Sau khi chấp nhận bản "Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông", được đưa ra tại Bali tháng 7/2011, các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc thảo luận về vấn đề này ở Bắc Kinh trong tháng 1/2012.
Điều kiện nào để thực thi hiệu quả “Hướng dẫn thực hiện DOC”?
Báo Bưu điện Jakarta số mới đây cho rằng các cuộc hội thảo như vậy sẽ không giải quyết được các vấn đề cốt lõi trong khu vực - những vấn đề cần phải được giải quyết để mang lại ổn định lâu dài trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tác giả cho rằng để việc nghiên cứu biển và các hoạt động chung có hiệu quả đòi hỏi phải xác định rõ ràng các khu vực tranh chấp và không tranh chấp tại Biển Đông. Đề xuất của Philippines về "Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác" (ZoPFFC) đã không nhận được sự ủng hộ tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Bali hồi năm ngoái. Một số nước ASEAN, đặc biệt là những nước có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, đã thận trọng trong việc tán thành đề nghị này bởi không muốn làm gia tăng sự phật ý của Trung Quốc, nước đang ngày càng phô trương sức mạnh ở Biển Đông.
Song thực tế, đây có thể là một giải pháp hiệu quả cho những vấn đề cốt lõi ở Biển Đông. ZoPFFC sẽ tách riêng các khu vực tranh chấp khỏi các khu vực không tranh chấp và không loại trừ khả năng đưa tranh chấp ra trước Tòa án Quốc tế.
Các nguyên tắc của DOC, trong đó có cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình và kiềm chế, rõ ràng đã không thể ngăn chặn các vụ va chạm ở Biển Đông. Do đó, điều quan trọng đối với ASEAN để thực hiện một bước đột phá mang tính quyết định là đưa ra được các hướng dẫn cụ thể về tránh xung đột vũ trang ở Biển Đông. Để đi đến điều này, việc xác định khu vực tranh chấp và không tranh chấp là điều kiện tiên quyết quan trọng để tạo ra sự ổn định lâu dài ở Biển Đông. Thiếu điều kiện tiên quyết đó, việc phát triển biển chung - bao gồm cả việc thăm dò chung tài nguyên thiên nhiên tại các khu vực tranh chấp - chắc chắn sẽ thất bại vì nó có thể phải đối mặt với sự phản đối từ công chúng tại các quốc gia ASEAN tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Vấn đề xác định các khu vực tranh chấp và không tranh chấp ở Biển Đông sẽ có giá trị mà không động chạm đến các đối tác của ASEAN, cũng không đi trệch con đường nhất quán của ASEAN là tôn trọng, hợp tác và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Mỹ tái khẳng định ủng hộ quan hệ với Philippines và Biển Đông
Các nhà lập pháp Mỹ ngày 7/2 đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ với Philippines, đồng thời cho biết Quốc hội Mỹ sẽ sớm thông qua việc chuyển giao tàu tuần duyên thứ hai cho Philippines, một phần trong kế hoạch hỗ trợ quân đội quốc gia đồng minh này bảo vệ và duy trì an ninh trên biển.
Chủ trì phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về quan hệ Mỹ - Philippines, Hạ nghị sĩ Ed Royce thuộc đảng Cộng hòa nhấn mạnh Washington và Manila muốn hòa bình và ổn định tại khu vực vốn có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Nghị sĩ này đến từ bang California, nơi có một cộng đồng lớn người Mỹ gốc Philippines sinh sống, cũng cho biết trong tuần này, các nghị sĩ Mỹ sẽ hoàn tất mọi thủ tục để chuyển giao tàu tuần duyên Dallas cho Philippines. Tháng 5/2011, Washington đã chuyển giao tàu tuần duyên Hamilton cho Manila.
Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell tái khẳng định rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp ở Biển Đông cũng như việc đảm bảo tàu thuyền thương mại tự do qua lại vùng biển này.
Trung Quốc đánh giá sai về dầu khí Biển Đông
Báo mạng của tạp chí Học giả Ngoại giao (Nhật Bản) ngày 4/2 đăng bài tựa đề “Bắc Kinh đã đánh cược sai ở Biển Đông”. Bài báo cho rằng Trung Quốc dự đoán rằng trữ lượng dầu khí ở Biển Đông đủ để thế giới sử dụng trong nhiều năm. Nhưng dường như Bắc Kinh đã phán đoán sai. Nguyên nhân chính để Trung Quốc đánh cược gấp đôi ở Biển Đông là muốn giành được nguồn tài nguyên dầu khí ở đây. Để thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước thành cường quốc công nghiệp hóa, Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống cung cấp năng lượng tổng hợp và hoàn chỉnh, nhằm hạn chế rủi ro từ bất kỳ nguồn cung cấp đơn lẻ nào.
Theo Bắc Kinh, Biển Đông có nguồn năng lượng an toàn hơn có thể đảm bảo cho Trung Quốc duy trì thịnh vượng. Tuy nhiên, kế hoạch này của Trung Quốc có thể có khiếm khuyết. Các kết quả dự báo về trữ lượng dầu khí ở Biển Đông rất khác nhau. Theo tính toán của Cục thăm dò địa chất Mỹ thì trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 28 tỷ thùng, nhưng số liệu của Chính phủ Trung Quốc đưa ra là gần 200 tỷ thùng. Đa số các nhà phân tích cho rằng, số liệu của Trung Quốc là quá lạc quan. Trung Quốc cũng đã bỏ qua viễn cảnh phát triển của kỹ thuật và thị trường năng lượng. Việc sử dụng năng lượng thay thế ở quy mô lớn sẽ thay đổi giá trị chiến lược của nguồn năng lượng ở Biển Đông. Nếu như việc sản xuất năng lượng thay thế tiếp tục phát triển nhanh thì trong 10 năm tới có thể sẽ được cung cấp ra thị trường và giá cả cũng không khác biệt lắm so với dầu khí. Một vấn đề quan trọng hơn là, giá thành khai thác dầu khí nước sâu cao gấp 4 lần so với dầu khí khai thác thông thường ở khu vực Trung Đông. Như vậy, giá thành dầu khí khai thác ở vùng nước sâu Biển Đông sẽ cao hơn nhiều năng lượng sinh học, thậm chí là cao hơn cả những năng lượng gây ô nhiễm nghiêm trọng như than đá, khí thiên nhiên.
Nếu như xu thế trên tiếp tục phát triển và Biển Đông được chứng minh là “thùng rỗng”, thì những nỗ lực của Bắc Kinh sẽ là vô ích, một sự đặt cược sai. Mỹ có cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực này.
Bài báo nêu trên của tác giả người Nhật đã được Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc đăng lại.
Đài Loan thiết lập hệ thống “không lưu chiến thuật” tại Trường Sa
Ngày 6/2, Người phát ngôn Bộ quốc phòng Đài Loan cho biết cuối tháng 2/2012, Hệ thống không lưu chiến thuật sẽ được xây dựng tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa nhằm giúp cho máy bay cất cánh và hạ cánh tại đảo này. Hệ thống không lưu chiến thuật không phải là “vũ khí” do vậy không đặt ra vấn đề đe dọa quân sự cho các nước khác trong vùng. Hệ thống có nhiệm vụ phát tín hiệu thông báo vị trí của đường băng để hướng dẫn máy bay hạ cánh xuống đảo.
Tự do Thời báo của Đài Loan cho biết nhà thầu giành được hợp đồng sẽ khởi công vào cuối tháng 2/2012 và sẽ hoàn tất công trình trong hai tháng. Đài kiểm soát không lưu sẽ là công trình kiến trúc quan trọng tại hòn đảo bằng phẳng này trong quần đảo Trường Sa.
Trước đây, Đài Loan đã xây dựng một đường băng dài 1.150m và đến giữa năm 2006 gia cố hệ thống phòng thủ mặc dù có sự phản đối của nhiều quốc gia trong vùng.
Tình hình Biển Đông bị phóng đại chăng?
Trên tạp chí danh tiếng Nhà Kinh tế (Anh) có bài phân tích về tình hình liên quan tới Biển Đông, cho rằng giới chuyên gia lâu nay tốn khá nhiều giấy mực viết về các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng dường như căng thẳng ở khu vực này chưa tới mức báo động, mà chủ yếu là nằm ở các ngôn từ trên giấy. Ví dụ bài “Biển Đông là tương lai của xung đột” hồi tháng 9/2011 trên Tạp chí Quan hệ Quốc tế (Mỹ) của Robert Kaplan, chuyên gia có uy tín về quan hệ quốc tế. Ông này cảnh báo: “Giống như nước Đức là tuyến đầu của chiến tranh lạnh, Biển Đông cũng có thể trở thành tuyến đầu của xung đột trong những thập niên tương lai”. Ông Kaplan có thể đúng ở khía cạnh các tranh chấp tại Biển Đông dường như chưa có cách giải quyết, nhưng chúng đã tồn tại hàng chục năm nay mà không đe dọa tới hòa bình thế giới và hoàn toàn có thể không trở thành trọng tâm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xung đột Biển Đông làm căng thẳng quan hệ Philippines-Trung Quốc: Người dân bay tỏ thái độ chống các hành động gây hấn của hải quân Trung Quốc tại vùng biển mà Philippines khẳng định chủ quyền
Nhà Kinh tế nhận định rằng nhiều khi các học giả cũng như báo chí đã quá dễ dãi khi ví tình hình Biển Đông với cuộc chiến tranh lạnh trước kia. Các bài báo trên Thời báo Hoàn cầu mang tính dân tộc chủ nghĩa nhiều khi quá khích của Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu thường “giãy nảy” lên mỗi khi nghe tin về các động thái giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực tại Biển Đông như Philippines và coi các động thái này như đều nhằm vào chống Trung Quốc. Trong khi đó, Chính phủ Philippines cũng không hẳn không phải trả giá cho quan hệ với nước Mỹ.
Tạp chí Nhà Kinh tế thừa nhận rằng nguy cơ còn đó, nhất là vì giá trị kinh tế của vùng biển mà mỗi năm sản xuất tới 1/10 sản lượng cá của toàn thế giới và trung chuyển tới một nửa khối lượng hàng hóa buôn bán trên toàn cầu. Nhất là trữ lượng tài nguyên dầu khí, vốn khiến nhiều học giả gọi Biển Đông là “Vịnh Ba Tư mới”, có thể làm Trung Quốc, vốn khát năng lượng, muốn biến Biển Đông thành của riêng mình.
Tạp chí Anh cho rằng có ba lý do khiến tranh cãi có nguy cơ trở nên gay gắt hơn. Thứ nhất, sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ sang châu Á có thể khiến Trung Quốc lo ngại. Thứ hai, cả Philippines và Việt Nam có thể sớm bắt đầu khai thác dầu từ khu vực này và Trung Quốc phải ra tay ngăn cản để không tạo ra tiền lệ. Thứ ba, được cho là quan trọng nhất, là vị thế của Trung Quốc đang tiếp tục gây quan ngại cho các quốc gia khác tại Biển Đông.
Theo tờ báo, căng thẳng sẽ không bùng lên thêm, ít nhất trong vài năm tới, vì năm 2012 Campuchia làm Chủ tịch ASEAN. Năm 2013 là Bruney và năm 2014 ghế Chủ tịch vào tay Mianmar. Các nước này chắc đều không muốn làm mếch lòng Trung Quốc bằng vấn đề Biển Đông.
Tình hình tại Biển Đông, theo nhận định của tạp chí Nhà Kinh tế, chưa có thay đổi gì đáng kể̉. Chưa có giải pháp, cũng chưa có cả thảo luận về giải pháp. Trung Quốc vẫn giữ ngôi trên vì sức mạnh quân sự vượt trội. Mỹ, với hải quân hùng mạnh và quan tâm lớn về tự do lưu thông và thương mại, có thể sẽ can dự vào vấn đề Biển Đông mà kết quả của nỗ lực đó được xem như sẽ định hình vai trò lãnh đạo tương lai của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.
Nhật Nam
http://www.toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/8/o-cua-chau-a/101670/bien-dong-cap-nhat-iv.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét