Sĩ quan Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam nhận chứng chỉ tốt nghiệp khóa học tiếng Anh tại Hội Ðồng Anh Việt Nam trước khi tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. (Hình: British Council)
Ðây là khóa đầu tiên do chính phủ Anh tài trợ, kéo dài 5 tháng ở Hà Nội, theo thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ Anh và Việt Nam từ tháng 11 năm ngoái, liên quan đến an ninh quốc phòng.
Những sĩ quan này học đàm thoại căn bản và các từ quân sự Anh ngữ để giao tiếp trong môi trường hoạt động quốc tế.
Theo Tòa Ðại Sứ Anh tại Hà Nội, một khóa tiếp theo sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.
Cuối tháng 5 năm nay, Bộ Ngoại Giao Việt Nam soạn thảo một bản dự thảo báo cáo theo chuyên đề “Ðịnh hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam đến năm 2020,” nhưng chưa thấy công bố chính thức. Trong bản dự thảo này có thấy nhắc đến việc Việt Nam sẽ “đóng góp và chia sẻ trách nhiệm gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định thế giới, qua đó nâng cao vị thế quốc tế.”
Trong số 10 nước thành viên khối ASEAN, chỉ có Việt Nam, Lào và Myanmar (Miến Ðiện) là chưa có lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình. Bảy nước còn lại của ASEAN đã góp một số quân khoảng 5,000 người cho các hoạt động bảo vệ hòa bình trên thế giới. Hiện có 130 trên tổng số 192 nước thành viên LHQ tham gia vào lực lượng này.
Cách đây một năm, tư lệnh Hải Quân Việt Nam cũng bắn tiếng nói Việt Nam sẽ cử một số sĩ quan tham gia hoạt động chung, thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển ở vịnh Eden, khu vực bị hải tặc Somali hoành hành, “trong thời gian thích hợp.”
Khả năng Việt Nam tham gia Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình Thế Giới của LHQ được đề cập từ nhiều năm qua, nhưng được tiến hành rất chậm chạp.
Theo một số công điện của Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Hà Nội gửi phúc trình về Washington, DC, hồi năm 2009 bị Wikileaks tiết lộ, Việt Nam chần chừ tham gia vào Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là PKO (Peacekeeping Operations) vì, theo lời vụ trưởng Vụ Các Tổ Chức Quốc Tế, ông Lê Hoài Trung (nay là đại sứ tại LHQ), “Việt Nam phải mất 2 năm để thủ tướng duyệt xét và chính phủ đề nghị phải làm một số việc cần thiết trước khi tham gia.”
Thêm nữa, Hà Nội phải còn “chuẩn bị dư luận quần chúng” vì đất nước đã trải qua một cuộc chiến tranh dài, mọi người “vẫn còn ký ức sâu đậm liên quan đến chiến tranh,” mai kia lại còn có thể có binh sĩ Việt Nam chết ở nước ngoài. Ðã vậy, Hiến Pháp Việt Nam lại chỉ viết vai trò của quân đội là “bảo vệ đất nước.”
Ðến tháng 10, 2010, báo Quân Ðội Nhân Dân của quân đội đưa tin: “Việt Nam chuẩn bị thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.” Theo bản tin này, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh, khi tiếp Bộ Trưởng Quốc Phòng Ấn Ðộ A.K. Antony ở Hà Nội ngày 13 tháng 10, 2010 đã “đề nghị Ấn cử chuyên viên sang Việt Nam giúp Việt Nam đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình mà Việt Nam chuẩn bị thành lập.”
Bản tin này thuật lại lời ông Antony là “Ấn Ðộ sẽ giúp Việt Nam trong việc trợ giúp huấn luyện Lực Lượng Gìn Giữ Hòa Bình của Việt Nam, thành lập trung tâm ngoại ngữ tại Học Viện Quốc Phòng, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, thông tin về những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như hải quân, không quân.”
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét