23/2/12-Cách đây 164 năm, tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được xuất bản lần đầu vào tháng Hai năm 1848[1]. Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1883 F. Ăng-ghen đã viết: “Tư tưởng cơ bản và chủ đạo của “Tuyên ngôn” là trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy; do đó… toàn bộ lịch sử là lịch sử các cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa những giai cấp bị trị và những giai cấp thống trị, qua các giai đoạn của sự phát triển của họ; những cuộc đấu tranh ấy hiện nay đã đến một giai đoạn mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức (tức là giai cấp vô sản) không còn có thể tự giải phóng khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức mình (tức là giai cấp tư sản) được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức và khỏi những cuộc đấu tranh giai cấp - tư tưởng chủ chốt ấy hoàn toàn là của Mác”[2].
Sau sự kiện Liên Xô tan rã, chế độ XHCN ở Đông Âu sụp đổ (trong những năm 1989-1991), những lý luận gia và chiến lược gia tư sản hàng đầu như: Brê-din-xky (tác giả cuốn sách “Thất bại lớn của Chủ nghĩa Cộng sản trong thế kỷ XX”), Phrăng-xít Phu-cu-y-a-ma (tác giả chuyên luận "Sự tận cùng của lịch sử”) đã cho rằng, chủ nghĩa tư bản là vĩnh cửu, là “sự tận cùng của lịch sử”. Điều này cũng có nghĩa CNTB là một xã hội “tối ưu” mà lịch sử nhân loại đã tìm thấy… Nhưng cuộc sống đã phủ nhận điều đó. Sự phân hóa giàu nghèo đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới - từ những nước nghèo đến những nước giàu; mâu thuẫn giữa các nước giàu với các nước nghèo; cuộc đấu tranh ý thức hệ mà người ta đang cố tình che đậy; chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại và phát triển. Đó là trường hợp Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia khác vẫn kiên trì đi theo con đường XHCN. Đồng thời ngay ở trung tâm của CNTB hiện đại đã diễn ra phong trào "Chiếm phố Uôn" (bắt nguồn từ nước Mỹ rồi nhanh chóng lan rộng tới các thành phố lớn ở châu Âu, châu Á và cả châu Phi). Cùng với cuộc khủng hoảng “nợ công châu Âu” hiện nay chẳng phải đang khẳng định những tư tưởng cơ bản của C.Mác về CNTB, CNXH và con đường phát triển của nhân loại trong Tuyên ngôn đó sao?
Ở nước ta, những kẻ chống Cộng thô thiển vì động cơ chính trị hoặc vì những lợi ích nào đó, thậm chí chỉ vì muốn trở thành người nổi tiếng, người ta đã chê bai, phủ nhận, thậm chí có kẻ còn vu khống học thuyết Mác. Họ cắt gọt và vẫn như những kẻ chống Mác hàng thế kỷ trước đây, chúng nói rằng: “Chủ nghĩa Mác xóa bỏ sở hữu tư nhân”, “xóa bỏ kinh tế thị trường”v.v.. Thật ra về vấn đề sở hữu, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác viết: “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái quyền chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác…”[3].
Ngày nay trên thế giới nhiều học giả uyên bác, có uy tín khoa học lớn vẫn xem Mác là nhà tư tưởng, nhà khoa học xã hội, nhân văn lớn nhất thế kỷ XX. Michel Vadée[4] trong công trình lớn "Mác - Nhà tư tưởng của cái có thể"[5], ông đã tự giao cho mình một nhiệm vụ khoa học, không phải là phân tích, bình luận, phát triển tư tưởng Mác… mà đơn giản chỉ là đọc lại Mác một cách nghiêm túc, đặt những công trình của Mác vào đúng hoàn cảnh lịch sử của nó. Vì, theo ông, ngày nay đã có không ít người hiểu không đúng tư tưởng của Mác. Trong lời mở đầu công trình, ông viết về chủ nghĩa Mác như sau: "Sức sống của một tư tưởng được tính bằng con số những cuộc tranh luận và những cuộc đấu tranh mà nó tạo. Về mặt này, chủ nghĩa Mác là thật đáng được ước ao”[6].
Về giá trị phương pháp luận của chủ nghĩa Mác, ông nói: “Mác, nhà tư tưởng của cái có thể”… Có lẽ Michel Vadée muốn nói rằng, Mác không phải là nhà thiết kế, không phải là người vẽ ra những mô hình cụ thể nào đó về xã hội XHCN mà trước hết dựa trên những kết quả phân tích về quy luật lịch sử tự nhiên, về xu hướng phát triển của lịch sử nhân loại mà đưa ra những phương hướng, những giả thuyết cho sự phát triển của lịch sử. Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức, xuất bản năm 1872, Ăng-ghen viết: “Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời và do đó không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ở chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại, về nhiều mặt cũng phải viết khác đi… Tuy nhiên, Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại”[7].
Sinh thời, Mác đã có lần nói: Học thuyết của chúng tôi không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho cuộc sống. Nhìn lại quá trình vận động, phát triển của chủ nghĩa Mác hơn một thế kỷ qua, Michel Vadée viết: "Sau thời đại giáo điều mác-xít ngự trị và những phê phán triệt để đối với nó, sau những kiểu diễn giải tự do đặc trưng cho một thời kỳ thứ hai trong lịch sử của chủ nghĩa Mác, phải chăng chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới của nhận thức về Mác”[8].
Không thể phủ nhận được rằng, chủ nghĩa Mác đã ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình lịch sử nhân loại trong suốt thế kỷ XX và cho đến hiện nay. Đó là một sự thật khách quan. Vào năm 1999, năm cuối cùng của thế kỷ XX trong cuộc thăm dò bình chọn nhà tư tưởng lớn nhất thế kỷ do Đại học Cambridge (Anh) tổ chức, kết quả là Mác đứng đầu, Anh-xtanh (Einstein) đứng thứ hai. Tháng 7-2005, với câu hỏi tương tự, trong một cuộc thăm dò ý kiến của chương trình “Thời đại chúng ta” (In Our Time) trên kênh Radio 4 của BBC, 27,9% thính giả đã chọn Mác là “nhà tư tưởng ưa thích” của họ, và vẫn là người đứng đầu. Kết quả này không chỉ khẳng định giá trị lịch sử của chủ nghĩa Mác mà còn khẳng định những giá trị đương đại của học thuyết Mác.
Đối với phong trào giải phóng dân tộc nói chung, với cách mạng Việt Nam nói riêng, ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác thông qua chủ nghĩa Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười đã tạo thành trào lưu cách mạng giải phóng dân tộc trên tất cả các châu lục. Lịch sử cho thấy không có chủ nghĩa Mác thì không có chủ nghĩa Lê-nin, không có Cách mạng Tháng Mười. Không có chủ nghĩa Lê-nin, không có Cách mạng Tháng Mười thì cũng không thể có những thắng lợi có ý nghĩa thời đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.
Ở nước ta, hơn 80 năm qua, từ khi Đảng ta ra đời (1930) đến nay, chủ nghĩa Mác - Lê-nin cùng với sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đứng lên đấu tranh, đi từ cách mạng giải phóng dân tộc giành độc lập tự do, đánh thắng đế quốc xâm lược đến xây dựng đất nước và đang thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới theo con đường XHCN. Tuy nhiên, thắng lợi của cách mạng Việt Nam không phải là kết quả thụ động của phong trào cách mạng trên thế giới mà chủ yếu do sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh Việt Nam, đồng thời đó còn vì Đảng ta luôn giữ vững những nguyên tắc cơ bản của học thuyết đó trong mỗi bước ngoặt của cách mạng.
Chính cương vắn tắt (1930) của Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo đã xác định: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[9]. Nói cách khác, đối với một nước thuộc địa, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phải đồng thời thực hiện các nhiệm vụ mang tính thời đại, đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp-giải phóng xã hội và giải phóng con người.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng ta lãnh đạo đã thực hiện đồng thời ba chức năng lịch sử đó. Trong 30 năm kháng chiến (1945-1975), nhờ nắm vững xu thế của lịch sử mà chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã chỉ ra, nhờ kết hợp đúng đắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta, quân đội ta đánh thắng những kẻ thù xâm lược hung bạo nhất thời đại, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xác lập, củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Một trong những sai lầm của những người kế thừa chủ nghĩa Mác - Lê-nin là đã rơi vào chủ nghĩa giáo điều về lý luận, đồng nhất lý luận với phương pháp luận, không biết vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin khi tình hình đã thay đổi. Mặt khác trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhiều Đảng Cộng sản đã không kịp thời ngăn chặn được tình trạng quan liêu hóa, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khủng hoảng, sụp đổ một bộ phận của CNXH vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX.
Đổi mới là một thời kỳ đặc biệt của cách mạng Việt Nam. Từ giữa những năm 80 thế kỷ XX, Đảng ta đã phát hiện sai lầm trên lĩnh vực kinh tế, xã hội khởi xướng công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế. Dựa trên lý luận và phương pháp luận mác-xít, phân tích những biến đổi sâu sắc của thời đại, từ những kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, phân tích những sai lầm khuyết điểm của các Đảng Cộng sản ở các nước XHCN trong sự nghiệp xây dựng CNXH và đặc biệt trong cải tổ, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới có nguyên tắc.
Thay cho mô hình cũ của CNXH (phủ nhận kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường, xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản ngay cả khi nhà nước đã thuộc về tay nhân dân)… Cương lĩnh 1991 và Cương lĩnh 2011 của Đảng ta đã xác định: "Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”[10]… với những phương hướng lớn sau: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Xây dựng nền dân chủ XHCN, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Tôn trọng và bảo vệ quyền con người; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Những thành tựu trong hơn 25 năm đổi mới là to lớn, có ý nghĩa thời đại. Nước ta ngày nay đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống của nhân dân đã được nâng cao một bước, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, như Văn kiện Đại hội XI, Đảng ta đã chỉ rõ: Đất nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn. Đó là "Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới... Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng… Những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp…”[11].
Lê-nin đã từng nói: Cách tốt nhất để kỷ niệm một cuộc cách mạng là tập trung sự chú ý vào những nhiệm vụ mà cuộc cách mạng đó chưa hoàn thành. Tương tự như vậy, kỷ niệm ngày ra đời bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đối với chúng ta ngày nay nhiệm vụ đó là nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, không mơ hồ, chủ quan với những thủ đoạn "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; không chủ quan với tình trạng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vững những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đặc biệt hiện nay, cần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khóa XI) - "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" nhằm: “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”[12], “củng cố sự kiên định về mục tiêu lý tưởng cách mạng… coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta”[13].
TS Cao Đức Thái [*]
(*) Giảng viên cao cấp Viện Nhân quyền, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
[1] - C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Tuyển tập (bộ 2 tập), TI NXB Sự thật, Hà Nội, 1980, tr 511.
[2]- C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Tuyển tập, (bộ 2 tập) TI, NXB Sự thật, Hà Nội, 1980, tr 509-510.
[3] -Mác - Ăng-ghen, Tuyển tập (bộ 2 tập), TI, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1980, tr 562.
[4] - Ông là giáo sư tiến sĩ triết học, thành viên nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp về Hê-ghen và Mác
[5] - Michel Vadée, Marx - Nhà tư tưởng của cái có thể. Viện Thông tin KHXH, HN, 1996.
[6]-SĐD.
[7] - Mác - Ăng-ghen Tuyển tập (bộ 2 tập), TI, NXB Sự thật, Hà Nội, 1980, tr 504, 505.
[9] - Hồ Chí Minh Tuyển tập, (bộ 2 tập), NXB ST. HN, năm 1980,tr 301.
[10],(11)- Văn kiện Đại hội XI. NXB CTQG. HN, năm 2011, tr71,72 và tr 29.
(12),(13) - Bài phát biểu bế mạc Hội nghị TƯ 4 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/177394/Default.aspx
Nói giáo điều thì hay lắm. Nhưng làm thì ngược lại. Đảng lãnh đạo đánh đuổi Mỹ tư bản để rồi giải phóng miền nam biến phần đất trước kia phồn thịnh nghèo gần bằng phân nửa vùng đất còn lại dưới chế độ XHCN. Thành quả của cái sự "giải phóng" thế à? Mấy triệu người tìm đường ra đi vì không sống nổi dưới chế độ điên khùng.
Trả lờiXóaKhi Liên xô sụp đổ, không còn dựa vào nguồn viện trợ trước kia, Đảng ta mới buộc lòng nới lỏng cửa rước tư bản Hàn, Đài Loan, Nhật, và Mỹ vào để bóc lột dân đen. Kinh tế Việt nam vẫn là nước lạc hậu, có tiến bộ hơn Cam pu chia, Lào hay mấy nước châu Phi chứ có bằng ai đâu.
Lãnh đạo thì ngu dốt không có kinh nghiệm quản lý kinh tế nhưng rất tài cao về tham nhũng. Vinashin là 1 trong nhiều thí dụ điển hình về "tài ba" của đảng ta. Về cách tổ chức các bộ ngành nhà nước rất nặng nề tốn nhiều công quỹ. Mỗi tổ chức chính quyền điều có 1 tổ chức của đảng hiện hửu đứng sau để kiểm soát các hoạt động của tổ chức ấy. Thí dụ, ủy ban cấp tỉnh/thành phố thì có tỉnh ủy, thành ủy. Quân ủy kiểm soát bộ tổng tham mưu vân vân.... Vì thể đảng áp đặt và kiểm soát chặt chẽ mọi lãnh vực.
Nhiều công ty quốc doanh lổ lã sống nhờ vào ngân quỹ nhà nước tài trợ. Hiện nay, Việt nam là 1 trong 15 nước có mức nợ nhiều nhất so với GDP, có rủi ro tài chính cao nhất.
Nếu nam Việt nam không bị cưỡng chiếm thì ngày nay nền kinh tế cũng phải ngang hàng với Nam Hàn chứ đâu có trì trệ như bây giờ. Chủ thuyết Cộng sản là lý thuyết lổi thời và đã bị quăng vô sọt rát hơn 20 năm rồi. Không ai còn tin vào những sáo ngữ mấy ông lãnh đạo nói nữa. Nếu mấy ông chốp bu tin vào XHCN thì tại sao họ gởi con họ đi học ở Anh, Pháp, Mỹ mà không gởi qua mấy nước như Bắc Hàn hay Cu Ba đi?