Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012
Tranh chấp quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo báo Nga
(Tiếng nói nước Nga - 02/10/2012) Biển Đông đã trở thành một khu vực cạnh tranh dữ dội. Trung Quốc và Việt Nam đang tranh cãi về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Còn Hoa Kỳ thì ngày càng can thiệp nhiều hơn vào cuộc tranh luận này.
Cho đến thế kỷ 16, rất nhiều những đảo nhỏ và vách đá không có người ở, mà bây giờ được gọi là quần đảo Trường Sa và Hoàng sa, hoàn toàn không được ai quan tâm. Năm 1529, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã ký hiệp ước Saragossa, phân định vùng ảnh hưởng của mình ở bán cầu Đông. Quần đảo Trường Sa nằm dưới sự kiểm soát của Tây Ban Nha. Năm 1898, theo Hiệp ước Paris, đảo này được chuyển giao cho Mỹ và sau đó là Philippines. Đối với quần đảo Hoàng Sa, cho đến giữa thế kỷ 19, phần lớn các hòn đảo của quần đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Pháp khi đó đang chinh phục Đông Dương.
Vào thế kỷ 20, Quốc Dân Đảng Trung Quốc và Việt Nam, khi đó còn đang là thuộc địa Pháp, bắt đầu quan tâm đến các đảo của Biển Nam Trung hoa (Biển Đông). Năm 1946, Quốc dân đảng đã đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa ở nơi người Pháp không chiếm đóng. Năm 1950, một phân đội của Quân đội Giải phóng Trung Quốc thay chân Quốc Dân Đảng. Ngày 15 Tháng Tám 1951, chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên đã chính thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên tất cả các đảo tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông). Tuy nhiên, sau khi Pháp rời Đông Dương vào năm 1954, quân đội “Việt Nam Cộng hòa” đã đổ bộ vào các quần đảo Hoàng Sa mà trước đó do Pháp kiểm soát. Trong gần 20 năm, một phần quần đảo Hoàng Sa do quân đội Trung Quốc chiếm đóng, còn một phần khác là do giới chức Sài gòn quản lý. Cả hai bên đều không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để thay đổi tình hình. Năm 1974, Trung Quốc đã lợi dụng sự thất bại của Sài gòn trong cuộc chiến tranh với Hà Nội và đẩy bật quân Sài Gòn ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Khi đó Hà Nội đã chấp nhận mất mát vì họ quan tâm đến việc giữ quan hệ tốt với Trung Quốc, và chỉ hạn chế bằng lời kêu gọi Bắc Kinh giải quyết tất cả các vấn đề tranh chấp trên tinh thần tôn trọng, hữu nghị và quan hệ láng giềng. Hà Nội chỉ công khai yêu cầu Trung Quốc trả lại các hòn đảo tranh chấp vào cuối những năm 1970, khi phát hiện trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt trên thềm lục địa.
Năm 1988, gần quần đảo Hoàng Sa đã diễn ra những cuộc đụng độ nghiêm trọng đầu tiên giữa các lực lượng hải quân hai nước, khi đó một tàu biển Việt Nam đã bị đánh chìm với toàn bộ thủy thủ đoàn trên tàu gồm 77 người. Sau vụ này Bắc Kinh đã chiếm luôn 6 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Tháng Hai năm 1992, Đại hội nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua "Luật Lãnh hải và các khu vực xung quanh". Theo Luật này, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được tuyên bố là “một phần không tách rời của lãnh thổ Trung Quốc”. Để củng cố thêm quyền lợi của mình trong con mắt cộng đồng quốc tế, năm 1992, Bắc Kinh đã ký với công ty Mỹ "Krestoun Energy" một hợp đồng nhượng quyền, cho phép công ty này đến khu vực thềm lục địa chỉ cách bờ biển Việt Nam 250 km. Những người Mỹ đã được bảo đảm rằng để thực hiện đề án, phía Trung Quốc sẽ không từ ngay cả trường hợp phải sử dụng đến lực lượng hải quân của họ.
Để đáp lại, Quốc hội Việt Nam đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong nghị quyết về phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển.
Song song đó, Hà Nội và Bắc Kinh đã có những cố gắng đàm phán để giải quyết vấn đề tranh chấp các quần đảo bằng biện pháp hòa bình. Tháng Mười năm 1993, tại Bắc Kinh, các bên đã ký kết một thỏa thuận về các nguyên tắc giải quyết các vấn đề lãnh thổ, trù định việc xem xét giải pháp về đường biên giới ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Sau đó một thời gian, báo chí Mỹ loan tin rằng Bắc Kinh và Hà Nội dường như đã đạt được thỏa thuận bằng miệng tạm hoãn vấn đề chủ quyền trên quần đảo Trường Sa trong 50 năm và trong thời gian này sẽ cùng nhau khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây trên cơ sở bình đẳng. Tuy nhiên, thông tin này đã bị các đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ với tuyên bố rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa “thuộc về Việt Nam”.
Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) ngày một trở nên căng thẳng. Từ năm 2009, tàu tuần duyên Trung Quốc thỉnh thoảng lại bắn vào những tàu nước ngoài đang đánh bắt cá trong vùng biển mà Bắc Kinh cho là lãnh hải của mình, đồng thời ngăn chặn những tàu đang thăm dò địa chất tại khu vực tranh chấp của thềm lục địa.
Bắt đầu từ năm 2010, tình hình ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) đã trở nên gay gắt hơn do sụ tham gia của Hoa Kỳ vào các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực. Lo ngại về ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, người Mỹ tuyên bố chính sách quay lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và chuyển sang chiến thuật kiềm chế Trung Quốc. Điều này phần nào có nghĩa là những người Mỹ sẽ hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đứng về phía các đối thủ của Bắc Kinh trong những tranh chấp lãnh thổ. Năm 2011, Hoa Kỳ lần đầu tiên ký một thỏa thuận với Hà Nội về hợp tác quân sự. Mùa hè năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã thực hiện một chuyến thăm đến Việt Nam. Ông đã đi thăm căn cứ Liên Xô cũ Cam Ranh, nơi có hệ thống radar cực mạnh cho phép kiểm soát vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, việc tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt đồng nghĩa với việc người Mỹ sẽ nghiêng về hỗ trợ Hà Nội trong các tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Về phần mình, để khẳng định quyền của mình trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự trên đảo Udi, một trong những hòn đảo của quần đảo, và gọi tên là thành phố Tam Sa. Những động thái này đã bị phía Việt Nam kịch liệt phản đối và thúc đẩy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố cáo buộc Trung Quốc trong việc “đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao để giải quyết mâu thuẫn” và gây nguy cơ gia tăng mối căng thẳng trong khu vực. Bắc Kinh lên tiếng phản kháng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, còn các phương tiện truyền thông Trung Quốc ít ngoại giao hơn thì yêu cầu người Mỹ hãy “ngậm miệng”.
Việt Nam đang cố gắng đưa vụ tranh chấp này ra cấp độ quốc tế, trong đó có sàn ASEAN. Trung Quốc khăng khăng thảo luận tất cả các vấn đề lãnh thổ trên cơ sở song phương. Tuy nhiên chúng tôi sẽ nói về điều này trong tư liệu tiếp theo về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
http://vietnamese.ruvr.ru/2012_10_02/89947000/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét