Vibay

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Thời báo Hoàn Cầu lo ngại Việt - Nga thân thiết

05/11/2012- Tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) mới đây đã có bài phân tích mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nga đồng thời nêu câu hỏi: Tại sao Nga-Việt tìm kiếm mối quan hệ thân thiết hơn vào lúc này? Phải chăng Nga muốn có chỗ đứng vững chắc hơn ở châu Á nên đã giúp Việt Nam tự tin hơn trong các mối quan hệ ở khu vực?


Tên lửa siêu âm chống hạm Yakhont sử dụng cho hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion Nga cung cấp và hổ trợ Việt Nam sản xuất

Bài báo có tiêu đề “Sự lớn mạnh của Việt Nam trong khu vực gắn liền với đổi mới quan hệ với Nga” tác giả là giáo sư Carlyle A.Thayer thuộc Học viện quốc phòng Australia cho rằng mối quan hệ Việt Nam – Nga đang ngày càng phát triển với cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Theo ông Thayer, việc Việt Nam và Nga nâng mối quan hệ đối tác chiến lược lên thành đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Nga vào tháng 7/2012 vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đặt ra câu hỏi cho các nhà phân tích: Tại sao Việt – Nga tìm kiếm mối quan hệ thân thiết hơn vào lúc này?

Bài báo của Thời báo Hoàn cầu cho biết, Nga đã trở thành nước đặt đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam vào năm 2001 và mối quan hệ này ngày càng phát triển cùng với sự phục hồi của kinh tế Nga cũng như vị thế của Nga trên trường quốc tế. Theo bài báo, phải chăng Tổng thống Nga V.Putin đã chủ động trong việc thúc đẩy sự trở lại châu Á của Nga và việc nâng tầm mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam là phục vụ mục đích này?


Chiến đấu cơ đa năng SU-30 MK2 hiện đại nhất của Không quân Việt Nam do Nga cung cấp.

Bài phân tích của giáo sư Thayer cũng chỉ rõ 4 điểm nổi bật trong mối quan hệ Việt – Nga là: Hợp tác dầu khí, Hợp tác năng lượng thủy điện và điện hạt nhân, Hợp tác thiết bị quân sự và công nghệ và cuối cùng mới là hợp tác thương mại đầu tư.

Trong số 4 lĩnh vực này, nổi bật nhất là hợp tác giữa 2 nước về năng lượng và quân sự. Việt Nam và Nga đã thành lập liên doanh dầu khí (Vietsopetro) vào năm 1981, liên doanh này đã hoạt động khá hiệu quả trên vùng thềm lục địa của Việt Nam và gần đây là ở Nga. Liên doanh này đã được gia hạn đến năm 2030 đồng thời chính phủ Việt Nam cũng nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho các liên doanh khác hoạt động như Rusvietpetro, Gazpromviet và Vietgazprom trong việc mở rộng thăm dò và khai thác dầu mỏ, khí đốt.

Chưa hết, mới đây Nga cũng đã đồng ý cho Việt Nam vay khoản 10,5 tỷ USD với lãi suất thấp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên (Ninh Thuận 1). Nga cũng đồng thời là nhà cung cấp thiết bị quân sự, vũ khí và công nghệ lớn nhất của Việt Nam. Trong tương lai, Việt Nam và Nga sẽ cùng sản xuất tên lửa hành trình chống tàu và dự kiến Việt Nam sẽ đặt mua nhiều máy bay chiến đấu SU-30 đa chức năng hơn nữa từ Nga.

Tháng 8 vừa qua, Nga đã cho triển khai 6 tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên để giao cho Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Một phần của gói thỏa thuận này bao gồm Việt Nam cho phép Nga xây dựng một cơ sở sửa chữa tàu tại cảng Cam Ranh và đào tạo thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam.

Về thương mại và đầu tư, dù kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn nhưng kim ngạch song phương đã đạt hơn 2 tỷ USD vào năm 2011. Hai nước hy vọng đạt kim ngạch 5 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020. Hiện Nga đang đứng ở vị trí thứ 23 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Sau những phân tích này, tờ Thời báo Hoàn cầu tiếp tục đặt câu hỏi: Phải chăng Việt Nam và Nga đang tìm cách cân bằng với Trung Quốc (Việt Nam) và với Mỹ (Nga) tại khu vực Biển Đông?


Các tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ mà Việt Nam mua từ Nga giúp tăng cường năng lực Hải quân nhân dân Việt Nam.

Thời báo Hoàn cầu nhận định, hỗ trợ quân sự của Nga sẽ giúp cho năng lực quốc phòng của Việt Nam được cải thiện một cách đáng kể và điều này sẽ khiến cho Trung Quốc trở nên “mệt mỏi” hơn. Tuy nhiên, bài báo cũng cho biết tuyên bố chung được đưa ra trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu rõ, các tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình mà không cần sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Bài báo kết luận, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga chủ yếu tập trung vào các mối quan hệ song phương cùng có lợi nhưng điều đáng nói là Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ này cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Theo Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét