Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương thường niên, gọi tắt là Đối thoại Shangri-La, năm nay diễn ra trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á và biển Đông đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Nguyên nhân, theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, là khu vực này ngày càng thể hiện rõ những lợi ích mà nhiều bên muốn dự phần, bên cạnh xu thế hợp tác phát triển, cũng có những va chạm lợi ích tạo nên bất ổn trong khu vực như chúng ta đang thấy.
Trong bối cảnh như vậy, VN đã có những chủ trương và chuẩn bị như thế nào để không bị mất lợi ích hoặc rơi vào tình trạng bất ổn?
Quan điểm của VN nhất quán trước sau như một là bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia trong và ngoài khu vực, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên tại nơi diễn ra Đối thoại Shangri-La - Ảnh: Đặng Bảo Trung
Vì thế, trong những năm vừa qua, chúng ta rất chú trọng nâng cao tiềm lực quốc gia, ổn định đất nước, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tích cực tham gia vào các hoạt động đối ngoại với các quốc gia trong khu vực, đồng thời tham gia các diễn đàn đa phương để đóng góp tiếng nói cho nền hòa bình bền vững của khu vực. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 tạo ra một bước phát triển mới trong nhận thức khi xác định VN tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, một mặt giúp ta phát triển kinh tế xã hội, ổn định đất nước, mặt khác tích cực góp phần vào các nỗ lực kiến tạo hòa bình, tăng cường ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể hơn, trong quan hệ VN - Trung Quốc (TQ), gần một năm qua giữa hai nước không có va chạm lớn như vào thời điểm này năm trước. Điều gì tạo nên sự cải thiện đó?
Đúng là trong năm qua, chúng ta từng bước xây dựng được một cơ sở đáng tin cậy trong quan hệ hai nước, nhưng chưa thể quá lạc quan được mà phải tiếp tục có những hành động cụ thể trên thực tế. Để đạt được những điều tốt đẹp trên thực tế, đòi hỏi sự liên tục nỗ lực tăng cường hợp tác, hiểu biết, tăng cường lợi ích chung giữa hai bên.
Theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất là nỗ lực hết sức của lãnh đạo cấp cao VN cùng TQ tạo ra quan hệ ổn định và tích cực, mà sự kiện quan trọng nhất là chuyến thăm TQ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong chuyến thăm ấy, hai bên đã ký kết được Thỏa thuận về các nguyên tắc giải quyết những vấn đề trên biển Đông. Nội dung quan trọng nhất của Thỏa thuận ấy là trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, hai nước cam kết tuân thủ giải quyết các vấn đề trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Nội dung Thỏa thuận này về bản chất đã được nhắc đến trong những cam kết đã có từ trước, phần nào thể hiện trong quan hệ hai nước thời gian qua. Tuy nhiên, theo tôi hiểu, điểm quan trọng là thỏa thuận này đã cụ thể hóa tinh thần của "phương châm 16 chữ và 4 tốt" trong quan hệ Việt - Trung trong xử lý vấn đề biển Đông. Bên cạnh đó, Thỏa thuận được ký kết vào đúng thời điểm xuất hiện lo ngại sâu sắc về những tranh chấp, khác biệt và bất đồng giữa VN và TQ, nên có tác dụng “giảm nhiệt” nhanh chóng.
Sau khi lãnh đạo cấp cao hai bên cam kết như vậy, các cấp, các ngành của ta đều tuân thủ nghiêm ngặt và chủ động thực hiện theo các nguyên tắc ấy. Về quốc phòng, hai bên tăng cường hợp tác hải quân, biên phòng, các quân khu, đặc biệt là các tỉnh giáp biên. Các ngành kinh tế cũng cố gắng tăng cường hợp tác giao lưu kinh tế. Các vi phạm của ngư dân trên biển cũng được xử lý nhẹ nhàng, đặc biệt là phía VN.
Mặt khác chúng ta vẫn tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, hòa chung với tiếng nói của khu vực và quốc tế để giải quyết vấn đề biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực. Chúng ta cũng ngày càng công khai, minh bạch hơn. Một ví dụ, ngay sau khi chúng ta ký kết với TQ, nhiều nước trong khu vực đều đặt câu hỏi VN ký với TQ những gì? Có ảnh hưởng gì đến lợi ích các nước khác không? Chủ trương của ta là công khai những cam kết giữa ta với TQ, khẳng định chúng ta tôn trọng chủ quyền, lợi ích của các nước khác trong khu vực, cũng như lợi ích kinh tế chính đáng tại biển Đông của các nước ngoài khu vực.
Tại Bali, Indonesia tháng 10.2011, tôi được thay mặt Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tham dự cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, ông Panetta có hỏi tôi về chuyện này. Tôi đã nói lại với ông những gì chúng ta đạt được với TQ. Ông ấy đáp lại như thế này: “Cá nhân tôi và chính phủ Mỹ hết sức ủng hộ và khâm phục những gì VN đạt được với TQ, đặc biệt là việc hai bên cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc các ngài đạt được thỏa thuận với TQ đem lại ổn định cho hai nước, nhưng đồng thời tôn trọng lợi ích của các nước khác, chứng tỏ các ngài đã có hướng đi rất đúng đắn”. Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng đánh giá cao thỏa thuận ấy, vì nó không chỉ đánh dấu tiến bộ trong quan hệ VN và TQ, mà cả tiến bộ trong quan hệ ASEAN với TQ.
Thưa ông, khi xảy ra tranh chấp trên biển, thái độ và cách giải quyết của ta nên thế nào?
Cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, giữa các bên liên quan, công khai minh bạch trong môi trường khu vực và quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 và DOC, đã được nhiều nước thừa nhận và ủng hộ. Nói tuân thủ UNCLOS 1982, trước hết phải tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Bên cạnh đó, chúng ta phản đối việc sử dụng sức mạnh quân sự cũng như sức mạnh phi quân sự, còn gọi là "sức mạnh mềm" gây sức ép, đe dọa để tạo lợi thế. Ta bác bỏ việc cố tình hiểu, luận giải và hành xử khác nhau theo cách có lợi nhất cho mình dựa trên luật pháp quốc tế như UNCLOS 1982, tạo ra cái mà người ta hay gọi là “tiêu chuẩn kép”.
Chúng ta cũng tuyệt đối không được khiêu khích và không để bị khiêu khích. Mặt khác, cần chứng minh cho bằng được với nhân dân mình, cho cộng đồng quốc tế và với nước tranh chấp rằng mình có chính nghĩa, có lẽ phải.
Nhưng quan trọng nhất là phải dựa vào nội lực của mình, gồm chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, để bảo vệ độc lập chủ quyền, không dựa dẫm vào bất kỳ nước nào khác. Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc cộng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là “lợi thế chính trị”, là tiền đề tất yếu của thắng lợi.
Cần phân biệt sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lẽ phải với việc dựa vào nước khác để giải quyết tranh chấp. Nếu dựa vào hoặc để bị hiểu lầm rằng anh đang dựa vào sức mạnh của nước khác để giải quyết vấn đề thì rất nguy hiểm. Chỉ cần “chỗ dựa” rút lui hay thỏa hiệp thì anh sẽ là nạn nhân đầu tiên của sự lựa chọn sai lầm đó.
Thục Minh
(VP Singapore)
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120602/can-su-ung-ho-cua-quoc-te-nhung-khong-dua-dam.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét