9/3/12-Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu độc giả báo cáo mới nhất của các chuyên gia cố vấn Mỹ về biển Đông. Sau đây là nhận định của Ian Storey về chính sách ngoại giao của Trung Quốc tại khu vực này trong thời gian tới.
Các hành động ngày càng xác quyết của Trung Quốc tại biển Đông đang làm dấy lên mối lo ngại tại Đông Nam Á và xa hơn thế, vì chúng có thể đe dọa sự tiếp cận tới các hải trình quan trọng, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang hoặc khủng hoảng trên biển và có thể làm xấu đi các quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng bất chấp những căng thẳng này, Trung Quốc ít có lẽ không cố tìm cách giải quyết các tranh chấp tại biển Đông bằng vũ lực, vì chi phí cho việc này sẽ lớn hơn nhiều những lợi ích nó có thể đem lại. Thực vậy, giới chức Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách mà họ đang áp dụng từ hơn hai thập kỷ qua: đó là nhấn mạnh cam kết hướng tới hòa bình, ổn định và hợp tác đồng thời khẳng định các đòi hỏi tài phán và mở rộng sự hiện diện vật chất của Trung Quốc tại biển Đông.
Tài liệu này sẽ phân tích các lợi ích của Trung Quốc tại biển Đông, các nỗ lực ngoại giao của nước này nhằm vừa trấn an các nước láng giềng, vừa củng cố các yêu sách của mình tại các khu vực tranh chấp. Sau đó, tác giả sẽ thử giải thích tại sao Trung Quốc thích ngoại giao song phương hơn là đa phương, nhưng tại sao trong hai thập kỷ qua, nước này lại tiến hành đàm phán hai thỏa thuận với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Kết luận cuối cùng của bài phân tích sẽ là các động lực cơ bản định hình chính sách của Trung Quốc ít khả năng thay đổi và vì vậy, sự nguyên trạng sẽ có thể kéo dài.
Lợi ích của Trung Quốc tại biển Đông
Trung Quốc có ba lợi ích chủ chốt tại biển Đông, và các lợi ích này có liên quan đến nhau. Đầu tiên, họ muốn khẳng định chủ quyền đối với cái mà họ coi là các quyền lịch sử của mình, bao gồm chủ quyền đối với tất cả các hình thái địa chất và có thể toàn bộ vùng trời phía trên vùng biển này. Thứ hai, họ muốn đảm bảo sự tiếp cận, dựa trên nền tảng các quyền lịch sử kể trên, với các nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là cá, dầu mỏ, khí thiên nhiên và các khoáng sản dưới lòng biển. Thứ ba, họ muốn đảm bảo rằng các tuyến thông thương trên biển (SLOCs) được an toàn vì các tuyến thương mại huyết mạch này có vai trò sống còn đối với sự thịnh vượng kinh tế và các khát vọng quyền lực của Trung Quốc.
Đòi hỏi chủ quyền. Trung Quốc đòi "chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo tại biển Đông và các vùng nước liền kề". Họ lập luận cho các yêu sách của mình dựa trên sự phát hiện, thời gian sử dụng lịch sử và sự kiểm soát về hành chính của các chính phủ liên tiếp của Trung Quốc từ triều đại nhà Hán thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Trung Quốc hỗ trợ cho các yêu sách của mình bằng các bản đồ đối chiếu, các phát minh khảo cổ và các kỷ lục lịch sử.
Tuy nhiên, không một bằng chứng nào kể trên phù hợp với luật pháp quốc tế hiện đại, vốn ủng hộ các yêu sách chủ quyền của những quốc gia có thể chứng minh sự quản lý một cách liên tục và hiệu quả. Trung Quốc không thể chứng minh điều này vì chính quyền trung ương của họ yếu kém trong thời loạn lạc trong nước và các cuộc xâm lược của nước ngoài thế kỷ 19 và 20, vì vậy không thể quản lý hiệu quả các đảo trên.
Điều này một phần giải thích tại sao Trung Quốc không muốn trình các yêu sách của mình lên trọng tài pháp lý quốc tế. Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng các yêu sách lịch sử của các bên khác cũng thiếu thuyết phục.
Một trong các tài liệu lịch sử quan trọng nhất mà Trung Quốc viện dẫn cho các đòi hỏi của mình là một tấm bản đồ có từ thời Chính phủ Quốc dân đảng ở Trung Quốc năm 1947, trong đó vẽ một đường đứt đoạn đi qua bờ biển phía Tây của Philippines, tới bờ biển Borneo và sau đó tiếp tục đi lên phía Bắc dọc bờ biển phía Đông của Việt Nam. Sau khi lập nước năm 1949, Trung Quốc đã coi tấm bản đồ này như một trong các căn cứ cho các yêu sách của mình tại biển Đông. Ngày nay, các bản đồ chính thức của Trung Quốc tại Đông Nam Á vẽ 10 nét đứt, nhưng các bản đồ tại Trung Quốc chỉ có 9 nét, chính vì vậy họ thường quy chiếu tới đường 9 đoạn này.
Trung Quốc đã chính thức trình bản đồ này lên một tổ chức quốc tế lần đầu tiên vào ngày 7/5/2009, khi nó được kèm với một biên bản kiện lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLSC) của LHQ về một bản phúc trình chung của Malaysia và Việt Nam. Bất chấp thực tế là tấm bản đồ này đã tồn tại 6 thập kỷ, Trung Quốc vẫn phải giải thích ý nghĩa của đường 9 đoạn và chứng minh nó phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển của LHQ (UNCLOS) năm 1982, mà nước này đã phê chuẩn năm 1996.
Bản đồ trên có thể được hiểu theo hai cách. Trước tiên là 9 nét đứt đánh dấu các khu vực chung chung xung quanh các hình thái địa chất chính mà Trung Quốc đòi hỏi. Ít nhất một trong các hình thái địa chất này là một đảo, tức là kèm theo nó là một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý theo luật pháp quốc tế. Các hình thái địa chất lớn khác là các bãi đá ngầm, loại được phép kèm theo vùng nước dài 12 hải lý nhưng không tạo ra một EEZ riêng. Cách hiểu này có lẽ phù hợp hơn với luật pháp quốc tế ghi trong UNCLOS. Nó cũng phù hợp với các quy định pháp luật quốc gia của Trung Quốc năm 1992, trong đó đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Sa, Trung Sa, Scarborough Shoal, Điếu Ngư/Senkaku, Penghu và Dongsha. Dù các yêu sách chính xác của Trung Quốc vẫn còn rất mập mờ, nhưng cách tiếp cận này nhìn chung phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cách hiểu thứ hai là đường 9 đoạn giới hạn các "vùng biển lịch sử" của Trung Quốc tại biển Đông - tức là Trung Quốc đòi toàn bộ vùng biển nằm trong lòng đường đứt đoạn này. Theo quan sát của Đại sứ Lưu động của Singapore, và cựu Chủ tịch Hội thảo của LHQ về Luật Biển lần thứ 3 Tommy Koh, đòi hỏi như vậy của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, hành vi ngày càng xác quyết của Trung Quốc đối với các nước có tranh chấp - như gây sức ép để các tập đoàn năng lượng nước ngoài không tham gia thăm dò ngoài khơi, áp đặt lệnh cấm đánh bắt và quấy nhiễu các hoạt động thăm dò dầu khí của các công ty dầu mỏ Đông Nam Á - cho thấy Bắc Kinh đang áp dụng các hiểu thứ hai.
Các quan chức Đông Nam Á coi đây là một diễn biến đáng lo ngại. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã mô tả tấm bản đồ này "thực sự trao cho Trung Quốc chủ quyền đối với biển Đông", và cựu Thứ trưởng của Singapore và chuyên gia về luật S. Jayakumar cho rằng tấm bản đồ này "gây hoang mang và khuấy động" vì nó không có căn cứ nào dựa trên UNCLOS và có thể "được hiểu là một yêu sách đối với toàn bộ các khu vực biển nằm trong đường 9 đoạn". Cách hiểu này hủy hoại một số tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế và gây nguy hại đến quyền tự do hàng hải.
Sự mở rộng các yêu sách của Trung Quốc, các hành vi xác quyết định kỳ của họ và việc họ từ chối giải thích tấm bản đồ trên đã gây lo ngại trên toàn Đông Nam Á. Việt Nam bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, Indonesia và Philippines đã chính thức khởi kiện đường 9 đoạn lên LHQ, và Singapore đã gọi điện tới Bắc Kinh yêu cầu làm rõ các yêu sách của mình. Nhưng Chính phủ Trung Quốc khước từ.
Tài nguyên biển. Biển Đông là một trong những vựa cá lớn nhất thế giới, chiếm tới 1/10 sản lượng đánh bắt cá toàn thế giới. Kho cá này, dù đang nhanh chóng suy giảm, không chỉ đóng vai trò tối quan trọng đối với an ninh lương thực của các nước châu Á mà còn là một nguồn thu nhập của ngư dân trong khu vực. Tuy nhiên quan trọng hơn, biển Đông còn chứa trong lòng nó những mỏ dầu khí lớn. Và một kết quả của các căng thẳng hiện nay trong khu vực là các công ty năng lượng quốc tế đã không thể hoàn tất các thăm dò chi tiết tại biển Đông, khiến các đánh giá về trữ lượng tiềm năng không giống nhau. Trung Quốc ước tính khoảng từ 100-200 tỷ thùng dầu đang nằm dưới lòng biển này, trong khi Nga và Mỹ đưa ra con số 1,6 - 1,8 tỷ thùng.
Trung Quốc ngày càng quan tâm tới nguồn tài nguyên dầu mỏ tiềm năng kể từ đầu những năm 1990, khi giá năng lượng và nhu cầu năng lượng toàn cầu đều tăng. Các hành động của Trung Quốc một phần xuất phát từ suy nghĩ rằng biển Đông là "một vùng Vịnh mới". Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu mỏ nhập khẩu ngày càng tăng - dầu nhập từ nước ngoài chiếm 52% tổng lượng dầu tiêu thụ tại Trung Quốc vào năm 2009, con số này đã tăng lên 55% vào năm 2010 - an ninh năng lượng đã trở thành một khía cạnh quan trọng hơn trong tranh chấp tại biển Đông. Điều này giúp giải thích tại sao hành vi quấy nhiễu của Trung Quốc gần đây đối với các tàu thăm dò dầu khí được chính phủ các nước Đông Nam Á cho phép.
Thông qua các bình luận trên báo chí nhà nước, Trung Quốc đã cáo buộc một số nước Đông Nam Á có yêu sách trên biển Đông đang "chiếm đoạt" tài nguyên biển tại biển Đông, nguồn tài nguyên mà Trung Quốc cho là của mình dựa theo các "quyền lịch sử" quốc gia. Bắc Kinh liên tiếp khẳng định rằng các hành động của các công ty năng lượng nước ngoài tại biển Đông vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Họ kêu gọi các nước khác đòi chủ quyền phải ngừng thăm dò tài nguyên tại các khu vực mà Trung Quốc đòi chủ quyền, nhưng cả Việt Nam và Philippines đều bác bỏ yêu cầu này vì các đòi hỏi mở rộng của Trung Quốc không thuyết phục.
An ninh của các hải trình. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào an ninh của các tuyến SLOCs, con đường xuất khẩu hàng hóa của nước này tới các thị trường quốc tế, đồng thời đưa hàng hóa, nguyên liệu đầu vào và tài nguyên năng lượng nhập khẩu vào Trung Quốc. Theo một số ước tính, 80% năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đi qua các chốt chiến lược tại Đông Nam Á - eo biển Malacca, Singapore, các eo biển Lombok, Makkassar và Sunda - và biển Đông. Tính dễ bị tổn thương về mặt chiến lược này được mọi người gọi là "tiến thoái lưỡng nan Malacca".
Các năng lực của Hải quân của PLA đã được cải thiện trong thập kỷ qua, nhưng lực lượng này vẫn chưa có khả năng kiểm soát thực sự đối với các SLOCs ở xa, như các hải trình đi qua Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngày càng thể hiện sự ảnh hưởng lớn hơn đối với các tuyến SLOCs gần, đặc biệt là tại biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm hai bên của các tuyến này, và đây là lý do quan trọng giải thích tại sao Trung Quốc tìm cách kiểm soát các quần đảo này.
Theo Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét