"Cuộc tranh luận đang diễn ra hiện nay về vấn đề trí thức với phản biện xã hội không chỉ đề cập tới trách nhiệm phản biện của giới trí thức mà còn từ góc độ nào đó đề cập tới sự lãnh đạo chính trị ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà một số trí thức gốc Việt ở nước ngoài, thậm chí cả trí thức Pháp [1] lại hăng hái phát biểu về chủ đề trên. Vì thế cuộc tranh luận này nên có thêm nhiều người tham gia."
"Phong hàm" trí thức...
Trí thức là một khái niệm rất rộng. Mỗi xã hội, mỗi thời, mỗi người hiểu theo cách khác nhau, khó có thể nhất trí với một định nghĩa nào đó.
Chẳng hạn trong khi Nghị quyết số 27-NQ/TW: Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội, thì Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ mới đây đăng bài "65 trí thức trẻ đầu tiên tốt nghiệp lớp bồi dưỡng làm Phó Chủ tịch xã nghèo". Các trí thức này đều là sinh viên mới ra trường! Đây là cách hiểu dân dã rất phổ biến.
Thời xưa khi mặt bằng dân trí thấp thì một ông đồ làng, một anh giáo tiểu học cũng được coi là trí thức. Tại Trung Quốc hồi thập niên 50-70 bất cứ ai có trình độ văn hóa cấp III (trung học phổ thông) trở lên, đều bị coi là trí thức và bị xếp hạng ở dưới "công nông binh": Thời Cách mạng văn hóa, học sinh sinh viên đều bị gọi là Thanh niên trí thức và bị xua về nông thôn lao động cải tạo.
Thời nay trí thức ta không còn bị coi rẻ nữa nhưng cũng chẳng mấy ai tự nhận là trí thức, trừ người được phong hàm GS, Phó GS kèm theo tiêu chuẩn đãi ngộ cao (kể cả khi chết - chuyện chỉ có ở ta). Vì thế sẽ thật khó hiểu nếu ai đó định dựa vào tiêu chuẩn hoặc định nghĩa này nọ để "phong hàm" trí thức cho người khác.
Có một cái luật bất thành văn: Trí thức có trách nhiệm nặng nề hơn với xã hội, có nghĩa vụ hướng dẫn dư luận. Theo cách nghĩ phổ biến hiện nay, họ phải phản biện xã hội - được hiểu là công khai lên tiếng về các vấn đề tồn tại trong xã hội.
Thực ra ai cũng đều có nghĩa vụ phản biện xã hội. Đây là hành động dấn thân vào cuộc đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn. Trí thức, nhất là trí thức ngành xã hội- nhân văn lại càng nên gánh vác nghĩa vụ này. Điều đó sẽ làm tăng giá trị của họ. Các cán bộ lãnh đạo, các đại biểu dân cử (đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân) và đảng viên cộng sản- những người trong đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc, lại càng không thể thoái thác nhiệm vụ phản biện xã hội.
Nhưng do vai trò đặc biệt của mình, người trí thức cần rất tỉnh táo và thận trọng khi phản biện xã hội.
Có những vấn đề chính trị và xã hội đơn giản và đã rõ ràng, bạn có thể nhanh chóng phát biểu quan điểm. Nhưng có lắm vấn đề bạn nhất thiết phải dành ra nhiều tâm trí và thời gian để tìm hiểu, theo dõi và suy ngẫm. Chưa hiểu đến nơi đến chốn mà đã phản biện thì có khi lại gây hại cho xã hội và cho chính mình, nhất là với nhà trí thức có địa vị cao.
Hiển nhiên, giá trị chủ yếu của bất cứ người nào được đánh giá qua cống hiến của người đó cho xã hội, thể hiện ở khối lượng và chất lượng sản phẩm làm được trong chuyên ngành của mình.
Người trí thức trước hết phải giỏi chuyên môn, phải có cống hiến về chuyên môn. Phản biện xã hội là một nghĩa vụ nên làm nhưng không bắt buộc, càng không thể coi là tiêu chuẩn phân loại trí thức. Bác sĩ phẫu thuật nhất thiết phải giỏi cầm dao mổ; không phản biện cũng vẫn là trí thức thứ thiệt.
Vì phản biện mà chuyên môn kém lại càng không nên. Kém năng lực phản biện, hoặc thấy chỉ làm chuyên môn sẽ cống hiến tốt hơn thì chẳng nên phản biện. Thiếu tỉnh táo dấn thân phản biện hoặc làm những việc ngoài chuyên môn có khi lại có hại.
Tóm lại có thể thấy câu nói của GS Ngô Bảo Châu: "Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm người đó làm ra, không liên quan gì đến vấn đề phản biện xã hội... Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội." tuy có lý nhưng chưa đủ sức thuyết phục.
GS Chu Hảo nói Không có tư duy phản biện thì không phải là trí thức cũng chẳng sai. Ở đây GS chỉ nói về tư duy phản biện mà thôi. Trí thức thứ thiệt dĩ nhiên phải có tư duy phản biện- nghĩa là dám nghi ngờ, xét lại lý thuyết, thành tựu của người đi trước- nó không liên quan gì tới hành động phản biện xã hội.
...Và không thể tước "hàm" trí thức
Nhưng nói Không phản biện xã hội thì không phải là trí thức lại là võ đoán thiếu bao dung, không có lợi cho việc động viên đa số giới trí thức.
Lịch sử cho thấy phần đông trí thức thời nào cũng không thích tham gia chính trị và phản biện xã hội. Họ làm thế có thể vì nhiều lý do như ngại mất thời giờ làm công tác chuyên môn, ngại bị trù úm, quyền lợi tinh thần vật chất của mình và gia đình bị suy suyển v.v...
Từng có những nhà trí thức suốt đời chẳng biết gì ngoài chuyên môn của mình, đến mức bị coi là khờ dại, ngớ ngẩn. Cũng có trí thức coi chính trị là chuyện vô bổ và lắm cạm bẫy khôn lường, chớ dại gì dính vào mà mất thời gian, thậm chí tiêu ma sự nghiệp chuyên môn của mình.
Chẳng nên đơn giản quy kết họ ích kỷ, không yêu nước thương dân. Bạn có thể gọi họ là trí ngủ hoặc trí thức trùm chăn, nhưng bạn không thể tước được cái "hàm" trí thức của họ. Và đừng nghĩ họ cống hiến kém những người hăng hái phản biện xã hội.
GS Tương Lai có lý khi nói "Người trí thức phải hành động. Nhưng hành động như thế nào là tùy theo bản lĩnh, trí tuệ, nhận thức và vị thế của họ."
Cùng vì một mục đích lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp nhưng Phan Bội Châu chủ trương bạo động còn Phan Châu Trinh lại muốn nhờ Pháp giúp nâng cao dân trí, song cả hai cụ đều được dân tộc ta tôn vinh là hai nhà yêu nước vĩ đại.
Tôi có biết một anh bạn đang tham gia nghiên cứu một lĩnh vực cần thiết, công việc bận tới mức anh chẳng có thì giờ nói hoặc viết bài bàn luận chuyện này nọ như chúng tôi. Nhưng rõ ràng người "trùm chăn" vùi đầu làm chuyên môn như anh thì hữu ích cho Tổ quốc hơn chúng tôi cả nghìn lần. Và chắc mọi người sẽ dễ dàng đồng ý anh nên dành thời gian rảnh để đọc thêm tài liệu chuyên môn chứ chẳng nên... phản biện xã hội.
Giá trị của người trí thức cũng không liên quan lắm đến thân phận xã hội của họ.
Phạm Quỳnh vì phục vụ chính quyền Pháp và triều đình Huế mà bị các trí thức yêu nước lên án, nhưng ông vẫn có cống hiến lớn cho văn hóa dân tộc ta. Thời ấy rất ít trí thức dám phản biện xã hội. Phần lớn an phận làm công chức cho chính quyền Pháp, nhưng không thể vì thế mà phủ nhận địa vị trí thức và đóng góp của họ.
Không ít chuyên gia làm vũ khí cho nước Đức phát xít (như Werner Braun) đã có cống hiến lớn về khoa học, sau Thế chiến II được Mỹ trọng dụng chẳng kém các nhà trí thức chống phát xít. Dĩ nhiên sẽ tốt hơn nếu Phạm Quỳnh không làm việc cho thực dân, phong kiến, Braun không phục vụ Hitler. Nhưng ai dám bảo họ không phải là trí thức và không có giá trị?
Phải chăng nên cảnh giác với những người hăng hái phản biện vì các mục đích... khó hiểu? Nghe đâu ở Pháp có ông Henri Lévy, một trí thức đẹp trai có tài ăn nói, hay lên tiếng phê phán đủ thứ chuyện trên đời, nhưng bị chê là thực tài xoàng, chỉ giỏi tự đánh bóng tên tuổi bằng cách luôn xuất hiện trên báo đài. Năm 2006 có hai nhà báo từng viết cuốn Một vụ lừa bịp ở Pháp [2] nhằm hạ bệ thần tượng này.
Cũng chớ nên quên ý kiến của GS Phạm Quang Tuấn : "Biết bao giờ người Việt (ít ra là người Việt có học thức) mới biết tranh luận cho ra hồn" [3]. Quả thật trong một số cuộc tranh luận trước đây đôi khi có người tỏ ra thiếu bao dung, luôn khẳng định quan điểm của mình là chân lý mà chưa thấy tranh luận là một dịp tốt để học hỏi.
Có người còn lợi dụng tranh luận để phê phán, thậm chí động chạm đến chuyện riêng tư của người khác. Trong lần tranh luận này chẳng rõ vì động cơ nào mà có phát ngôn bóng gió nhắc tới chuyện GS Ngô Bảo Châu từng nhận những ân huệ này nọ của Nhà nước, vì thế mà bị mất tự do và phải từ bỏ truyền thống phản biện trước đây của mình.
Cách phát ngôn ấy dễ dẫn tới hiểu nhầm và làm người khác nhụt chí, trong khi lẽ ra cần cố gắng khuyến khích mọi người nói ra quan điểm của họ. Rõ ràng tranh luận kiểu như thế thì không "ra hồn" và chẳng bổ ích cho ai cả.
http://www.tuanvietnam.net/2012-02-22-tri-thuc-va-phan-bien-xa-hoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét