21/2/12-Các nước Biển Đông/Đông Nam Á hiện đại hóa quốc phòng; BP hợp tác với CNOOC khai thác dầu khí ở Biển Đông; Mỹ có thể chuyển lính thủy đánh bộ sang Philippines.
Philippines đẩy nhanh lộ trình hiện đại hóa quân đội
Ngày 18/2, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tuyên bố rằng các lực lượng vũ trang nước này sẽ "trở lại trên đôi chân của mình" trong vòng hai năm, đồng thời khẳng định rằng sẽ không phải chờ đến tận năm 2016 người dân Philippines mới lại có thể tự hào về quân sự của đất nước mình.
Bộ trưởng Gazmin cho biết đến ngày 31/7 tới sẽ có ít nhất 138 hợp đồng được phê duyệt. Các hợp đồng này tìm kiếm các hạng mục quân sự lớn từ cả các quốc gia khác, ngoài Mỹ.
Ngoài kế hoạch mua một phi đội F16 từ Mỹ, các lực lượng vũ trang Philippines hiện có kế hoạch mua một tàu đa chức năng của Hàn Quốc và cũng đang tìm kiếm các máy bay chiến đấu của Pháp và Italia. Theo ông Gazmin, Bộ Quốc phòng Philippines còn đang tìm kiếm các thiết bị quân sự để bảo vệ vùng trời và biển của đất nước.
Đến năm 2015, Singapore chi 23 tỷ USD cho quốc phòng
Theo bài viết của tạp chí quốc phòng IHS Jane's, Singapore nhiều khả năng đến năm 2015 sẽ chi tới 23 tỷ USD để mua máy bay tuần tra, trực thăng và các thiết bị quân sự khác. Singapore, vị trí ở giữa Indonesia và Malaysia, nằm trên một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới và nạn cướp biển trở thành mối đe dọa chính tại khu vực này.
IHS Jane's cho biết trong khi mối quan hệ giữa Singapore và Trung Quốc khá thân mật và vững chắc thì quan hệ với hai quốc gia láng giềng Indonesia và Malaysia, là hai nước có nhiều người Hồi giáo sinh sống, lại phức tạp hơn “do đó sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn về an ninh kéo dài”.
Trong khi đó, nhà phân tích các thị trường mới nổi của IHS Jane's là Nicholas de Larrinaga cho biết nhiều quốc gia khác trong khu vực đang đẩy mạnh chi tiêu mua vũ khí do e ngại Trung Quốc. Ông cho biết Singapore đã phân bổ 13,08 tỷ đô la Singapore (9,39 tỷ USD) cho quốc phòng trong tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2011, tăng 5,4% so với tài khóa 2010-2011.
Indonesia đặt mục tiêu tự cung 70% vũ khí cho quân đội trước năm 2024
Bất chấp những ý kiến phản đối trong Quốc hội, Bộ Quốc phòng Indonesia vẫn đang nỗ lực triển khai kế hoạch mua 100 xe tăng Leopard 2A6 cũ (Báo) từ Hà Lan, trong khuôn khổ thực hiện mục tiêu đảm bảo tự cung 70% nhu cầu vũ khí cho quân đội trước năm 2024.
Thiếu tướng Puguh Santoso, Tổng Cục trưởng Chiến lược quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Indonesia, nói rằng việc các nghị sĩ nước này chỉ trích thương vụ mua xe tăng nói trên, đồng thời cho rằng loại xe tăng 62 tấn đó không phù hợp với địa hình Indonesia và thương vụ này sẽ khiến Jakarta phụ thuộc nhiều vào Châu Âu trong việc cung cấp phụ tùng và bảo trì trong tương lai, là không có căn cứ. Tướng Santoso khẳng định chuyển giao công nghệ là một trong những điều kiện tiên quyết trong các hợp đồng mua sắm thiết bị quân sự nước ngoài của Bộ Quốc phòng, và Đức sẽ chuyển giao công nghệ chế tạo Leopard 2A6 cho Indonesia. Ngoài ra, việc chọn loại xe tăng này được đưa ra trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng các tính năng ưu việt của nó, cũng như các yêu cầu của quân đội: Leopard 2A6 có thể hoạt động trên mọi địa hình, có thể đi ngầm 4m dưới mặt nước và đáp ứng nhu cầu thực sự trước mắt cần xe tăng hạng nặng của quân đội.
Chủ tịch Ủy ban I về Quốc phòng, An ninh, Ngoại giao của Quốc hội Indonesia, Mahfudz Siddiq mới đây nói rằng thương vụ mua Leopard 2A6 có thể được chấp thuận nếu đáp ứng tất cả ba yêu cầu là Indonesia phải thực sự cần xe tăng chiến đấu hạng nặng, đảm bảo không bị cấm vận về phụ tùng thay thế và bảo trì trong tương lai cũng như chuyển giao công nghệ.
Hải quân Indonesia đưa vào sử dụng tàu cao tốc trang bị tên lửa
Hải quân Indonesia vừa đưa vào hoạt động tàu cao tốc trang bị tên lửa (KCR) thứ hai sản xuất trong nước. Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang, Tư lệnh Hải quân, cùng nhiều quan chức cấp cao Quốc hội và Chính phủ Indonesia đã tham dự lễ ra mắt tàu KRI Kujang-642 tại đảo Riau.
Bộ trưởng Quốc phòng cho biết Indonesia sẽ tiếp tục triển khai chương trình hiện đại hóa quân đội nhằm đổi mới tất cả các hệ thống vũ khí chủ lực, trong đó có việc trang bị thêm 14 tàu KCR cho Hải quân đến năm 2014. Tàu KRI Kujang-641 đã được đưa vào hoạt động hồi tháng 4/2011, và cả hai con tàu này đều do công ty Palindo PT Marindo của Indonesia sản xuất.
Tầu KRI Kujang-642 đóng trong vòng một năm với tổng chi phí khoảng 7,98 triệu USD, dài 40m, rộng 7,4 m, tốc độ 27 hải lý, được trang bị tên lửa có tầm bắn 80-120 km, 6 khẩu pháo 30 mm và 2 khẩu pháo 20 mm, cùng nhiều thiết bị hiện đại khác, với thủy thủ đoàn 35-48 người.
Anh khai thác dầu khí ở Biển Đông
Tờ China Daily ngày 15/2 đưa tin, tuần trước công ty dầu khí BP của Anh đã được cấp phép tham gia khoan thăm dò và khai thác một mỏ khí tại lô 43/11 ở Biển Đông. Giám đốc BP China cho biết, BP sẽ góp khoảng 40% vốn cổ phần trong thời gian thăm dò và được chia 20% lợi nhuận khi dự án đi vào khai thác. BP và Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã ký thỏa thuận hợp tác về dự án này khi Phó TTg Lý Khắc Cường thăm Anh vào tháng 1 vừa qua.
Đây là dự án nước sâu thứ hai của BP ở Trung Quốc. Tháng 9/2010, BP đã được cấp phép tham gia một lô khác ở Biển Đông với tỷ lệ góp cổ phần là 40%. Với CNOOC, Trung Quốc đang có nhiều tham vọng trong việc khai thác dầu khí biển sâu. Trung Quốc có kế hoạch đưa giàn khoan dầu khí nước sâu “981” đến khoan thăm dò ở khu vực Biển Đông trong 6 tháng đầu năm nay. Giàn khoan này có thể tác nghiệp ở mực nước sâu 3000m và khoan lấy dầu ở độ sâu 12.000m.
Kể từ khi vào Trung Quốc từ cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước đến hết năm 2010, BP đã đầu tư vào Trung Quốc khoảng 5 tỷ USD.
Mỹ cân nhắc chuyển lính thủy đánh bộ ở Okinawa đến Philippines
Mạng Hoàn cầu ngày 15/2: Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết Washington đang cân nhắc chuyển một số lính thủy quân lục chiến ở Okinawa, đến Philippines. Trong phiên điều trần tại Ủy ban quân vụ Thượng viện, hôm 14/2, ông Panetta đã nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nói: “Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Australia cho phép binh sĩ Mỹ được hiện diện luân phiên. Hiện Mỹ đang trao đổi với Philippines với hy vọng sẽ dàn xếp được các hoạt động tương tự tại nước này”.
Theo kế hoạch ban đầu, Mỹ dự định chuyển 8.000 lính thủy từ Okinawa đến Guam, tuy nhiên, giờ đây Lầu Năm Góc đang xem xét chỉ chuyển khoảng 4.700 binh sĩ đến Guam, trong khi 3.300 lính còn lại được điều động đến các khu vực khác ở châu Á-Thái Bình Dương. Trước đó, Washington đã đề nghị Tokyo cho phép chuyển khoảng 1.500 lính thủy đến căn cứ không quân Iwakuni ở Yamaguchi, tuy nhiên, phía Nhật Bản đã từ chối đề nghị trên./.
Nhật Nam
http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/8/o-cua-chau-a/101883/anh-hop-tac-trung-quoc-khai-thac-dau-khi-o-bien-dong.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét