Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012
Campuchia cáo buộc VN và Philippines, Asean không đưa ra được thông cáo chung
13/7/12- Tin từ nơi họp hội nghị khu vực ở Phnom Penh cho hay tới cuối ngày thứ Năm 12/7, Asean vẫn không đưa ra được thông cáo chung của khối vì vướng mắc trong ngôn từ về Biển Đông.
Điều này cho thấy nội bộ khối vẫn còn chia rẽ sâu sắc trong chủ đề quan trọng đối với an ninh khu vực.
Đây là lần đầu tiên trong 45 năm của Asean mà một hội nghị bộ trưởng không có thông cáo chung.
Trong khi đó, có tin Campuchia cáo buộc Việt Nam và Philippines 'bắt nạt' các nước khác trong quá trình bàn thảo nội dung thông cáo.
Thông tấn xã Nhật Bản Kyodo dẫn nguồn ngoại giao Campuchia nói Việt Nam và Philippines yêu cầu Asean phải có lời lẽ cứng rắn phản ánh được quan điểm của hai nước này trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Một quan chức ngoại giao Campuchia mô tả lập trường của quan chức Việt Nam và Philippines là 'bắt nạt' (bullying) nước khác.
Campuchia, chủ tịch Asean năm 2012, không hài lòng với đòi hỏi của hai nước này.
Theo Kyodo, Việt Nam yêu cầu thông cáo chung nhắc tới "ranh giới trên biển của khu vực kinh tế đặc quyền và tranh chấp thềm lục địa giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc", trong khi Philippines muốn đề cập tới "Bãi cạn Scarborough" trong văn bản.
Yêu cầu trên không được chấp nhận, khiến mười nước Asean không thống nhất được thông cáo chung, thường được đưa ra vào cuối các hội nghị cấp cao Asean như thông lệ.
Campuchia cảnh báo rằng nếu tình trạng bất đồng này tiếp diễn thì có thể sẽ chẳng có thông cáo chung nào hết.
'Nổi nóng'
Ngay tại cuộc gặp ngoại trưởng Asean và Trung Quốc một hôm trước đó, tranh cãi về ngôn từ thông cáo chung trong đoạn liên quan đến Biển Đông đã khá gay gắt.
Các nguồn tin cho hay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói tại cuộc họp này rằng "một số thành viên Asean đã có hành động khiêu khích đơn phương trong chủ đề Biển Đông".
Không khó để đoán ra đây là Việt Nam và Philippines, hai nước mới đây có đối đầu trực tiếp và căng thẳng với Trung Quốc quanh vấn đề chủ quyền.
Thông tấn xã Pháp AFP có mặt tại chỗ thì trích lời quan chức Mỹ quan sát hội nghị nói rằng đã có sự nổi nóng trong giới chức tham gia.
Ông này nói: "Đa số các đại diện Asean thừa nhận rằng tổ chức này đang chịu áp lực và căng thẳng to lớn để giữ đoàn kết khi đối mặt các thách thức nghiêm trọng, chủ yếu liên quan tới chủ đề Biển Đông".
Quan chức Hoa Kỳ này cũng nhận xét rằng Indonesia, nước cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông, lại bất ngờ tỏ ra thiết tha muốn thỏa hiệp để đạt đồng thuận.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói với các phóng viên rằng ông vô cùng thất vọng khi hội nghị Asean lần này không đưa ra được tiếng nói chung về Biển Đông.
"Tôi nghĩ thật là thiếu trách nhiệm nếu như chúng ta không thể đưa ra được một thông cáo chung về Biển Đông."
Ông nói đã xem tới 17 hay 18 văn bản nháp của thông cáo này, tất cả rồi lại bị hủy bỏ vì không được các thành viên ký duyệt.
Một nhà ngoại giao khác được AFP dẫn lời cho hay sở dĩ Campuchia bác chấp bút của Việt Nam và Philippines là vì "áp lực vô cùng căng thẳng từ một nước lớn", ám chỉ Trung Quốc.
"Dường như Campuchia đã được hiệu lệnh nghiêm khắc từ nước lớn này."
Không có tiến triển về COC
Diễn đàn an ninh khu vực ARF 19 cùng các cuộc hội nghị Asean, Asean+3 trước đó đều không mang lại được điều gì mới trong thúc đầy đàm phán một bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC).
Thông cáo của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cuối ngày thứ Năm chỉ nói ngắn gọn những lời đã cũ.
Thông cáo nói ông Minh đã "phát biểu bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, vi phạm tới quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; nhấn mạnh các nước phải tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của LHQ 1982, trong đó có các quy định về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; không sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)".
Trong khi đó, báo chí Trung Quốc thậm chí còn không hề nhắc tới chủ đề Biển Đông khi phản ánh các cuộc họp của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì tại Campuchia.
Việc đàm phán giữa Asean và Trung Quốc về COC, vốn đã được Asean thống nhất nguyên tắc, xem ra chưa thể bắt đầu sớm để hoàn tất vào tháng 11 này như Asean trông đợi.
Ngày 12/7, Hoa Kỳ và châu Âu cũng ra tuyên cáo chung, trong đó lặp lại quan điểm về Biển Đông rằng hai bên "sẽ hợp tác với các đối tác châu Á nhằm tăng cường an ninh hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế như quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển; cũng như hỗ trợ các biện pháp tăng cường lòng tin nhằm giảm nguy cơ khủng hoảng và xung đột".
"Về Biển Đông, châu Âu và Mỹ tiếp tục khuyến khích Asean và Trung Quốc thúc đẩy COC và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và trên biển thông qua giải pháp hòa bình, ngoại giao và hợp tác."
VN ‘thất vọng vì không có thông cáo chung’
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ sự thất vọng sau khi Asean không thể đưa ra tuyên bố chung vì mâu thuẫn quanh vấn đề Biển Đông.
Nói với các phóng viên bằng tiếng Anh, ông Phạm Bình Minh cho hay: “Chúng tôi đã nỗ lực hết mình để có một tuyên bố chung, vì thế rất là thất vọng.”
Đây là lần đầu tiên trong 45 năm của Asean mà một hội nghị bộ trưởng không có thông cáo chung.
Phê phán chủ nhà
Philippines công khai phê phán nước chủ nhà Campuchia về bế tắc ngoại giao chưa từng có.
Thông cáo của Philippines nói “nhiều nước thành viên Asean và Tổng Thư ký Asean ủng hộ lập trường của Philippines rằng vấn đề Bãi cạn Scarborough đã được thảo luận ở cuộc họp Bộ trưởng thì cần được phản ánh trong Tuyên bố chung”.
“Nhưng Chủ nhà liên tục phản đối mọi đề cập đến Bãi cạn Scarborough trong Tuyên bố chung,” Bộ Ngoại giao Philippines nói.
Phản bác lại, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong nói không có chuyện nước ông bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc.
“Tôi yêu cầu chúng tôi đưa ra tuyên bố chung mà không nhắc đến tranh chấp Biển Nam Trung Hoa.”
“Nhưng một số nước thành viên liên
tục đòi đưa vấn đề Bãi cạn Scarborough.”
“Tôi nói với các vị tương nhiệm rằng cuộc gặp của ngoại trưởng Asean không phải là tòa án, hay một nơi phán quyết về tranh chấp,” ông tuyên bố.
Giới chỉ trích cáo buộc Campuchia ngả về phía Trung Quốc, nước đã dành nhiều viện trợ cho Phnom Penh.
Nhưng Ngoại trưởng Hor Namhong khẳng định: “Chúng tôi không theo nước nào trong xung đột song phương.”
Trong khi đó, Philippines bác bỏ lập luận rằng tranh chấp mang tính song phương.
Bộ Ngoại giao nước này nói tranh chấp ở Biển Đông, mà họ gọi là Biển Tây Philippines, “không phải là xung đột song phương với một láng giềng phương bắc mà là đa phương, và vì thế cần được giải quyết theo cách đa phương”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa bày tỏ ý kiến chính thức về chủ nhà Campuchia và có lẽ sẽ không bao giờ làm động tác này.
Tuy vậy, bản tin của Thông Tấn xã Việt Nam đánh đi từ Phnom Penh nói: “Tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong từ chối nêu tên nước đã có ý kiến không đồng thuận trong vấn đề Biển Đông, trong khi tin tức hành lang cho biết Philippines và Việt Nam đã đề cập mạnh mẽ vấn đề này tại hội nghị.”
“Phía Campuchia cũng rò rỉ tin tức cho một số hãng thông tấn rằng Philippines và Việt Nam đã ‘ép’ Campuchia trong việc ra Tuyên bố chung đề cập đến tranh chấp trên Biển Đông,” bản tin của Việt Nam viết.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa từ chối bình luận có phải Campuchia đang hỗ trợ Trung Quốc hay không.
Nhưng ông bày tỏ thất vọng: “Mỗi khi có vấn đề, đó là lúc chúng ta cần tăng cường nỗ lực, chứ không phải là bế tắc.”
“Đây là lúc Asean cần được xem là hành động như một khối. Tôi thấy khó hiểu, và rất thất vọng,” ông nói.
Còn Tổng Thư ký Asean, Surin Pitsuwan, cố gắng giảm nhẹ căng thẳng, gọi đây chỉ là “trục trặc nhỏ”.
“Chúng tôi tưởng có thể có lập trường thống nhất về mọi thứ. Đó là mong chờ, đó là hy vọng thôi,” ông phát biểu, và nói thêm rằng sẽ vẫn có nỗ lực tiếp tục tìm đồng thuận.
Phát biểu vào tối thứ Năm ở Phnom Penh, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mô tả bà đã có một ngày làm việc “căng thẳng” nhưng nhìn nó như một điều tích cực.
Bà nói ít nhất các nước Asean nay công khai bày tỏ bất đồng, sau nhiều năm mà theo các phân tích gia là đã tránh né các vấn đề tranh cãi.
“Đó là dấu hiệu trưởng thành của Asean khi họ tranh luận một số vấn đề rất hóc búa. Họ không tránh né,” bà nói.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/07/120713_asean_reax.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/07/120712_asean_scs.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét