(Cafechemgio-27/12/2011) Khi lên thì anh chém gió ầm ĩ, nào thì ổn định ngân hàng, nào thì bình ổn vàng. Kết quả thì như shit. Giảm lãi suất đột ngột làm ngân hàng chết sặc, giờ cố bám vào để lấy chênh lệch lãi suất cao nhằm bù đắp cho thua lỗ hệ thống thì lãi suất chảy vào túi lãnh đạo ngân hàng khi cho vay hết, lãi suất công bố chỉ là ảo tưởng.
Bài báo dưới đây ngày 13.12.2011, 2 tuần trước, ngay cả ngày này mà doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn tiền với lãi suất 17 ~ 19% như đã hứa. Trích: “Nhưng cũng sau hai tháng kể từ tháng 9/2011, nhiều ngân hàng đã trở lại trạng thái ung dung khi không phải quá lo lắng để nhìn lên phía trên – nơi NHNN có thể ban ra một mệnh lệnh hành chính nào đó về áp trần lãi suất cho vay; và do đó càng không phải nhìn lên vùng lãi suất cho vay vẫn tồn tại ở mức giá cao vời vợi đối với trạng thái sức khỏe thực của các doanh nghiệp: 21-24%/năm.” hết trích.
Tình hình là từ đây tới Tết, phần lớn doanh nghiệp tiếp cận vốn vẫn phải trả 22 ~ 25%/năm, điều này sẽ gây thêm phá sản cho doanh nghiệp. Dĩ nhiên những khoảng vay cũ sẽ không được điều chỉnh lãi suất sớm.
Rồi lại chuẩn bị chạy đua đảo nợ cuối năm, tiền lại chảy vào túi lãnh đạo giới ngân hàng, còn doanh nghiệp thì vẫn từ chết tới trọng thương
Lãi suất cho vay vẫn cao chót vót: Nghi vấn lớn
Tác giả: Viết Lê Quân
Bài đã được xuất bản.: 6 giờ trước
(VEF.VN) – Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động bình ổn thị trường mạnh mẽ, nhưng còn đó những nghi vấn về nạn đầu cơ trên thị trường vàng sự tồn tại khoảng cách lớn giữa lãi suất huy động và cho vay.
Lời hứa đầu tiên
Vào đầu tháng 8/2011, sau khi nhậm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Nguyễn Văn Bình đã đưa ra lời hứa hẹn đầu tiên về khả năng giảm lãi suất cho vay.
Điều đó rất được kỳ vọng vì, tháng 8 cũng là thời điểm chỉ số lạm phát ở Việt Nam lập đỉnh, lồng trong bối cảnh gần 50.000 doanh nghiệp trên toàn quốc lâm vào phá sản, chủ yếu do hậu quả đình đốn sản xuất và kinh doanh. Con số này vượt gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2010.
Vào cuối tháng 8, lần đầu tiên cụm từ “tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ” được nêu ra và nhanh chóng được phổ thông hóa trên mặt công luận và trong dư luận. Đi cùng với cụm từ này là sự khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ kéo lãi suất cho vay về vùng 17-19%/năm.
Đó cũng là thời điểm mà hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng không khác mấy với tình huống khẩn cấp trong thời chiến. Lãi suất cho vay khi đó đã bị đẩy lên một mức rất cao so với mặt bằng chung trên thế giới: 25 – 27%.
Chỉ sau nửa đầu năm 2011, không cần quá nhiều thuyết minh hoặc những phân tích, tranh cãi xoay quanh những vấn đề kinh tế vĩ mô, chỉ cần nhìn vào thực tế người ta đã có thể nhận ra yêu cầu “tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ” có ý nghĩa đến thế nào đối với rất nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng mà báo chí mô tả là “sống dở chết dở”.
Lãi suất cho vay đã từng bị đẩy lên một mức rất cao so với mặt bằng chung trên thế giới: 25-27% (ảnh NLĐ).
Ba quý đầu năm 2011, mức lãi sau thuế của 42 ngân hàng thương mại ở Việt Nam không thua kém mấy so với giai đoạn phồn thịnh năm 2007. Nhưng trong khi các ngân hàng hoan hỉ công bố con số lãi trung bình từ 1.000 – 3.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp chuyên ngành nông nghiệp, thủy sản công nghiệp và cả xuất khẩu đã bóp trán khi phải tính đến chuyện lấy đâu ra tiền để chi thưởng Tết năm 2012 cho công nhân của mình.
Hiểu theo một cách nào đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã giữ đúng lời hứa. Đầu tháng 9/2011, lãi suất huy động được kéo giảm. Tháng 9 cũng có thể được xem là mốc thời điểm khơi lại niềm tin cho khối doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu về một tương lai không đến nỗi quá u ám.
Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp đã phải trông đợi trong 9 tháng đầu năm 2011 thì cũng có thể sẽ cần chờ đợi trong thời gian còn lại của năm. Lý do đơn giản là việc lãi suất được kéo giảm trong tháng 9/2011 đã không phản ánh đúng thực chất của yêu cầu hạ lãi suất. Mức trần lãi suất 14% mà NHNN đưa ra đã chỉ lặp lại một thông tư cũng của cơ quan này vào tháng 3/2011. Còn trước đó, hình thức “giao dịch thỏa thuận” đã khiến cho các ngân hàng có thể tùy ý đẩy lãi suất huy động cho khách hàng đến 19-20%.
Tuy thế, việc NHNN làm được một việc mà suốt 6 tháng trước đó không ai làm được đã tạo nên hy vọng cho các doanh nghiệp về logic kéo giảm lãi suất cho vay, tiếp nối sau việc lãi suất huy động được “hạ”.
Hy vọng tồn tại của doanh nghiệp càng có cơ sở khi trong suốt tháng 9 và sang cả tháng 10/2011, với những động tác chưa từng có tiền lệ, NHNN đã dùng “bàn tay sắt” trong công tác hậu kiểm việc tái thiết lập trần lãi suất huy động 14%. Trong vụ việc liên quan đến ngân hàng HDBank, một bộ phận của Tổng cục Cảnh sát thuộc Bộ Công an còn được NHNN mời phối hợp kiểm tra và xử lý.
Khoảng trống
Nhưng sang đến tháng 11, mặt bằng lãi suất cho vay thực tế vẫn chưa giảm nhiều. Trên danh nghĩa, chỉ một vài ngân hàng lớn như BIDV đã tỏ ra nhiệt tâm hơn cả khi thực hiện 2-3 lần giảm lãi suất cho vay. Cùng lúc, trong phần lớn các ngân hàng còn lại diễn ra một tình trạng lạ lùng: nhìn ngang và nhìn xuống.
Nhưng không nhìn lên.
Hiển nhiên, các ngân hàng đã nhìn ngó nhau với thái độ thăm dò. Sự hội tụ của các luồng nhỡn quang lại tập trung ở con số 14% cận dưới. Sau 2 tháng, nhận thức chung của các ngân hàng là hầu như không còn cơ hội để lách trần lãi suất huy động.
Có khoảng cách lớn giữa lãi suất cho hay và lãi suất huy động (ảnh minh họa – Tuổi Trẻ)
Nhưng cũng sau hai tháng kể từ tháng 9/2011, nhiều ngân hàng đã trở lại trạng thái ung dung khi không phải quá lo lắng để nhìn lên phía trên – nơi NHNN có thể ban ra một mệnh lệnh hành chính nào đó về áp trần lãi suất cho vay; và do đó càng không phải nhìn lên vùng lãi suất cho vay vẫn tồn tại ở mức giá cao vời vợi đối với trạng thái sức khỏe thực của các doanh nghiệp: 21-24%/năm.
Đến lúc này, chênh lệnh giữa vùng lãi suất cho vay với trần lãi suất huy động vẫn giữ nguyên khoảng cách so với thời điểm trước tháng 9/2011: 7 – 10%.
Mức chênh lệch này được xem là tối ưu cho các ngân hàng nếu so với “tiêu chí” của NHNN là từ 3-4% và so với chuẩn chung trên thế giới chỉ có 2-3%.
Cuối tháng 10/2011, đã có những xác nhận về thực tế giải ngân của một số ngân hàng vào những tháng còn lại của năm 2011 chỉ đạt 20% kế hoạch, những ngân hàng lớn bị ứ vốn, còn phần lớn doanh nghiệp vẫn không thể nào tiếp cận được “nguồn vốn vay giá rẻ”.
Cũng trong hai tháng 9 và 10/2011, giới đầu tư lại ghi nhận một hiện tượng bất thường trên thị trường vàng. Sau khi lập đỉnh ở vùng giá 49 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục dao động ở vùng giá cao 45-47 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, điểm đáng lưu tâm nhất là độ chênh cao của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới có thời điểm đã đạt đến 5 triệu đồng/lượng, sau đó giảm về 2-3 triệu đồng/lượng, nhưng không giảm hơn nữa.
Có một cái gì đó thật khó nghĩ khi so sánh độ chênh cao như thế với nhận định của tân thống đốc NHNN vào đầu tháng 8/2011, khi ông cho rằng chỉ cần giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng/lượng là thị trường vàng có dấu hiệu bị đầu cơ.
Trong gần trọn tháng 8/2011, giá vàng trong nước luôn được đẩy cao hơn rất nhiều giá vàng thế giới. Tuy nhiên về phía NHNN đã không có động thái nào xoa dịu tình trạng bất ổn như vậy. Chỉ đến khi độ chênh cao đạt đến 4,5 – 5 triệu đồng/lượng, đẩy giá vàng trong nước vào tình thế “điên loạn” như báo chí mô tả, NHNN mới phát đi một thông điệp mang tính chung nhất “cảnh báo về mua vàng giá cao”.
Nhưng cũng vào thời điểm đó, một lượng lớn khoảng trên 20 tấn vàng nhập khẩu đã được các công ty kinh doanh vàng, trong đó chủ lực là công ty SJC, tiêu thụ ở vùng giá cao, đem lại một khoản lời lãi mà báo chí chỉ có thể mô tả là “khổng lồ”.
Nghi vấn
Có một mối liên hệ nào đó giữa hoạt động đầu cơ rất lộ liễu về vàng trong nước với hình ảnh treo cao của vùng lãi suất cho vay do các ngân hàng ấn định.
Khi kỳ họp Quốc hội khóa XIII đi vào ngày kết thúc với phần trả lời chất vấn của thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về vấn đề tái cấu trúc ngân hàng, người ta đã chợt nhận ra là sau gần 3 tháng kể từ ngay “lập lại kỷ cương về trần lãi suất huy động”, các ngân hàng vẫn ung dung hưởng lợi với vùng lãi suất cho vay treo cao trên chỏm đầu trắng xóa của khối doanh nghiệp sản xuất.
Cho đến đầu tháng 12/2011, lãi suất cho vay vẫn chưa được kéo giảm. Tháng 12 cũng là thời điểm ghi nhận đà sụt giảm dưới 1% trong liên tiếp 4 tháng của chỉ số lạm phát – một cơ sở mà chính thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong một nội dung trả lời chất vấn trước Quốc hội, đã đặt ra nhằm kéo giảm lãi suất.
Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào cuối tháng 11/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu NHNN phải giảm ngay lãi suất huy động vào cuối năm nay.
Trong hơn 3 tháng qua, điều có vẻ lạ lùng là trong khi trần lãi suất huy động đã được hậu kiểm với một thái độ không thể chê trách, thậm chí NHNN còn sẵn sàng “hình sự hóa” đối với những hành vi vi phạm, thì mọi giao dịch theo cung cách thỏa thuận đối với lãi suất cho vay vẫn bị bỏ trống.
Tất nhiên có nhiều cách phân tích và lý giải về những hành vi của NHNN, cũng như nhiều ý kiến của các chuyên gia đã bất ngờ rộ lên trong khoảng một tuần qua – một hiện tượng khác thường – mà đa số đều phản bác việc giảm lãi suất huy động để không cho lạm phát cái cớ tái diễn tình trạng tăng vọt.
Nhưng có vẻ như giới phân tích, trong khi quá chú trọng vào chủ đề lãi suất huy động và nguy cơ lạm phát, lại lãng quên chủ đề quan yếu không kém là lãi suất cho vay.
Trong nhận thức của những doanh nghiệp đang có nguy cơ “chết lâm sàng”, điều đơn giản cần được trần thuật là dù không giảm lãi suất huy động thì cũng phải bằng mọi cách kéo giảm lãi suất cho vay. Điều này xét ra chỉ đơn thuần là hành động “nhường cơm sẻ áo” khi chia bớt khẩu phần dư dả của ngân hàng cho những kẻ sắp chết đói mà thôi.
Còn trong con mắt của giới đầu tư chuyên nghiệp, cách lý giải duy nhất có lý cho sự bất cập trên là quyền lợi được duy trì của nhóm lợi ích ngân hàng. Điều này xét ra cũng khá tương xứng với quyền lợi của nhóm lợi ích vàng mà đã từng được dư luận không ít lần đề cập.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã bước qua cái mốc 100 ngày đầu tiên trên cương vị người đứng đầu NHNN – một vị trí mà vào tháng 8/2011, người dân và báo giới đã từng kỳ vọng như một “gương mặt mới”.
Thực tế, gương mặt mới đã thật sự xuất hiện nếu thị trường vàng không còn đó những nghi vấn về nạn đầu cơ vẫn hầu như không được “bình ổn”, cũng như đã không tồn tại một khoảng cách quá khó hiểu giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động trong hơn 100 ngày qua.
----------------------------------------------
Nguyễn Văn Bình sinh ngày 4 tháng 3 năm 1961. Quê quán: Phú Thọ. Ông là một chính khách Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam Khóa XI. Nguyên phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình
Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Nhiệm kỳ 3 tháng 8, 2011 – 2016
Tiền nhiệm Nguyễn Văn Giàu
Kế nhiệm đương nhiệm
Khu vực Flag of Vietnam.svg Việt Nam
Phó Thống Đốc Trần Minh Tuấn
Đặng Thanh Bình
Nguyễn Đồng Tiến
Nguyễn Toàn Thắng
Lê Minh Hưng
Phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Nhiệm kỳ tháng 4, 2008 – 3 tháng 8, 2011
Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam
Sinh 4 tháng 3, 1961 (50 tuổi)
Phú Thọ
Học vấn Tiến sỹ khoa học
Dân tộc Kinh
Tôn giáo Không
Tóm tắt tiểu sử Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Nguyễn Văn Bình
Sinh ngày: 4/3/1961.
Quê quán: Phú Thọ.
Học vị: Tiến sỹ khoa học.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI.
12/1986-1/1992: Chuyên viên Vụ Kinh tế đối ngoại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2/1992-4/1995: Phó Trưởng Phòng các Tổ chức quốc tế, Trưởng Phòng Ngân hàng Thế giới, Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
5/1995-10/1998: Phó Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án tín dụng quốc tế, rồi Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
11/1998-10/2001: Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TP. Hà Nội.
11/2001-6/2005: Phó Chủ tịch, rồi quyền Chủ tịch Ban lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư quốc tế (MIB) tại Liên bang Nga.
7/2005-3/2008: Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
4/2008 đến nay: Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét