Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011
Tập trận khổng lồ Mỹ - Hàn với hơn 140.000 quân
(RFI) Hôm nay 20/10/2011, quân đội Hàn Quốc thông báo sẽ tập trận thường niên mang tên Hoguk, từ ngày 27/10 đến 4/11, với sự phối hợp của Hoa Kỳ. Cuộc tập trận sẽ diễn ra trên toàn quốc, kể cả tại vùng biển Hoàng Hải gần khu vực giới tuyến trên biển với Bắc Triều Tiên.
Theo hãng thông tấn Yonhap, dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cuộc tập trận huy động tới 140 nghìn binh sĩ Hàn Quốc, cùng 500 binh sĩ Hoa Kỳ, thuộc các lực lượng hải lục không quân.
Tại khu vực giới tuyến trên biển với Bắc Triều Tiên, bên cạnh các tàu chiến, sẽ có các trực thăng tấn công và máy bay chiến đấu mang tên lửa không đối điạ tham gia.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, mục tiêu của cuộc tập trận, có bắn đạn thật, diễn ra gần khu vực các đảo của Hàn Quốc ở vùng biển Hoàng Hải, là nhằm cải thiện khả năng tác chiến của quân đội Hàn Quốc, đối mặt với các nguy cơ xâm lăng.
Bình Nhưỡng thường xuyên tố cáo các cuộc tập trận của Hàn Quốc, và cho rằng, đây là các hoạt động của Seoul chuẩn bị xâm lược miến Bắc.
Tại khu vực giới tuyến trên biển giữa hai quốc gia nửa anh em, nửa thù địch này, đã xảy ra nhiều đụng độ nghiêm trọng vào các năm 1999, 2002 và 2009. Vào tháng 11/2010, một hòn đảo của Hàn Quốc đã bị Bình Nhưỡng pháo kích, khiến bốn người thiệt mạng. Vụ việc này đã làm tăng thêm không khí căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên giam giữ tới 200 nghìn tù nhân chính trị
Một báo cáo đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Bắc Triều Tiên đã đưa ra một con số ước đoán, có tới 200.000 người bị giam giữ tại Bắc Triều Tiên, vì lý do chính trị.
Trong bản báo cáo được trình bày tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày hôm nay 20/10, ông Marzuki Darusman – tác giả của báo cáo – đã cho biết, các ảnh chụp từ vệ tinh các trại giam tại Bắc Triều Tiên mới đây cho thấy, kích thước của các trại này đã tăng lên rất nhiều so với cách đây 10 năm. Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc còn khẳng định, có những người bị giam giữ, chỉ vì là thân nhân của các tù nhân. Ông Marzuki Darusman yêu cầu Bình Nhưỡng trả tự do nhanh chóng cho các tù chính trị.
Bên cạnh đó, người phụ trách báo cáo đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Bắc Triều Tiên cũng nhấn mạnh đến tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng tại quốc gia này, theo đó, khoảng 10 triệu người dân Bắc Triều Tiên, tức 2/3 dân số, chỉ được cung cấp chưa đến một nửa lượng thức ăn cần thiết, để đáp ứng các nhu cầu tối thiếu về calorie.
Tiềm lực Quân Đội Hàn Quốc
Sau khi Hiệp định đình chiến được ký (16/5/1953), quân đội Hàn Quốc đã được tái thành lập và đến nay nước này có một lực lượng quân sự mạnh với mức đầu tư đứng thứ 10 thế giới (tính theo GDP).
Theo con số thống kê của giới truyền thông, tính đến hết năm 2006 Hàn Quốc có khoảng 687.700 binh lính (hiện giảm còn 670.000 người), chưa kể tới 4,5 triệu quân dự bị.
Lục quân Hàn Quốc có 560.000 binh sĩ, trong đó 140.000 lính nghĩa vụ và 4 triệu quân dự bị (theo thống kê của năm 2006). Số quân trên được phiên chế thành 3 quân đoàn, 11 binh đoàn, 49 sư đoàn và 19 lữ đoàn. Đó là Quân đoàn 1 (First Army, FROKA), phụ trách khu vực phía đông, Quân đoàn 2 (Second Army, SROKA) phụ trách phần chiến lược và Quân đoàn 3 (Third Army, TROKA) phụ trách thủ đô Seoul và phía tây khu phi quân sự. Lục quân sở hữu 4.850 xe tăng, xe thiết giáp (trong đó đáng chú ý có loại T-80U, M48 Patton, K1, K1A1, K2 và XK2 Black Panther), 10.774 pháo các loại, 7.032 tên lửa (trong đó đáng chú ý có Patriot, MIM-23B Hawk và 3 loại tên lửa vác vai là Stinger của Mỹ, Mistra của Pháp và Javelin của Anh) và 13.000 vũ khí bộ binh khác.
Hải quân Hàn Quốc có 68.000 binh sĩ, trong đó có 25.000 thủy quân lục chiến cùng 170 tàu thuyền các loại. Hải quân được chia thành 3 hạm đội. Hạm đội 1 phụ trách bảo vệ phía tây, Hạm đội 2 phụ trách bảo vệ phía đông, còn Hạm đội 3 phụ trách bảo vệ từ Đông Hải tới eo biển Hàn Quốc. Có người nói rằng, vì có Hạm đội 7 của Mỹ đóng gần Nhật Bản nên Hàn Quốc không chú trọng phát triển lực lượng hải quân. Nhiệm vụ chủ yếu của hải quân là phòng vệ ven biển. Không quân Hàn Quốc có hơn 600 máy bay các loại, trong đó có loại F-15K Slam Eagle do Boeing sản xuất và T-50 Golden Eagle.
Giới chuyên môn cho biết, khi mới xảy ra cuộc chiến Triều Tiên đầu những năm 50, quân đội Hàn Quốc hầu như không có vũ khí gì đáng kể, chủ yếu dựa vào viện trợ của Mỹ. Nhưng kể từ đầu thập niên 80 đến nay, nhờ sự phát triển của kinh tế, nên tiềm lực quân sự của Hàn Quốc đã gia tăng đáng kể. Đây được coi là thời kỳ tăng trưởng, phát triển, mở rộng và hiện đại hóa lực lượng quân sự. Riêng trong năm 1990, nền công nghiệp Hàn Quốc đã đảm trách tới 70% nhu cầu vũ khí, đạn dược, quân nhu cùng nhiều trang thiết bị, kỹ thuật khác cho quân đội. Điều này đã khiến những quốc gia hữu quan “nể phục”.
Nhờ sự tăng trưởng đều đặn của nền kinh tế nên quân đội Hàn Quốc luôn nằm trong danh sách những quốc gia đầu tư lớn cho quốc phòng, thậm chí có thời kỳ nước này nằm trong top 10 nước đứng đầu thế giới về ngân sách quân sự. Trong số những thành tựu quốc phòng, đáng kể nhất là việc nâng cấp lực lượng hải quân. Việc này xuất phát từ những tiến bộ trong ngành công nghiệp đóng tàu. Giới chuyên môn nhận định, từ nay đến năm 2020, hải quân có thể trở thành một quốc gia có khả năng hoạt động tại khu vực biển sâu, cũng như thành công bước đầu trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng này.
Theo thống kê của Cơ quan Quản lý Chương trình Thu mua quốc phòng Hàn Quốc hôm 29/12/2008, lần đầu tiên doanh thu xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc vượt ngưỡng 1 tỉ USD. Điều này đồng nghĩa với việc Hàn Quốc sẽ sớm trở thành một trong 10 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Khách hàng chủ yếu của Hàn Quốc là những quốc gia thuộc khu vực Trung Đông và đồng minh của Mỹ và họ chủ yếu mua súng tự động, máy bay và tàu hải quân.
Được biết, Hàn Quốc đã và đang tăng cường việc bán vũ khí cho các quốc gia đang phát triển tại châu Phi và Mỹ Latinh với hy vọng đạt con số 3 tỉ USD vào năm 2012. Vào thời điểm này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hy vọng sẽ xuất khẩu xe tăng K-2 (thế hệ mới) và máy bay huấn luyện siêu âm T/A 50 – sản phẩm hợp tác giữa Hàn Quốc với Mỹ. Giới chuyên môn nhận định, hệ thống vũ khí của Hàn Quốc được cải thiện cũng đồng nghĩa với việc tăng cơ hội xuất khẩu vũ khí của nước này. Giới quân sự cho rằng, việc gia tăng tiềm lực quân sự, cải thiện công nghệ vũ khí cũng như nghiên cứu chế tạo và hợp tác sản xuất vũ khí của Hàn Quốc chủ yếu xuất phát từ nhu cầu chống lại những đe dọa từ bên ngoài, nhất là CHDCND Triều Tiên.
Giới truyền thông tiết lộ, ngay từ đầu năm 2005, Hàn Quốc đã áp dụng kế hoạch “đổi nợ lấy vũ khí của Nga”. Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Yoon Kwang-ung từng tiết lộ, thượng tuần tháng 4/2005 các nhà đàm phán Hàn Quốc đã đề nghị Nga chia sẻ kho vũ khí tân tiến, đặc biệt là hệ thống tên lửa chống máy bay. Đổi lại, Hàn Quốc xóa các khoản nợ quá hạn từ thời Liên Xô trước đây. Theo đó, Nga sẽ chuyển các loại vũ khí hiện đại trị giá 214 triệu USD, trong đó có xe tăng T-80, tên lửa chống tăng METIS-M và xe quân sự BMP-3 cho Hàn Quốc.
Được biết, Hàn Quốc từng cho Liên Xô vay 1,47 tỉ USD cùng một lượng hàng trị giá 470 triệu USD. Ngoài ra, Hàn Quốc còn có kế hoạch mua một số loại vũ khí tiên tiến của Nga như trực thăng KA-32 và máy bay IL-103 với tổng trị giá 530 triệu USD.
Phản ứng của các bên hữu quan
Tuyên bố hôm 9/2/2009 của Chỉ huy quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, tướng Walter Sharp được coi là phản ứng của Mỹ trước động thái mới của CHDCND Triều Tiên. Tướng Walter Sharp cho rằng, 28.500 binh sĩ Mỹ đóng tại Hàn Quốc cùng 670.000 lính Hàn Quốc sẵn sàng đối phó với bất kỳ mối đe dọa tên lửa nào từ phía CHDCND Triều Tiên.
Trước đó, Đô đốc Timothy Keating còn nhấn mạnh, theo đó Mỹ đang thận trọng quan sát những động thái liên quan tới vụ thử tên lửa tầm xa của CHDCND Triều Tiên và Washington sẵn sàng có những biện pháp đáp trả. Tuy nhiên, dư luận đều cho rằng, cả Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga đều muốn CHDCND Triều Tiên sớm trở lại bàn đàm phán để chấm dứt chương trình hạt nhân cũng như thử tên lửa đầy tranh cãi của nước này. Được biết, Nga đang tích cực chuẩn bị tổ chức vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên dự kiến diễn ra vào ngày 19 và 20/ tại Moskva.
Từ lâu Mỹ đã lên kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Cộng hòa Czech và Ba Lan để chống lại “nguy cơ tên lửa từ CHDCND Triều Tiên”. Nhưng cho đến nay kế hoạch luôn bị Nga, Trung Quốc và một số nước khác phản đối. Cách đây gần 3 năm (3/7/2006), tướng Henry Trey Obering, Chỉ huy trưởng Quân chủng Phòng vệ tên lửa Mỹ từng tuyên bố, sẽ thiết lập một hệ thống radar phòng thủ tên lửa “FBX-T” do Mỹ chế tạo tại Nhật Bản để chống lại “nguy cơ tên lửa từ CHDCND Triều Tiên”.
Theo giới truyền thông, ngay sau khi biết tin CHDCND Triều Tiên chuẩn bị phóng thử tên lửa Taepodong-2 (tháng 7/2006), nguyên Cục trưởng Phòng vệ Nhật Bản Fukushiro Nukaga đã lập tức điều một số tàu chiến được trang bị radar Aegis cùng các máy bay do thám lên đường làm nhiệm vụ. Thậm chí ông Fukushiro Nukaga còn điện khẩn để tàu khu trục Kirishima có trang bị Aegis đang tham gia tập trận ở Hawaii trở về nước gấp đề phòng khả năng CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa.
Giới quân sự cho biết, Nhật Bản đã phản ứng như vậy sau khi bị động trước vụ phóng thử tên lửa Taepodong-1 năm 1998. Nhật Bản cũng đã đồng ý (về nguyên tắc) việc cho phép Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot hiện đại PAC tại nước này để bảo vệ các căn cứ quân sự Mỹ. Hãng Thông tấn Kyodo và Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản cũng từng đưa tin, CHDCND Triều Tiên đã bắn nhiều tên lửa tầm ngắn tới vùng biển Nhật Bản hồi tháng 5/2007.
Giới phân tích cho rằng, các loại tên lửa của CHDCND Triều Tiên sẽ rời bệ phóng nếu mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trở nên nghiêm trọng, ngoài vòng kiểm soát hoặc các cuộc đàm phán giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên tại các diễn đàn bị bế tắc. Cách đây gần 3 năm (tháng 10/2006), CHDCND Triều Tiên từng thử vũ khí hạt nhân (lần đầu tiên) và từ đó đến nay vấn đề này luôn là chủ đề thời sự được cả thế giới quan tâm
Nguyễn Thị Lân (tổng hợp) – vndefence
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét