Vibay

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Trung Quốc ‘quăng lưới’ vây hãm Biển Đông và Hoa Đông

(Sống Mới- 26/9/13) Sự lấn lướt của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp, trong đó có việc liên tiếp quấy rối Senkaku trên Hoa Đông, và tìm mọi cách lấn chiếm bãi cạn Scarborough, nhòm ngó Bãi Cỏ Mây hay giành giật quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông, đang là những dấu hiệu đáng báo động cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế để đạt bằng được tham vọng chủ quyền phi lý của mình trên các vùng biển tranh chấp.


Ảnh minh họa: New York Times

Đó là nhận định của học giả Julio Amador III thuộc Chương trình châu Á tại Trung tâm Đông - Tây, Washington trên tạp chí Diplomat ngày 25/9. Theo ông, Trung Quốc đang tìm mọi cách để các nước trong khu vực phải e dè trước sức mạnh hải quân lấn lướt, hay nói cách khác, Bắc Kinh muốn bất chấp luật pháp quốc tế nhằm đạt được vị trí độc tôn, thống trị khu vực Đông Nam Á. Trong bài viết của mình, ông Julio khẳng định: Cách hành xử của Trung Quốc trên cả Biển Đông và biển Hoa Đông đều rất đáng báo động.

Trước hết trên Biển Đông, Trung Quốc đang ráo riết kiểm soát toàn bộ khu vực bãi cạn Scarborough. Điều này phía Philippines đã chứng minh với các hình ảnh rõ ràng cho thấy không những 75 cọc bê tông đã được đổ trái phép trên khu vực mà các tàu Hải cảnh Trung Quốc vẫn cố chấp lưu lại trên vùng biển quanh bãi cạn này, bất chấp lời kêu gọi từ giới chức Manila. Nhưng sau đó không lâu, Bắc Kinh đã vội vàng tìm cách “trả treo” bằng cách cho đăng tải các hình ảnh khẳng định đó chỉ là vỉa đá và san hô, cũng như cô lập Philippines bằng các tuyên bố gây hấn.

Tuy nhiên, ông Julio nhận định: Trung Quốc còn đang dòm ngó tới cả Bãi Cỏ Mây. Các nhà phân tích thuộc trang Strategy hồi đầu tháng 8 cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng PLA đang gia tăng áp lực nhằm đánh bật các ngư dân cũng như binh lính của Philippines khỏi Bãi Cỏ Mây. Trong khi đó, trên Bãi Vành Khăn, các tòa nhà nổi, công sự kiên cố vẫn đang được Bắc Kinh tiếp tục đầu tư củng cố và xây dựng trái phép.


Riêng trên Hoàng Sa, Trung Quốc cũng đang cố tình duy trì các tranh chấp kéo dài với Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, trên đơn vị hành chính phi pháp Tam Sa, chính quyền Bắc Kinh đã tự ý tổ chức nhiều hoạt động gặm nhấm chủ quyền của Việt Nam như: cấp giấy phép cư trú cho các công dân Trung Quốc sinh sống tại đây, tổ chức nhiều tuyến du lịch hay tuần tra trái phép, xây dựng tòa nhà văn phòng chính quyền cơ sở…

Kịch bản khó lường trên Biển Đông cũng đang được Trung Quốc áp dụng trong tranh chấp Hoa Đông. Theo ông Julio, hành động thường xuyên cho các tàu hải cảnh, tuần tra tới quấy nhiễu Senkaku là nhằm mục đích kiểm soát quần đảo không người này từng bước một. Trong khi đó, tại vùng biển cách Mũi Sata 437km về phía Tây - điểm cực Nam của đảo Kyushu (vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản), Kyodo News dẫn thông báo từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho hay một chiếc tàu Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 2011 đã xâm phạm khu vực trong chiều ngày 24/9.


Đáp lại hành động xâm phạm của Trung Quốc, chính quyền Tokyo gần đây đã có những động thái cứng rắn, chẳng hạn quyết định triển khai các máy bay do thám không người lái của Mỹ trong năm tài khóa 2015. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng nước này cũng lên kế hoạch xây dựng các cơ sở giám sát mới trên đảo Iwo Jima, cách Tokyo 1.200km về phía nam, nhằm thu thập thông tin về các hoạt động tàu thuyền của Trung Quốc trên biển Thái Bình Dương, cũng như lắp đặt hệ thống radar tối tân X-band tại Tokyo với danh nghĩa là nhằm phòng thủ trước tên lửa Triều Tiên.

Trong khi Nhật đang tạo nên một thách thức không nhỏ đối với Trung Quốc, thì các quốc gia ASEAN chưa thể tạo được thế cân bằng về sức mạnh quân sự trong tranh chấp Biển Đông. Theo Diplomat, đó cũng là lý do mà Bắc Kinh luôn dùng sức ép về quân sự để dồn các thành viên ASEAN ngồi vào bàn đàm phán theo đúng ý của họ.

Về vấn đề này, ông Julio cho rằng trong khi các nước Đông Nam Á khuyến khích Bắc Kinh đóng vai trò tích cực trong khu vực với nỗ lực “xã hội hóa” các chuẩn mực có thể chấp nhận, thì Trung Quốc lại ngày càng mong chờ sự “tôn trọng” đối với sức mạnh lấn lướt của nước này và cố tình coi đây là tiền đề để thống trị khu vực.


Điều đó đã khiến cho Mỹ trở thành điểm “bấu víu” của nhiều nước ASEAN. Bởi Washington đang tỏ thái độ tôn trọng tự do hàng hải và có vai trò trong việc ngăn chặn các cường quốc khác “gạt Mỹ” để đặt tầm ảnh hưởng lên các quốc gia nhỏ bé cả về kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, đến cả Trái Đất cũng có thể xoay trục tạo nên những diễn biến thời tiết bất thường, thì Mỹ càng dễ dàng đẩy trục theo chiều hướng có lợi cho mình. Hai năm trước đây, ông Obama có thể hùng hồn hình thành nên trục chiến lược châu Á-Thái Bình Dương thay thế dần cho “sình lầy” Trung Đông do người tiền nhiệm George Bush tạo ra, thì nay, và bất cứ lúc nào trong tương lai, một vị Tổng thống Mỹ cũng không gặp trở ngại trong việc tạo nên một trục mới.

Ông Julio tỏ ra quan ngại cam kết của Mỹ đối với khu vực sẽ biến mất một khi có một điểm nóng mới “neo” Mỹ lại. Syria chính là minh chứng rõ nét nhất. Do đó, ASEAN vẫn cần duy trì một tư thế cân bằng tinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trong khi cùng một lúc có sự tham gia của các cường quốc khác như Nhật Bản, Nga và Ấn Độ. Điều đó sẽ là thách thức không nhỏ của cả khối nói chung và Chủ tịch luân phiên ASEAN nói riêng, đặc biệt là khi Trung Quốc đã sử dụng câu chuyện "Bó đũa" quen thuộc mà ai cũng biết, nhưng không đề phòng ngay, ấy mới là mối nguy.

Chí Đăng

http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/trung-quoc-%E2%80%98quang-luoi%E2%80%99-vay-ham-bien-dong-va-hoa-dong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét