21/3/12-Nhân chuyến thăm tới Hà Nội của Tổng thống Thein Sein, BBC xin giới thiệu các ý chính trong bài của tờ South China Morning Post ra ở Hong Kong đánh giá tính tương tác của quan hệ Việt Nam - Miến Điện trong bàn cờ khu vực và quốc tế.
Chuyến thăm của hai tàu chiến Miến Điện vào Đà Nẵng tuần trước có vẻ như không được chú ý bằng chuyến thăm của các chiến hạm Hoa Kỳ, Nga và Ấn Độ, nhưng chuyện tàu Miến Điện vào thăm Việt Nam "là biểu tượng của một trong số mối quan hệ đang diễn tiến ngay trước cửa ngõ của Trung Quốc", theo báo South China Morning Post.
Chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Thein Sein tuần này làm sâu nặng thêm quan hệ song phương, sau chuyến thăm mới tuần qua của Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, sang Miến Điện.
Khi đó, tuyên bố chung được Hà Nội đưa ra, đã nhắc đến chuyện hai nước "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)".
Bức tranh phức tạp hơn
Văn bản này cũng trích lời phía Việt Nam "hoan nghênh các bước đi của Miến Điện có thể gia nhập Ủy ban sông Mekong", và cả hai tuyên bố này đều được Bắc Kinh ghi nhận vì họ đang "theo dõi chiến lược ngoại giao của Việt Nam một cách sát sao".
Báo Hong Kong trích lời ông Ian Storey, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói:
"Có nhận xét rằng, Miến Điện phần nào đã từng đóng vai trò phò tá của Trung Quốc ở trong khối Asean,"
"Nhưng nay bức tranh trở nên đa dạng hơn, như quan hệ Miến Điện với Việt Nam cho thấy. Cả hai nước đều cần quan hệ tốt với Trung Quốc vì có đường biên giới chung dài, nhưng họ cũng muốn mở rộng quan hệ vùng và quốc tế khác nữa."
Báo South China Morning Post cũng viết rằng một số nhà phân tích trong vùng đã ngạc nhiên trước bước đi những tháng qua của Miến Điện lùi xa khỏi Trung Quốc, quốc gia từng bảo trợ quân sự chính cho tập đoàn quân phiệt của Miến Điện, để tiến tới một chính sách ngoại giao mở rộng biên độ hơn, gồm cả quá trình cải thiện quan hệ với Washington.
Hoa Kỳ hiện vẫn còn cấm vận Miến Điện dù nước này có cải tổ chính trị và xã hội gần đây.
Cùng lúc, ông Thein Sein đã làm nổi bật hơn xu hướng tách xa Trung Quốc khi ra lệnh vào tháng 9/2011 tạm ngưng dự án xây đập thủy điện ở các nhánh đầu nguồn sông Irrawaddy, khi có lo ngại trong dư luận về tác động của công trình do Trung Quốc xây này.
Một phần lớn điện từ dự án này được lên kế hoạch chuyển về Vân Nam.
Báo South China Morning Post cũng chú ý rằng ông Thein Sein, người từng là tướng quân đội trước khi chuyển sang làm lãnh đạo dân sự, khi thăm Hà Nội cũng được một đoàn đại diện quân sự tháp tùng.
Tháng 11 năm ngoái, Tổng tư lệnh Min Aung Hlain đã có động tác khác thường là sau khi lên chức đã sang thăm ngay Hà Nội, chứ không đi Trung Quốc trước như lệ thường.
Việt Nam, theo tờ báo Hong Kong, đã tỏ ra sẵn sàng ngày một nhiều để chống chọi lại Trung Quốc trong khu vực dù vẫn có nỗ lực tăng cường quan hệ anh em với Bắc Kinh.
Câu hỏi báo này nêu ra là trong lúc chế độ cộng sản tại Hà Nội công khai tỏ ra ủng hộ cuộc cải tổ dân chủ ở Miến Điện và các hoạt động hội nhập sâu rộng hơn của nước này vào khu vực, các lãnh đạo Hà Nội có thấy khó xử trước sự vươn lên của một nền dân chủ mới tại Đông Nam Á hay là không.
Một đặc sứ Asean kỳ cựu đánh giá, "Vào lúc này phía Việt Nam tỏ ra hài lòng với một Myanmar đang hội nhập với Asean, với khu vực và Phương Tây,"
Nhà ngoại giao này còn được trích dẫn nói, "về nhiều mặt thì đây chính là sự phản ánh cách tiếp cận của [Việt Nam] và tất nhiên là làm cho quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực trở nên phức tạp hơn".
Trong một bình luận khác thường vào tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á của Hoa Kỳ, ông Kurt Campbell xác nhận vai trò của Hà Nội trong công việc khuyến khích Washington và Nay Pi Taw lại gần nhau.
Nhưng ông Campbell nói hiện cũng chưa rõ chuyển đổi ở Miến Điện có tác động đến 'động lực' chính trị nội bộ Việt Nam hay không dù Hà Nội từng khuyến khích mạng mẽ chiến lược liên kết Miến Điện của Hoa Kỳ.
Ông Campbell được trích lời nói: "Đã có lúc vào năm ngoái khi chúng tôi đạt rất ít thành công trong việc thu phục Miến Điện, Việt Nam lúc đó vẫn kín đáo thúc giục chúng tôi tiếp tục đối thoại trực tiếp với chính phủ Miến Điện và còn cung cấp những thông tin đáng quan tâm về cách thúc đẩy cho vấn đề tiến triển."
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét