Vibay

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

Góc nhìn của học giả phương Tây về sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản

Góc nhìn của học giả phương Tây về sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản

Tiền sinh ra tiền; người giàu ngày càng cho vay nhiều và lấy tiền thừa thãi chủ yếu dùng vào việc đầu cơ, còn các hộ tiêu dùng thì rơi vào vòng xoáy nợ nần. Một khi không còn đủ số người tham dự thì trò chơi ấy sẽ chấm dứt.
Nhân dịp cuốn sách Chủ nghĩa tư bản giãy chết[1] của nhà nhân học và xã hội học Paul Jorion[2] ra mắt bạn đọc, báo Pháp Diễn đàn (La Tribune) số ra ngày 21/3/2011 có đăng bài phỏng vấn tác giả, do nhà báo Eric Benhamou thực hiện. Dưới đây là bản lược dịch của Nguyễn Hải Hoành và Đông Tỉnh.
– Năm 2007 ông đã dự đoán về cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Giờ đây ông cho rằng chủ nghĩa ấy đang giãy chết. Vậy bao giờ sẽ cấp giấy chứng tử?

– Sự xuống dốc của chủ nghĩa tư bản Mỹ là điều đã xác định, bởi lẽ nó đã lâm vào một động thái kích nổ mà có lẽ chỉ một số biện pháp có thể ngăn chặn, song các nhà lãnh đạo của chúng ta rõ ràng sẽ không áp dụng các biện pháp đó; và mọi sự trì hoãn càng làm cho quá trình phục hồi nếu có sẽ càng thêm khó khăn. Chớ nên ảo tưởng với sự ngóc dậy của thị trường chứng khoán hoặc vẻ ngoài khỏe mạnh của các ngân hàng. Tình trạng mất cân đối vẫn còn nguyên đó. Nhưng khủng hoảng tài chính đã làm cho các quốc gia bị suy hao. Họ không còn phương tiện để duy trì một chế độ bảo đảm an sinh xã hội hằng cho phép duy trì niềm tin rằng tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ chế độ này.

Thế mà chế độ ấy lại đối xử tàn bạo với những người không còn được bảo vệ. Xin hãy xem nước Mỹ: tại bang Wisconsin, 100 nghìn người trong đó phần lớn là tầng lớp trung lưu da trắng đã kéo ra đường phản đối sự đình chỉ các quyền của công đoàn. Có ngờ nghệch thì mới tin rằng nước Anh có thể hủy bỏ hoàn toàn hệ thống an sinh xã hội mà không gây ra phản ứng. Phong trào phản đối sẽ còn tăng lên và kèm theo quá trình sụp đổ chủ nghĩa tư bản.

– Vậy thì phải chăng cuộc khủng hoảng hiện nay không còn là một cuộc khủng hoảng có tính chu kỳ để từ đó chủ nghĩa tư bản có thể đứng dậy như mọi lần?

– Tôi không tin vào các cuộc khủng hoảng có tính chu kỳ, một lý thuyết quá bảo thủ muốn làm cho người ta tin rằng sau địa ngục thì luôn luôn có thiên đường; về nguyên tắc lý thuyết ấy loại trừ khả năng chế độ này bị tiêu diệt. Thật ra mỗi lần khủng hoảng đều khác nhau. Thế giới thay đổi theo khủng hoảng. Về điểm này tôi tán thành Karl Marx, nhà kinh tế học cận đại duy nhất dự đoán chủ nghĩa tư bản sẽ kết thúc. Ngược lại chúng tôi khác nhau ở quan điểm về nguyên nhân làm cho nó tiêu vong. Marx cho rằng nguyên nhân là ở chỗ lợi nhuận có xu thế hạ thấp. Nhưng hiện nay lợi nhuận cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong quá khứ. Cái định nghĩa cực đoan mà chúng ta từng trao cho tài sản tư nhân đang dựa vào cơ chế lợi tức vốn gây ra tình trạng tập trung của cải không thể tránh được. Để giảm bớt tình trạng tập trung ấy thì tín dụng (cho vay) phải tăng lên, và thể chế ấy ngày càng dễ đổ vỡ. Tiền sinh ra tiền; người giàu ngày càng cho vay nhiều và lấy tiền thừa thãi chủ yếu dùng vào việc đầu cơ, còn các hộ tiêu dùng thì rơi vào vòng xoáy nợ nần. Một khi không còn đủ số người tham dự thì trò chơi ấy sẽ chấm dứt.

– Phải chăng hiện nay hãy còn kịp để cứu vớt chế độ ấy?

– Từ năm 2008 đến 2010 từng xuất hiện một khoảng thời gian để thử cứu vớt chủ nghĩa tư bản, ít nhất là về một trạng thái vận hành được so với trước kia. Nhưng điều đó yêu cầu tiến hành không ít cải cách căn bản, nhất là cải cách về mặt tài chính. Có điều, sau khi bơm rất nhiều tiền mặt cho chế độ đó, cuối cùng các nhà lãnh đạo lại rao giảng rằng đã có thể tái thiết lập nó chính xác như trước kia, song không bao gồm hệ thống an sinh xã hội. Đó là một sai lầm lớn xuất phát từ sự ấu trĩ, dường như sẽ làm tăng tốc sự suy thoái. Bởi lẽ tình hình càng tồi tệ hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng, xét về mặt tập trung của cải và sức mạnh tài chính. Ngược lại với những năm 1930 từng có sự phân bổ lại tiền bạc, tất cả mọi biện pháp áp dụng từ năm 2007 càng bảo vệ người giàu, ngân hàng và nhà đầu tư.

Thế nhưng nên dành ưu tiên cho việc ngăn chặn tình trạng tập trung của cải. Việc đánh thuế có thể hỗ trợ, nhưng vẫn chưa đầy đủ. Lương bổng và chia sẻ giá trị thặng dư cũng là vấn đề trọng tâm. Điều phải làm là các cuộc cải cách căn bản để thay đổi quỹ đạo, đặc biệt trong tài chính – nguồn gốc của nhiều vấn đề. Thí dụ, chúng ta hãy cấm sự cá cược trên các giao động giá cả mà trong mắt tôi là một trong những thành phần lũng đoạn thể chế nhất. Các ngân hàng phải trở lại chức năng ban đầu của mình, là trung gian và các hoạt động bảo hiểm trên những động sản đang tồn tại, nhằm nâng đỡ nền kinh tế.

– Các chính phủ dường như đã nhận thức rất sớm về mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng. Ông giải thích như thế nào về tình trạng họ không có hành động?

– Quả là đã có một ý chí muốn thay đổi sự việc. Một trong những giải thích về sự lật ngược này cho rằng có một thiểu số độc đoán chính trị siêu mạnh đang lãnh đạo các quốc gia của chúng ta và rằng nhóm này đã không hề muốn từ bỏ dù chỉ một chút quyền lực. Giải thích này đang phổ biến nhất hiện nay nhưng không đầy đủ, thậm chí sai lầm.

Theo ý tôi, kẻ có lỗi thật sự từ tình trạng trơ lỳ này là sự sụp đổ của khoa học kinh tế. Nó tỏ ra không có khả năng cung cấp một ma trận phân tích và một tập hợp công cụ hữu hiệu. Các chính khách tin tưởng hướng về những nhà kinh tế học nhưng họ chỉ tìm thấy những cá nhân phát ngôn cho vừa lòng những kẻ đã vội đi trước thế giới trong cuộc khủng hoảng. Khoa học kinh tế ngày nay chỉ phục vụ sản sinh một ý thức hệ, cái lý thuyết toàn năng của thị trường, dựa trên những tiên đề sai lầm, với lớp sơn hào nhoáng phức tạp nhằm xua đuổi kẻ hiếu kỳ. Cuối cùng – ngoại trừ John Keynes sau đó – chỉ có Karl Marx,[3] trong sự tiếp nối từ Adam Smith và David Ricardo, [Marx] là nhà kinh tế học cuối cùng có khả năng nhận diện được chế độ này từ bên trong nó. Nhưng khi kết nối những phân tích của mình với một toan tính cách mạng, Marx đã khơi dậy sự chối bỏ hoàn toàn môn “kinh tế chính trị học” mà ông là người đại diện.[4] Đã bức thiết đến lúc [nghiên cứu] tiếp tục sự việc từ chỗ Marx bỏ lại và tái dựng một khoa học kinh tế xứng đáng với tên của nó.

– Sự phê phán thể chế này liệu có nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy?

– Chủ nghĩa dân túy phát triển khi dư luận cảm thấy không còn muốn tiếp tục bị các thiết chế thay mặt. Làm sao diễn đạt sự đối kháng của mình trước những gì đang xảy ra hiện nay? Chỉ có các cuộc thăm dò ý kiến biểu hiện được sự [chán ngấy] tràn ly của dư luận và chúng thường xuyên phát lộ từ đa số tuyệt đối dựa trên những câu hỏi đặt ra. Nhưng đa số này lại tản mát đôi chút vào ngẫu nhiên khi cần phải thể hiện bằng ý định bỏ phiếu. Chỉ còn lại những lá phiếu phản kháng, không tính tới tất cả những người không muốn bỏ phiếu nữa vì cho rằng nó đã hết có ý nghĩa. Trách nhiệm của các chính khách thật lớn: họ tuyên bố cải cách chủ nghĩa tư bản và hai năm sau vẫn những kẻ ấy lại nói rằng điều đó không còn cần thiết. Và khi thứ bậc của bà Marine Le Pen[5] tăng lên trong các cuộc thăm dò ý kiến thì phản ứng chính trị duy nhất là đòi sửa đổi bộ luật về trưng cầu dân ý! Trên thực tế chính trị đã trở thành thứ rỗng tuếch, và càng có ít hơn những lựa chọn khác có thể đưa ra. Đây cũng là thất bại của nền dân chủ.

– Tuy nhiên, liệu một lựa chọn khác thay cho chủ nghĩa tư bản có thật sự là hiện thực?

– Vâng, luôn luôn có thể đập nát các thần tượng, và thử kiến tạo ra những cái mới. Thí dụ từ cuộc Cách mạng Pháp thật là thú vị. Đó là một giai đoạn thí nghiệm trong đó chưa có những công cụ quan niệm để hiểu được diễn biến và đề xuất một lựa chọn khác. Các nhà cách mạng không có ví dụ nào để xây nên kinh nghiệm của mình. Nhưng họ có ý chí san phẳng tất cả và đã thành công khi kiến thiết một toan tính chính trị và một Nhà nước hiện đại mà Napoleon sẽ biết gặt hái kết quả.

Chú thích:

[1] Le capitalisme à l’agonie, Fayard, Paris, 2011 [Tiêu đề tiếng Anh: The Promised Death of Capitalism]. [2] Paul Jorion (1946-) hiện sống tại Pháp, là nhà nhân học, xã hội học, đặc biệt quan tâm tới khoa học nhận thức. Ông sinh ra và lớn lên tại Bỉ, từng là giáo sư các trường ĐH Brussels, Cambridge, Paris VIII và ĐH California (ở Irvine). [3] Nhà kinh tế Keynes (1883-1946) ra đời sau Karl Marx (1818-1883). [4] Ý nói Liên Xô và Đông Âu tan rã, từ bỏ kinh tế kế hoạch, chuyển sang kinh tế thị trường tư bản. [5] Marine Le Pen (1968-), luật sư, nữ chính khách cánh hữu ở Pháp, Chủ tịch Mặt trận Quốc gia từ 1/2011, có tên trong Danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2011 của tạp chí Time.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

1 nhận xét: