Vibay

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Các chiến hạm mang tên lửa hàng đầu Đông Nam Á

27/2/12-Gần đây, báo chí nước ngoài đã “điểm danh” 8 chiến hạm mang tên lửa hàng đầu đang có mặt tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có 3 chiến hạm Việt Nam.


Tàu chiến Lý Thái Tổ

Việt Nam có bờ biển dài, trải từ bắc xuống nam theo nhiều vĩ độ. Biến đảo Việt Nam có vị trí chiến lược trong thế trận phòng thủ đất nước. Việc mua sắm, đóng mới các loại tàu chiến để bảo vệ quốc gia vững chắc là nhiệm vụ thường xuyên, tất yếu. Chúng ta không đe dọa ai, cũng không chạy đua với ai. Xuất phát từ yêu cầu phòng thủ, các nhà khoa học quân sự Việt Nam biết lựa chọn những gì cần thiết để “giữ yên biển trời”, góp phần ổn định tình hình trong khu vực.
Ngày 5/3/2011, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng chiếc Gepard 3.9 thứ nhất có số hiệu HQ-011, mang tên Đinh Tiên Hoàng. Ngày 22/8/2011 Việt Nam lại tiếp nhận Chiến hạm Gepard 3.9 thứ hai HQ-012 mang tên Lý Thái Tổ.

http://www.youtube.com/watch?v=j5uWM4M5Q0w

Tàu Lý Thái Tổ có chiều dài 102 mét, rộng 13,7 mét, lượng rẽ nước 2.100 tấn và có thể chống chọi được bão có sức gió lên đến 130 km/h. Cự ly hoạt động gần 5.000 hải lý. Qua quá trình cải tiến tàu đã đạt được vận tốc thực vượt chỉ số vận tốc khi thiết kế (từ 18 hải lý/h lên tới 21 hải lý/h).

Chiến hạm Gepard 3.9 của Việt Nam có thể lắp đặt tổ hợp tên lửa Uran, cự ly bắn đến 130km, gồm 2 ống phóng tên lửa có cánh chống hạm loại Kh-35E. Để đáp trả các đòn tấn công từ các mục tiêu trên không tầm thấp của đối phương, “Đinh Tiên Hoàng” có thể được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không Osa-MA với cơ số tên lửa là 20 quả. Khi cần, tổ hợp này có thể tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi kích thước nhỏ.

Vũ khí pháo của tàu gồm tổ hợp pháo AK-176M cỡ nòng 76,2mm (152 quả) và bệ pháo kép tự động AK-630M cỡ nòng 30mm (2000 quả) . Pháo này bảo đảm tiêu diệt các mục tiêu trên không bay thấp, các mục tiêu mặt đất và dưới biển. Để chống ngầm trên tàu lắp đặt 2 ngư lôi 533mm trang bị 2 ống phóng.

Tàu Gepard 3.9 được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu tàu chiến nổi, tàu ngầm , phòng không, hộ tống, tuần tra bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Tàu có khả năng hoạt động độc lập hoặc tác chiến theo đội hình, có thể hoạt động liên tục 20 ngày đêm trên biển.

Tàu Monliya 1241.8 là tầu hộ tống mang tên lửa, được phát triển theo dự án số 12421 của Nga. Chiều dài thân tầu 56.1 m. Chiều rộng nhất thấn tầu 10.2 m. Chiều cao của sàn tầu (trung bình) 5.31 m. Lượng giãn nước 510 T. Thông số chiến thuật tầu hộ tống tên lửa: Tốc độ cực đại: 39-40 kn. Tốc độ tiết kiệm 12-13 kn. Hoạt động với khoảng cách xa 2300 dặm. Lượng dự trữ hậu cần hành trình 10 ngày; thủy thủ đoàn: 42 binh sĩ. Tên lửa phòng không vác vai Igla: 12 quả. Hỏa lực pháo binh loại 76.2 mm với cơ số 316 viên, loại 23 mm với cơ số 4.000 viên đạn.

Vũ khí chính trang bị trên tàu gồm: Hệ thống tên lửa chống tàu với giàn phóng tên lửa U-ran phóng tên lửa hành trình Kh-35 sắp xếp thành hai hàng, mỗi hàng 8 ống phóng (16 tên lửa). Tên lửa hành trình Kh-35 dẫn bằng ra-đa chủ động giai đoạn cuối. Trên hành trình bay, tên lửa bay cách mặt nước 15 mét, ở giai đoạn cuối chúng hạ thấp độ cao và tiêu diệt mục tiêu chỉ ở độ cao từ 3 mét đến 5 mét. Tên lửa Kh-35 có cự ly tác chiến 130km, tốc độ tối đa khoảng 300 m/s, đầu nổ HE nặng 145 kg , hoặc tên lửa hành trình chống tàu Moskit SS-N-22.

Báo chí các nước cũng so sánh, Singapore, Malaysia hay Indonesia, các nước này cũng có tàu mang tên lửa hiện đại. Tuy nhiên, trong hải quân các nước Đông Nam Á, chiến hạm Formidable của Singapore được cho là thuộc loại tiên tiến nhất, thực hiện mục tiêu phát triển khả năng tác chiến tiến công. Vũ khí chính là 8 tên lửa chống hạm RGM-84-Harpoon tầm bắn 130km, 4 bệ (32 ống phóng) tên lửa đối không Aster-15… có trực thăng chống ngầm S-70B Sea Hawk, có thiết bị định vị dùng sóng âm sẽ phát hiện tàu ngầm đối phương, tiêu diệt chúng bằng ngư lôi .

Gepard 3.9 của Việt Nam được đánh giá, tàu sử dụng những công nghệ và vũ khí khá hiện đại, vượt trội so với các tàu của Malaysia hay Indonesia.

Cùng với các biên đội tàu, Việt nam còn các lực lượng binh chủng khác, trên đất liền, trên không, cùng toàn dân sẵn sàng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những phép “thử so sánh” trên đây, đơn giản chỉ dựa vào thông số kĩ thuật. Lịch sử chiến tranh Giải phóng và Bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam rút ra, sự sáng tạo, thông minh và ý chí chiến đấu vì mục tiêu chính nghĩa của con người sẽ nhân lên gấp bội tính năng của vũ khí. Đó là nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam. Vũ khí hiện đại là quan trọng, con người mới là yếu tố quyết định.

Tô Thùy Văn

http://baodientu.chinhphu.vn/Home/8-chien-ham-mang-ten-lua-hang-dau-Dong-Nam-A/20122/130827.vgp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét