Vibay

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Nghiên cứu khoa học về chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

(21/10/2011)Những năm gần đây Việt Nam có nhiều chuyển biến quan trọng trong tư duy, chính sách cũng như các biện pháp cụ thể bảo vệ chủ quyền biển đảo và giữ ổn định tình hình trên Biển Đông.

Thỏa thuận Những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển mới đây được lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc ký kết càng khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị để giải quyết tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định, vì lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.



Thăm cụm dịch vụ kinh tế - khoa học-kỹ thuậttrên thềm lục địa Việt Nam
Ảnh: HOÀNG LONG

Việt Nam xác định đây là cuộc đấu tranh kiên trì, lâu dài, trên nhiều lĩnh vực, bằng nhiều phương thức, nhiều phương tiện để tiến tới mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng và tranh thủ được sự hiểu biết, sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân các nước trong khu vực tranh chấp cũng như của cộng đồng quốc tế. Trong đó, cơ sở pháp lý dựa trên các công pháp quốc tế về luật biển và các chứng cứ lịch sử gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc là một trong những lĩnh vực quan trọng cần được nghiên cứu có hệ thống để có thể trở thành những luận cứ chủ lực cho cuộc đấu tranh lâu dài bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Tuy nhiên, có một thực tế mà nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận, trong vấn đề Biển Đông chúng ta có nhiều dữ liệu lịch sử, có nhiều chứng cứ thực tế phù hợp với công pháp quốc tế trong từng giai đoạn cụ thể về xác lập chủ quyền lãnh thổ trên biển. Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa có những tổ chức nghiên cứu thật đầy đủ để có thể trình bày cho cộng đồng thế giới nhận thấy điều này. Chúng ta hãy còn thiếu rất nhiều những công trình nghiên cứu mang tính khoa học, các bài viết có tính học thuật bằng nhiều thứ tiếng phổ biến trên các tập san khoa học quốc tế để chia sẻ và tranh thủ sự ủng hộ của giới chuyên môn trên thế giới.

Các nhà khoa học cũng đã từng cảnh báo về sự nhầm lẫn giữa các bài báo mang tính chất truyền thông đại chúng với những công trình nghiên cứu mang tính học thuật, được giới khoa học thừa nhận và xem đó là những chứng từ khoa học. Điều này hiện nay diễn ra khá phổ biến trong giới học giả Trung Quốc khi họ phát biểu về "đường lưỡi bò” hoặc "chủ quyền không thể tranh cãi” của nước này bao chiếm gần trọn Biển Đông. Đó là những phát biểu hết sức cảm tính, với những luận điệu mà khi đọc nó chúng ta không biết họ thuộc giới học thuật hay chỉ là những người chỉ biết nói lấy được. Do đó, bản đồ "đường lưỡi bò” của Trung Quốc mặc dù bằng rất nhiều cách thức đã được một số tạp chí trên thế giới đăng tải, được một số trang mạng về bản đồ sử dụng, được phổ biến tại nhiều hội thảo quốc tế... nhưng cho đến nay "đường lưỡi bò” không hề được bất cứ nhà khoa học, tổ chức hay quốc gia nào thừa nhận, trừ một số học giả Trung Quốc. Thậm chí, không ít nhà khoa học của Trung Quốc cũng cho biết họ không thể chứng minh được tính pháp lý của "đường lưỡi bò” cũng như không thể định vị được nó trên thực tế. Do vậy, dễ hiểu vì sao mới đây một học giả Trung Quốc đã công khai phủ nhận Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tại một hội thảo quốc tế về Biển Đông. Khi mà, trước đó chỉ vài ngày một trong những nguyên tắc mà lãnh đạo cấp cao của hai nước Việt Nam – Trung Quốc vừa ký kết lại xem UNCLOS như là một trong những cơ sở pháp lý quốc tế cơ bản để xử lý các vấn đề tranh chấp trên biển. Có học giả cho rằng, Trung Quốc có thể bày tỏ thiện chí và sự tôn trọng UNCLOS bằng việc làm đầu tiên là rút lại yêu sách "đường lưỡi bò” phi lý, điều này chắc chắn sẽ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Một nguyên tắc bất di bất dịch với những nhà khoa học, khi xuất hiện hay phát biểu trên các diễn đàn quốc tế là các luận cứ đưa ra đều phải có bằng chứng khách quan chứ không thể nói theo kiểu cảm tính hay suy diễn chủ quan. Những yêu cầu khắt khe đó đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu nghiêm chỉnh, phải có học thuật, có chuyên môn và trên hết là tôn trọng tính khách quan xuất phát từ tinh thần khoa học nghiêm túc. Rút kinh nghiệm về giới học giả Trung Quốc, các nhà khoa học khuyến cáo chúng ta nên bắt đầu các chương trình nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông phải khác họ, phải chứng minh được khả năng học thuật của chúng ta thì mới có thể thuyết phục cũng như nhận được sự đồng tình của cộng đồng khoa học quốc tế.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Hoàng Việt: "Cho đến nay, tại những viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam hay các trường đại học lớn có chưa nhiều các công trình nghiên cứu sâu về Biển Đông. Cho nên việc đưa các thông tin lên các diễn đàn khoa học quốc tế gần như bị bỏ trống. Vì thế, giới khoa học quốc tế ít biết đến các bằng chứng của ta là điều dễ hiểu”. Ông Việt cũng cho rằng, chúng ta cần phải có chương trình nghiên cứu về Biển Đông một cách dài hơi và nghiêm túc. Tranh chấp Biển Đông có lẽ phải kéo dài nhiều năm nữa, cho nên các nghiên cứu khoa học và khách quan sẽ đảm bảo cho chúng ta biết được vị trí của chúng ta trong tranh chấp như thế nào. Vấn đề khó hiện nay là phải có những người giỏi chuyên môn và tâm huyết. Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển lực lượng nghiên cứu về lĩnh vực này. Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên Tùy viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc nhận xét: "Người Việt Nam ở nước ngoài có rất nhiều người yêu nước, có trí tuệ, có nhiều tư liệu hay về Hoàng Sa, Trường Sa. Dường như chúng ta vẫn chưa tận dụng được nguồn nhân lực này”. LS Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đề nghị: "Chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho các chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp quốc tế, đặc biệt là giải quyết tranh chấp về biển đảo. Hiện chúng ta không chỉ thiếu người mà còn thiếu cả những hình thức huy động, tập hợp đối tượng có chất xám này”.

Cần phải thấy là những sự kiện xảy ra thời gian gần đây trên Biển Đông có thể trở thành cơ hội để người Việt Nam dù ở trong nước hay đang sinh sống ở nước ngoài dễ dàng tìm được sự đồng thuận. TS Vũ Cao Phan, nhà nghiên cứu quan hệ Việt – Trung, cho rằng đã là người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù theo quan điểm nào cũng sẽ dễ dàng đồng tâm hiệp lực vì lợi ích của dân tộc. Vấn đề là phải có chủ trương đúng và hành động tích cực từ những người có trách nhiệm.

Hữu Nguyên. Xem bài gốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét