Vibay

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Điều gì ẩn sau “luật đất đai” lạ kỳ ở Tiên Lãng?

(Petrotimes-3/2/12) - Qua tìm hiểu, hầu hết các hộ gia đình nuôi trồng thủy hải sản ven biển của huyện Tiên Lãng đều vướng vào “bi kịch” như của Đoàn Văn Vươn. Ở huyện Tiên Lãng, có một thứ “luật đất đai” chẳng giống bất cứ nơi nào.

Không có chuyện giang hồ “thi hành pháp luật” ở Tiên Lãng

Sáng 3/2, trao đổi qua điện thoại với PV Petrotimes, Trưởng Công an huyện Tiên Lãng, Thượng tá Lê Văn Mải cho biết: Ông đang đang đi giám định thương tích để phục vụ cho vụ án chống người thi hành công vụ.

Trước câu hỏi về việc có hay không sự liên quan của các băng đảng giang hồ trước và sau khi thi hành cưỡng chế, ông Mải cho biết: “Tiên Lãng không có các băng đảng giang hồ và cũng không có chuyện giang hồ tham gia vào vụ việc ở đầm nuôi thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn”.

Trước đó, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc bị ngăn cản khi tác nghiệp tại khu vực đầm nuôi thủy sản bị cưỡng chế. Việc này Thượng tá Lê Văn Mải cho rằng: Sau khi hoàn thành việc cưỡng chế, huyện đã bàn giao lại cho xã quản lý khu vực đầm Cống Rộc.

Có một “luật đất đai” lạ kỳ ở Tiên Lãng

Như Petrotimes đã đưa tin, trong quyết định thu hồi năm 2005, đất nhà ông Đoàn Văn Vươn từng được xem là “đất nông nghiệp hạng 5”. Lý giải cho điều này, ông Đan Đức Hiệp – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho rằng: Năm 2005, ông Vươn được bồi thường là vì khi đó đất còn hạn thuê, còn lần thu hồi mới đây do đã hết hạn thuê nên không thể được bồi thường.

Tuy nhiên, vấn đề mà ông Hiệp chưa lý giải được là về bản chất vấn đề: Có hết hạn hay không hết hạn thì “đất nông nghiệp hạng 5” vẫn là… đất nông nghiệp.

Tìm hiểu ở nhiều xã vùng biển khác của huyện Tiên Lãng: Hùng Thắng, Đông Hưng… chúng tôi phát hiện ra rằng: Người dân ở đây được cấp các quyết định giao đất nuôi trồng thủy sản với các thời gian khác nhau mà không theo một quy luật nào cả. Và hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn không phải là duy nhất, có hàng trăm trường hợp ở các xã khác nhau đều ở tình trạng tương tự.


Tiên Lãng có hàng chục km đất nuôi trồng thủy hải sản ven biển.

Có một điều lạ là các hộ dân chỉ được giao đất ở các hạn: 4 năm, 13 năm, 14 năm, ai thoải mái nhất thì được 15 năm. Hầu như không có ai được giao đúng 20 năm như quy định của Luật đất đai. Việc nuôi trồng thủy sản ven biển yêu cầu phải đầu tư trong thời gian dài, việc rút ngắn thời gian thuê đất của huyện Tiên Lãng chẳng khác nào hành động “cho trồng cây” nhưng “không cho ngày hái quả!”

Điều gì ở đằng sau?

Một chủ doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhẩm tính cho chúng tôi: Tiên Lãng có hàng chục km đất ven biển được giao cho hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy hải sản. Uớc tính mỗi hộ đầu tư vào đây vài tỷ đồng, đấy là chưa kể công lấn biển, đắp đập, be bờ. Muốn thu hồi được số vốn này sau khi đã ổn định khai thác cũng phải mất cả chục năm.

Như vậy nếu huyện thu hồi trước hạn dăm năm thì số lợi nhuận bị thất thoát của người dân phải lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nói vui là “tiền không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chảy từ túi người này sang túi người khác.”

Vấn đề là huyện Tiên Lãng nói “để xây sân bay” nhưng chắc chắn, dự án này mới chỉ trên giấy tờ và đến khi thực hiện phải mất dăm năm, thậm chí cả chục năm trời.

Trong những năm “chờ đợi” ấy, người ta hoàn toàn có thể cho “ai đó” nhảy vào kiếm lời từ những đầm ao mà người dân đã làm sẵn. Chỉ thế thôi, mức lợi nhuận cũng không thể tính đâu cho hết.

Đây chỉ là một giả thiết, hi vọng, đây không phải là động cơ đằng sau vụ cưỡng chế gây tai tiếng này.

Đoàn Công tác của Thanh tra Chính Phủ đã về Tiên Lãng để tìm hiểu vụ cưỡng chế gây tranh cãi này. Đoàn Công tác của Thanh tra Chính phủ không thông báo trước lịch làm việc mà đến xã Vinh Quang rồi thông báo cho UBND xã và chủ động xuống hiện trường tiếp xúc với người dân. Được biết, sau khi thu thập đủ những thông tin cần thiết và khách quan, đoàn sẽ có chương trình làm việc cụ thể với chính quyền xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét