vn/Home/thegioi/bonphuong24h/Vai-tro-cua-An-Do-trong-tro-choi-quyen-luc-huong-dong/20123/195967.datviet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét