Một chiếc tàu ngầm hạng Kilo của Nga giống chiếc bán cho Việt Nam. Chiếc này được bán cho Iran. (Hình: defenselink.mil)
Sáu tàu ngầm hạng Kilo, cộng 12 máy bay Su-30 MK2 nằm trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội kéo dài từ 10 tới 20 năm, theo Phó Ðại Sứ Virginia Palmer viết trong công điện đề ngày 23 tháng 6, 2009.
Ngoài tàu ngầm, tin tức còn cho biết Việt Nam sẽ mua luôn cả thủy lôi và hỏa tiễn. “Nguồn tin trong hãng xuất cảng võ khí Rosoboronexport xác nhận là Nga và Việt Nam đã thương thuyết từ 1 năm nay mới kết thúc hợp đồng mua 6 tàu ngầm hạng Kilo trị giá $1.8 tỷ đô la, và sẽ giao hàng trong khoảng một năm.”
Sáu tàu ngầm mà Việt Nam mua được, chính là giựt từ hợp đồng của Venezuela. Bản công điện tiết lộ, hãng Rosoboronexport của Nga đã hủy đơn đặt hàng của Venezuela để bán cho Việt Nam.
Lý do bên Nga đưa ra, là vì vào tháng 4, Tổng Thống Hugo Chavez của Venezuela đã gặp Tổng Thống Barack Obama rồi hứa sẽ cải thiện quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, bà Palmer cho rằng lý do này chỉ là cái cớ - bà dùng chữ “mỏng.” Bà gọi đó là “một lý do khá mỏng để công khai biện minh cho việc hủy một đơn đặt hàng vũ khí $1.5 tỷ, nhất là khi Venezuela là khách hàng Top 5 của Nga về vũ khí và quân cụ.”
Phó Ðại Sứ Palmer cho rằng lý do thật là “thị trường dầu thế giới sụp đổ, và nền kinh tế Venezuela thì lại lệ thuộc vào dầu hỏa để kiếm thu nhập.”
Trong khi đó, phía Việt Nam đã cố gắng mua tàu ngầm từ lâu. Bản công điện trích lời Giáo Sư Carl Thayer, một chuyên gia Úc về quân đội Việt Nam, “xác nhận là Hà Nội đã muốn mua tàu ngầm hạng Kilo từ năm 1991.” Bản công điện cho biết:
“Khi đó, Việt Nam đang thảo luận với Liên Xô nhưng rồi nước này tan rã trước khi hai bên kịp thỏa thuận.”
Không mua được tàu ngầm mới của Liên Xô, Việt Nam xoay qua hướng khác. “Gần đây hơn, giới chỉ huy Hải Quân Việt Nam định mua lại tàu ngầm hạng Kilo đã qua sử dụng, của Serbia.”
Ngoài ra, không mua được tàu ngầm lớn thì Việt Nam mua tàu ngầm nhỏ. “Có tin rằng Hà Nội mua được hai tàu ngầm nhỏ (mini-submarines) của Bắc Hàn năm 1977, có thể để dùng trong các vụ biệt kích, hoặc để phát triển và huấn luyện.”
Sáu chiếc tàu ngầm hạng Kilo này “có biệt danh 'lỗ đen' vì có khả năng tránh phát hiện, nằm trong số yên lặng nhất trong các tàu ngầm chạy máy diesel.”
Tàu ngầm này “được thiết kế để chống tàu ngầm và chống tàu trên mặt nước, cũng như để trinh sát và tuần tiễu.”
Không nhiều nước có tàu ngầm này. Công điện cho biết: “Tính tới tháng 11, 2006, có 16 chiếc đang được dùng trong Hải Quân Nga, và 8 chiếc dự trữ. Thêm 29 chiếc nữa được cho là đã xuất cảng đi Trung Quốc, Ấn Ðộ, Iran, Ba Lan, Romania và Algeria.”
Vừa tàu ngầm, lại máy bay
Chỉ vài tuần sau khi Việt Nam mua được tàu ngầm, báo Vedomosti của Nga loan tin Việt Nam mua thêm máy bay, gồm 12 chiếc chiến đấu cơ siêu thanh Su-30 MK2. Hợp đồng trị giá $500 triệu đã được ký với Rosoboronexport từ tháng 1, tờ báo cho biết.
Máy bay được bán trống, không có vũ khí, nhưng dạng MK2 “có dàn điện tử có thể dùng chung với hỏa tiễn chống tàu,” bản công điện viết. Hợp đồng bán hỏa tiễn và các loại vũ khí khác cho máy bay này “còn trị giá hàng trăm triệu đô la nữa.”
Máy bay Su-30 MK2 sẽ giúp nâng trình độ của Không Quân Việt Nam lên một mức cao hơn hẳn. Vào lúc đó, Việt Nam có khoảng 400 máy bay quân sự, nhưng hầu hết đều là MiG-21 của thời thập niên 1960 và Su-22 dùng để oanh tạc mặt đất. Về máy bay tối tân, Việt Nam lúc đó chỉ đang có 12 chiếc Su-30 và 36 chiếc Su-27.
Máy bay Su-30 được Phó Ðại Sứ Palmer miêu tả là “tương tự như F-15 của Mỹ, nhưng giá thành ít hơn 1 phần 3 và được công nhận là một trong những chiến đấu cơ tốt do Nga sản xuất.”
Với số tàu ngầm và máy bay mới mua, Việt Nam lên tới hàng Top 5 trong số khách mua vũ khí của Nga, cùng với Ấn Ðộ, Algeria, Venezuela và Trung Quốc.
Tàu ngầm đánh với ai?
Phó Ðại Sứ Palmer đánh giá việc Việt Nam mua tàu ngầm là “đặc biệt đáng để ý” và sẽ cho Việt Nam một “bước nhảy vọt” khiến Việt Nam sẽ có “khả năng chinh chiến dưới mặt nước hiện đại nhất trong toàn vùng Ðông Nam Á.”
Ngoài việc nâng cấp quân đội nói chung, “Việt Nam đang hy vọng tàu ngầm này thay đổi cán cân quân sự tại biển Nam Trung Hoa,” công điện viết.
“Mặc dù Việt Nam không có hy vọng gì cân bằng với sức mạnh hải quân của Trung Quốc, nhưng họ có thể khiến một cuộc chiến trong vùng tranh chấp trở thành phức tạp và nguy hiểm cho Trung Quốc,” theo Phó Ðại Sứ Palmer.
Bà gọi tàu ngầm mới mua này là “một mối đe dọa bất đối xứng” cho Trung Quốc. Tàu ngầm này sẽ giúp “tước đoạt quyền kiểm soát của Trung Quốc trong vùng, nếu Trung Quốc có ý định dùng vũ lực chiếm đoạt những đảo tranh chấp.”
Tuy nhiên, bà Palmer đặt dấu hỏi về khả năng chi trả $1.8 tỷ cho tàu ngầm này. “Vụ suy thoái kinh tế ảnh hưởng tới Việt Nam ít hơn các nước láng giềng, nhưng với tổng ngân sách quốc phòng chỉ có $3.6 tỷ, khó có thể là Việt Nam có tài nguyên để mua đứt tàu ngầm này.” Bà cho rằng, trên thực tế, có lẽ “Việt Nam sẽ trả tiền cho Nga qua một số sự trao đổi hàng hóa và trả tiền góp theo thời gian.”
––-
Liên lạc tác giả: VuQuiHaoNhien@nguoi-viet.com
Theo Nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét