Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012
Sẽ bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng
24/3/12-Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thống nhất việc bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm với các chức danh do Quốc hội bầu, bao gồm cả thủ tướng và chủ tịch nước.
Quyết định này được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo chiều thứ Sáu 23/3, sau khi Ủy ban Thường vụ có phiên thảo luận đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Các chức vụ sẽ phải qua bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm là thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ, chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và tổng kiểm toán nhà nước.
Ông Phúc được báo chí trong nước dẫn lời nói kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được công bố công khai.
"Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội sau hai lần liên tiếp sẽ phải xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức."
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết thêm ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra "theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4" về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xây dựng quy trình và thủ tục cụ thể cho việc bỏ phiếu tín nhiệm để trình Quốc hội trước khi quyết định chính thức.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm, mà thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm, với các vị trí do Quốc hội bầu ra đã được đề xuất một vài năm nay, nhưng chưa đi đến thống nhất.
Lý do chủ yếu từ trước tới nay là số đại biểu Quốc hội đề nghị việc này được nói là quá ít.
'Tín hiệu đáng mừng'
Chủ đề bỏ phiếu tín nhiệm nóng lên hơn một năm trước đây, khi đại biểu Quốc hội khóa XII của tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Minh Thuyết, gửi kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu điều tra trách nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong vụ Vinashin.
Kiến nghị của ông Thuyết được một số đại biểu Quốc hội ủng hộ, nhưng bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bác bỏ. Lý do được giải thích là chưa đủ số người kiến nghị và chưa có tiền lệ.
Từ đó tới nay, dường như số đại biểu ủng hộ việc bỏ phiếu tín nhiệm tăng lên, cộng với áp lực chỉnh đốn Đảng, đã dẫn đến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đánh giá về thông báo này, đại biểu Quốc hội khóa XII, bà Phạm Thị Loan cho rằng "đây là tín hiệu tích cực đáng mừng".
Bà Loan nói với BBC rằng "hiệu quả như thế nào thì phải còn chờ, nhưng dù sao nó cũng cho thấy đã có một sự chuyển biến".
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, bà Phạm Thị Loan cho rằng thực hiện "một cách thực chất" hoạt động này là điều rất khó.
"Phải đi vào thực chất chứ chỉ làm cho có, mang tính hình thức, rồi nể nang nhau thì cũng không mang lại kết quả gì."
"Những người đóng góp ý kiến phải thực sự mạnh dạn và bản lĩnh để nói lên được những góp ý của mình."
Hiện chưa rõ sẽ mất bao lâu để Ủy ban Thường vụ đưa ra được một quy định quy trình chi tiết cho việc bỏ phiếu tín nhiệm để hoạt động này có thể đi vào cuộc sống.
Sau vụ Vinashin đổ bể với số nợ khổng lồ, đã có ý kiến yêu cầu phải truy trách Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số thành viên Chính phủ có liên quan.
Lúc đó, cũng đại biểu Phạm Thị Loan nói : “Bản thân tôi muốn quy trách nhiệm cho đến cùng. Tôi cũng đã từng phát biểu rằng trong trách nhiệm vấn đề này có cả trách nhiệm của Thủ tướng ”
“Thực ra một mình Vinashin không thể làm trái luật được và tự họ làm hết những việc ấy, vấn đề là Đảng, Chính phủ và Quốc hội muốn giải quyết như thế nào.”
The BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét