Vibay

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Một ngày trong thao trường cảnh sát đặc nhiệm

29/2/12-Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 là một trong ba đơn vị chủ công của Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an). Được trang bị vũ khí hiện đại nhất, mỗi chiến sĩ đều bắn hay, võ giỏi, leo trèo như "người nhện".


Một bài huấn luyện hằng ngày của các chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm Tiểu đoàn số 2 - Ảnh: Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 cung cấp

Trước khu vực dẫn vào nơi làm việc của ban chỉ huy tiểu đoàn có một chiếc xe kiểu dáng khá lạ. Thiếu tá Khưu Thanh Triều - phó tiểu đoàn trưởng - giới thiệu: “Chiếc RAM bọc thép này có khả năng chống đạn và cả bom, dùng cho chỉ huy khi tác chiến. Còn bên trong kia là chiếc Land Cruiser bọc thép, có lớp cửa kính thiết kế đặc biệt rất dày, chịu được đạn bắn trực tiếp, dùng để phục vụ chỉ huy và chuyên gia đàm phán với... khủng bố trong các vụ bắt cóc con tin”.

Thao trường... trên không

9g sáng. Tổ đột nhập do trung úy Lê Văn Dũng chỉ huy bắt đầu thực hiện bài huấn luyện “xuống dây chiến thuật” tại tòa nhà cao tám tầng. Đây là một trong những nội dung huấn luyện thường xuyên của tiểu đoàn.

Trong thực tế, khi chiến đấu, cảnh sát đặc nhiệm phải tụt dây từ trực thăng xuống. Nhưng trong huấn luyện hằng ngày chỉ leo thang lên nóc tòa nhà cao tầng rồi tụt dây xuống. Bài tập này được áp dụng trong tình huống con tin bị giam giữ ở tòa nhà cao tầng.

Để đối tượng bất ngờ không kịp trở tay, đội giải cứu sẽ bí mật đột kích từ trên không xuống, đột nhập vào phòng đang có mục tiêu qua cửa sổ, hành lang...

Bốn sợi dây chiến thuật được quăng từ nóc sân thượng xuống tận mặt đất. Lần lượt từng tổ, mũi cảnh sát đặc nhiệm trong trang phục màu đen đặc trưng như ninja, được trang bị vũ khí chuyên dụng, lao người ra khỏi mép tường cheo leo, dốc thẳng đứng cao hơn 30m.

Chỉ có đai lưng là thứ duy nhất liên kết họ với sợi dây. Rất nhanh nhẹn và nhẹ nhàng họ lao chúc đầu xuống dưới, treo ngược người trên sợi dây, toàn thân áp sát vào bờ tường dựng đứng, một tay điều khiển dây một tay cầm súng, mắt quan sát tìm mục tiêu trong phòng.

Tất cả thao tác kể cả việc di chuyển của từng chiến sĩ cực kỳ chính xác, gọn gàng. Một chiến sĩ cho biết nếu chỉ tụt dây liên tục từ nóc sân thượng của tòa nhà cao tám tầng này xuống mặt đất, họ chỉ mất 3-4 giây! Bài tập “xuống ngược” này được dùng trong tình huống bí mật quan sát tìm kiếm mục tiêu và hỗ trợ đồng đội tấn công.

Nhưng màn “đu dây tử thần” mới là thử thách cao và gay cấn hơn. Từ nóc một tòa nhà cao tám tầng, các chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm sử dụng súng chuyên dụng để bắn móc liên kết sợi dây sang nóc tòa nhà bên cạnh. Họ phải vượt qua quãng đường dài 40-50m trên không ở độ cao hơn 30m với dây tử thần từ nóc nhà này sang nóc nhà khác.

Bài tập “xuống dây chiến thuật” và “đu dây tử thần” là giáo án huấn luyện được đúc kết sau những lần cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn tập huấn ở Nga, Hàn Quốc...

“Khi huấn luyện “đu dây tử thần”, chúng tôi phải chính xác từng động tác vì bài tập này không có dây bảo hiểm mà chỉ có đai liên kết. Chỉ có bản lĩnh, ý chí và lòng yêu ngành mới giúp chúng tôi vượt qua được những thử thách khi tập bài huấn luyện này cũng như những bài huấn luyện khác” - trung úy Lê Văn Dũng khẳng định.


Mọi nơi đều là thao trường

Trong doanh trại của Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, từ bờ tường, tòa nhà, phòng làm việc, hàng rào... đều có thể đặt ra các tình huống biến thành “thao trường”. Thậm chí phòng của cán bộ, chiến sĩ cũng được dùng để huấn luyện đột nhập. Thao trường của họ luôn lộng gió và rát nắng đã tạo nên những con người sạm màu nắng gió và những thân hình vạm vỡ, săn chắc như đá. Với họ, học tập là công việc hằng ngày.

“Để chiến trường bớt đổ máu thì thao trường phải đổ nhiều mồ hôi” - trung úy Lê Văn Dũng nói.

Mỗi chiến sĩ phải chạy rèn thể lực ít nhất 10km và chống đẩy gần 200 lần một ngày! “Hấp dẫn” nhất có lẽ là thời gian đấu tập và huấn luyện võ thuật với nhiều tình huống sát thực tế như: các tình huống một đánh bốn, một đánh tám, thậm chí đánh mười...

Nói là đấu tập và “tình huống tập luyện” nhưng không phải là những buổi “đấm đá biểu diễn bình thường”. Nhiều anh em sau mỗi buổi đấu tập bị thâm tím, bong gân, trầy da bật máu. “Nhưng có thế mới giúp chiến sĩ phản xạ nhanh, chính xác và kinh nghiệm, bản lĩnh chiến đấu” - thiếu tá Khưu Thanh Triều nhìn nhận.

Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 có ba đại đội chiến đấu và chia làm nhiều tổ: tổ đánh bắt, tổ bắn tỉa, tổ rà phá bom mìn, tổ đánh yểm trợ... Trong đó, tổ bắn tỉa là lực lượng rất quan trọng khi tác chiến, thậm chí quyết định thành bại của cả một trận đánh.

Khi tác chiến, lực lượng này được bố trí bí mật ở các vị trí như: trên các nóc nhà, trong ô cửa sổ các ngôi nhà xung quanh khu vực tác chiến. Lực lượng này là những tay súng thiện xạ nhất tiểu đoàn. Họ được trang bị súng chuyên dùng có kính ngắm quang học với độ chính xác cao, quan sát theo dõi mục tiêu ở một vị trí cố định để tiêu diệt mục tiêu di động hoặc cố định theo lệnh cấp trên.

Trung úy Nguyễn Quang Chiến cho biết: “Chúng tôi được huấn luyện những bài bắn ứng dụng của cảnh sát đặc nhiệm các nước như Nga, Pháp, Hàn Quốc, những bài bắn thi đấu của cảnh sát các nước ASEAN...

Đây là những bài bắn có độ khó cao như: bắn bia di động chỉ to bằng ba bàn tay ở cự li 30-50m hay bài bắn vào bia mà giả định con tin chiếm hết 3/4 mặt bia, chỉ được bắn 1/4 còn lại (tức kẻ khủng bố) từ cự li 100-200m... Những đợt cao điểm, chúng tôi huấn luyện bắn súng cả ban đêm để thực nghiệm sát với thực tế trong các tình huống thực hiện nhiệm vụ khác nhau”.

Nếu tổ bắn tỉa phải thật xuất sắc về bắn súng thì tổ đánh bắt phải giỏi võ thuật và nắm kỹ chiến thuật cảnh sát đặc nhiệm để đánh bắt và tiêu diệt đối tượng, khóa và tước đoạt vũ khí của chúng. Đây là lực lượng tiên phong nên tập hợp một đội hình có chiều cao từ 1,68-1,75m, tinh nhanh, bản lĩnh, sức khỏe vượt trội.

Ngoài việc thuần thục kỹ năng đột nhập như từ dưới lên (đường ống cống, giao thông hào...), từ xung quanh (lùm cây), từ trên trời xuống (tụt dây từ trực thăng, leo đường ống nước, dây chống sét, kết dây giữa các tòa nhà cao tầng rồi đu dây từ tòa nhà này qua tòa nhà kia, một tay giữ dây một tay cầm súng bắn...), họ phải giỏi về kỹ năng bắn trong mọi tư thế (ngã sấp, khom lưng, trong tình huống bị thương, nằm ngửa, nghiêng...), trên mọi địa hình địa vật.

“Chúng tôi nghĩ ra rất nhiều bài tập khó, phức tạp để huấn luyện như vừa bay qua hàng rào nóng rực lửa vừa bắn, vừa chạy lên cầu thang vừa bắn, vừa xuống dây chiến thuật vừa bắn...” - thiếu tá Khưu Thanh Triều nói.

Những bài tập bắn súng của họ ngày càng đòi hỏi cao về tốc độ bắn và sự chính xác. Thực tế đã có nhiều chiến sĩ có thể bắn ba viên đạn với độ chụm của đầu đạn trong vòng tròn bán kính 5cm ở cự li 200m! Hay có những “cao thủ” bắn súng ngắn bảy viên đạn lật hết bảy bia chỉ chưa đầy 10 giây!

“Muốn bắn giỏi trước tiên phải hiểu được tính năng, cấu tạo, tác dụng của từng loại súng. Bên cạnh đó còn phải dựa vào các yếu tố khác như: tốc độ gió, ánh nắng mặt trời, vận tốc đầu đạn... để tính được độ chính xác của đầu đạn đến mục tiêu” - trung úy Lê Văn Dũng cho biết.

Anh chàng chỉ huy tổ đánh bắt có biệt danh Dũng “đen” này là một trong những cán bộ có trình độ võ thuật bậc nhất của đơn vị, đến nỗi khi đấu tập ai cũng sợ “bị” bắt cặp với anh. Vậy mà khi hỏi về ước mơ, công việc, về những ngày đầu mới vào lực lượng, anh cười thoáng bối rối: “Tôi còn nhớ khi được tuyển vào đội, mấy ngày đợi về đơn vị tôi không ngủ được vì háo hức quá. Hai chữ đặc nhiệm luôn trong niềm mơ ước của tôi. Tôi đã mất ba năm để hiểu được đặc nhiệm là gì và rất tự hào khi được mang trên mình bộ quân phục này. Dù công việc có nhiều nguy hiểm, thử thách nhưng đó lại là điều làm chúng tôi thấy thú vị, muốn chinh phục và cống hiến cho đất nước”.


Chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm thực hành huấn luyện “xuống dây chiến thuật” - Ảnh: Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 cung cấp

Huấn luyện bằng cả ý chí

Với phương châm “vượt nắng, thắng mưa, say sưa học tập”, một ngày huấn luyện của tiểu đoàn bắt đầu từ 5g15-16g30. Khi chương trình huấn luyện chính khóa kết thúc (16g30) là chương trình huấn luyện thể lực ngoại khóa: khí công, bắn súng, đấu tập theo các tổ nhóm... Việc tập luyện gần như chiếm phần lớn cuộc sống của các chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm.

Thượng úy Nguyễn Trung Hiếu khẳng định: “Nhiều lúc chúng tôi phải học tập, huấn luyện bằng ý chí chứ không phải bằng sức khỏe dù là môn rèn luyện thể lực. Trong huấn luyện và cả tác chiến, tính kỷ luật được đặt lên hàng đầu nên anh em phải nỗ lực hết sức để hoàn thành bài huấn luyện”.

My Lăng

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/478466/Trong-thao-truong-cua-canh-sat-dac-nhiem.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét