Vibay

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Xây dựng cường quốc biển

Tài liệu tham khảo

Tiasang-18/1/2012 Trong niềm kỳ vọng về sự phát triển của đất nước, chúng ta đã có chiến lược phát triển kinh tế biển nhằm hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam thành cường quốc biển. Đó là một kỳ vọng tốt đẹp. Tuy nhiên, với tinh thần “ôn cố tri tân”, bài viết này sẽ sơ bộ tìm hiểu tại sao Việt Nam, dù nằm ngay sát biển và gần với một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới, lại đã không thể trở thành cường quốc biển.

Bài hát Bay qua biển Đông:

Vì sao Việt Nam đã không là cường quốc biển?

Cuộc đua trở thành cường quốc biển chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhiều nhất là 600 năm trở lại đây. Việc Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc biển hay không ắt hẳn cũng rơi vào khoảng thời gian này. Vậy trong 600 năm vừa rồi, điều gì đã ngăn cản Việt Nam trở thành cường quốc biển?

Tìm hiểu quá trình các nước vươn ra chiếm lĩnh đại dương thì thấy rằng, việc trở thành cường quốc biển không thể là một sản phẩm duy ý chí, mà đòi hỏi phải thỏa mãn một tập hợp các điều kiện nhất định. Trong số đó, quan trọng nhất là bốn yếu tố:
i) vị trí địa lý;
ii) đặc điểm văn hóa và ý thức hệ chi phối;
iii) sức mạnh kinh tế và kỹ nghệ;
iv) năng lực tổ chức và tham vọng của chính quyền.

Lý do đầu tiên và quan trọng nhất khiến Việt Nam đã không thể phát triển thành cường quốc biển là cho đến tận ngày nay, Việt Nam vẫn rập khuôn theo mô hình kinh tế - xã hội của Trung Quốc.

Chính tư tưởng hướng về lục địa, coi mình là trung tâm của thế giới của người Trung Quốc, đã ảnh hưởng xấu đến mô hình phát triển của các nước chịu ảnh hưởng nặng về ý thức hệ Nho giáo xung quanh, trong đó có Việt Nam. Hậu quả là trong suốt thời phong kiến, thay vì hướng ra biển để hội nhập với thế giới, Việt Nam lại hướng về phương Bắc với tinh thần bám chặt vào đất trong việc xây dựng mô hình kinh tế - xã hội của mình. Đây chính là neo ý thức đã giữ chân người Việt không vươn ra được với thế giới. Tệ hại hơn, các triều đình phong kiến Việt Nam cũng bắt chước người Trung Quốc tự cho mình là văn minh hơn thế giới bên ngoài, nên đã bế quan tỏa cảng, không chịu canh tân cải cách để phát triển đất nước.

Một số nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, dù là quốc gia ven biển hoặc giữa biển, nhưng cũng không thể phát triển được thành cường quốc biển cho đến khi bứt ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, với Nhật Bản từ giữa thế kỷ XIX và Hàn Quốc nửa sau thế kỷ XX.

Lý do thứ hai là sức mạnh kinh tế và kỹ nghệ của Việt Nam chưa bao giờ đủ lớn để phát triển các đội tàu chiến, thương thuyền lớn có thể chinh phục đại dương.

Cho đến thế kỷ XIV, người Việt Nam vẫn quanh quẩn tập trung làm ăn ở vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là vùng đất trũng, nhỏ hẹp, luôn bị thiên tai đe dọa nên người Việt đã không thể có đủ tích lũy cần thiết làm tiền đề cho các chuyến viễn du, các hoạt động vươn ra biển lớn.

Quy mô dân số nhỏ cũng là một hạn chế trong việc tích lũy để chinh phục thế giới bên ngoài. Ngay cả sau khi đã Nam tiến khoảng hơn 200 năm về trước, diện tích và quy mô dân số của Việt Nam có tăng lên, nhưng địa hình lại hẹp và dài từ Bắc chí Nam, dàn trải trên một dải có nhiều cấu trúc địa hình và khí hậu khác nhau, trong đó chủ yếu là đồi núi, dẫn đến hạn chế trong việc phát triển nông nghiệp và các hoạt động kinh tế khác ở quy mô lớn. Ngoài ra, đặc điểm dài và hẹp này cũng đã tạo ra tính cục bộ rất lớn trong các hoạt động kinh tế - xã hội của các địa phương. Điều này góp phần kìm chân người Việt Nam vươn ra biển vì nó trái ngược với tinh thần hội nhập của văn hóa đại dương.

Điều đáng lưu ý là sau khi đã chinh phục đồng bằng sông Mekong thì thói quen bám chặt đất từ ngoài Bắc chuyển vào, cộng với sự trù phú của đồng bằng phía Nam, chắc hẳn cũng đã góp phần giữ chân người Việt đi xa hơn ra biển cả.

Việc coi thường thương nghiệp trong suốt thời phong kiến, với việc xếp hạng thương nhân là tầng lớp thấp nhất trong xã hội, cũng ảnh hưởng quyết định đến việc buôn bán trao đổi với nước ngoài. Sau khi giành độc lập, tình hình cũng không khá hơn với chính sách “ngăn sông cấm chợ”. Chính việc buôn bán thương mại quốc tế là một trong những động cơ lớn để thúc đẩy các cường quốc châu Âu đóng các tàu hàng lớn và thăm dò khám phá thế giới. Trong suốt lịch sử phát triển của mình, Việt Nam thiếu hẳn động cơ này, nên không thể vươn ra biển dù ở ngay cạnh một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất của thế giới.

Đến cuối thế kỷ XIX, Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp nên không chủ động được sự phát triển của mình. Sau khi độc lập năm 1945, Việt Nam lại trải qua ba cuộc chiến lớn, nên chưa khi nào có tích lũy kinh tế - kỹ nghệ đủ mạnh để phát triển hải quân và những đội tàu lớn nhằm chiếm lĩnh đại dương. Còn nhớ, vua Minh Mạng nhà Nguyễn đã từng cho đóng tàu chiến bọc đồng, nhưng sau đó không thể phát triển tiếp vì không có một nền móng khoa học kỹ thuật và kinh tế đủ mạnh để hậu thuẫn. Các hoạt động quân sự đương thời không đủ cường độ cần thiết để thúc đẩy công nghệ đóng tàu chiến. Các hoạt động kinh tế và hệ thống phụ trợ như cảng biển, dịch vụ ven bờ cũng không đủ để thúc đẩy cho ngành hàng hải phát triển.

Thứ ba là về mặt lịch sử và chính quyền, Việt Nam thường trực trong tinh thần thời chiến.

Do nằm bên cạnh một nước lớn, lại luôn có tham vọng bành trướng xuống phía Nam, nên Việt Nam có rất ít thời kỳ hòa bình, tự chủ đủ dài để phát triển đến trình độ đủ cao khả dĩ vươn ra đại dương. Thêm vào đó, sự phân chia đất nước thành Đàng Trong – Đàng Ngoài từ cuối thế kỷ XVI đã đẩy Việt Nam vào tình trạng tranh chấp nội bộ hoặc nội chiến liên miên. Chính quyền phong kiến trong các thời kỳ này đều ưu tiên vào việc củng cố quyền lực, tranh giành nội bộ hoặc bị hút vào việc chống chọi lại sự bành trướng từ phía Bắc để tồn tại, nên đã không hoàn bị đủ mạnh để điều hành công cuộc vươn ra biển.

Sau khi bị Pháp xâm chiếm và đặt Việt Nam làm thuộc địa từ cuối thế kỷ XIX, chính quyền phong kiến của Việt Nam hoàn toàn mất tác dụng trong việc định hướng sự phát triển của đất nước. Những cuộc chiến tàn khốc mà Việt Nam phải đương đầu trong phần lớn thế kỷ XX và một số sai lầm trong chính sách phát triển sau khi thống nhất đã lấy đi nhiều mất cơ hội phát triển của Việt Nam.

Việc vươn ra biển lớn để hội nhập với thế giới chỉ mới thực sự nhen nhúm trong khoảng mười năm trở lại đây, khi Việt Nam và Mỹ ký hiệp định Tự do thương mại song phương. Mười năm là khoảng thời gian quá ngắn để một nước nghèo, lại gặp phải vô số khó khăn về kinh tế và thể chế như Việt Nam, vươn ra mặt biển. Vì thế, cho đến giờ, Việt Nam chưa phải là cường quốc biển cũng là điều dễ hiểu.

Làm thế nào để vươn ra biển lớn?

Ngày nay, trong thời hội nhập và toàn cầu hóa, nhu cầu xây dựng một nền văn hóa đại dương, chinh phục biển lớn để vươn ra toàn cầu đã trở thành một niềm mong muốn đối với nhiều người Việt. Tuy nhiên, những lý do ngăn cản Việt Nam phát triển thành cường quốc biển trong quá khứ vẫn hiển hiện. Tư duy bám chặt đất liền, nay biến tướng thành bám chặt một hệ tư tưởng hay một khuôn mẫu cũ, an phận với đời vẫn còn nặng nề như hàng trăm năm về trước. Kiểu tư duy này trái ngược hoàn toàn với tư duy đổi mới, hội nhập, chinh phục của các cường quốc biển. Vì thế, nếu không đổi mới tư duy, từ bỏ những mô hình, thang giá trị cũ thì sẽ rất khó hình thành văn hóa đại dương để vươn ra chinh phục biển lớn.

Nếu trong thời đại công nghiệp, các hoạt động kinh tế biển và liên quan đến biển, thể hiện cụ thể ra ngoài bởi sự có mặt của các cảng biển, là tối quan trọng để một thành phố hay đất nước trở thành cường quốc, thì trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay, đặc biệt với sự phát triển của hệ thống hàng không dân dụng, vai trò của hệ thống cảng biển đã giảm đi rất nhiều. Ví dụ cụ thể minh họa cho trường hợp này là hai thành phố Liverpool Manchester của nước Anh. Hai thành phố này có thể coi là địch thủ của nhau trong mọi lĩnh vực, từ bóng đá đến phát triển kinh tế. Do có cảng biển, Liverpool đã từng là một trong những cửa ngõ chính để nước Anh đi ra và chinh phục thế giới. Còn Manchester thì tuy nằm trong nội địa nhưng lại có một sân bay thuộc hàng lớn nhất của nước Anh. Vì thế, sự cạnh tranh của Liverpool và Manchester phần nào là sự cạnh tranh gián tiếp của hai mô hình phát triển kinh tế dựa vào cảng biển và cảng hàng không.

Nếu như trước đây Liverpool chiếm ưu thế vì có cảng biển lớn thì ngày nay, Manchester luôn dẫn trước vì có sân bay lớn. Điều đó cho thấy, khi ngành hàng không dân dụng phát triển thì nếu biết khai thác, cảng hàng không có thể chiếm ưu thế trong việc thúc đẩy hội nhập và phát triển kinh tế so với cảng biển.

Tuy nhiên, cả hai loại hình phát triển dựa vào cảng biển và cảng hàng không này đều có một điểm chung là tư duy hội nhập và chinh phục thế giới rất cao. Đó là một trong những đặc trưng chính của văn hóa đại dương. Vì thế, trong việc xây dựng văn hóa đại dương thì quan trọng nhất là xây dựng tư duy hội nhập và chinh phục thế giới ở bất cứ lĩnh vực nào, chứ không nhất thiết chỉ giới hạn trong việc dốc sức để đóng thuyền to tàu lớn hay xây dựng hệ thống cảng biển tràn lan không hiệu quả.

Muốn làm được điều này, trước hết phải dám từ bỏ tư duy bám chặt đất liền – nay còn thể hiện ở việc bám vào một neo ý thức hệ duy nhất - để chủ động học hỏi những thành tựu về tư tưởng học thuật, cách thức tổ chức xã hội khoa học - dân chủ của thế giới, nhằm thoát khỏi tình trạng tự ru ngủ trong các mô hình, ý thức hệ và thang giá trị đã lạc hậu nhưng lại có tác dụng như những neo ý thức giữ chân Việt Nam không thể vươn ra hội nhập cùng quốc tế.

Giáp Văn Dương

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&News=4828&CategoryID=7
-------------------------------------------------------

Đây là đoạn kết bài viết nhưng không hay: ( Không rõ tác giả đang viết về Việt Nam hay đang viết về Trung Quốc ? )

Chính vì thế muốn Việt Nam trở thành cường quốc biển thì trước hết cần rũ bỏ những mô thức tư duy cũ, trong đó quan trọng nhất là thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa hướng vào lục địa, bế quan tỏa cảng, coi mình là trung tâm của thế giới. Và chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể hội nhập thực sự và từng bước chinh phục thế giới, ở bất cứ lĩnh vực nào chứ không nhất thiết chỉ giới hạn trong việc chinh phục mặt biển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét