Việt Nam – Trung Quốc ký kết thoả thuận giải quyết các vấn đề trên biển Đông
Ngày 11/10 tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân, nhân danh Chính phủ hai nước ký Thoả thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Việc ký kết này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo bước tiến tích cực trong quá trình đàm phán giải quyết các vấn đề trên biển. Đồng thời xác định các nguyên tắc cơ bản định hướng cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích của các bên liên quan.
Trước hết, Thoả thuận sẽ mở đường cho việc khởi động lại cuộc thương thảo về phân định khu vực biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nếu dùng Công ước Luật Biển 1982 làm căn cứ như đã ghi trong Thỏa thuận thì việc phân định cho vấn đề này cũng không quá khó khăn. Còn đối với quần đảo Hoàng Sa, câu chuyện chắc còn phải bàn lâu dài. Nếu khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ được phân định xong thì đã tạo tiền đề cho bàn bạc về quần đảo Hoàng Sa. Nhưng kết quả đó mới chỉ là bước khởi đầu, quan trọng hơn là việc thực hiện các cam kết đó như thế nào trong thời gian tới?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về chủ quyền ở biển Đông
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam chủ trương đàm phán, giải quyết, đòi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hoà bình
Chỉ vài ngày, sau khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố tổ chức tour du lịch tới Hoàng Sa. Gần đây nhất trong bài phát biểu trả lời chất vấn của các Đại biểu tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá 13, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công khai khẳng định việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa. Chính vì vậy, vấn đề chủ quyền Hoàng Sa lại càng mang tính cấp thiết, ít nhất là trong dư luận Việt Nam. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nói thêm “Việt Nam chủ trương đàm phán, giải quyết, đòi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hoà bình”
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa mang tầm quan trọng đặc biệt, nhất là khi điều đó được các giới truyền thông đại chúng trong nước tường thuật một cách chi tiết. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, một lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam công khai tuyên bố rõ ràng về vấn đề Hoàng Sa.
Khác với Trường Sa, từ trước tới nay vốn được xem là khu vực tranh chấp. Trung Quốc ngang nhiên coi Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của nước này, dù cho tài liệu chính sử Trung Hoa cũng đã thừa nhận Hoàng Sa là của Việt Nam và không bao giờ đặt Hoàng Sa vào trong nội dung các cuộc đàm phán. Do đó, việc Quần đảo này được lãnh đạo Việt Nam nhắc tới một cách chính thống như vậy cho thấy sự dịch chuyển mới trong chính sách của Nhà nước ta. Về phía dư luận trong nước bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ có những hành động cứng rắn về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Bên cạnh nước láng giềng Trung Quốc là một cường quốc, Việt Nam từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt với nhiều mất mát, đau thương để giữ nước, nên Việt Nam rất cần một môi trường hòa bình, ổn định để tái thiết và phát triển đất nước. Và sự thực là kể từ khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Việt Nam đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Trong đó, đặc biệt coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, Lào, Campuchia…
Về phía Việt Nam và Trung Quốc đều hiểu rõ trong quan hệ giữa hai nước có một bất đồng khá lớn về tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bất đồng này không thể dễ dàng giải quyết được trong một sớm, một chiều. Vấn đề này cũng gây nhiều sóng gió trong quan hệ của hai nước. Thế nhưng cả hai bên đều nhận thấy, dù muốn hay không, hai nước mãi mãi là láng giềng của nhau, mà đã là láng giềng bên nhau thì phải hòa hiếu. Đó là nhu cầu tất yếu bảo đảm cho quan hệ phát triển tốt đẹp.
Vấn đề biển Đông tạo sóng tại Hội nghị cấp cao Đông Nam Á
Về phía Trung Quốc mong muốn là không quốc tế hóa vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Nhưng hầu hết các nguyên thủ của 18 quốc gia tại Bali và lần đầu tiên một tổng thống Mỹ cũng tham gia và cùng đề cập đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
biển Đông là nơi có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc với nhiều nước trong khối ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei… Từ đó, việc các nước bày tỏ sự quan tâm lớn và thể hiện tiếng nói tích cực hơn trong vấn đề biển Đông là tất yếu khách quan và cần thiết. Họ tham gia tích cực hơn vào việc thảo luận vấn đề biển Đông chính là vì lợi ích của họ. Và đa số các nước đều ủng hộ giải quyết các vấn đề tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hoà bình; kêu gọi các nước liên quan đến tranh chấp ở biển Đông tuân thủ công ước luật biển của Liên hợp quốc, mà trong đó Trung Quốc cũng tham gia; ủng hộ việc tuân thủ tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và tiến tới xây dựng COC.
Khi bị áp đảo số lượng trên mặt trận ngoại giao, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân khẳng định Trung Quốc sẵn sàng bàn bạc về một bộ quy tắc ứng xử (COC) ràng buộc hơn. Đây là điều mà nhiều nước ASEAN đang mong muốn. Nhưng liệu có thể hy vọng rằng với tuyên bố về tương lai của một COC như trên, biển Đông sẽ lặng hơn sau quãng thời gian nổi sóng từ đầu năm đến nay không?
Bạch Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét