Đặng Khương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Praful Adagale và Vinayak Lashkar, Eurasia Review
23/2/12-Quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam đã phát triển đáng kể sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ấn Độ đã ủng hộ việc công nhận một đất nước Việt Nam thống nhất, và Hà Nội cũng ủng hộ Ấn Độ trong thời gian Bangladesh hình thành các hành động nhằm xây dựng mối quan hệ Đối tác Chiến lược. Hai nước đã đánh dấu 5 năm quan hệ Đối tác Chiến lược (2007-2012) cũng như tổ chức kỷ niệm mối quan hệ Hợp tác và Đối tác tại thành phố Hồ Chí Minh ở miền nam Việt Nam hồi tháng Giêng vừa qua.
Các trụ cột trong mối quan hệ đối tác Việt-Ấn đã được xây dựng và hình thành bởi cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru. Hai bên đã hợp tác phát triển trong tất cả các lĩnh vực bao gồm chính trị, an ninh và quốc phòng, thương mại và đầu tư, văn hóa, du lịch và phát triển nhân lực. Ấn Độ đã lên kế hoạch xây dựng chính sách “Hướng Đông” vào đầu năm 1991, với mục đích tận dụng sự tăng trưởng kinh tế của Đông Á để giúp cả hai nước xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ trong bốn thập kỷ qua.
Cung của Thuận lợi và Thịnh vượng
Một bản thỏa thuận đã được hai nước ký kết vào năm 2003, trong đó cả hai đều hình dung việc tạo ra ‘Cung của Thuận lợi và Thịnh vượng’ ở khu vực Đông Nam Á. Quan hệ đối tác của hai nước tiêu biểu cho thấy một số nhân lực chung đã được hình thành để chống lại những tham vọng của Trung Quốc và sức mạnh quân sự lẫn dân sự của nước này ngày càng tăng ở khu vực Biển Đông. Mối quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam đều nằm trong khuôn khổ chung của ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Khu vực châu Á (ARF) và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới và Liên hợp Quốc.
Vị trí địa lý chiến lược độc đáo của Việt Nam đã giúp nước này có lợi thế chính trị hơn tất cả các cường quốc nào khác trong khu vực Đông Á. Tương tự, vị trí địa lý của Ấn Độ ở Nam Á đã giúp nước này trở thành một điểm chiến lược quan trọng xung quanh vùng Ấn Độ Dương. Ấn Độ và Việt Nam cùng chia sẻ mối quan hệ lịch sử căng thẳng và tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Thực tế này tạo ra những lợi ích chung trong những chính sách đối ngoại của cả hai quốc gia đối với Trung Quốc.
Việt Nam giữ một vị trí chiến lược trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng lên 14 lần trong năm 2010 từ mức 200 triệu USD hồi năm 2000. Hiện nay, thương mại song phương trong năm 2011 ở khoảng 3,5 tỷ USD, và cả hai nước ước tính mục tiêu thương mại sẽ tăng lên 7 tỷ USD vào năm 2015.
Các bước nhảy vọt khổng lồ trong chương trình hợp tác chiến lược có thể được nhìn thấy từ các khoản đầu tư của Ấn Độ, với số tiền 400 triệu USD được đổ vào lĩnh vực dầu khí và tập đoàn Oil and Gas Cooperation Videsh Limited (OVL) đã đầu tư 225 triệu USD để thăm dò các mỏ dầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, dự án chung giữa Ấn Độ và Việt Nam đã được các báo chí Trung Quốc lên tiếng rằng hai nước này đang vi phạm chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là các dự án thăm dò dầu khí giữa Ấn Độ Việt Nam đã đi vào vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc.
Một nỗ lực hợp tác lớn khác là trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ để thành lập Trung tâm Nguồn lực Chất lượng Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm ARC-ICT) Việt Nam-Ấn Độ vào ngày 16 tháng 9, năm 2011. Dự án Trung tâm ARC-ICT Việt Nam-Ấn Độ được thực hiện bởi Trung tâm Phát triển điện toán tiên tiến của Ấn Độ, với tổng chi phí khoảng 2 triệu USD do Ấn Độ dành cho Việt Nam. Dự án Trung tâm ARC-ICT Việt Nam-Ấn Độ được sử dụng cho các mục đích nghiên cứu và học tập như phòng học trực tuyến và thư viện số; phần mềm hệ thống và mạng dữ liệu; công nghệ web; và hệ thống thông tin địa lý.
Về phương diện hợp tác quốc phòng, các nhân viên quốc phòng Ấn Độ đã liên tục đến thăm Việt Nam kể từ khi kết thúc của cuộc khủng hoảng Campuchia. Trong thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, hai bên đã hợp tác đào tạo sĩ quan quân sự Việt Nam tại Ấn Độ và trao đổi các chuyến thăm quân sự cấp cao. Việt Nam đã cho Ấn Độ sử dụng cảng Nha Trang ở miền nam nước này, và đã đặt mua 6 tàu ngầm hạng Kilo từ các nhà máy đóng tàu Admiralty ở thành phố St. Petersburg, có khả năng sẽ hoàn tất vào năm 2012.
Lực đẩy trong tương lai
Các lĩnh vực chính cần hợp tác trong tương lai là tận dụng hơn 60 cảng đóng tàu có trọng tải lên đến 6.500 (dead weight tonnage – DWT) và các cảng sửa chửa tàu lên đến 50,000 trọng tải DWT đang có tại Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước đang có nhiều cơ hội trong việc xây dựng tàu hải quân cũng như tàu ngầm cho Hải quân Việt Nam và hợp tác giữa Cảnh sát biển Ấn Độ và Cảnh sát biển Việt Nam để giải quyết các mối đe dọa cướp biển và khủng bố hiệu quả hơn.
Sáng kiến của Ấn Độ, như các hình thức hợp tác như Mekong Ganga Copperation (MGC), Sáng kiến Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế Đa ngành trong vùng Vịnh Bengal (Bay of Bengal Initiative for Multi-Sectoral Technical and Economic Cooperation – BIMSTEC) và sự tham gia lớn hơn đối với các quốc gia Đông Nam Á đang muốn mở rộng chủ đề an ninh khu vực. Đã đến lúc Ấn Độ cần khám phá các điểm mang mối đe dọa để hợp tác và chủ động tham gia với Việt Nam cùng với các nước đang phát triển khác trong khu vực Đông Á. Ấn Độ cũng phải giải quyết các vấn đề đã gây ảnh hưởng đến mối quan hệ với Việt Nam, như việc hỗ trợ kinh tế liên quan đến thương mại và đầu tư, phát triển thương mại và cơ sở hạ tầng cũng như cung cấp hỗ trợ quân sự và hậu cần cho Việt Nam từ phía Trung Quốc.
Việt Nam trong thế kỷ 21 sẽ vẫn là một điểm trọng tâm – một khu vực có nhiều sự chú ý do vị trí địa lý chiến lược giáp ranh với Trung Quốc. Các cường quốc, cụ thể là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ, sẽ hoạt động như một chất xúc tác để đẩy mạnh phát triển kinh tế và hỗ trợ Việt Nam chống lại sự trổi dậy của Trung Quốc.
Việt Nam sẽ vẫn là một khu vực mà Ấn Độ và các cường quốc khác nên cam kết tham gia để khám phá các lĩnh vực hợp tác về an ninh năng lượng và quân sự. Việc Ấn Độ sử dụng cơ hội này như thế nào trong những năm tới để tìm hiểu và khám phá các lĩnh vực mới nhằm hợp tác với Việt Nam cũng như phát triển các năng lực chính trị, kinh tế và quân sự với mục đích hòa bình, để chống lại sức mạnh gia tăng bá quyền của Trung Quốc thế kỷ 21, vẫn chưa thể đoán trước được. Hiện tại thì New Delhi đã nhận thức được sự tham vọng của Trung Quốc cũng như sự gia tăng quyền lực của nước này ở Biển Đông và trong khu vực Ấn Độ Dương (IOR). Ấn Độ phải sử dụng các cơ hội đã bị bỏ lỡ với Việt Nam và duy trì một mối quan hệ đối tác hiệu quả và thông thạo.
Praful Adagale và Vinayak Lashkar là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trung tâm An ninh Quốc tế và Phân tích Quốc phòng Yashwantrao Chavan (YCNISDA), Đại học Pune.
© 2012 Bản tiếng Việt TCPT
http://phiatruoc.info/?p=6905
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét