28/3/12-Được xem là “rốn dầu” của biển Đông cộng với vai trò địa chính trị cực kỳ quan trọng, Trường Sa là khu vực tranh chấp của nhiều quốc gia trong khu vực. Với chiến lược quay trở lại châu Á, Mỹ có thể đóng vai trò tích cực trong việc điều hòa các tranh chấp tại đây.
Dầu 'đốt cháy' biển Đông
Philippines tuyên bố chủ quyền đối với đảo nhỏ thuộc Trường Sa, cách đảo Palawan của nước này 80km và do đó, tháng ba năm ngoái, họ gửi một tàu thăm dò dầu khí tới khu vực này. Tuy nhiên, chiếc tàu thăm dò trên của họ bị Trung Quốc truy đuổi. Manlia cũng không nhún nhường khi phản ứng cứng rắn hơn về vấn đề chủ quyền, không tiếc chi hàng tỷ USD để hiện đại hóa quân đội và tìm mọi cách để tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ.
"Chú Sam" sẵn sàng cho cuộc tập trân chung với Philippines trên biển gần đảo Reed Bank vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau. Trung Quốc giãy nãy cáo buộc đây là động thái đầy khiêu khích.
Mặt khác, một năm sau vụ đụng độ giữa tàu thăm dò dầu khí của Philippines và tàu Trung Quốc, tập đoàn Forum Energy có trụ sở tại Anh, đơn vị đang hợp tác thăm dò dầu khí với Philppines vừa ra quyết định đầy mạo hiểm để chuẩn bị tiến hành các hoạt động thăm dò tại đảo Reed Bank trong vòng vài tháng tới. Tại đây, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, họ dự định khoan một giếng dầu – sự kiện có khả năng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng quân sự giữa Philippines và Trung Quốc nếu Bắc Kinh phản ứng một cách tiêu cực và hiếu chiến. Reed Bank đang trở thành một điểm nóng.
Tờ China Post bình luận dường như các chiến lược gia Philippines một lần nữa muốn thử lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông thông qua việc Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào đối với sự kiện trên. Và rồi họ sẽ thấy hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ lại xua đuổi các tàu thăm dò của tập đoàn Forum Energy và tất yếu gửi phi đội tàu chiến đi dằn mặt để đảm bảo không một giếng dầu nào được khoan trong khu vực dồi dào dầu mỏ và khí ga tự nhiên này, China Post nhấn mạnh.
Đồng quân điểm trên, nhà nghiên cứu Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhấn mạnh: "Trung Quốc có thể sẽ áp dụng các chiến thuật giống như họ từng làm hồi năm 2011 và cản trở hoạt động của các dàn khoan, thậm chí, họ sẽ hành động cứng rắn hơn nhằm vào các dàn khoan và đưa các tàu chiến của họ tới khu vực này”.
Mỹ cần tỉnh táo để điều hòa các căng thẳng
Nhà phân tích người Đài Loan Joe Hung thẳng thắn nhận xét dường như Philippines đang lợi dụng cam kết của Mỹ thông qua tuyên bố của Tổng thống Obama tại Australia rằng: “Là một quốc gia Thái Bình Dương, Mỹ sẽ đóng một vai trò lớn hơn và lâu dài trong việc định hình khu vực và tương lai ở đây bằng cách duy trì nguyên tắc cốt lõi và mối quan hệ đối tác chặt chẽ với các đồng minh và bạn bè của chúng tôi”, để lôi kéo Mỹ vào tranh chấp biển Đông.
Tuy nhiên, bất chấp Tổng thống Aquino làm những gì – ông Joe Hung khẳng định - Mỹ sẽ không dại dột để bị lôi kéo vào tranh chấp chủ quyền kéo dài hàng thế kỷ qua tại biển Đông và sẽ càng không vì Philippines mà đối đầu với Trung Quốc – quốc gia cũng mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền với Trường Sa, bao gồm cả đảo Reed Bank.
Xem ra, tranh chấp chủ quyền kéo dài nhiều thập kỷ qua trên biển Đông sắp sửa bước sang một giai đoạn mới và nhiều khả năng sẽ phức tạp và căng thẳng hơn. Lý do là, một số quốc gia có liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại biển Đông vì muốn tìm kiếm và khai thác các nguồn năng lượng tại khu vực có các nguồn tài nguyên đa dạng và dồi dào này, dường như đang tìm cách thâm nhập sâu hơn vào các vùng biển có tranh chấp, đồng thời tăng cường các khả năng của hải quân và đẩy mạnh liên minh quân sự với các quốc gia khác, đặc biệt là với Mỹ.
"Trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á đang xích lại gần Mỹ để đối phó với Trung Quốc; Bắc Kinh ngày càng lo sợ Washington có ý định bao vây Trung Quốc về mặt quân sự và ngoại giao. Điều quan trọng ẩn sau những lo ngại này là những phát hiện về trữ lượng dầu mỏ và khí đốt nằm dưới những đáy biển có tranh chấp thuộc biển Đông có nguy cơ sẽ thổi bùng xung đột", Stephanie Kleine-Ahlbrandt, Giám đốc nghiên cứu khu vực Đông Bắc Á thuộc Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế cảnh báo.
Tuy nhiên, bất cứ xung đột vũ trang nào trên biển Đông hay trên đảo Reed Bank sẽ chẳng mang lại lợi lộc cho bất cứ ai, thậm chí, có nguy cơ thổi bùng lên cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, không chỉ đe dọa đến sự tồn vong của các bên tham chiến mà còn tất cả các quốc gia trên thế giới.
Do đó, giải pháp tối ưu nhất chính là ngăn chặn kịch bản trên xảy ra và Mỹ, xuất phát từ cam kết "sẽ đóng một vai trò lớn hơn và lâu dài trong việc định hình khu vực và tương lai ở đây" cộng với vị thế và tiềm lực của họ nên đóng một vai tích cực và hiệu quả hơn để mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực. Có nhiều cách để Mỹ loại bỏ các căng thẳng liên quan đến đảo Reed Bank, quần đảo Trường Sa, thậm chí, tất cả các xung đột, căng thẳng trên toàn bộ biển Đông.
Cuối năm ngoái, Washington cố gắng triệu tập một hội nghị quốc tế để đạt được một tạm ước cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng không thành. Tuy nhiên, rõ ràng Mỹ cần phải nỗ lực hơn để tổ chức những hội nghị quốc tế về biển Đông như trên nhằm giúp tất cả các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận tạm gác lại các vấn đề liên quan đến chủ quyền và cùng khai thác khu vực có các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và đa dạng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên này.
http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=363513
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét