Vibay

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Hợp tác trên cơ sở sức mạnh tại biển Đông

21/2/12-Các lợi ích của Mỹ trên biển Đông đang ngày càng gặp nguy hiểm, tuy nhiên việc bảo vệ các lợi ích này không cần phải – và không nên – dẫn tới xung đột với Trung Quốc. Chính vì vậy, quản lý các căng thẳng và thúc đẩy hợp tác tại biển Đông sẽ đòi hỏi sự chú ý lâu dài và thận trọng của Washington.

Tuần Việt Nam giới thiệu độc giả báo cáo mới nhất của giới chuyên gia cố vấn (think tanks) Mỹ về biển Đông, trong đó bàn về các nguy cơ đối với Mỹ, cũng như sự cần thiết của việc Mỹ phải theo đuổi chính sách vừa hợp tác vừa chế ngự. Tác giả cũng sẽ phân tích sự đổi hướng chiến lược của Trung Quốc tại biển Đông, trước khi nghiên cứu sâu hơn vào một số khía cạnh an ninh hàng hải, từ thực tế đến nguyên tắc. Cuối cùng, sẽ là phần kết luận với 5 khuyến nghị dành cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ.

Lợi ích của Mỹ ở biển Đông

Ý nghĩa của biển Đông vẫn đang bị đánh giá chưa đúng mức, và đang gây tranh cãi trước hết là giữa các chuyên gia trong khu vực, và rộng hơn là trong cộng đồng an ninh quốc gia. Nhưng biển Đông xứng đáng được ưu tiên chú ý hơn vì hệ thống dựa trên sức mạnh mà Mỹ nuôi dưỡng từ nhiều thập kỷ qua đang bị xét lại bởi một Trung Quốc đang nổi lên, và biển Đông sẽ là yếu tố chiến lược quyết định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong tương lai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Câu hỏi liệu Tây Thái Bình Dương có còn là một vùng biển chung ổn định, mở cửa và thịnh vượng, hay sẽ ngày càng trở thành một cái ổ tranh cãi phân cực với các đặc điểm giống như Chiến tranh Lạnh, sẽ được trả lời ngay tại vùng biển quan trọng này.

Biển Đông là nơi các quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Philippines phải đối mặt với chính sách "Phần Lan hóa" của Trung Quốc nếu hải quân và không quân Mỹ giảm bớt sự hiện diện. Nói tóm lại, biển Đông là nơi toàn cầu hóa và địa chính trị va chạm với nhau.

Nền kinh tế toàn cầu có một trung tâm địa lý, đó là ở biển Đông. Khoảng 90% hàng hóa thương mại được chuyển từ châu lục này sang châu lục khác bằng đường biển, trong đó 1/2 nếu xét về trọng tải (và 1/3 nếu xét về giá trị tiền tệ) đi qua biển Đông. Vùng biển này giống như cổ họng nối giữa Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nơi các hải trình hội tụ, chiếm 1.200 tỷ USD thương mại của Mỹ mỗi năm.

Địa chính trị là lực lượng đối chọi với toàn cầu hóa, chia rẽ thế giới thay vì thống nhất nó. Biển Đông là nơi một Trung Quốc đang nổi lên về quân sự ngày càng thách thức vai trò chế ngự của hải quân Mỹ - một xu hướng mà, nếu cứ để diễn ra như hiện nay, có thể làm thay đổi cán cân quyền lực tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới II và đe dọa các tuyến thông thương trên biển (SLOCs).

Trong vai trò là người bảo vệ chính cho tự do hàng hải toàn cầu, Mỹ có một lợi ích sâu sắc và vĩnh viễn trong việc đảm bảo các tuyến SLOCs được thông lưu đối với tất cả mọi người, không chỉ cho các hoạt động thương mại mà cả các hoạt động quân sự vì mục đích hòa bình, như can thiệp nhân đạo và bảo vệ bờ biển.

Mỹ có thể bảo vệ tốt nhất một trật tự hòa bình và thịnh vượng trong khu vực bằng cách đảm bảo khả năng tiếp cận với các SLOCs quan trọng. Nếu Mỹ không thể hiện sức mạnh đầy đủ tại biển Đông thì sẽ làm thay đổi các tính toán an ninh của tất cả các nước trong khu vực. Nếu các lực lượng của Mỹ không những mất khả năng làm phức tạp kế hoạch của kẻ thù mà lại trở nên ngày càng dễ bị tổn thương trước lực lượng quân đội đang được hiện đại hóa một cách vững chắc của Trung Quốc, thì các nước khác trong khu vực sẽ có ít lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo một Trung Quốc hùng mạnh.

Khi Trung Quốc tiếp tục nổi lên, Mỹ bị xem là suy yếu một cách tương đối, nếu không muốn nói là hoàn toàn. Rõ ràng, không có sự suy yếu tương đối nào đáng lo ngại hơn nguy cơ suy yếu sức mạnh hải quân của Mỹ trong tương lai. Lực lượng Hải quân Mỹ thời Reagan từng tự hào sở hữu gần 600 tàu chiến, con số này ngày nay chỉ còn 284. Dù mục đích của Hải quân là mở rộng tới 313 tàu chiến, nhưng ngân sách quốc phòng hiện nay, cộng thêm việc giảm sản xuất và tăng chi phí, không giúp đạt mục đích đó. Hơn nữa, với việc cắt giảm ngân sách sắp tới, cũng như số tàu chiến sắp phải "về hưu" trong thập kỷ tới, Mỹ đang phải đối mặt với thực tế là lực lượng Hải quân chỉ có trong tay 250 tàu chiến hoặc ít hơn.

Tất nhiên, số tàu chiến chỉ là một khía cạnh của sức mạnh hải quân. Các chiều kích khác bao gồm trọng tải, vũ khí và các năng lực trên boong, mức độ huấn luyện của thủy thủ và sự kết hợp các dịch vụ quân sự khác nhau. Và Mỹ đang đứng trước nguy cơ phải nhường vị thế bá chủ các khu vực này trong tương lai không xa. Tại Washington đang có cuộc thảo luận về việc xây dựng một đại liên minh giữa các lực lượng Hải quân bao gồm tất cả các quốc gia để chia sẻ với Mỹ gánh nặng biển trong "buổi xế" của sức mạnh.

Vấn đề đặt ra là một con tàu không thể có mặt một lúc ở hai nơi, trong khi sự hiện diện của nó lại chính là thước đo sức mạnh hải quân. Tầm với của sức mạnh Mỹ cần phải bao phủ tất cả các lợi ích của họ trải dài trên toàn cầu. Và ít nơi nào cần nhiều sự chú ý của Lầu Năm Góc hơn biển Đông - nơi kết nối vựa tài nguyên năng lượng của Trung Đông với số dân cư ngày càng đông đúc của Đông Á.

Chúng tôi cho rằng vai trò chế ngự về quân sự của Mỹ tại biển Đông sẽ giảm bớt một cách tương đối khi các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc cải thiện sức mạnh hải quân và không quân của mình, tăng cường kết hợp các loại tên lửa đạn đạo chống hạm, máy bay chiến đấu thế hệ năm, tàu ngầm và tàu chiến nổi (bao gồm cả tàu sân bay) và các hệ thống mạng và ngoài không gian.


Đây là một hiện tượng tự nhiên mang tính lịch sử. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự cân bằng mới được điều chỉnh về lực lượng nổi lên từ tình hình rất năng động đó liệu có thể bảo vệ giao thương trên biển thông qua các SLOCs an toàn và tự do hay không. Mục đích là hợp tác, nhưng hợp tác chỉ có thể phát triển tốt nhất thông qua sức mạnh. Các cam kết ngoại giao và kinh tế sẽ được thực hiện tốt hơn khi được hỗ trợ bởi một sức mạnh quân sự đáng tin cậy. Điều này sẽ đòi hỏi phải duy trì vai trò đứng đầu thông qua sức mạnh của Mỹ và sự hợp tác khu vực rộng lớn hơn, một khái niệm có thể được gọi là "hợp tác trên cơ sở sức mạnh".

Ý nghĩa địa chiến lược của biển Đông đối với Mỹ là quá rõ. Biển Đông là trung tâm nhân khẩu học của nền kinh tế thế kỷ 21, nơi 1,5 tỷ người Trung Quốc, gần 600.000 người Đông Nam Á và 1,3 tỷ người Ấn Độ trao đổi các nguồn tài nguyên sống còn và các loại hàng hóa trong khu vực và trên toàn cầu.

Gần chục quốc gia nằm ven bờ vùng biển này - theo ngược chiều kim đồng hồ gồm Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines - đang đòi chủ quyền đối với một phần đáy biển với trữ lượng dầu 7 tỷ thùng, cũng như khoảng 900.000 tỷ mét khối khí tự nhiên. Nếu các tính toán của Trung Quốc là chính xác, biển Đông đang chứa trong lòng nó khoảng 130 tỷ thùng dầu hoặc hơn thế. Điều đó có nghĩa là biển Đông chứa nhiều dầu mỏ hơn bất kỳ khu vực nào trên toàn cầu, trừ Arập Xêút - điều khiến một số quan sát viên Trung Quốc gọi biển Đông là "Vịnh Persic thứ hai".

Nếu thực sự có nhiều dầu như vậy ở biển Đông - và nếu Trung Quốc có thể kiểm soát chúng - thì nước này có thể sẽ giảm bớt được sự phụ thuộc của mình vào eo biển hẹp và dễ bị tấn công Malacca (cũng như eo biển Sunda hay eo biển Lombok), nơi vận chuyển rất nhiều năng lượng mà nước này phải nhập khẩu từ tận Trung Đông. Tập đoàn Dầu mỏ Hải ngoại quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã đầu tư 20 tỷ USD với niềm tin rằng một trữ lượng dầu mỏ lớn như vậy đang nằm dưới đáy biển Đông.

Nhìn bề ngoài, trong bối cảnh những thăng trầm của các yêu sách lãnh thổ chồng lấn, các tranh chấp pháp lý và căng thẳng quân sự, sự gia tăng đột ngột các hoạt động ngoại giao về việc ai sở hữu cái gì trên biển Đông dường như không đủ mạnh để làm tăng nguy cơ xung đột giữa các nước lớn trong trước mắt.

Thực vậy, nguồn năng lượng dồi dào nằm dưới đáy biển và việc các nước đều cần có tự do hàng hải đang thúc giục các cơ chế hợp tác đa phương mới để tăng cường ổn định và thúc đẩy thương mại. Tuy nhiên, biển Đông cũng đã trở thành "tâm chấn" của cái dường như là một cuộc chiến địa chính trị lâu dài, trong đó các sức mạnh chính trị cổ điển và chủ nghĩa dân tộc đang được tăng cường bên cạnh sự nổi lên của Trung Quốc.

Có một cuộc tranh luận địa chiến lược không thể tránh khỏi đang diễn ra tại biển Đông, và cuộc tranh luận này có thể được gói gọn lại trong một câu hỏi là: Liệu Mỹ sẽ duy trì một khả năng kiểm soát đáng tin cậy đối với các tuyến SLOCs qua biển Đông, hay các năng lực chống tiếp cận và ngăn chặn khu vực (anti-access, area-denial) của Trung Quốc sẽ trung lập hóa căn bản mối đe dọa này, từ đó thay đổi các giả định chiến lược trên toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương?

Trong khi các nước khác trong khu vực duy trì các yêu sách lãnh thổ đặc biệt của mình dựa trên các ranh giới biển, Trung Quốc lại đòi sở hữu phần giữa lòng rộng lớn của biển Đông. Trong tương lai không quá xa, sự nổi lên trở lại của Trung Quốc và kèm theo đó là khả năng không chỉ nhấn mạnh các đòi hỏi này mà còn hỗ trợ chúng bằng các năng lực quân sự, có thể đặt vấn đề về độ tin cậy của sức mạnh quân sự của Mỹ và các thập kỷ bá chủ khu vực của Mỹ: sự chế ngự từng giúp ngăn chặn tranh chấp leo thang thành chiến tranh.

Như vậy, biển Đông đại diện cho những cái chung toàn cầu thu nhỏ - không chỉ về lĩnh vực hải quân và không quân mà cả trong những lĩnh vực có tầm quan trọng như không gian mạng và ngoài không gian vũ trụ. Tại biển Đông, tất cả các lĩnh vực này đề đang có nguy cơ bị đe dọa bởi âm mưu của Trung Quốc, thông qua việc mua và huy động quân sự, nhằm ngăn chặn sự can thiệp của hải quân Mỹ.

Đây là một lý do giải thích tại sao 16 trong tổng số 18 quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tháng 11/2011 đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của an ninh biển, với việc hầu hết các nước ủng hộ sự cần thiết phải thiết lập các cơ chế đa phương để giải quyết các yêu sách chồng lấn tại biển Đông.

Trong các thập kỷ sắp tới, thách thức đối với Mỹ sẽ là làm thế nào để bảo vệ các chuẩn mực lịch sử - trong đó tự do hàng hải là trên hết - trong khi vẫn thích nghi với sức mạnh và các hoạt động ngày càng gia tăng của các tác nhân trong khu vực. Duy trì các tài sản chung toàn cầu có liên quan đến tự do hàng hải sẽ đòi hỏi vai trò chủ đạo của Mỹ, đặc biệt là sự chế ngự của hải quân. Đồng thời, thích nghi và tăng cường hợp tác cũng sẽ cần thiết. Như vậy, Mỹ cần phải hợp tác, nhưng là sự hợp tác trên cơ sở một vị trí ưu việt. Đây sẽ là một cách để tăng cường hội nhập khu vực về ngoại giao và kinh tế trong khi cùng nhau bảo vệ tương quan quyền lực khi Trung Quốc nổi lên.

Cách tiếp cận này không hề tương phản với các lợi ích của Trung Quốc: Trên thực tế, không quốc gia châu Á nào được hưởng lợi từ hệ thống do Mỹ đứng đầu này nhiều như Trung Quốc. Tuy nhiên, vì sự nguyên trạng không thể tồn tại vĩnh viễn, mục đích của hợp tác dựa trên sức mạnh là xây dựng một nền tảng đa phương rộng hơn cho sự thay đổi không gây xáo chộn mà vẫn bảo vệ các nguyên tắc của trật tự các tuyến đường lưu thông trên biển.

Sự nổi lên của Trung Quốc về kinh tế và quân sự đang có nguy cơ gieo gió cho một cơn bão thay đổi tại khu vực biển Đông. Vì vậy, việc duy trì các yếu tố chìa khóa của nguyên trạng là rất quan trọng: bao gồm tự do giao thương, các tuyến SLOCs an toàn và an ninh, và sự độc lập - không bị hăm dọa - của tất cả các quốc gia duyên hải trong một trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc.

Như đã nói ở trên, tính ưu việt không có nghĩa là chế ngự: nó có nghĩa là Mỹ giữ vai trò của mình là một cường quốc khu vực nhằm hướng dẫn các đồng minh và đối tác làm nhiều hơn trong khả năng của mình. Theo cách này, tương quan lực lượng có thể được duy trì, và như vậy gánh nặng trên vai Mỹ cũng được giảm bớt. Điều quan trọng, như Tổng thống Obama đã nhấn mạnh trong một chuyến thăm tới khu vực này hồi tháng 11/2011, là tất cả các nước đều hành xử theo cùng một luật chơi.

Các thỏa thuận an ninh đa phương sẽ một phần giúp kiểm soát các tham vọng của từng nước, từ đó cho phép các hoạt động ngoại giao và thương mại chiến thắng sự đối đầu quân sự công khai. Tranh luận về các vấn đề này là tranh luận về sự kiểm soát không gian địa lý.

Các tranh chấp lãnh thổ kéo dài liên quan đến từng vạt đất trên biển Đông mà người ta nghĩ là có thể bao quanh đó là những mỏ năng lượng khổng lồ. Vì các đòi hỏi này phức tạp đến mức không thể giải quyết, Mỹ đã tìm cách hội tụ khu vực xung quanh một nền tảng đa phương chung, xây dựng trên cơ sở các thỏa thuận song phương hiện đang định hình các quan hệ của Washington với khu vực này. Việc Mỹ phối hợp với các nước khác nếu tốt nhất có thể giữ Trung Quốc tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế, hoặc ít nhất cũng thay đổi căn bản cách hành xử của họ trên thực tế. Nhưng điều đó sẽ cần những nỗ lực lâu dài và kiên trì.

Dù sự chú ý ở cấp thượng đỉnh ngày càng tập trung vào châu Á và biển Đông, nhưng nhiều trọng tâm chiến lược của Washington vẫn là ở Trung Đông, nơi vẫn còn rất bất ổn sau một thập kỷ chiến tranh và xây dựng đất nước. Mùa hè năm 2010, sau loạt "khẩu đạn" gay gắt giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội, một chính khách Mỹ đã chất vấn các đồng nghiệp tại Bộ Ngoại giao rằng tại sao Mỹ phải đối đầu với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh một cơ chế đa phương nhằm tránh xung đột tại biển Đông. Ít nhất đối với vị chính khách này, Mỹ phải rút bớt khỏi khu vực Trung Đông đầy xung đột và hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trung tâm của nền kinh tế thế giới.

Các tuyến SLOCs qua biển Đông nằm trong mối quan hệ toàn cầu hóa và địa chính trị. Hơn nữa, biển Đông có thể là một sân khấu cho sự chuyển giao quyền lực toàn cầu. Đây là nơi sự tìm kiếm tầm ảnh hưởng của một Trung Quốc đang nổi lên sẽ đặt vấn đề về quy chế siêu cường của Mỹ ở Đông Á. Lợi ích và thiện chí của Mỹ đang bị nghi vấn. Việc Trung Quốc hay Ấn Độ có thể cùng nổi lên một cách hòa bình hay không sẽ được quyết định bởi cách thức họ sử dụng sức mạnh hải quân ở hai bờ eo biển Malacca - tại biển Đông và vịnh Bengal.

Tương quan lực lượng mới giữa một Trung Quốc đang nổi và một nước Mỹ đang suy yếu tương đối sẽ được thử nghiệm tại biển Đông, vùng biển trải dài từ Trung Quốc ở phía Bắc, tới các đảo quốc Đông Nam Á ở phía Nam và tới quốc gia Đông Nam Á đất liền (Việt Nam) ở phía Tây. Giao thương được xác định về địa lý bởi vị trí của các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các cụm dân cư - đây cũng là hai yếu tố cho thấy vai trò trung tâm về địa chính trị và địa kinh tế của biển Đông.

Giới chức Mỹ đã thảo luận sự cần thiết phải thay đổi chiến lược hướng tới châu Á từ một thập kỷ qua, kể từ Báo cáo Quốc phòng 4 năm/lần vào năm 2001. Chính quyền của ông Obama gần đây đã tuyên bố một đại chiến lược theo đó sẽ hướng vào trụ cột này - một sự tiến bộ logic của chính sách an ninh quốc gia lưỡng đảng ở Mỹ. Tuy nhiên, Washington không nên cho rằng Trung Quốc sẽ tìm cách tạo điều kiện cho một trụ cột Mỹ.

Mọi việc sẽ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc coi việc Mỹ quan tâm hơn tới châu Á là một sự thay đổi hầu như chỉ nói suông thôi hay là một thay đổi chiến lược tiềm ẩn. Trong cả hai trường hợp, Mỹ đều phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Dù các quan hệ đồng minh của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản là rất mạnh mẽ và sẽ tiếp tục như vậy - kế thừa từ các cuộc chiến tranh giữa thế kỷ 20 - nhưng vị thế của Mỹ ở khu vực biển Đông sẽ ít được xác định bởi lịch sử.

Còn tiếp

Châu Giang dịch từ CNAS

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/61019/hop-tac-tren-co-so-suc-manh-tai-bien-dong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét