Nhân dịp 50 năm Mỹ can thiệp ở Việt Nam (cách tính này chỉ là ước lệ vì mọi người đều biết Hoa Kỳ viện trợ cho quân đội Pháp, rồi quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngay từ những năm 1950), tôi được một người bạn thân yêu cầu viết đôi dòng có tính chất tiểu sử. Thay vì viết, và viết dở, những gì mà hàng trăm nhà sử học của đủ mọi nước đã viết, và viết hay hơn, tôi sẽ đi vòng bằng cách kể lại vài mẩu chuyện cá nhân để tìm cách minh họa những con đường đã dẫn tôi tới cuộc kháng chiến của Việt Nam, trước khi rút ra những điều mà tôi cho là bài học của cuộc kháng chiến.
Tháng năm 1977. Chiến tranh với Mỹ đã kết thúc. Trở về miền Nam Việt Nam, tối hôm ấy tôi đi ăn với mấy người bạn. Một ca sĩ, tuổi trạc ba mươi, mảnh khảnh, hát một bản dạ khúc. Tôi nhờ nhân viên phục vụ mang bia và thuốc lá tặng ca sĩ. Anh ta tiến lại gần bàn và chúng tôi yêu cầu hát thêm vài bản tiền chiến. Hát xong, trước khi đi, anh ghé tai tôi, thì thầm : Anh được (« cải tạo ») ra từ hồi nào vậy ? Tôi không biết trả lời thế nào hơn là xiết chặt người anh.
Tháng chín 2005. Trong công viên của bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Tôi vừa đi thăm một « bà chị » thành viên của phái đoàn ở Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1975). Ngoài vườn, tôi gặp một nhóm bệnh nhân, tóc đã bạc trắng, húi ngắn theo kiểu quân đội. Tôi thấy một người quen quen. Ông ta dường như cũng nhận ra tôi. Chúng tôi chào nhau. Ông hỏi : Trông anh quen quá. Hồi đó anh ở chiến trường nào ? Tôi mỉm cười : Tôi ở mặt trận ngoại giao Paris. Chúng tôi ôm nhau rồi ai đi đường nấy.
Tháng năm 2004. Tôi đi thăm người bạn phụ trách kế hoạch tái thiết Irak. Địa điểm gặp gỡ là văn phòng của anh bạn, nằm ở trung tâm « khu xanh » (khu an toàn, chú thích của người dịch) của Bagdad. Chúng tôi ôm hôn nhau, rồi tôi ngồi xuống ghế đối diện. Đừng ngồi đó, anh bạn vội nói. Anh hãy ngồi đằng sau cái cột này. Cách đây nửa tháng, một người khách ngồi đó, bị rốc-két bắn bị thương đấy. Tôi đành nghe lời bạn, rồi tôi cười, hỏi anh : Thì cũng giống những quả rốc-kết mà chúng tôi bắn vào anh những năm 60 ở Sài Gòn chứ gì ? Anh ta gật đầu cười : Đúng thế, nhưng rốc-két của các anh không chính xác bằng. Những năm ấy, người bạn tôi làm việc ở miền Nam Việt Nam cho cơ quan USAID, phụ trách kế hoạch bình định và tái thiết. Sau đó câu chuyện giữa chúng tôi xen kẽ cả tiếng Việt : vợ anh là người Chợ Lớn và anh vẫn thường nói tiếng Việt. Một tuần sau, chúng tôi gặp lại nhau, lần này ở phi trường, tôi thì tiếp tục đi công tác, còn anh thì về hưu. Lời nói cuối cùng của anh : "Chúng nó không nhớ gì cả, không học được điều gì cả" (từ kinh nghiệm Việt Nam ?)
Tháng hai 2003. Công tác ở Kabul. Như thường lệ, tôi có nhiệm vụ gặp lãnh đạo các đảng phái chính trị (tạm gọi như vậy vì ở Afghanistan không có những chính đảng theo đúng nghĩa của danh từ này). Trong phòng, khoảng mười lăm người, súng AK47 trong tay, ngồi trên nệm tròn đặt dưới đất. Khi tôi bước vào, một người trung niên to lớn, để râu quai nón, đứng lên và hỏi tôi : « Ông từ đâu đến ? ». Tôi vội đáp tôi do Liên Hiệp Quốc gửi tới và tôi là người Việt Nam. Ông ta đặt súng xuống đất và chìa tay ra bắt tay tôi, chào mừng : « Cách đây mấy tháng, chúng tôi săn lùng Bin Laden ở vùng núi Tora Bora. Khi còn cách chỗ đó 20 km, chúng tôi thấy B52 trải thảm bom xuống núi. Tôi cầm súng từ những năm 80, vậy mà hôm ấy tôi sởn tóc gáy. Về sau, chúng tôi bảo nhau : « Không biết làm thế nào mà người Việt Nam chống cự được suốt bao nhiêu năm trời ? ». Ông là người Việt Nam đầu tiên tôi được gặp. Cho nên tôi xin được bắt tay ông một cái ». Những người khác cũng đứng dậy bắt tay tôi.
Mexico 2010. Mẩu tin ngắn trên báo địa phương : hải quân Hoa Kỳ và Việt Nam triển khai diễn tập trên Biển Đông. Tờ báo không bình luận gì thêm.
Những giai thoại kể trên, tôi không theo trình tự thời gian. Chúng có ý nghĩa đối với tôi, tựa như những cái mốc đánh dấu dòng suy tư phi tuyến tính trong đó những sự kiện quá khứ soi sáng hiện tại và vạch ra những đường hướng có thể của tương lai. Đồng bào tôi có hàng triệu người đã trải nghiệm như thế, và điều quan trọng đối với tôi khi tôi kể lại phần nào hành trình của mình, là để nhận ra rằng, người này chọn còn đường này, người kia chọn con đường kia, rốt cuộc chúng tôi, hầu hết chúng tôi, cũng gặp nhau trên những nẻo đường kháng chiến.
Đối với những anh chị em cùng thế hệ với tôi, cuộc đời trưởng thành – cuộc đời mà mỗi người phải chịu trách nhiệm về chính mình – là cuộc đời bị chiến tranh chế ngự, tới mức không còn phân được cuộc sống và chiến tranh, một cuộc đời trong đó, mọi suy nghĩ, hay không suy nghĩ, đều dính dấp đến chiến tranh. Nói khác đi, chiến tranh không phải là cái dấu ngoặc giữa hai thời gian hòa bình. Chiến tranh là chính cuộc sống. Malraux từng nói, người ta có một ưu quyền, trước hết đó là quyền được chọn lựa. Trong trường hợp của chúng tôi, ưu quyền ấy là quyền phân biệt trạng thái chiến tranh với trạng thái hòa bình, và tự mình chọn lựa. Trong lứa bạn bè học sinh trung học của tôi, thì những người mà gia đình có khả năng đều theo học ở các trường đại học Pháp, Anh, Úc hay Mỹ, nhất là ngay từ năm 1960, khi mà các bên khẩn trương chuẩn bị chiến tranh. Những ai không có phương tiện thì chỉ còn một con đường là nhập ngũ. Thế hệ của tôi, hồi ấy, tôi không nhớ có ai gia nhập hàng ngũ kháng chiến, lúc đó người ta gọi là Việt Cộng (nói giọng Nam Bộ thì thành… Diệt Cộng).
Tôi thì được gửi sang học trường Đại học Lausanne, Thụy Sĩ. So với một xã hội thời chiến mà tôi vừa sống, thì không có nơi nào tương phản hơn là thành phố bên bờ hồ Léman này. Với những sinh viên thuộc thành phần và lứa tuổi của tôi, mục tiêu đã vạch sẵn : thi đỗ tốt nghiệp, bằng cấp càng cao càng tốt, nhanh chóng sử dụng thành thạo ngoại ngữ (tiếng Anh và, tất nhiên, tiếng Pháp), về nước, và tiến thân, đến đỉnh cao quyền lực. Quyền lực ấy có do quân đội kiểm soát, và quân đội có do ngoại bang kiểm soát, điều đó thật ra không đặt thành vấn đề đối với chúng tôi. Thực sự mà nói, chúng tôi nuôi dưỡng ảo tưởng là sự có mặt của ngoại bang chẳng qua là tạm thời. Chẳng phải chúng tôi đã được học là Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến, xã hội chúng tôi đã được tổ chức, có tôn ti trật tự từ lâu, khi Hoa Kì chỉ là thuộc địa của Anh đó sao ? Chúng tôi lặp đi lặp lại câu nói của tướng De Gaulle nói về nước Pháp, mà chúng tôi vận vào Việt Nam : đất nước này đến từ thẳm sâu của thời đại. Mấy tay lính ngoại quốc, sá chi ! chẳng qua chỉ phục vụ lợi ích lâu dài của chúng tôi.
Đối với nhiều người trong chúng tôi, sự bừng tỉnh không êm ái chút nào. Cùng với sự thức tỉnh, ý thức sâu sắc là giờ chọn lựa đã điểm, một sự chọn lựa không nhất thiết là đoạn tuyệt triệt để, nhưng phải phù hợp với những gì mà chúng tôi coi là những giá trị cơ bản. Cuộc chiến tranh đang diễn ra trước mắt chúng tôi không chỉ là cuộc giao tranh giữa hai lực lượng đối nghịch. Với khía cạnh huynh đệ tương tàn, dù đó không phải là tính chất cơ bản, cuộc chiến tranh đã đảo lộn cuộc đời chúng tôi, thay đổi nếp sống, thay đổi những giá trị truyền thống cũng như tương lai của chúng tôi, một tương lai ngày càng bất trắc. Ngày nay nhìn lại, có thể nói rằng cuộc chiến tranh ấy, với chuỗi dài những khổ đau mất mát (mất đi những người thân, và mất đi cả những ảo tưởng), đã cưỡng bức, đã ném chúng tôi vào cuộc toàn cầu hóa.
Phần tôi phải nói là tôi gặp may. Năm 1962, ở Evian (thành phố nằm ven hồ Léman, phía nam -- chú thích của người dịch) nước Pháp thương lượng với Mặt trận giải phóng dân tộc Algérie để chấm dứt chiến tranh. Phái đoàn FNL đóng ở Lausanne (thành phố Thụy Sĩ, bờ phía bắc hồ Léman). Một thành viên của phái đoàn kết thân với tôi, nhiều lần chúng tôi chuyện trò suốt tối. Anh cho tôi hiểu việc bộ đội Việt Nam đánh bại quân đội Pháp đã tác động thế nào lên anh. Điện Biên Phủ đã kết thúc thời kì thuộc địa. Lần đầu tiên, lịch sử chính trị của đất nước hiện ra với tôi, không còn là sự lắp ghép những sự kiện rời rạc. Những nhân vật lịch sử không còn là những bà con họ hàng xa gần của gia đình tôi hay là những người quen của cha mẹ tôi. Cha tôi là bác sĩ nhiều người biết tiếng, cựu bộ trưởng y tế, ngự y của quốc trưởng. Đối với cha tôi, chính trị là một cuộc chơi giữa bạn bè, đồng minh hay đối thủ, nhưng là một thú chơi nhàn tản của giới thượng lưu. Quan niệm ấy cũng có cái hay hay là nó cho phép nhìn chính trị với một khoảng cách nhất định, xa lạ với đam mê chính trị, và mở ra khả năng nhìn người nhìn việc với tinh thần khoan dung mãi về sau này tôi mới cảm nhận được giá trị, sau những năm làm việc cho Liên Hiệp Quốc. Cũng phải nói thêm là sự thiếu vắng đam mê kiểu "phe phái ăn thua đủ" này, một phần là do nếp giáo dục (để cho tình cảm lấn át tràn lan là một điều bị coi là hết sức dở) phần nữa là vì bản thân dòng họ của chúng tôi cũng chia hai phe. Anh em họ, chú bác tôi nhiều người đã cầm súng chiến đấu, ở bên này hay bên kia. Cuộc chiến tranh kéo dài suốt mấy thập niên, não trạng đối đầu dường như cũng lắng xuống, nhường chỗ cho sự cảm thông, chấp nhận duyên nghiệp theo quan niệm của đạo Phật.
Năm ấy, tôi đọc ngốn ngấu tất cả những gì viết về lịch sử Việt Nam, về nguồn gốc các cuộc chiến tranh thuộc địa, về thực trạng xã hội mà lúc đó các công cụ khoa học biết được. Bài học đầu tiên mà tôi rút ra được : tri thức không phải là cái gì có thể truyền đạt được, mà phải được lĩnh hội ; lịch sử không phải là một hiện thực để người ta phát hiện ra, mà ta phải tư duy nó, xây dựng nó.
Từ những trang sách ấy, một cách rất tự nhiên, tôi đi tới những suy nghĩ về các lí thuyết về biến đổi xã hội, và từng bước, tôi khao khát kết hợp hài hòa thực tiễn xã hội của mình với những lí luận mà mình tin tưởng. Thực tiễn đây là tham gia phong trào trí thức, bắt đầu ở Pháp rồi lan truyền sang các nước Châu Âu, đấu tranh chống lại cuộc chiến tranh của Mỹ đã lan rộng ra toàn quốc Việt Nam ngay từ năm 1965.
Diễm phúc của tôi là trong phong trào ấy, tôi đã được gặp và kết thân với những đầu óc ưu tú nhất của giới Việt Nam ở nước ngoài. Nhờ họ, tôi có dịp suy nghĩ về nền văn hóa « tự phát » mà tôi mang trong người, về cái bản sắc dân tộc thường được coi là bất di bất dịch mà thực ra vẫn thiên biến vạn hóa, theo dòng lịch sử, theo từng hoàn cảnh. Marc Bloch nói chúng ta là những đứa con của thời đại của chúng ta nhiều hơn là con của cha ông chúng ta. Điều minh triết ấy, mãi về sau, trải qua cuộc đời nghề nghiệp, tôi mới ngộ ra, nhưng đây lại là chuyện khác. Điều chắc chắn, là trong sự phong phú muôn vẻ của giới tham gia phong trào này, tôi củng cố một lần nữa niềm tin vào những quyết định của mình. Niềm tin ấy, cho đến ngày hôm nay vẫn nguyên vẹn, là không có sự chọn lựa nào khác.
Rồi các biến cố dồn dập xảy ra. Giữa cao trào những biến cố tháng năm 1968, Hội nghị Paris về Việt Nam khai mạc. Là một trong số khá hiếm những người song ngữ Pháp/Việt, lại biết chút ít tiếng Anh, tôi được đoàn đại biểu Mặt trân Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam chọn vào làm việc ở Cơ quan Thông tin, bề ngoài là một nhiệm sở báo chí, thực chất là cơ quan hỗ trợ cho cuộc đàm phán. Công việc của cơ quan là công việc của một phái bộ ngoại giao, công việc của tôi chủ yếu là dịch, sau đó là viết các bài diễn văn cho đoàn, một công việc nữa là phân tích tình hình chính trị.
Từ những năm tháng làm công việc này, tôi không có gì để kiêu hãnh vô lối, có chăng là cảm nhận đã làm tròn bổn phận. Đất nước kêu gọi, và chúng tôi đã đáp lời hưởng ứng. Tự nhiên như người ta hít thở để sống. Trong bạn bè chung quanh tôi, ai ai cũng an nhiên phục vụ đất nước như vậy. Và khi có dịp quan sát phía đối diện, những người mà chúng tôi coi là đối phương vì họ là đồng minh của ngoại bang, ở nhiều người tôi cũng thấy có thái độ tương tự. Cố nhiên, quan niệm về chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa giữa chúng tôi và họ, khác nhau. Nhưng sự khác biệt không có gì lớn trong quan niệm về hoàn thành nhiệm vụ.
Tham gia Hội nghị Paris có bốn đoàn đại biểu. Đoàn chúng tôi, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ; đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ; đoàn chính phủ Hoa Kì và đoàn của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, mà chúng tôi gọi là chính quyền Sài Gòn. Tôi có người anh em họ, đại tá, là người phụ trách truyền thông cho phái đoàn Sài Gòn, còn anh rể tôi, cũng mang quân hàm đại tá, là cố vấn quân sự cho phái đoàn này. Các anh thường đến nhà tôi ăn cơm tối. Quy tắc duy nhất mà chúng tôi đều tuân thủ là : không bàn chuyện Hội nghị. Chúng tôi đối địch, nhưng chúng tôi tôn trọng sự chọn lựa của nhau, vì biết rằng đó là cái giá để gìn giữ nhân cách của mỗi người.
Ngày nay nhìn lại và suy nghĩ về những cuộc gặp gỡ bên lề cuộc hội nghị có ý nghĩa trọng đại đối với đất nước, thì kết luận đầu tiên mà tôi rút ra là : xét cho cùng, gia đình, văn hóa, lịch sử và sự thương mến lẫn nhau, tóm lại một chữ là : dân tộc, vượt qua mọi hàng rào chiến tranh. Ai đó từng nói là thương hại người nào phải chọn lựa giữa tình bạn và tình yêu tổ quốc. Thú thực là tôi không hiểu thấu sự thương hại đó, bởi yêu nước cũng là yêu sự cao cả của đất nước, mà thử hỏi có gì cao cả hơn là lòng khoan dung hào hiệp ? Trong ý nghĩa ấy, lẽ nào các dân tộc khác lại khác chúng tôi, dân tộc Việt Nam ? Dân tộc, đối với một số người, có thể là cộng đồng, bộ lạc, gia tộc. Trong quan niệm trừu tượng về đời sống và tiến hóa xã hội, những người chủ trương dân chủ cấp bách thường bỏ qua yếu tố này. Trong nhiều năm trời, tôi đã nhiều lần cố gắng chia sẻ tình tự dân tộc với bạn bè người Âu. Tôi không nghĩ là đã làm được. Về đề tài này, Benedict Anderson đã viết một tác phẩm tuyệt hay, cuốn sách của ông đã được tái bản không biết bao nhiêu lần (Imagined communities. Reflections on the origin and spread of nationalism, CT của ND) nhưng tình cảm dân tộc vẫn còn là một cái gì trừu tượng, nhất là ở những quốc gia sinh ra đời là để truyền đạt những thông điệp cứu thế, và bản thân những thông điệp ấy lại phát sinh hoặc từ một cuộc đại cách mạng hoặc từ một thế lực kinh tế công nghiệp to lớn, do đó tình cảm dân tộc ở trong đó trước hết là ý chí truyền bá thông điệp cứu thế đó…
Cho nên, đối với những quốc gia này, chủ nghĩa dân tộc chẳng qua một thứ chủ nghĩa sôvanh chống lại sự có mặt (thống trị) của ngoại bang, hay chỉ là tấm màn che đậy quyền thống trị của một đẳng cấp thượng lưu cổ truyền không muốn để cuộc toàn cầu hóa cướp mất quyền lực. Tôi đã hoài công giải thích là khi xung phong, người chiến sĩ Việt Nam hô to « độc lập » chứ không hô « cách mạng », là tình cảm dân tộc ấy rất khó giải thích một cách thuần lý tính, là cần phải phân biệt chủ nghĩa dân tộc của kẻ đi chinh phục và chủ nghĩa dân tộc của những người giành lại quyền tự chủ ; mà chẳng ăn thua gì ! Điều này bây giờ càng ý vị, vì thế giới không còn thuộc địa, nhưng các cuộc nổi dậy vẫn dương cao ngọn cờ độc lập, nhân danh dân tộc, một khái niệm càng ngày càng khó định nghĩa, nhưng mỗi ngày mỗi khắc sâu trong tâm khảm.
Tôi không muốn quay trở lại cuộc tranh luận mà cách đây mấy thập niên, Perry Anderson đã khởi xướng – theo P. Anderson, chủ nghĩa Marx – học thuyết chính thức của Việt Nam ngày nay – có một khiếm khuyết lớn, đó là vấn đề dân tộc, và « người bạn đường tư tưởng » của nó, chủ nghĩa dân tộc. Nếu đúng như vậy, thì chẳng qua chủ nghĩa Marx cũng là con đẻ của thời đại của Marx, chứ tác phẩm « Vấn đề Dân tộc » của J. Stalin cũng không thể làm thay đổi ý kiến.
50 năm sau ngày Mĩ can thiệp ở Việt Nam, điều đáng chú ý, là các cuộc tranh luận về chủ nghĩa dân tộc vẫn giữ tính chất thời sự, dù ở Irak hay Afghanistan, đó là không kể những cuộc xung đột không kém ác liệt nhưng ít được để ý ở Châu Phi. Mỗi lần sang Irak hay Afghanistan, tôi thường bất giác tưởng như mình trở lại 40 năm về trước. Hoa Kì muốn giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng cách nào ? Việt Nam hóa ! Một quân đội quốc gia, một lực lượng cảnh sát quốc gia, một chính sách phát triển kinh tế và xã hội quốc gia. Tất cả những thứ đó cộng với ngoại viện ào ạt, khi nào các định chế nói trên tự mình đứng vững được thì sẽ cắt giảm viện trợ. Chiến lược ấy không thành công ở Việt Nam ? Tại vì Việt Nam là một ngoại lệ, tại vì… (có thể kê ra hàng chục lí do, nhưng không có cái nào chính đáng). Lần này, ở Irak hay Afghanistan, nhất định sẽ thành công, hi vọng như vậy. Afghanistan-hóa, hay Irak-hóa, gọi như thế nào cũng được. Còn tình tự dân tộc ấy à ? Không thấy đâu. Ý chí quốc gia ? Trong diễn văn mĩ từ thì có đấy, nhưng không bao giờ có trong chính trị, danh từ chính trị hiểu theo nghĩa xây dựng những thiết chế dân chủ sau khi có bầu cử. Người ta hi vọng với thời gian, với giáo dục công dân, với công cuộc xóa nạn mù chữ, các dân tộc sẽ hòa mình vào dòng chủ lưu của dân chủ.
Rút ra từ cuộc đời, từ những công vụ ở nhiều nơi trên thế giới, tôi cảm nhận là rốt cuộc, sự đam mê vì dân chủ, với tất cả hàm ý công lý, tự do và bình đẳng (một hình thái khác của công lí) của khái niệm dân chủ, chỉ tồn tại và chỉ có thể tồn tại như là sản phẩm của đam mê vì độc lập, tự chủ, những quyền cơ bản mà ngày nay dân tộc của chúng tôi đã giành được. Dân tộc này có lịch sử của nó. Trở lại bốn giai thoại mà tôi kể lại ở đầu bài, tôi muốn nói điều này : tôi là một thành phần của dân tộc, của lịch sử dân tộc, với những giấc mơ và những cơn ác mộng. Một khi đã chấp nhận điều cơ bản đó rồi, người ta cũng có thể tự đảm nhiệm như một người kháng chiến, hay như một người chống lại cuộc kháng chiến ấy, như một thành viên có kỉ luật của cuộc kháng chiến và đồng thời như một người trí thức sáng suốt thấy rõ những ràng buộc của hiện thực thế giới. Sự hài hòa của cuộc sống, là biết chấp nhận quá khứ -- không thể nào thay đổi được nữa – và chuẩn bị tương lai, bất khả xác định nhưng còn để mở, bởi vì tương lai từng lúc vẫn tùy thuộc vào quyết định của chúng ta.
Những con đường dẫn tới kháng chiến, những con đường hướng về đất nước đã nuôi dưỡng chúng tôi, đã cho chúng tôi ước mơ, đã làm chúng tôi đau đớn, có vô số những con đường ấy. Chọn con đường nào là tùy những trải nghiệm cá nhân, tuỳ những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, hay những "vi quyết định" của mỗi người. Ba mươi năm sau chiến tranh, tôi không chắc là các vết thương đều đã được hàn gắn, đã lành lặn. Nhưng tôi chắc chắn rằng, ít nhất tôi tin tưởng, thiết tha, rằng những con đường ấy còn rộng mở cho mọi người, và mọi người, bên này hay bên kia, bạn bè hay đồng minh, hãy dấn thân để tìm thấy sự an lạc và nảy nở phát huy cho chính mình.
Mexico/Polanco. Tháng chạp 2011
NGUYỄN HỮU ĐỘNG
NGUỒN : nguyên bản tiếng Pháp của tác giả
bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Ngọc Giao
bản dịch tiếng Anh của Asher Korner đăng trên OpenDemocracy
CHÚ Ý : Do sơ suất (có lẽ vì bệnh Alzheimer nhen nhúm:-),
bản tiếng Việt mà chúng tôi công bố đêm 16 rạng ngày 17.12.11
là bản dịch từ bản thảo đầu tiên của tác giả. Đây mới là bản dịch
từ văn bản cuối cùng.
NGUYỄN HỮU ĐỘNG
NGUỒN : nguyên bản tiếng Pháp của tác giả
bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Ngọc Giao
bản dịch tiếng Anh của Asher Korner đăng trên OpenDemocracy
CHÚ Ý : Do sơ suất (có lẽ vì bệnh Alzheimer nhen nhúm:-),
bản tiếng Việt mà chúng tôi công bố đêm 16 rạng ngày 17.12.11
là bản dịch từ bản thảo đầu tiên của tác giả. Đây mới là bản dịch
từ văn bản cuối cùng.
http://www.diendan.org/viet-nam/bon-giai-thoai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét