Vibay

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

"Ngũ Long" hợp nhất thực hiện tham vọng bá chủ đại dương

20/10/2012- (GDVN) “Ngũ Long” Trung Quốc không có đủ khả năng và kinh nghiệm độc lập đối phó với các tình huống quy mô lớn trên biển.
China Daily của Trung Quốc ngày 19/10 đăng bài bình luận cho hay, trong bối cảnh Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên biển Hoa Đông và một số quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông, đã đến lúc nước này phải tăng cường sức mạnh cho lực lượng hành pháp trên biển và tiến hành cái gọi là nhiệm vụ tuần tra giám sát thường kỳ trên các vùng biển mà nước này tuyên bố là “của mình”.

Hải giám và Ngư chính Trung Quốc "tuần tra" trên vùng biển gần Senkaku

China Daily cho hay hiện nay tình hình ngày càng khó khăn cho Trung Quốc trong việc bảo vệ các quyền lợi hàng hải của mình. Theo đó các cuộc tranh chấp chủ quyền trên các hòn đảo, rặng san hô, biên giới biển và vùng đặc quyền kinh tế với một loạt quốc gia láng giềng cùng “sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài” khiến cho vấn đề càng phức tạp đối với phía Trung Quốc.

Vì việc sử dụng lực lượng hải quân hoặc không quân trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ này là không khôn ngoan, cho nên các lực lượng hành pháp trên biển có thể tháo ngòi nổ cho các cuộc khủng hoảng và ngăn ngừa khả năng xảy ra xung đột. Tuy nhiên các cơ quan hành pháp trên biển hiện nay của Trung Quốc không đủ mạnh để bảo vệ cái gọi là “lợi ích hàng hải” của nước này.

Trong khi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có lực lượng Cảnh sát biển (tuần duyên) mạnh được trang bị hiện đại và có nhiều kinh nghiệm thì hiện nay ở Trung Quốc nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển được giao cho năm cơ quan: Lực lượng Cảnh sát biển của Bộ Công an, Cục An toàn Hàng hải của Bộ Giao thông vận tải, Tổng đội Hải giám của Cục Hải dương, Cục Ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp, và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Năm cơ quan này thường được nhắc đến với cái tên “Ngũ Long”.

Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản rượt đuổi tàu Hải giám Trung Quốc

Tuy “Ngũ Long” đang đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung Quốc nhưng các lực lượng này ngày càng gặp nhiều khó khăn trong xử lý các tình huống bất ngờ. Ngoài ra, các lực lượng này không được đặt dưới sự quản lý thống nhất của nhà nước Trung Quốc, dẫn tới chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo.

China Daily nhận định rằng Nhật Bản “dám” bắt giữ ngư dân Trung Quốc và tiến hành mua nhóm đảo Senkaku là vì họ có một lực lượng Cảnh sát biển mạnh được trang bị hiện đại.

Trong khi đó, “Ngũ Long” Trung Quốc không có đủ khả năng và kinh nghiệm độc lập đối phó với các tình huống quy mô lớn trên biển. Với đường bờ biển dài và vùng biển rộng lớn, Trung Quốc đã tự đặt mình vào thế khó khi không tăng cường sức mạnh cho các cơ quan thực thi pháp luật trên biển. Nếu không có các biện pháp khắc phục kịp thời, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không trở tay kịp trong trường hợp một cuộc xung đột quy mô lớn trên biển nổ ra.

Máy bay trinh sát của Nhật Bản giám sát đội tàu Hải giám, Ngư chính của Trung Quốc trên vùng biển Senkaku

Nhìn bề ngoài, “Ngũ Long” dường như có ranh giới phân chia chức năng nhiệm vụ rất rõ ràng cho từng lực lượng. Tuy nhiên trong thực tế, trách nhiệm của các lực lượng này lại chồng lấn lên nhau, gây khó khăn cho công tác phối hợp, liên lạc với nhau. Chi phí cho nhiệm vụ hành pháp rất cao mà hiệu quả lại rất thấp.

Bên cạnh đó, “Ngũ Long” còn gặp nhiều khó khăn trong liên lạc và phối hợp với các cơ quan hành pháp tương ứng của nước ngoài. Bởi vậy, điều cấp bách là chính phủ Trung Quốc phải thiết lập một lực lượng “Cảnh sát biển Trung Quốc” có cơ cấu hợp lý với chức năng, quyền hạn đầy đủ, rõ ràng.

Nhưng trong thời điểm hiện tại, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là xây dựng một hệ thống chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành pháp trên biển hiện có nhằm tăng cường khả năng hợp tác và phối hợp trong các tình huống khẩn cấp cũng như trong quá trình hoạt động bình thường. Nhân dân Nhật báo cho rằng bằng cách này Trung Quốc có thể khai thác lợi thế của từng cơ quan để từng bước đạt đến sự thống nhất về chức năng.

Chẳng hạn như Trung Quốc có thể giao trọng trách cho Hải giám và Ngư chính, những lực lượng có nhiều tàu tuần tra hơn tiến hành các chuyến tuần tra định kỳ và “duy trì trật tự” trên các vùng biển Bắc Kinh cho là thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Hiện tại chỉ có cơ quan Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an Trung Quốc là lực lượng hành pháp vũ trang duy nhất trong “Ngũ Long” và là lực lượng quan trọng nhất bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Vì trách nhiệm chính của lực lượng này là phòng chống tội phạm trên biển, trong đó có chống cướp biển và khủng bố nên cơ quan này cần phải được cấp thêm kinh phí để hiện đại hóa và xây dựng một lực lượng mạnh.

Hải quân Trung Quốc bắn pháo hiệu mở đầu cuộc diễn tập chung với Hải giám và Ngư chính trên biển Hoa Đông

Để thực hiện được tham vọng xây dựng một lực lượng “Cảnh sát biển Trung Quốc” thống nhất, China Daily cho rằng lãnh đạo nước này cần phải phá bỏ các rào cản hành chính, loại trừ lợi ích cục bộ và xây dựng một cơ cấu theo hình thức từ trên xuống dưới.

Muốn làm được điều đó, chính phủ Trung Quốc cần phải  hợp nhất “Ngũ Long”, huấn luyện và bồi dưỡng thêm nhân lực, tăng cường trang bị vũ khí cho lực lượng này. Điều này không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa lực lượng hành pháp biển Trung Quốc với các nước phát triển mà còn giúp nước này đối phó với các bên tranh chấp.

Sau khi thành lập lực lượng “Cảnh sát biển Trung Quốc” thống nhất, chính phủ nước này phải đảm bảo các nhân viên của lực lượng này được huấn luyện cùng với hải quân và thiết lập một mạng lưới thông tin tình báo và cơ chế chia sẻ thông tin liền mạch. China Daily kết luận rằng thành lập cơ quan “Cảnh sát biển Trung Quốc” thống nhất là một nhu cầu thực tế mà Trung Quốc thực hiện sớm ngày nào càng có lợi ngày đó.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Trung-Quoc-Ngu-Long-...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét