Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Việt-Ấn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Việt-Ấn. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018

Quan hệ quốc phòng Việt Ấn tăng tốc

Nếu mối quan hệ quốc phòng này được Việt Nam dùng để răn đe đe dọa từ Trung Quốc, thì ngược lại phía Ấn Độ cũng có thể dựa vào quan hệ với Việt Nam để đối trọng với Trung Quốc.
0

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind phát biểu trước Quốc hội Việt Nam


Sáng ngày 20/11 tại Nhà Quốc hội, ngay sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng thống Ân Độ Shri Ram Nath Kovind đã có bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam nhân dịp Đoàn đại biểu cấp cao Ấn Độ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
0

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Biển Đông trong bài toán chiến lược của Ấn Độ

Mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chính sách của Ấn Độ về Biển Đông. Việt Nam và Ấn Độ đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.


Vị trí địa chiến lược, chính trị, quân sự của Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước lớn, được thể hiện trên các góc độ địa bàn ảnh hưởng, cơ hội hợp tác phát triển và công cụ kiềm chế chiến lược. Song, khu vực Biển Đông cũng tồn tại tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán chưa được giải quyết triệt để. Do đó, Biển Đông luôn là điểm nóng của khu vực và thế giới, dù căng thẳng ở các mức độ khác nhau tùy từng thời điểm.

Ấn Độ là một cường quốc đang trỗi dậy và ngày càng có ảnh hưởng lớn ở khu vực. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, các nhà khoa học, hoạch định chính sách đang quan tâm đến những động thái và chính sách và quan điểm của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông. Câu hỏi đặt ra là Ấn Độ nhìn nhận Biển Đông ra sao, chính sách của Ấn Độ tác động như thế nào đến tình hình chính trị của khu vực và trên thế giới? Trong phạm vi bài viết này tác giả sẽ cố gắng trả lời cho câu hỏi đó, tập trung vào ba nội dung chính: (i) quan điểm của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông; (ii) Tầm quan trọng của Biển Đông trong chính sách Ấn Độ; và (iii) Chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Để có câu trả lời thoả đáng, bài viết đã sử dụng cách tiếp cận duy vật biện chứng, phân tích và luận giải sự kiện trong bối cảnh tình hình chính trị khu vực và quốc tế và tính tiếp nối của lịch sử, đảm bảo trật tự thời gian, tính logic, khoa học và hệ thống. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng các kiến thức khu vực học và quốc tế học để phân tích sâu quan điểm của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông.

Biển Đông trong toan tính chiến lược của Ấn Độ

Biển Đông nằm ở giữa tuyến đường hàng hải trải dài từ Đông Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực trong phát triển kinh tế và quốc phòng - an ninh. Tầm quan trọng của Biển Đông được thể hiện ở các góc độ kinh tế, chính trị và quân sự.

Về góc độ kinh tế: Biển Đông là một trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất thế giới. Giao thông ở khu vực Biển Đông nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Địa Trung Hải. Hàng ngày, có khoảng 200 - 300 tàu từ 5.000 tấn trở lên qua lại, chưa kể đến các tàu dưới 5.000 tấn, chiếm 1/4 lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới. Khu vực Biển Đông án ngữ các tuyến đường hàng hải và hàng không huyết mạch của các nền kinh tế quan trọng ở khu vực và thế giới, chuyên chở 1/2 sản lượng dầu thô và các sản phẩm thương mại khác của toàn cầu.[1] Ngoài ra Biển Đông cũng sở hữu nhiều nguồn tài nguyên quý hiếm, đặc biệt là nguồn tài nguyên dầu hỏa và khí đốt. Đây cũng là một trong những nhân tố dẫn đến tình trạng tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở một số vùng biển đảo, đồng thời một số nước lớn muốn gây phạm vi ảnh hưởng ở khu vực Biển Đông.

Về chính trị, quốc phòng và an ninh: Biển Đông là điểm nóng quan trọng của khu vực, nơi tập trung nhiều lớp mâu thuẫn cả về chính trị lẫn kinh tế, quốc phòng - an ninh. Thực tế cho thấy, Biển Đông đã diễn ra các tranh chấp về chủ quyền biển đảo quyết liệt, phức tạp nhất của thế giới và khu vực, những tranh chấp đó khó giải quyết do còn tồn tại những bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia hữu quan về chủ quyền và cách thức giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, vị trí của Biển Đông có liên quan đến nền kinh tế, quốc phòng của nhiều quốc gia, kể cả nước có chủ quyền và không có chủ quyền, cũng như các nước trong và ngoài khu vực.

Mặc dù không trực tiếp liên quan và không tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Ấn Độ đang ngày càng được công nhận là một bên trong cán cân quyền lực ở vùng biển này.[2] Mặc dù Ấn Độ không phải là nước ở khu vực Biển Đông nên không có các bờ biển hay hải đảo, hoặc các căn cứ và những thứ tương tự ở khu vực, Ấn Độ lại là một cường quốc ngoài khu vực có các hoạt động và tác động đối với khu vực thông qua việc thường xuyên triển khai hải quân, các chuyến thăm và tập trận trong vùng biển này, thông qua quan hệ đối tác chiến lược quân sự được thiết lập và đang phát triển với nhiều quốc gia ven Biển Đông, thông qua việc tham gia thăm dò dầu mỏ trong vùng biển này, và thông qua các cuộc thảo luận ngoại giao ở nhiều diễn đàn khu vực với các nước ngoài khu vực khác về vấn đề Biển Đông[3]. Theo quan điểm này, lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông có một tầm vóc chiến lược rõ ràng.[4]

Các yếu tố liên kết Biển Đông với chiến lược của Ấn Độ gồm hai khái niệm căn bản: đầu tiên là khái niệm láng giềng mở rộng, và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó, khái niệm về láng giềng mở rộng xuất hiện lần đầu tiên trong kho từ vựng chính thức của Ấn Độ vào năm 2000, dùng để chỉ các vùng địa lý bên ngoài Nam Á, khu vực mà Ấn Độ nhận thấy có những lợi ích nước này cần đạt được, duy trì và bảo vệ. Khi liên kết Biển Đông với khái niệm láng giềng mở rộng của Ấn Độ vào năm 2004, Ngoại trưởng Ấn Độ lúc đó là Yashwant Sinha đã xác định rõ ràng rằng, đó là khu vực trải dài từ kênh đào Suez tới Biển Đông, bao gồm Tây Á, Vùng Vịnh, Trung Á, Đông Nam Á, Đông Á, châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương. Còn khi đề cập đến khuôn khổ khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Biển Đông có liên quan trực tiếp với những tính toán chiến lược của Ấn Độ, do vùng biển này nằm ở giữa tuyến đường hàng hải trải dài từ Đông Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương. Theo quan điểm này, lợi ích chính của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương nhằm duy trì tự do hàng hải. Chính mối liên hệ chiến lược với tranh chấp ở Biển Đông này đã mở đường cho việc tăng cường vai trò của Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2012, trong tuyên bố về khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương[5], Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh đã nêu rõ: "Các thỏa thuận Ấn Độ - ASEAN đã bắt đầu với sự tập trung mạnh mẽ vào kinh tế, nhưng nội dung của nó cũng đang ngày càng mang tính chiến lược, và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định, an toàn và thịnh vượng là rất quan trọng đối với sự tiến bộ và thịnh vượng của chúng ta."[6] Do đó, theo hai khái niệm căn bản này, Biển Đông được xác định là một khu vực có lợi ích chiến lược đối với Ấn Độ, mặc dù nước này không trực tiếp liên quan đến tranh chấp chủ quyền và không tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Biển Đông.

Lợi ích địa chính trị và địa kinh tế của Biển Đông đối với Ấn Độ thể hiện rõ qua sự can dự của Ấn Độ ở Biển Đông trên hai khía cạnh sau:

Thứ nhất, giống như các bên khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lợi ích chiến lược căn bản của Ấn Độ ở Biển Đông là địa chính trị, trong đó có liên quan đến an ninh hàng hải. Theo quan điểm này, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh thổ ở Biển Đông đã đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải và hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia có chủ quyền khác trong khu vực. Ngoài ra, các hành động của Trung Quốc trực tiếp thách thức nguyên trạng, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực. Do lợi ích địa chính trị của Ấn Độ liên quan tới vùng biển trải dài giữa Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, nên việc đi lại an toàn qua các vùng biển ở Biển Đông nằm giữa hai khu vực này trở thành lợi ích chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ. Bởi vậy, sự can dự lớn hơn của Ấn Độ ở Biển Đông là cách thức ngăn chặn sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Thứ hai, Biển Đông chiếm vị trí trung tâm trong lợi ích địa kinh tế của Ấn Độ, dựa trên các lợi ích chiến lược hai mặt của Ấn Độ: (i) Thương mại của Ấn Độ với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước Đông Á; (ii) Nguồn cung năng lượng cho Ấn Độ như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ các mỏ nằm ở Biển Đông. Cả hai yếu tố này đóng vai trò chiến lược trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Có tới gần 92-95% hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua Ấn Độ Dương, khoảng 55% đi qua eo biển Malacca. Hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao, Ấn Độ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng của nước này. 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển. Vì vậy, Biển Đông đã trở thành một phần không thể tách rời của vành đai an ninh của Ấn Độ, đóng vai trò quyết định đối với ngoại thương, năng lượng và lợi ích quốc gia.[7]

Vai trò của Biển Đông trong chính sách Hành động Hướng Đông

Dưới chính quyền mới của Thủ tướng Narendra Modi, Chính sách hướng Đông vốn có từ lâu của Ấn Độ với 10 nước thành viên ASEAN đã phát triển thành Chính sách Hành động Hướng Đông - AEP và mang tính chủ động hơn. Chính sách này được tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Myanmar tháng 5/2014.[8] Chính sách này vạch kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai cực tăng trưởng của một châu Á năng động. Trong khuôn khổ Hành động hướng Đông, quan hệ đa chiều giữa Ấn Độ với ASEAN đã được tiếp thêm sức mạnh và động lực lớn hơn. Điều này đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh có những thay đổi nhanh chóng về địa chính trị: sự nổi lên nhanh chóng và mạnh mẽ của Trung Quốc trên bàn cờ chính trị thế giới và việc Bắc Kinh tăng cường cạnh tranh với Mỹ và Nhật Bản, dẫn tới sự thay đổi lớn về cấu trúc chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược của Mỹ về tái cân bằng tại châu Á, Chiến lược Chuỗi kim cương an ninh dân chủ của Nhật Bản, và Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc, tất cả đều mang tham vọng chính trị và chiến lược lớn nhằm định hình cấu trúc khu vực theo cách riêng của họ. Trong bối cảnh đó, sự tham gia của Ấn Độ trong việc ổn định cấu trúc an ninh khu vực đóng vai trò then chốt.[9] Một trong những thay đổi chính trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ được phản ánh trong vấn đề Biển Đông. Nghĩa là, với yêu sách gây tranh cãi của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, Ấn Độ đã khẳng định rõ ràng lập trường nguyên tắc của mình về tự do hàng hải, an ninh hàng hải, và giải quyết nhanh chóng các tranh chấp theo quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phát triển một bộ quy tắc ứng xử, và giải quyết tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển đảo thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình.[10] Vì những lợi ích chiến lược này, việc bảo vệ an ninh hàng hải và bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông có tầm quan trọng lớn đối với Ấn Độ. Ổn định ở Biển Đông được đề cập trực tiếp trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ[11], Hội nghị cấp cao An ninh châu Á – hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La lần thứ 17, với bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi về tầm nhìn cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Lần đầu tiên phát biểu tại Diễn đàn này, Thủ tướng Ấn Độ thể hiện chủ trương nhất quán Hành động Hướng Đông và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mà quốc gia này đang theo đuổi. Trước các nhà hoạch định chính sách an ninh khu vực, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng các nước, Thủ tướng Narenda Modi đã đưa ra tầm nhìn của Ấn Độ về cấu trúc an ninh khu vực, theo đó thúc đẩy đối thoại để giải quyết các thách thức an ninh đang nổi lên. Cụ thể Thủ tướng Modi khẳng định rõ vai trò của Ấn Độ tại các diễn đàn quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ, Diễn đàn Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và Cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Việc mời Thủ tướng Ấn Độ phát biểu dẫn đề Đối thoại Shangri-La năm nay được cho là một lựa chọn mang tính chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia lớn thời gian qua liên tục nhấn mạnh đến tầm nhìn chiến lược Ấn Độ- Thái Bình Dương. Có thể nói kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã có những bước đi tích cực nhằm gia tăng vai trò an ninh và chính trị của nước này tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi từng bước mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược thông qua chính sách Hành động hướng Đông.

Trong định hướng chung gia tăng sự can dự với các nước ở Đông Á và Đông Nam Á, các mục tiêu chiến lược của Ấn Độ là đóng vai trò cường quốc bên ngoài khu vực Đông Nam Á dựa trên mục tiêu kép: (i) tham vọng của Ấn Độ trở thành cường quốc nổi bật ở Đông Bắc Ấn Độ Dương, tập trung vào Vịnh Bengal và Biển Andaman, tại đây Ấn Độ đóng vai trò nhân tố phòng vệ chủ chốt nhằm chống các mối đe dọa tiềm tàng ở quần đảo Đông Nam Á; (ii) mục tiêu lớn hơn là nhằm đảm nhận vai trò chiến lược lớn hơn trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Lợi ích này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu cấp thiết nhằm cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, cũng như mong muốn của Ấn Độ về mở rộng không gian chiến lược của nước này.[12]

Ấn Độ cam kết tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh và tự do hàng hải, cũng như sự an toàn của các tuyến giao thông đường biển đối với tự do thương mại, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.[13] Về khía cạnh này, mối quan ngại lớn của Ấn Độ là Biển Đông - khu vực nằm ở cửa ngõ của Ấn Độ, do vậy, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Căn cứ vào mối quan ngại này, Ấn Độ có lợi ích an ninh hợp pháp đối với sự ổn định tại Biển Đông, bởi vì bất kỳ sự bất ổn nào trong khu vực này đều gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh quốc gia của Ấn Độ. Lợi ích quan trọng nhất là tự do lưu thông hàng hải qua Biển Đông vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động buôn bán và thương mại bằng đường biển, cũng như đối với việc đảm bảo an ninh cho nguồn cung năng lượng từ khu vực Sakhalin của Nga.[14] Lợi ích kinh tế của Ấn Độ ở Biển Đông liên quan tới quyền thăm dò các nguồn dầu khí trong khu vực này của Công ty ONGC Videsh (OVL) - Công ty dầu khí đa quốc gia của Ấn Độ. Do vậy, động thái cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc buộc Ấn Độ phải duy trì quyền lợi và bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực này.[15]

Đánh giá của Ấn Độ về Biển Đông trong bối cảnh hiện nay

Quyết định của Ấn Độ can dự vào một môi trường an ninh phức tạp ở Biển Đông, ngay cả khi có nguy cơ kích động nước láng giềng khổng lồ của mình, cho thấy tầm quan trọng mà New Delhi đặt vào khu vực này cũng như các tuyến đường biển ở đây. Các tranh chấp đang diễn ra tại Biển Đông là một trong những xung đột khu vực lâu dài và phức tạp nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các tranh chấp liên quan đến Trung Quốc cùng với một số quốc gia trong khu vực và các vấn đề như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn và tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng như năng lượng và thủy sản. Trong môi trường khó kiểm soát này, Ấn Độ đã và đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình thông qua việc thực hiện Chính sách hướng Đông của mình. Trung Quốc, quốc gia cố kiềm chế sự can dự gia tăng của New Delhi vào Biển Đông, đã không để tâm đến điều này.

Biển Đông nằm trong một khu vực có lợi ích chiến lược lớn với Ấn Độ. Về mặt địa lý, nối liền Ấn Độ Dương và biển Hoa Đông qua eo biển Malacca, là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới. Đây là huyết mạch kinh tế quan trọng cho quốc gia Nam Á này. Có đến 97% tổng khối lượng thương mại quốc tế của Ấn Độ là đi đường biển, một nửa đi qua eo biển nói trên. Thương mại Ấn Độ-ASEAN hiện chỉ đạt 71 tỷ USD và đang giảm dần sau khi cán mốc 80 tỷ USD vào năm 2011-2012. Ngược lại, kim ngạch thương mại ASEAN-Trung Quốc hiện là 450 tỷ USD. Khả năng là mục tiêu thương mại 200 tỷ USD vào năm 2020 giữa Ấn Độ và ASEAN sẽ không thể đạt được. Mặc dù hơn 22% tổng FDI nước ngoài của Ấn Độ đổ vào ASEAN và 2.000 công ty Ấn Độ hiện có mặt tại các nước ASEAN, vị trí của Ấn Độ vẫn khá khiêm tốn nếu so sánh với Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2016, Ấn Độ đã đầu tư 1 tỷ USD vào ASEAN so với mức 10 tỷ USD mà Trung Quốc đổ vào khu vực này. Chỉ có Singapore là một nhà đầu tư lớn tại Ấn Độ với mức khoảng 30 tỷ USD, chiếm hơn 98% tổng đầu tư của ASEAN. Mặc dù Ấn Độ và ASEAN đã ký một Thỏa thuận về Hàng hóa, Dịch vụ và Đầu tư, những mục tiêu đạt được vẫn rất khiêm tốn.[16] Về kinh tế, Ấn Độ có lợi ích về thương mại, năng lượng ở khu vực. Với bờ biển dài 7.500km, chuỗi đảo Andaman và Nicobar trải dài từ điểm cực nam cách Indonesia 90 hải lý và điểm cực bắc cách Myanmar dưới 10 hải lý là cửa ngõ trên biển về phía đông của Ấn Độ. Khoảng 77% giá trị thương mại và hơn 90% khối lượng thương mại của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển, trong đó, 55% được vận chuyển qua Eo biển Malacca tới các thị trường ở Châu Á - Thái Bình Dương. Lợi ích về thương mại của Ấn Độ ở Biển Đông càng tăng khi Ấn Độ và ASEAN đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2015-2016.[17] Năng lượng là một yếu tố khác mà Ấn Độ quan tâm ở Biển Đông. Năm 2015, Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới, với các chuyên gia trong ngành dự đoán mức tiêu thụ năng lượng của nước này sẽ tiếp tục tăng 4,2% mỗi năm, có 80% nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ là từ nhập khẩu nên nhiều khả năng sẽ cần phải đảm bảo các nguồn năng lượng mới khi nhu cầu trong nước tăng lên. Trữ lượng dầu khí tiềm năng ở Biển Đông đã thu hút được sự quan tâm của New Delhi. Trong năm 2013, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính khu vực này có thể chứa tới 11 tỷ thùng dầu và 19.000 tỷ feet khối khí đốt dự trữ. Như vậy, Ấn Độ đã và đang liên tục tham gia các dự án phát triển năng lượng ngoài khơi ở Biển Đông kể từ đầu những năm 1990, đấu thầu các lô dầu khí mới và tiến hành thăm dò dầu mỏ trong khu vực này.

Tầm quan trọng kinh tế của khu vực này đã chuyển thành lợi ích an ninh quốc gia đối với New Delhi. Với một nửa thương mại đường biển của mình đi qua eo biển Malacca, bất kỳ sự bất ổn nào ở Biển Đông sẽ tác động tiêu cực đến các tuyến đường vận chuyển và gây ảnh hưởng đến kinh tế Ấn Độ. Nếu có một sức mạnh tiềm ẩn khả năng thù địch đến kiểm soát khu vực, nó có thể đe dọa việc Ấn Độ tiếp cận tuyến đường biển sống còn này. Do đó, sự tham gia của New Delhi vào Biển Đông tập trung vào ba mục tiêu: (i) Đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, giữ cho các tuyến đường biển luôn rộng mở; (ii) Để duy trì quan hệ thân thiết với các cường quốc khu vực; (iii) Đảm bảo không có cường quốc nào khống chế toàn bộ khu vực này. Thông qua chính sách này, New Delhi đã theo đuổi các mục tiêu này bằng cách tìm kiếm tăng cường can dự với các quốc gia ASEAN. Bên cạnh tăng cường hợp tác kinh tế, hợp tác chiến lược đã được mở rộng qua các cuộc tập trận chung, các khoản tín dụng hào phóng, huấn luyện quân sự và bán vũ khí quân sự cho các nước trong khu vực. Hơn nữa, sự hiện diện mạnh mẽ các phương tiện, khí tài quân sự của Ấn Độ trong khu vực không chỉ để bảo vệ các tuyến đường biển này mà còn thể hiện vai trò cường quốc ở khu vực.

Sự can dự này để đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Mối quan hệ của Ấn Độ và Trung Quốc luôn khó khăn và mong manh. Cả hai bên đều bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp biên giới kéo dài, từng dẫn đến một cuộc chiến tranh vào năm 1962 và cho đến nay, vẫn là nguồn gốc căng thẳng đôi lúc dẫn đến những cuộc khủng hoảng. Điều này đã duy trì cảm giác nghi ngờ và không tin tưởng giữa hai nước. Như cuộc đối đầu ở Doklam trong năm 2017 cho thấy cuộc xung đột giữa hai bên vẫn là một viễn cảnh thực sự. Do đó, theo quan điểm của New Delhi, không thể để Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc. Việt Nam cần tận dụng vai trò này để thúc đẩy quan hệ và kéo New Delhi can dự sâu hơn vào Biển Đông, nhất là tham gia vào các dự án năng lượng trong thềm lục địa của Việt Nam. Hiện diện hải quân và bày tỏ quan điểm về Biển Đông cần được tiếp tục nhưng chưa đủ vì hiện diện hải quân liên quan đến vấn đề an ninh và dễ bị Trung Quốc phản đối, trong khi bày tỏ quan điểm mà ít hành động thì Trung Quốc vẫn cứ lấn tới. Các dự án kinh tế vừa giúp đảm bảo thực thi pháp luật, vừa tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ trên thực địa. Ngoài ra, đây còn là hành động thực tế giúp bảo vệ quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam và thách thức đường chín đoạn phi lý của Trung Quốc.[18] Quan điểm về những tranh chấp lãnh thổ là vấn đề quan trọng đối với Trung Quốc. Trung Quốc đã nhiều lần miêu tả Biển Đông là một lợi ích cốt lõi, sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ các tuyên bố của mình. Do đó, quan điểm của Ấn Độ về vấn đề này là một sự mơ hồ có chủ ý - không thiên vị bất kỳ bên nào mà thay vào đó ủng hộ tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Về phán quyết của Tòa trọng tài liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016, lập trường của Ấn Độ là không đứng về bên nào trong tranh chấp này nhưng kêu gọi tất cả các bên tôn trọng và duy trì phán quyết của tòa án dựa trên UNCLOS.

Tuy nhiên, tình hình gần đây ở Biển Đông khiến New Delhi quan ngại. Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với 85% khu vực tranh chấp này, đã và đang xây dựng và quân sự hóa các cấu trúc mà nước này chiếm hữu. Từ năm 2013 đến năm 2016, Trung Quốc được cho là đã xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo trên các bãi ngầm và dựng các cơ sở quân sự gồm các sân bay, hệ thống radar và các căn cứ tên lửa trên các đảo chiếm hữu được cải tạo trong khu vực. Hơn nữa, các tàu của Trung Quốc có những hành động hung hăng, quấy rối và đe dọa tàu của các quốc gia khác đi vào gần các đảo mà họ tuyên bố có chủ quyền.

Ngày 12/7/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc tại La Hay đã đưa ra phán quyết về vụ kiện mang tính lịch sử giữa Trung Quốc và Philippines liên quan vấn đề Biển Đông. Tòa án Trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines khi bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông dựa trên tấm bản đồ đường chín đoạn, và khẳng định yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc trong phạm vi đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 và không có bằng chứng cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã thực hiện quyền kiểm soát duy nhất đối với vùng biển hoặc các nguồn tài nguyên thuộc vùng biển này, và các hành động của Trung Quốc tại vùng biển này đã vượt quá giới hạn về địa lý và nội dung của UNCLOS.[19]

Phản ứng trước phán quyết này, Ấn Độ đã ngay lập tức đưa ra một lập trường rõ ràng và không thiên vị đối với bất kỳ bên nào trong vụ kiện trên khi chính thức tuyên bố: Với tư cách một quốc gia thành viên UNCLOS, Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên hết sức tôn trọng UNCLOS, công ước thiết lập trật tự pháp lý quốc tế tại các vùng biển và đại dương. Tuyên bố về Phán quyết của Tòa án Trọng tài về Biển Đông[20] do Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra ở New Delhi ngày 12/7/2016 nêu rõ: Ấn Độ ghi nhận Phán quyết của Tòa án Trọng tài được nêu trong Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng nhấn mạnh rằng: Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không, và không cản trở thương mại, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như đã được nêu rõ trong UNCLOS. Ấn Độ tin rằng, các nước nên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang các tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định[21].

Theo nội dung tuyên bố trên, quan điểm của Ấn Độ đối với phán quyết của Tòa án Trọng tài phù hợp với lập trường chính thức của New Delhi về vấn đề Biển Đông, vốn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Ấn Độ đối với tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế và đảm bảo tất cả các nước trong khu vực tuân thủ công ước quốc tế về luật biển liên quan tới vấn đề này. Mặc dù, lập trường của Ấn Độ đối với phán quyết này không phản ánh quan điểm của New Delhi đối với Trung Quốc, nhưng việc tuân thủ luật pháp quốc tế là trái ngược với cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông. Bởi vì, xét về góc độ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý và lịch sử để chứng minh chủ quyền hợp pháp. Trung Quốc đã sử dụng yêu sách đường chín đoạn đã bị Toà trọng tài bác bỏ, rồi đến yêu chủ quyền sách tứ sa phi lý cũng bị nhiều nước phản đối. Xét về lợi ích chiến lược của Ấn Độ và theo UNCLOS, Biển Đông là một tuyến đường hàng hải chung, những căng thẳng đang gia tăng trong khu vực gây ra hậu quả tiêu cực đối với Ấn Độ.

Trong bối cảnh Biển Đông trở thành tâm điểm của sự đối đầu Mỹ -Trung ở Tây Thái Bình Dương, vùng biển này bắt đầu liên quan đến các vấn đề chiến lược lớn hơn, chiến lược hải quân của Trung Quốc và sự tăng cường hiện diện của Mỹ tại đây. Theo đó, cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc đòi hỏi các bên tranh chấp khác cần có các tính toán chiến lược nghiêm túc.[22] Tự do hàng hải ở Biển Đông đã trở thành mối quan ngại đối với Ấn Độ. Mặc dù không phải là bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp, với tư cách là cường quốc ngoài khu vực, vấn đề Biển Đông đã trở thành một yếu tố quan trọng trong những tính toán chiến lược và chương trình nghị sự an ninh của Ấn Độ.

Chuyển biến trong quan hệ Việt Nam và Ấn Độ

Mặc dù Ấn Độ là một nước nằm ngoài khu vực Biển Đông, song quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam liên quan trực tiếp tới Biển Đông. Năm 1988, Công ty dầu khí nhà nước ONGC của Ấn Độ đã bắt đầu dự án thăm dò dầu khí tại vùng thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. Trong thời gian dài, Trung Quốc không đưa ra bất kỳ tuyên bố đáng kể nào liên quan tới dự án liên doanh này. Tuy nhiên, đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phản đối vai trò của Ấn Độ trong liên doanh này. Ấn Độ đã phản ứng theo 2 cách: (i) khẳng định quyền của công ty quốc doanh của nước này trong việc thực hiện dự án như một phần lợi ích kinh tế hợp pháp của Ấn Độ; (ii) bán tàu tuần duyên cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tuần tra ven biển của Việt Nam. Các tàu chiến của Ấn Độ nhiều lần cập cảng Việt Nam, Ấn Độ bảo vệ quyền của mình trong việc thực hiện các chuyến thăm như vậy. Ấn Độ sẽ sử dụng hải quân để bảo vệ các cơ sở dự án liên doanh trên trong trường hợp bị đe dọa.[23] Như vậy, việc ký với Việt Nam Thỏa thuận khung về hợp tác năm 2003 và hiệp định Đối tác Chiến lược ký năm 2007 giống như viên kim cương ở Biển Đông của Ấn Độ đã bắt đầu được tăng cường về mặt quân sự, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức mạnh ở Biển Đông để kiểm soát khu vực.[24]

Sự tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam được phản ánh trong việc trao đổi các chuyến thăm của các quan chức cấp cao hai nước. Từ ngày 05-06/6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đã dẫn đầu đoàn đại biểu công nghiệp quốc phòng cấp cao, gồm đại diện các công ty vũ khí lớn nhất của Ấn Độ thăm Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ quân sự song phương. Năm 2015, Tổng thống Ấn Độ, Pranab Mukherjee, đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt nam. Chuyến thăm của Bộ trưởng Ấn Độ, Parrikar, diễn ra nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.[25] Tương tự, vào tháng 10/2014, Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ, được đánh dấu bằng lễ ký Thỏa thuận Hợp tác giữa OVL và PetroVietnam về các dự án thăm dò dầu khí mới tại Việt Nam.[26]

Điều này cho thấy quyết tâm của Ấn Độ và Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hải quân và thiết lập sự hiện diện hàng hải bền vững vốn được duy trì trước đó, với việc tàu hải quân Ấn Độ được phép vào thăm quân cảng Nha Trang ở miền Nam Việt Nam theo lời mời của Việt Nam[27]. Do có nhiều quyền lợi ở Biển Đông, Ấn Độ và Việt Nam đang mở rộng quan hệ bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác, làm sâu sắc thêm mối quan hệ chiến lược, phù hợp với chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ. OVL đã quyết định lần thứ 3 gia hạn giấy phép thăm dò tại Lô số 128, khu vực mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền, nhằm duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Biển Đông. Năm 2011, Bắc Kinh đã cảnh báo OVL rằng, các hoạt động thăm dò của công ty này ở bờ biển ngoài khơi Việt Nam là phi pháp và vi phạm chủ quyền Trung Quốc, song OVL vẫn tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển này. Việc duy trì chính sách này được coi là nỗ lực của New Delhi trong việc khẳng định sự hiện diện của Ấn Độ tại khu vực mà Trung Quốc thể hiện hành động gây hấn[28]. Ngoài ra, OVL tiếp tục sở hữu 45% cổ phần tại Lô số 6.1 ở bờ biển ngoài khơi Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã vượt mốc 8 tỷ USD trong tài khóa 2013 - 2014, và trên đà đạt mục tiêu 7 tỷ USD trong năm 2015, hiện 2 nước nhất trí đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Một trong số các yếu tố chủ chốt nối kết Ấn Độ - Việt Nam liên quan tới vấn đề Biển Đông là quan hệ hợp tác quốc phòng, vốn đóng vai trò là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược đang ngày càng được tăng cường. Phát biểu nhân chuyến thăm Ấn Độ năm 2014 của Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định: "Quan hệ hợp tác quốc phòng của chúng tôi với Việt Nam là một trong số các yếu tố quan trọng nhất. Ấn Độ vẫn duy trì cam kết giúp Việt Nam hiện đại hóa các lực lượng an ninh và quốc phòng."[29] Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 5/2015 của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh, hai bên đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015-2020 và bản ghi nhớ về hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước.

Ngoài ra, Ấn Độ gần đây cũng đã cung cấp cho Việt Nam gói tín dụng trị giá 100 triệu USD để mua tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam.[30] Trong thời gian diễn ra chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Parikkar[31], tháng 6/2016, Cảnh sát biển Việt Nam đã ký văn bản đặt mua của Công ty Larsen and Toubro của Ấn Độ một tàu tuần tra cao tốc[32], phục vụ cho việc tuần tra bảo đảm an ninh hàng hải[33] và ven biển.[34]

Với việc tăng cường quan hệ chiến lượctrong những chuyến thăm cấp cao của Ấn Độ, đến Việt Nam đóng vai trò quan trọng, và được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất sẽ là quyết định của Ấn Độ về việc bán tên lửa siêu thanh BrahMos, do liên doanh Ấn - Nga sản xuất, cho Việt Nam, qua đó sẽ đem lại cho Việt Nam lợi thế chiến lược và vượt trội so với Trung Quốc.[35]

Kết luận

Trong bối cảnh diễn ra những thay đổi chiến lược, vai trò chủ động của Ấn Độ ở Biển Đông không phải là một ngoại lệ. Biển Đông liên quan tới lợi ích quốc gia quan trọng của Ấn Độ trong chính sách hành động hướng Đông. Khung chính sách này hợp thức hóa những quan ngại ngày càng gia tăng cũng như hành động của Ấn Độ ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Theo đó, mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chính sách của Ấn Độ về Biển Đông. Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Do vậy, Biển Đông là vấn đề bao trùm lên chương trình chiến lược của Ấn Độ trong quan hệ với Việt Nam. Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Ấn Độ đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các nội dung này được đưa ra bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Manila, Philippines. Chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ. Đồng thời, Ấn Độ coi Việt Nam là một trong những trụ cột của chính sách hướng Đông. Việt Nam và Ấn Độ đều thúc đẩy hợp tác quốc phòng, với việc Ấn Độ tăng cường chia sẻ công nghệ và cung cấp tín dụng quốc phòng cho Việt Nam. Đặc biệt, quan hệ đối tác chiến lược trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng được lãnh đạo hai nước rất coi trọng. Hai bên hiểu khá rõ về tiềm năng, thực lực và nhu cầu về an ninh, quốc phòng của nhau. Đây chính là cơ sở quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng trên cơ sở cùng có lợi. Hai nước cam kết củng cố hợp tác về cung ứng quốc phòng, các dự án chung, hợp tác đào tạo và trao đổi thông tin tình báo, nhất trí tăng cường hơn nữa các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn giữa các tổ chức quốc phòng và an ninh hai nước, hợp tác về xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan của hai nước trong việc bảo đảm an ninh đường biển, bao gồm chống cướp biển, ngăn ngừa ô nhiễm, tìm kiếm và cứu hộ, củng cố hợp tác song phương trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố một cách toàn diện và lâu dài, tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh mạng./.

TS. Nguyễn Thanh Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.

[1] Bộ Tư lệnh Hải quân, Cục Chính trị, Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam (DK1), Hải Phòng, 2011, tr.11.

[2] David Scott (2015), Sự gia tăng cân bằng của Ấn Độ ở Biển Đông, Quan hệ quốc tế, ngày 26/7/2015, http://www.e-ir.info/2015/07/26/indias-incremental-balancing-in-the-south-china-sea/.

[3] David Scott (2013), "Vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông: Trò chơi địa chính trị và địa kinh tế", Ấn Độ Review, Vol. 12, 2, tr. 51.

[4] David Scott (2013), Vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông: Trò chơi địa chính trị và địa kinh tế, Ấn Độ Review, Vol. 12, 2, tr. 51.

[5] Kim Anh, Ấn Độ với Biển Đông: Lọi ích kép và chính sách Hành động phía Đông, xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/chu-quyen-hoang-sa-truong-sa/an-do-voi-bien-dong-loi-ich-kep-va-chinh-sach-hanh-dong-phia-dong-420539.html. Truy cập ngày 12/6/2018.

[6] Đã được triển khai thực hiện.

[7] Chẳng hạn, ngay từ những năm 1980, Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam. Năm 1988, Tập đoàn ONGC Videsh Limited - OVL của nước này đã hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam và sau đó tham gia 45% quyền lợi và nghĩa vụ thăm dò và khai thác dầu khí tại lô 06/1 cách Vũng Tàu 370 km về phía đông nam bờ biển Việt Nam. Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phản đối vai trò của Ấn Độ trong liên doanh này. Tuy nhiên, Ấn Độ đã khẳng định quyền của công ty quốc doanh của nước này trong việc thực hiện dự án như một phần lợi ích kinh tế hợp pháp của Ấn Độ.

[8] Indonesia, Malaysia, Myanmar, Brunei, Campuchia, Lào, Việt Nam, Philippines, Singapore và Thái Lan.

[9] Rahul Mishra, “Từ hướng Đông đến Hành động Phía Đông: Sự hướng Đông của Ấn Độ”, The ASAN Forum, 1/12/2014, http://www.theasanforum.org/from-look-east-to-act-east-transitions-in-indias-eastward-engagement/

[10] Ashok Sajjanhar, Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và xa hơn nữa”, Gateway House, 12/5/2016, http://www.gatewayhouse.in/indias-act-east-policy-far-beyond/.

[11] Phạm Hà, Chính sách Hành động Hướng Đông của Án Độ qua Shangri-La 2018, xem tại: https://vov.vn/the-gioi/chinh-sach-hanh-dong-huong-dong-cua-an-do-qua-shangrila-2018-769373.vov. Truy cập ngày 12/86/2018.

[12] David Brewster, “Chiến lược quốc phòng Ấn Độ và quan hệ Ấn Độ -ASEAN,” India Review, Vol. 12, no. 3, 2013, tr. 151.

[13] Tuyên bố tầm nhìn của Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN, Association of Southeast Asian Nations, 21/12/2012.

[14] Dr. SubhashKapila, “Chính sách Hướng Đông, Hành động Phía Đông và Đông Nam Á: Động lực hiến lược chính trị,” South Asia Analysis Group, Paper No. 5603, 14/11/2013.

[15] Darshana M. Barua, Hợp tác hải quân Ấn Độ-ASEAN: Một chiến lược quan trọng, Observer Research Foundation, Analysis, 6/7/2013.

[16] Quan hệ ASEAN-Ấn Độ: Mãi là chiếc cốc vơi nửa? Xem tại: http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/6853-quan-he-an-do-asean. Truy cập ngày 12/6/2018.

[17] Phạm Duy Thực, Bước chuyển về nhận thức và hành động của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông, xem tại: http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/5216-buoc-chuyen-ve-nhan-thuc-va-hanh-dong-cua-an-do-trong-van-de-bien-dong. Truy cập ngày 26/6/2018.

[18] Phạm Duy Thực, Bước chuyển về nhận thức và hành động của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông.

[19] Tòa án Trọng tài Thường trực, PCA trường hợp 2013-19 trọng tài về vấn đề Biển Đông, 12/7/2016, xem tại: https://pca-cpa.org/wp-content/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN-20160712-Award.pdf. Truy cập ngày 1/8/2016.

[20] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, "Tuyên bố về phán quyết của tòa án trọng tài về Biển Đông Theo Phụ lục VII của UNCLOS", 12/7/2016, http://www.mea.gov.in/pressreleases.htm?dtl/27019/Statement+on+Award+of+Arbitral+Tribunal+on+South+China+Sea+Under+Annexure+VII+of+UNCLOS.

[21] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, "Tuyên bố về phán quyết của tòa án trọng tài về Biển Đông Theo Phụ lục VII của UNCLOS", 12/7/2016.

[22] LeszekBuszynski, Biển Đông: Dầu, tuyên bố hàng hải và sự cạnh tranh chiến lược Hoa Kỳ - Trung Quốc, The Washington Quarterly, Vol. 35, 2, 2012, tr. 139-140.

[23]. Joseph ChinyongLiow, Hoa Kỳ và Ấn Độ có thể cùng nhau làm điều gì trên Biển Đông, Brookings, 10/6/2016.

[24]. David Scott, Sự gia tăng cân bằng của Ấn Độ ở Biển Đông, 2015.

[25] Rajaram Panda, Xu hướng đi lên của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sau chuyến thăm của Parikka, The Pioneer, 19/6/2016.

[26]. Bộ Ngoại giao, Tuyên bố chung của chuyến thăm Thủ tướng Việt Nam đến Ấn Độ -October 27-28, 2014, Government of India, 28/102014.

[27] Tư lệnh Hải quân Việt Nam thăm Ấn Độ thúc đẩy quan hệ quốc phòng, Defence Now.

[28] Ấn Độ - Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, The Economic Times, 17 September 2015.

[29] Bộ Ngoại giao, Họp báo về chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đến Ấn Độ (October 28, 2014), Government of India, 28/10 2014.

[30] Bộ Quốc phòng, Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng Ấn Độ và Việt Nam, Press Information Bureau, Government of India, 26/5/2015.

[31] Gopal Suri,Việt Nam và Biển Đông, Vivekananda International Foundation, 13 June 2016.

[32]. Parrikar hội đàm với Chủ tịch nước, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, The Indian Express, 6/6/2016.

[33]. DevirupaMitra, Modi đến thăm Việt Nam, đưa Chính sách Hành động phía Đông đến Biển Đông, The Wire, 31/7/2016.

[34]. David Scott,Sự gia tăng cân bằng của Ấn Độ ở Biển Đông, 2015.

[35] Harsh V. Pant, Chiến lược Ấn Độ mở đường ở Việt Nam, Livemint, 15/6/2016.

0

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Việt-Ấn thảo luận về Biển Đông, tăng hợp tác quốc phòng

Ấn Độ và Việt Nam dự trù thảo luận về vấn đề Biển Đông và gia tăng hợp tác quốc phòng khi chủ tịch nước VN đến New Delhi vào cuối tuần thăm viếng chính thức.


Tàu chiến Ấn Độ INS Shivalik thăm cảng Hải Phòng hồi năm 2014. (Hình: Đại Sứ Quán Ấn Độ)
0

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Ấn Độ bán 'sát thủ' BrahMos cho Việt Nam để triển khai chiến lược mới

Ấn Độ có chiến lược của riêng mình, mong muốn hợp tác với Việt Nam về an ninh biển ở phía đông Ấn Độ Dương, đang có kế hoạch bán tên lửa hành trình siêu âm BrahMos cho Việt Nam.


Tên lửa hành trình Brahmos

Tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản ngày 4/12 cho rằng Ấn Độ đang gia tăng mở rộng vai trò ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương, nơi mà họ coi là thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình.

Vừa qua, không quân Ấn Độ đã lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu âm BrahMos. Trong tương lai, những tên lửa này sẽ trang bị cho khoảng 40 máy bay chiến đấu triển khai ở phía đông và tây Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ cũng đang chế tạo tàu sân bay.

Ấn Độ tìm cách xây dựng được thể chế để có thể tác chiến trên hai mặt trận. Ấn Độ ngày càng ý thức mạnh hơn về nguy cơ quân đội Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương, do đó đang mở rộng phòng tuyến đến eo biển Malacca.

Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos vừa được phóng thử nghiệm vào ngày 22/11, tại vịnh Bengal, phương tiện phóng là máy bay chiến đấu Su-30. Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu trên biển theo quỹ đạo dự định.

Tên lửa BrahMos nổi tiếng với độ chính xác cao, đã bắn thử ở trên bộ và trên tàu chiến. Su-30 phóng thành công tên lửa BrahMos vừa qua là lần phóng đầu tiên.

Ấn Độ khẳng định: "Năng lực tác chiến của Ấn Độ đã được tăng cường vượt bậc, có thể ngăn chặn hành động quân sự liều lĩnh của đối phương. Trong tương lai sẽ lắp cho khoảng 40 máy bay chiến đấu Sukhoi”.

Theo một nguồn tin khác, tầm bắn của tên lửa hành trình siêu âm Brahmos có thể bao trùm toàn bộ Ấn Độ Dương. Nếu phóng ở căn cứ trên quần đảo Andaman - Nicobar thì có thể bao trùm lên eo biển Malacca.

Ngày 22/11/2017, máy bay chiến đấu Su-30 Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu âm BrahMos. Ảnh: Guancha.

Ấn Độ hoàn toàn không công bố địa điểm triển khai, nhưng đa số quan điểm cho rằng tên lửa BrahMos sẽ được triển khai ở quần đảo Andaman - Nicobar, phía đông Ấn Độ Dương, ở Visakhapatnam – bên bờ vịnh Bengal và ở bang Gujarat - phía tây của biển Ả rập.

Ấn Độ sở dĩ tăng cường khả năng quân sự áp sát eo biển Malacca là do lo ngại Trung Quốc thông qua tuyến đường này để thâm nhập vào Ấn Độ Dương.

Từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 và nửa cuối năm 2014, tàu ngầm Ấn Độ đã lần lượt xuất hiện khoảng 3 tháng ở Ấn Độ Dương, đồng thời đã cập cảng của Sri Lanka, láng giềng lân cận của Ấn Độ.

Mùa hè năm 2017, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra đối đầu ở khu vực biên giới – khu vực Doklam. Khi đó nhiều tàu chiến của Trung Quốc trong đó có tàu ngầm đã xuất hiện ở Ấn Độ Dương.

Để tăng cường quyền kiểm soát biển ở Ấn Độ Dương, hải quân Ấn Độ đang thúc đẩy chế tạo tàu sân bay đầu tiên INS Vikrant. Do tháng 3/2017 có một tàu sân bay nghỉ hưu, Ấn Độ hiện chỉ còn một chiếc tàu sân bay, nhưng tàu sân bay INS Vikrant sẽ bắt đầu hoạt động trong vài năm tới, hình thành 2 biên đội tàu sân bay, có khả năng đồng thời tiến hành tác chiến trên hai phương hướng chính với Trung Quốc và Pakistan.

Các động thái tăng cường quân bị trên không, trên biển của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương là một mắt khâu trong "chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa" do 4 nước Nhật - Mỹ - Australia - Ấn đưa ra nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, lập trường của các nước trong vấn đề bảo đảm an ninh khu vực vẫn tồn tại sự khác biệt.

Ngày 12/11, Ngoại trưởng các nước Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ đã tổ chức hội nghị 4 bên tại Manila, tiến hành bàn bạc hợp tác bảo đảm tự do và an ninh hàng hải của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. 10 năm trước, 4 nước này cũng đã từng tổ chức một hội nghị bàn về hợp tác an ninh. Sau khi kết thúc hội nghị, các nước đã ra tuyên bố chung.

Giáo sư Srikanth Kondapali, Đại học Nehru Ấn Độ cho rằng: "Nhật Bản, Mỹ và Australia hầu như hoàn toàn đạt được nhất trí trong 9 nội dung chủ yếu có liên quan đến chiến lược này như bảo vệ trật tự pháp lý và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhưng tuyên bố của Ấn Độ không đề cập đến 3 nội dung trong đó có bảo đảm an ninh hàng hải, đã cho thấy sự khác biệt về quan điểm".

Ấn Độ cũng không trao đổi với Mỹ về chính sách an ninh liên quan đến phóng thử thành công tên lửa BrahMos lần này. Ấn Độ mong muốn hợp tác với Việt Nam về an ninh biển ở phía đông Ấn Độ Dương, đang có kế hoạch bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam. Nhưng Mỹ sẽ không để cho Ấn Độ làm xáo trộn kế hoạch an ninh khu vực do họ đóng vai trò chủ đạo.

Nhìn vào bề ngoài, Ấn Độ tham gia hợp tác 4 nước, duy trì thống nhất về hành động, nhưng trên thực tế Ấn Độ lại ưu tiên tăng cường sức mạnh quân sự, xây dựng "chiến lược Ấn Độ Dương" của riêng mình. "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" chẳng qua là một tuyến mở rộng của chiến lược này.

Phong Vân
0

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Ấn Độ khẳng định tiếp tục hợp tác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông

Hôm 3/6, hãng tin Mint của Ấn Độ cho hay, Công ty dầu khí Quốc gia Ấn Độ Videsh (OVL) sẽ tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Động thái này giúp khẳng định được chủ quyền của Việt Nam tại khu vực này.


Theo Mint, hãng tin lớn thứ hai của Ấn Độ, OVL đã nhất trí tiếp tục khai thác tại lô 128 nằm trong thềm lục địa của Việt Nam.

Quyết định trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Một giám đốc của OVL xác nhận: “Chúng tôi có nhiều việc chưa hoàn thành tại lô này. Chính phủ Việt Nam đang chia sẻ thêm thông tin và dữ liệu, trên cơ sở đó chúng tôi sẽ quyết định nơi sẽ khoan. Lý do thương mại đằng sau quyết định của chúng tôi là nếu chúng tôi không khoan, chúng tôi sẽ phải trả tiền. Ngoài ra, lý do chưa được tiết lộ là một trong những lý do có tính chất chiến lược".

Một giám đốc khác của OVL cho biết: "Chúng tôi muốn mở rộng sự hiện diện ở khu vực đó. Mặc dù chúng tôi đã sẵn sàng mở rộng sự hiện diện, nhưng điều này cũng phụ thuộc vào các bên khác. Chúng tôi sẽ xem xét xem nên gia hạn hoạt động thêm một hay hai năm”.

OVL là một bộ phận hoạt động ở nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí và Khí đốt tự nhiên (ONGC). Công ty này đầu tư tương ứng 45% và 100% cổ phần trong lô 06.1 và 128 ở Việt Nam. OVL đã đầu tư khoảng 46 triệu USD trong lô 128.

Động thái trên được đưa ra khi chính phủ của Tân Thủ tướng Ấn Độ Narandra Modi hứa hẹn sẽ khởi động lại chính sách đối ngoại của nước này.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Mint, hãng tin lớn thứ hai của Ấn Độ, thuộc Tập đoàn Truyền Thông HT, có trụ sở ở Delhi. Mint nhắm mục tiêu vào các đối tượng độc giả là các nhà quản lý kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách.

PHẠM KHÁNH (lược dịch)
INFONET.VN
0

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Ấn Độ và Việt Nam: Ở giữa Trung Quốc và Mỹ


Vào tuần này, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Manmohan Singh. Kết quả chính của chuyến thăm là việc ký kết hiệp định hợp tác thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông.

Thỏa thuận của Việt Nam và Ấn Độ liên quan tới khu vực thềm lục địa tiếp giáp quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trường Sa, được Trung Quốc đặt tên Nam Sa, là một trong những lãnh thổ mà Trung Quốc tranh chấp quyền sở hữu với các nước láng giềng. Xung khắc về lãnh thổ cản trở triển vọng phát triển kinh tế của khu vực giàu tài nguyên biển, trực tiếp gây trở ngại cho tự do hàng hải trong vùng. Vụ việc đáng ghi nhớ đã xảy ra vào cuối năm 2011, khi tàu Ấn Độ thăm Việt Nam buộc phải rời khỏi Biển Đông trước sự đe dọa tấn công của Hải quân Trung Quốc, - chuyên gia Boris Volkhonsky, Viện Nghiên cứu chiến lược Nga nhớ lại.

“Thực tế, vấn đề không giới hạn trong quan hệ song phương của Trung Quốc với từng quốc gia sở hữu hải phận ở Biển Đông hoặc thậm chí quan hệ cùng lúc với tất cả các nước này. Trong những năm gần đây, Biển Đông trở thành vũ đài địa chính trị lớn, lôi kéo cả các quốc gia ở xa khu vực. “Sự mở mang chiến lược” mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công bố cuối năm 2011 có nghĩa Mỹ sẽ không đứng ngoài các tranh chấp lãnh thổ vốn không liên quan đến họ.”

Trong luồng chính sách mang đặc thù kiềm chế Bắc Kinh, Mỹ tìm cách đặt cược vào tất cả những quốc gia tồn tại bất đồng với Trung Quốc. Đó là lý do trong những năm gần đây, họ chủ động gần gũi với Việt Nam, quốc gia mà họ ra sức đối đầu vũ lực trong những năm 60 - 70 của thế kỷ trước và gây nên nhiều tổn thất to lớn ở đây.


Hoa Kỳ cũng dành cho Ấn Độ một vị trí đặc biệt trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, như những kinh nghiệm trước đây đã chỉ ra, Hoa Kỳ hoàn toàn coi thường lợi ích các nước khác khi ràng buộc họ vào chính sách của mình. Chẳng hạn khi Washington gây áp lực với Delhi, đòi Ấn Độ ủng hộ chế độ trừng phạt Iran. Nhập khẩu dầu mỏ Iran giảm, ảnh hưởng không chỉ bản thân Iran mà tác động tiêu cực tới cả Ấn Độ, dẫn đến tăng giá nhiên liệu và giá hàng tiêu dùng. Ông Boris Volkhonsky tiếp tục nhận xét:

“Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm một "phương hướng thứ ba" thật cần thiết. Đó là hợp tác giữa các quốc gia có lợi ích không liên quan đến cuộc đối đầu địa chính trị của hai nhà khổng lồ Mỹ và Trung Quốc. Và sự hợp tác Ấn Độ-Việt Nam chính là thí dụ điển hình mà các nước khác có thể noi theo. Quan trọng đó phải là sự hợp tác cùng có lợi, không nhằm chống lại các nước thứ ba.”

Những năm gần đây, dường như ít ai còn để ý tới Phong trào Không liên kết, từng đóng vai trò nổi bật trên vũ đài chính trị thế giới thời kỳ "chiến tranh lạnh". Phải chăng đã tới lúc giai đoạn lịch sử mới đòi hỏi sự khôi phục một cơ chế tương tự.

Nguồn: Tiếng nói nước Nga


Phát hành DVD "Biển đảo quê hương 3"

(VOH) - Hãng phim Trẻ, Nhà văn hóa Thanh niên và Báo Tuổi trẻ phối hợp thực hiện, phát hành DVD “Biển đảo quê hương 3” gây quỹ "Góp đá xây Trường Sa" bắt đầu từ hôm nay 21/11.

Chương trình nhằm kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

DVD “Biển đảo quê hương 3” được thực hiện với nhiều ca khúc, những bài thơ viết về Trường Sa và biển đảo với sự tham gia tình nguyện của gần 400 văn nghệ sĩ và 3.000 cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, lực lượng vũ trang, đoàn viên, công nhân, học sinh, cán bộ công chức… Đặc biệt có sự giao lưu của nhiều vị lãnh đạo Thành ủy, UBND, các Sở, ban ngành và cán bộ Đoàn - Hội.

Hãng phim Trẻ và các đơn vị trong Ban tổ chức sẽ phát hành 7.000 đĩa DVD trong hệ thống trên toàn quốc, trong đó, 1.000 đĩa DVD được gửi tặng các chiến sĩ tại các vùng biên giới, hải đảo nhân dịp đón xuân 2014; 6.000 đĩa còn lại sẽ được bán để ủng hộ chương trình "Góp đá xây Trường Sa".


Ca sĩ Nhật Tinh Anh cùng 600 TNXP hát và thu hình cho DVD "Biển đảo quê hương 3" - Ảnh: TTO.

VOH
1

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Việt Nam - Ấn Độ tăng hợp tác dầu khí, quốc phòng

Việt Nam và Ấn Độ vừa ký kết nhiều hiệp ước trong đó có thỏa thuận tăng cường hợp tác dò tìm và khai thác dầu khí trên Biển Đông. Nhật báo Người Việt dẫn nguồn Hindustan Times cho hay.


Bắc Kinh luôn ngang ngược tuyên bố 80% Biển Đông như “ao nhà” của mình bất chấp sự phẫn nộ của các nước khác trong khu vực. Việc Việt Nam và Ấn Độ ký kết hợp tác như vậy sẽ khó tránh khỏi sự khó chịu thêm và phản ứng từ phương bắc.

Các thỏa hiệp tăng cường hợp tác dò tìm và khai thác dầu khí Biển Đông Ấn Độ – Việt Nam được ký kết hôm Thứ Hai 20/11/2013 sau cuộc hội đàm quan hệ nhiều mặt giữa thủ tướng Manmohan Singh và ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN về các vấn đề khu vực và những phương cách nâng cao mối quan hệ đối tác chiến lược đã được thiết lập từ năm 2007.

“Cả Ấn Độ và Việt Nam nằm ở khu vực có tiềm năng lớn lao nhưng cũng có rất nhiều thử thách. Chúng tôi cùng có chủ đích hợp tác với các nước khác trong khu vực để có một Á châu ổn định hòa bình và thịnh vượng. Vì vậy, chúng tôi xây dựng mối quan hệ toàn diện với một lịch trình rộng rãi về hợp tác song phương và khu vực”. Bản thông cáo báo chí phổ biến sau cuộc hội đàm nói như vậy.

Theo hãng tin Ấn PTI, Việt nam cho công ty dầu khí ONGC Videsh Limited dò tìm và khai thác thêm một lô nữa trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam. Không thấy tin tức cho biết lô đó nằm ở đâu, có dính vào cái “Lưỡi Bò” hay không. Bắc Kinh sẽ nhảy dựng lên nếu chuyện này xảy ra.

Chỉ thấy tin cho biết Bản Ghi Nhớ giữa Tập Đoàn Dầu Khí quốc doanh Việt Nam và công ty ONGC Videsh Limited (OVL) nói hai bên hợp tác dò tìm, phát triển và sản xuất tài nguyên dầu khí ở hai nước với các đầu tư mới của OVL tại một số lô tại Việt Nam. Tập đoàn Petro Vietnam cũng được mới tham dự các lô đấu thầu công khai ở Ấn và ở các nước thứ ba.

Nhưng theo tin báo Hindustan Times, Việt Nam nhượng cho Ấn dò tìm dầu khí tại 7 lô trên Biển Đông. OVL đã ký hợp đồng sản xuất dầu với Petro Việt Nam tại lô 6.1 mà sản xuất thương mại bắt đầu từ năm nay. Công ty OVL đã từng được cấp phép dò tìm tại các lô 127 và 128 từ năm 2006 nhưng họ đã từ bỏ lô 127 vì không tìm thấy gì. Còn lô 128 thì cũng dự tính bỏ cuộc khi hết thời hạn dò tìm vào năm tới với lý do “kỹ thuật và thương mại” không có lợi.

Các lô 127 và 128 có cái “Lưỡi Bò” vắt chéo qua nên Bắc Kinh từng lên tiếng đe dọa trả đủa. Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh từng bắn tiếng hồi thúc Ấn Độ “tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Trung quốc và và ngừng dò tìm dầu khí” trên Biển Đông.


Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố chống đơn phương dò tìm và phát triển dầu khí trên các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông nhưng lại không chịu đàm phán tranh chấp đa phương mà chỉ muốn điều đình tay đôi để dễ dùng thế nước lớn chèn ép.

Dù bị Bắc Kinh đe dọa, Hà Nội có lần đã tuyên bố Ấn Độ có quyền theo đuổi dò tìm và phát triển dầu khí ở những lô hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

Tuần trước, nhân chuyến thăm viếng Việt Nam của tổng thống Nga Vladimir Putin, Petro Vietnam đã ký một số hợp đồng hợp tác với một số đối tác Nga, trong đó có bản ghi nhớ về việc công ty Nga Rosneft tham gia lô 15-1/05 thềm lục địa Việt Nam.

Hợp tác quốc phòng

Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Đỗ Bá Tỵ và Bộ trưởng Quốc phòng RK Mathur đã đồng ý tăng cường hợp tác trong xây dựng năng lực chiến đấu, các dự án chung và đào tạo.

Ấn Độ đã đồng ý đào tạo 500 thủy thủ tàu ngầm Việt Nam và sẽ chuyển giao bốn tàu hải quân theo hạn mức tín dụng 100 triệu USD.

Thủ tướng Singh nhấn mạnh: "Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng, an ninh và nhất trí sẽ tăng cường hơn nữa. Ấn Độ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc hiện đại hóa, đào tạo quốc phòng và lực lượng an ninh."

Trong một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo gọi hợp tác quốc phòng là một "trụ cột quan trọng" của đối tác chiến lược và nhất trí gia tăng đối thoại quốc phòng, đào tạo và diễn tập, cho tàu chiến cập cảng , xây dựng năng lực và trao đổi các vấn đề chiến lược.

Về khinh tế, biên bản ghi nhớ chính thức hóa quyết định của Việt Nam trao cho công ty Tata Power một dự án nhiệt điện trị giá 1,8 tỷ USD và một thỏa thuận hàng không có thể dẫn tới việc thành lập các đường bay trực tiếp giữa hai quốc gia.
2

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Ấn Độ đánh giá cao vị trí chiến lược của Việt Nam

08/12/2012- Trong chuyến thăm Ấn Độ, Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, do Chủ tịch Huỳnh Đảm dẫn đầu, đã tới chào Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee.

Thời báo kinh tế Ấn Độ - The Economic Times ngày 8/12/2012 thông báo, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee lưu ý rằng mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và hội tụ các lợi ích trong khi ông nói New Delhi sẵn sàng để hợp tác nhiều hơn với Hà Nội.


Chủ tịch MTTQ Huỳnh Đảm tới chào Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee.
Ảnh: Vietnam+

Tổng thống Mukherjee, trong cuộc gặp với Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, nói mối quan hệ giữa hai quốc gia được dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và hội tụ của các mối quan tâm và quan điểm về các vấn đề toàn cầu.

Mukherjee nói với ông Đảm hôm 07/12/2012 rằng Ấn Độ sẵn sàng để hợp tác nhiều hơn trong mối quan hệ đối tác chiến lược bao gồm hợp tác quốc phòng, kinh tế, khoa học- kỹ thuật.

Mukherjee bày tỏ sự ngưỡng mộ tuyệt vời về sự can đảm và những bước tiến to lớn của người dân Việt Nam trong phát triển kinh tế và xã hội.

Ông cho biết mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và hội tụ các lợi ích và quan điểm về các vấn đề toàn cầu.

Ông Đảm mô tả Ấn Độ như một người bạn lâu dài và là đối tác đã luôn luôn đứng về phía Việt nam trong thời gian cần thiết, trong các vấn đề song phương song phương và trong các diễn đàn quốc tế.

Tổng thống Mukherjee cũng nhắc lại sự hỗ trợ của Việt Nam để Ấn Độ ứng cử làm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Cùng ngày, Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, Tổng thống Mukherjee nói rằng từ lâu Ấn Độ đã khâm phục các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước của Việt Nam; và ngày nay Ấn Độ ngưỡng mộ những thành tựu phát triển của Việt Nam; Ấn Độ đánh giá cao vị trí chiến lược của Việt Nam, luôn thắt chặt và tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Tổng thống Mukherjee vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng phát triển hiệu quả; Tổng thống Mukherjee cho rằng những khó khăn trong hợp tác kinh tế song phương chỉ là tạm thời và tin tưởng hai nước sẽ đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 7 tỷ USD vào năm 2015.

Ông Huỳnh Đảm nhắc lại lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về quan hệ thủy chung mẫu mực giữa Việt Nam và Ấn Độ như “bầu trời xanh không gợn mây” và mong muốn các thế hệ lãnh đạo hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương cho xứng với tiềm năng. Ông khẳng định Việt Nam ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và tiếp tục ủng hộ chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ.

Dữ liệu nhập từ: The Economic TimesQuân đội Nhân dân
0

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

"Ấn Độ chuẩn bị triển khai hải quân đến Biển Đông" để bảo vệ ONGC

04/12/2012- (Reuters)- Hải quân Ấn Độ đang chuẩn bị để triển khai các tàu đến Biển Đông nhằm bảo vệ lợi ích dầu mỏ của Ấn Độ, người đứng đầu lực lượng hải quân hôm qua cho biết trong bối cảnh lo ngại về khả năng đụng độ hải quân trong khu vực tranh chấp.


Ấn Độ đã có căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc trong quá khứ về việc khai thác dầu khí ngoài khơi bờ biển của Việt Nam.

Tập đoàn thăm dò và khai thác dầu khí Ấn Độ (ONGC) đang tham gia khai thác trong lưu vực Nam Côn Sơn, ngoài khơi bờ biển phía nam của Việt Nam.

Tư lệnh Hải quân Ấn Độ - Đô đốc D.K. Joshi cho biết, trong khi Ấn Độ không phải là một bên tham gia trong vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, New Delhi đã chuẩn bị sẵn sàng để hành động, khi cần thiết, để bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực.

Tuyên bố của người đứng đầu Hải quân Ấn Độ đến sau khi Trung Quốc liên tục gây hấn ở biển Đông trong đó có việc chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, ban hành quy định mới cho phép công an biên phòng tỉnh này kể từ ngày 01/01/2013 có quyền chặn xét mọi tàu bè bị coi là xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc trên Biển Đông, tức là trên gần như toàn bộ vùng biển này.

"Khi có yêu cầu, ví dụ, trong các tình huống có liên quan đến lợi ích quốc gia của chúng tôi, ví dụ ONGC,... Chúng tôi sẽ được yêu cầu để đến đó và chúng tôi đang chuẩn bị cho điều đó", Joshi nói trong một cuộc họp báo.

"Bây giờ, chúng tôi có chuẩn bị không? Chúng tôi có đang diễn tập cho tình huống đó không ? Câu trả lời ngắn gọn là có," ông nói.

Ông mô tả việc hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc là "thật sự ấn tượng" và thừa nhận rằng đó là nguồn gốc của mối quan tâm lớn đối với Ấn Độ.

Bất kỳ động thái nào thể hiện sự quyết đoán của hải quân Ấn Độ ở Biển Đông có khả năng sẽ làm tăng lo ngại rằng lực lượng hải quân của hai gã khổng lồ châu Á đang phát triển nhanh chóng có thể dẫn đến đụng độ khi họ tìm cách bảo vệ lợi ích của mình ở vùng biển này.

"Đây là một trong những tuyến đường thủy quốc tế quan trọng nhất và tự do hàng hải có là một vấn đề đáng quan tâm nhất đối với Ấn Độ bởi vì một phần lớn thương mại của Ấn Độ là thông qua Biển Đông," Brahma Chellaney, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi cho biết.

Tuy nhiên, Chellaney, hạ thấp tuyên bố của Tư lệnh Joshi, nói rằng hải quân Ấn Độ sẽ vẫn tập trung vào Ấn Độ Dương.

Theo Reuters
0

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ

28/9/2012- Ngày 26/9, tại Thủ đô New Delhi, Cộng hòa Ấn Độ đã diễn ra Đối thoại Chiến lược Quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 7.


Toàn cảnh Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ

Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn và Đoàn nước chủ nhà do Ngài Shashi Kant Shamar, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã tham gia Đối thoại trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Ấn Độ và Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác hải quân trong khi Trung Quốc ngày càng khó chịu với sự hiện diện của hải quân Ấn Độ ở Biển Đông. Vai trò của Ấn Độ là hỗ trợ tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế. Đối thoại an ninh giữa hai nước đã diễn ra sau chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đến Ấn Độ.

Hai bên (Việt Nam và Ấn Độ) đã trao đổi về tình hình an ninh thế giới và khu vực, các cấu trúc an ninh khu vực và quan hệ quốc phòng song phương. Hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ quốc phòng giữa hai nước vừa qua đã đạt những kết quả rất tốt đẹp; nhất trí trong thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ. Hai bên thỏa thuận Đối thoại Chiến lược Quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 8 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2013.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Ấn Độ, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết trong những năm gần đây quan hệ quốc phòng Ấn Độ và Việt Nam có những dấu ấn rất quan trọng. Năm 2010, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã ký Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng, theo đó đề ra khuôn khổ cũng như những lĩnh vực hợp tác quốc phòng song phương.

Năm 2011, trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên đã quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ, coi hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột hợp tác chiến lược giữa hai nước.

Nhiệm vụ của Đối thoại chiến lược lần này là cụ thể hoá quyết tâm của Lãnh đạo, cũng như cam kết của hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Ấn Độ. Có hai kết quả lớn đạt được trong Đối thoại chiến lược lần này: Một là hai bên đã trao đổi đầy đủ và thẳng thắn trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị về các vấn đề an ninh thế giới và khu vực, từ đó vạch ra những định hướng tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng. Hai là cụ thể hoá một số lĩnh vực hợp tác và sẽ triển khai trong thời gian tới như trao đổi các đoàn, huấn luyện, đào tạo, trao đổi về khoa học – công nghệ, an ninh và quốc phòng.

Sau cuộc Đối thoại, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony, và Cố vấn Quốc gia Shivshankar Menon đã thân mật tiếp Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã thông báo kết quả Đối thoại và kết quả làm việc của Đoàn với một số đơn vị Quân đội Ấn Độ; chân thành cảm ơn sự đón tiếp chu đáo mà Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội Ấn Độ đã dành cho Đoàn; bày tỏ sự tin tưởng về quan hệ hợp tác trong một số lĩnh vực như công nghiệp quốc phòng, kỹ thuật quân sự, huấn luyện đào tạo… và chia sẻ kinh nghiệm của Bộ Quốc phòng Ấn Độ trong tham gia hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình.

Các vị lãnh đạo Ấn Độ đã bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đến thăm và đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược Quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 7, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam và Ấn Độ có nhiều nét tương đồng về văn hóa, mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội, cũng như có quan điểm ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực. Ngài Bộ trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia bày tỏ vui mừng trước kết quả của cuộc Đối thoại và tin tưởng sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giữa hai nước và hai quân đội.

Chiều cùng ngày, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc phòng (IDS), bộ Quốc phòng Việt Nam và Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Ấn Độ (IDSA) đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác, theo đó hai bên sẽ tiến hành hợp tác nghiên cứu về các chủ đề chiến lược và những vấn đề chung mà hai bên cùng quan tâm, chẳng hạn như chính sách quốc phòng, các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng; hai Viện sẽ cùng tổ chức các cuộc hội thảo về những vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; hai Viện sẽ mời nhau tham dự các hội nghị và hội thảo quốc tế do mình tổ chức; trao đổi các công trình nghiên cứu và các ẩn phẩm xuất bản nghiên cứu, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm nghiên cứu.

Việt Nam đã có mối quan hệ truyền thống với Ấn Độ và - như Ấn Độ - đã chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược trước đây. Nếu Ấn Độ đã chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược vào năm 1962, thì Việt Nam cũng có một cuộc chiến, tuy ngắn ngũi nhưng ác liệt và đẫm máu, chống Trung Quốc xâm lược năm 1979. Giống như Ấn Độ, quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc đã được cải thiện từ sau những cuộc chiến đó. Việt Nam đã được coi là một người bạn truyền thống của Ấn Độ từ những năm 1950 xuyên qua cuộc chiến tranh chống Mỹ của người Việt.

Các nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, ngày càng lo lắng về sự thống trị của Bắc Kinh trong khu vực, ví dụ mới nhất trong số đó là tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản./.

Tổng hợp từ Xã Luận và Deccan Chronicle.
--------
0

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Việt- Ấn: Duyên mới trong mối tình cũ

21/3/12- Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Dệt may Ấn Độ Anand Sharma đã đến thăm Hà Nội hồi đầu tháng này để thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, y học và công nghệ thông tin với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Trong một cuộc phỏng vấn qua thư điện tử với David Brewster - một nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Australia và là tác giả của tác phẩm "Ấn Độ, Một thế lực của Châu Á Thái Bình Dương", thảo luận về quan hệ Ấn Độ-Việt Nam.


WPR (*): Làm thế nào để mở rộng thương mại và quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ?

David Brewster: Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ chính trị lâu dài vào những năm 1960, khi Ấn Độ hỗ trợ Bắc Việt chống lại Hoa Kỳ ở Đông Dương. Họ cũng chia sẻ mối quan hệ chặt chẽ quân sự với Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Mối quan hệ chính trị đã được hồi sinh trong thập kỷ qua như là một kết quả của mối quan tâm chia sẻ về sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực. Việt Nam là một trong những đồng minh chính trị quan trọng của Ấn Độ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các mối quan hệ kinh tế đã chậm phát triển, một phần do sự tách biệt kinh tế của Ấn Độ, bao gồm cả sự miễn cưỡng mở cửa thị trường nông sản Việt Nam. Mặc dù Việt Nam từ lâu đã tìm cách khuyến khích liên kết kinh tế với Ấn Độ như một cách để cân bằng một phần ảnh hưởng kinh tế của gã khổng lồ phương Bắc, hợp tác Việt - Ấn vẫn còn nhỏ so với thương mại Việt - Trung. Tuy nhiên, trong vài năm qua đã có một số khoản đầu tư chiến lược của các công ty Ấn Độ, bao gồm cả việc mua lại quyền thăm dò dầu khí ngoài khơi và khí đốt. Điều này có thể giúp tăng cường an ninh năng lượng của Ấn Độ và cung cấp cho họ một sự can dự quan trọng trong tranh chấp Biển Đông.

WPR: các lĩnh vực chính của hợp tác và đối nghịch giữa Việt Nam và Ấn Độ là gì?

Brewster: Hai nước đã có mối quan hệ quân sự một năm gần đây. Việt Nam đang khuyến khích sự hiện diện của hải quân Ấn Độ trong vùng biển Đông như là một cách cân bằng với tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Ấn Độ, cũng quan tâm đến phát triển một mối quan hệ an ninh với Việt Nam, để giúp bảo vệ tuyến đường biển được lưu thông trong khu vực Thái Bình Dương và là một cách để ứng phó với sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương. Năm 2011, Việt Nam đã cho phép hải quân Ấn Độ sử dụng cảng Nha Trang, nằm gần căn cứ hải quân chính của Vịnh Cam Ranh. Ấn Độ cũng mong muốn trở thành một nhà cung cấp vũ khí lớn cho Việt Nam.

Trong tương lai, Ấn Độ có thể trở thành một đối tác quan trọng trong phát triển dầu khí và dự trữ khí đốt ngoài khơi của Việt Nam. Một số công ty dầu quốc tế, dưới áp lực từ Trung Quốc, đã thu hồi thăm dò ngoài khơi trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

WPR: Làm thế nào mà mối quan tâm trong khu vực ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt-Ấn, và những gì tác động đến mối quan hệ song phương có thể có trong khu vực?

Brewster: Đã có do dự trong quá khứ của một số nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về mối quan hệ Việt-Ấn. Tuy nhiên, sự tham gia kinh tế, chính trị và an ninh của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á nói chung được xem như là một sự cân bằng quan trọng đối với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Xem xét sự quyết đoán của Trung Quốc trên tuyên bố của mình ở biển Đông trong những năm gần đây, nhiều nước ASEAN thấy mối quan hệ an ninh của Ấn Độ với Việt Nam như là một tiềm năng hữu ích bổ sung vai trò an ninh chính của Hoa Kỳ trong khu vực.

Ban biên tập World Politics Review

http://www.worldpoliticsreview.com/trend-lines/11759/global-insider-india-vietnam-see-new-potential-in-an-old-friendship

----------

(*): World Politics Review
0

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Ấn Độ: Cần tăng cường quan hệ kinh tế với VN để đối phó với TQ

Ấn Độ cần tăng cường quan hệ thương mại với Việt Nam để đối đầu với Trung Quốc. Đó là nhận định chung của các diễn giả tại hội nghị về quan hệ Ấn-Việt, do nhóm tham vấn Global India Foundation tổ chức hôm qua, 14/02/2012, tại New Delhi.


Thủ tướng Ấn Độ (trái) đón chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại điện Rashtrapati Bhavan, New Delhi, 12/10/2011
REUTERS/B Mathur

Nguyên đại sứ Ấn Độ ở Thái Lan, ông Pinak Chakravarty, cho rằng : « Chúng ta có mối quan hệ rất vững chắc với Việt Nam, nhưng lại chưa đầu tư về kinh tế đúng với tầm mức phải có ». Theo ông Chakravarty, hai nước cần nỗ lực đạt chỉ tiêu trao đổi mậu dịch 7 tỷ đô la từ đây đến năm 2015 để thúc đẩy quan hệ kinh tế.

Theo các chuyên gia, trong chinh sách « Hướng Đông » của Ấn Độ, Việt Nam nổi lên là một trong những điểm đến quan trọng, đặc biệt là về mặt thương mại. Họ cho rằng hai nưóc vẫn chưa tận dụng những lợi thế kinh tế của nhau.

Trao đổi mậu dịch giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng vọt từ 200 triệu đô la năm 2000 lên hơn 3,5 tỷ đô la năm 2011, nhưng vẫn mới bằng phân nửa chỉ tiêu đề ra.

Các chuyên gia tại hội nghị cũng cảnh báo là Ấn Độ phải lưu tâm đến sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và ở vùng Biển Đông.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120215-doi-pho-voi-trung-quoc-an-do-can-tang-cuong-quan-he-kinh-te-voi-viet-nam
0

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Quan hệ chiến lược quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ: Phân tích

(Eurasiareview - 31/01/2012) Năm 2012 đang được ca ngợi là năm hữu nghị của quan hệ Ấn Độ-Việt Nam. Rõ ràng điều này cũng trùng với dịp kỷ niệm lần thứ năm của thỏa thuận đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Trong khi Việt Nam đã được nhấn mạnh tầm quan trọng trong chiến lược chính sách hướng Đông của Ấn Độ , quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam đang phát triển thành các phương hướng chiến lược trong thời gian gần đây. Vấn đề gì và làm thế nào để hai nước thúc đẩy hợp tác mạnh thêm? Ấn Độ hoạt động trong khu vực Đông Nam Á?


Bản chất của sự hợp tác

Quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã được đánh dấu vào năm 2000 sau khi hai nước ký kết một giao thức. Động thái này được cho là mở rộng và hợp tác quốc phòng thể chế hoá và trao đổi quốc phòng giữa hai nước. Thỏa thuận đối tác chiến lược năm 2007 đã mở đường cho việc tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng của hai nước.

Hợp tác Quốc phòng giữa hai nước được thành lập trên cơ sở hai bên cùng có lợi, độ lớn của nhận thức và tầm nhìn chiến lược hai nước. Các thay đổi địa chính trị đã cấu hình quan hệ Ấn Độ và Việt Nam hợp tác chặt chẽ với nhau. Việt Nam là nơi quan hệ với Ấn Độ trong trường hợp có sự quyết đoán của Trung Quốc ngày càng tăng trong khu vực. Hai sự cố (cắt cáp của một chiếc tàu thăm dò của Việt Nam và sự cố Airavaat INS ở biển Đông Việt Nam (SCS)) xảy ra năm ngoái dường như ảnh hưởng đến và làm cho hợp tác chặt chẽ hơn và nhanh chóng trong quốc phòng. Dự án thương mại của Ấn Độ (OVL thăm dò) với nhiều tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Như vậy, Ấn Độ có cổ phần trong việc duy trì hòa bình ở biển Đông Việt Nam.


Bộ trưởng quốc phòng 2 nước tại Hà Nội năm 2011.

Ấn Độ và quan hệ quốc phòng với Việt Nam được đặc trưng bởi các chuyến thăm cấp cao song phương, đào tạo cán bộ, hỗ trợ sản xuất trong sản xuất trang thiết bị vũ khí, chia sẻ của các bài tập diễn tập .. . Một nhóm công tác hỗn hợp chống khủng bố được thành lập trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác chiến lược. Khủng bố là một thách thức đối với Ấn Độ, họ được hưởng lợi từ chuyên môn của Việt Nam trong các kinh nghiệm của cuộc nổi dậy và chiến tranh không đối xứng. Ấn Độ và Việt Nam là láng giềng hàng hải có mối quan tâm phổ biến như chống cướp biển và an ninh đường biển và thông tin liên lạc. Tại cuộc họp ADMM 8 trong năm 2010, hai bên đã tăng cường hợp tác quân sự tổng thể, Bộ trưởng Quốc phòng Antony đã đặt đặc biệt chú trọng vào việc củng cố quan hệ hải quân thông qua việc các tàu hải quân Ấn Độ thường xuyên gé cảng Việt Nam. Một cuộc đối thoại hai năm một lần về các vấn đề an ninh giữa các Bộ của hai nước đã được thể chế hóa. Trong tháng 10 năm 2011, hai nước đã ký một hiệp ước dẫn độ.

Hai nước sử dụng trang thiết bị vũ khí chủ yếu là Nga điều này làm cho hợp tác song phương càng mở rộng hơn nữa. Ấn Độ cam kết giúp đỡ duy trì bảo dưỡng trang thiết bị quân sự cho Việt Nam và xây dựng các cảng hải quân. Ấn Độ cũng cung cấp phụ tùng thay thế các tàu chiến của Việt Nam, tàu ngầm và tàu tên lửa. Trong tháng 9 năm 2011, Ấn Độ đã đồng ý giúp Việt Nam đào tạo chuyên sâu trong hoạt động tàu ngầm. Sau này Việt Nam đã đáp lại bằng cách cung cấp phương tiện và chỗ đậu thường trực tại cảng Nha Trang ở miền nam Việt Nam. Trên vị trí chiến lược của mình, Việt Nam mở đường cho Ấn Độ có một sự hiện diện bền vững không chỉ ở vùng biển phía Nam Trung Hoa, mà còn cho phép Ấn Độ để giữ một vai trò kiểm soát trên các tuyến đường biển quan trọng của khu vực. Ấn Độ đã quan tâm rất lớn trong vấn đề an ninh của các tuyến đường biển ở biển Đông vì lợi ích kinh tế và thương mại với Đông Nam Á và Đông Á. Người ta tin rằng động thái này đáng chú ý là Ấn Độ không có lực lượng hải quân hiện diện ở nước ngoài khác mà lại được trao tặng các cơ sở đến ngoài địa điểm truyền thống.

Phương tiện truyền thông Ấn Độ thực hiện báo cáo về khả năng trang bị quân sự cho Việt Nam với tên lửa BrahMos. Người ta tin rằng liên doanh sản xuất BrahMos, liên doanh giữa Ấn Độ và Nga đã thể hiện sự quan tâm trong việc bán tên lửa siêu âm nhanh mới nhất cho Việt Nam. Được biết, các cuộc đàm phán chính thức trong quá trình đã được thực hiện. Nếu động thái này được thực hiện, nó sẽ làm cho giá trị gia của kho vũ khí quân sự của Việt Nam tăng đáng kể. Một lần nữa, nếu thỏa thuận này được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên mà một nước thứ ba nhận được BrahMos.

Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi

Ấn Độ có chung kinh nghiệm với Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc, hai bên ngày càng hội tụ hơn nữa lợi ích và tăng cường quan hệ quốc phòng lẫn nhau. Một Giáo sư tại đại học Hoàng Gia cho rằng quan tâm hàng đầu của Ấn Độ ở Việt Nam nằm trong lĩnh vực quốc phòng. New Delhi coi Việt Nam là đối trọng với Trung Quốc. Cả hai nước đều có liên quan đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ quan tâm đến sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Nam Á, trong khi Việt Nam được cảnh báo về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển Đông. Bên cạnh đó, sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc cũng là một mối quan tâm chung.

Tuy nhiên Trung Quốc không có thể là lý do duy nhất cho mối quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam. SCS đã thu hút sự chú ý từ các cường quốc lớn cho vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Một khoảng trống quyền lực tồn tại trong khu vực biển Đông. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là ấn tượng, và đã làm cho một số nhà phân tích tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam như là một đất nước mạnh mẽ trong khu vực. Với lịch sử của chiến thắng vang dội trong các cuộc chiến tranh, Việt Nam nhìn vào chính mình như là một quyền lực quan trọng trong khu vực. Việt Nam cũng sẽ muốn khả năng quốc phòng phù hợp với sức mạnh kinh tế của mình. Ấn Độ dường như là một đối tác phù hợp tại thời điểm này, học thuyết quân sự của cả hai nước là tính chất phòng thủ. Bằng cách tham vọng tham gia với Việt Nam, Ấn Độ với chính sách đối ngoại dường như được chủ động và thuận lợi hơn.

Năm 2011 chứng kiến những chuyến ​​thăm song phương và phát triển quyan hệ quan trọng đáng kể. Mối quan hệ chiến lược được đáp ứng trong thời gian gần đây. Việt Nam dự kiến với việc ​​Ấn Độ sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Đối với Ấn Độ, họ làm sâu sắc hơn mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam và sẽ tạo ra một đối tác kiên định trong khu vực Đông Nam Á và nhấn mạnh vai trò lớn hơn của mình hình dung thông qua Chính sách Hướng Đông. Việt Nam được thúc đẩy bởi lợi ích an ninh trung hạn trong khi tham gia cùng Ấn Độ cùng giữ lợi ích lâu dài. Điều bắt buộc là những nỗ lực của Ấn Độ phải được tiếp tục hướng vào Việt Nam trong tương lai.

Tham gia vào khu vực Đông Nam Á có ý nghĩa và bền vững đòi hỏi sự tham gia rộng rãi dựa trên và trong đó liên quan hợp tác quốc phòng là một công cụ hiệu quả. Ngoại giao quốc phòng của Ấn Độ có vẻ như rằng để đạt được mục tiêu chiến lược của New Delhi chỉ có bằng cách tham gia hợp tác rộng rãi với Việt Nam - một trụ cột trong chính sách Hướng Đông của minh '.

Amruta Karambelkar
Là Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Chiến tranh và Hòa bình (IPCS)
email: mail.amrutak @ gmail.com

Nguồn: http://www.eurasiareview.com/31012012-india-vietnam-defence-relations-strategically-responsive-analysis/

Bản tiếng Việt: http://hotrungnghia.multiply.com/journal/item/1263
0

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột trong Chính sách Hướng Đông

Quốc Vụ khanh Đối ngoại Ấn Độ E. Ahamed nhấn mạnh điều này tại cuộc míttinh kỷ niệm 40 năm quan hệ hai nước, diễn ra tại Hà Nội, chiều tối 6/1/2012.


Theo thỏa thuận giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ và nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước (7/1/1972 – 7/01/2012), tại Hà Nội, chiều tối 6/1, Hội Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam phối hợp cùng Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã tổ chức trọng thể cuộc míttinh kỷ niệm và tiếp khách tại Hội trường Ngụy Như Công Tum của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Đây là sự kiện đầu tiên của “Năm Hữu nghị Việt Nam Ấn Độ -2012”, kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ.

Nhân dịp này, Chính phủ Ấn Độ đã cử Ngài E.Ahamed, Quốc vụ khanh Đối ngoại Ấn Độ sang tham dự các hoạt động kỷ niệm, thể hiện sự coi trọng của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đối với mối quan hệ đối tác chiến lược, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Ấn Độ.

Tham dự cuộc míttinh, về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Tổng Thư ký Hội Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam Đỗ Bá Khoa, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ Hoàng Văn Phong. Về phía Ấn Độ có Quốc Vụ khanh Đối ngoại Ấn Độ E. Ahamed, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae. Tham dự cuộc mít tinh còn có nhiều cán bộ ngoại giao lão thành, chuyên gia hai nước cùng đông đảo cán bộ, cựu lưu học sinh, những người đã từng học tập và công tác tại Ấn Độ.

Đọc diễn văn tại buổi Lễ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh ngay từ những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, Việt Nam và Ấn Độ đã gắn bó trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước khỏi chế độ thực dân, giành độc lập dân tộc. Lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, nuôi dưỡng và ngày càng đơm hoa kết trái.

Bộ trưởng cũng bày tỏ trong suốt chặng đường Việt Nam khôi phục và tái thiết đất nước trước đây cũng như trong công cuộc Đổi mới, hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Việt Nam ngày nay, nhân dân Việt Nam rất vui mừng luôn có người bạn truyền thống, thủy chung và tin cậy là Chính phủ và nhân dân Ấn Độ. Những sự ủng hộ quý báu và thiết thực của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã góp phần giúp Việt Nam vượt qua các giai đoạn đầy khó khăn, thử thách trong quá trình phát triển đi lên của mình.

Trong lời đáp, Quốc vụ khanh Ấn Độ E.Ahamed đã ca ngợi mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước, vượt qua mọi khó khăn và thử thách của thời gian và là minh chứng cho tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc. Ngài Quốc vụ khanh cũng khẳng định Ấn Độ luôn coi trọng và dành ưu tiên cao trong việc phát triển mối quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là trụ cột trong Chính sách Hướng Đông của mình.

Nhân dịp này, hai bên đều bày tỏ hài lòng về các lĩnh vực hợp tác trong văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng,... ngày càng được mở rộng. Quan hệ thương mại hai chiều tăng đều hàng năm và Ấn Độ trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với 3,5 tỉ USD năm 2011. Hai bên đặt mục tiêu phấn đấu đạt 7 tỉ USD thương mại hai chiều vào năm 2015.

Hợp tác trong các lĩnh vực đều phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, hai nước đã nhất trí mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ dự định bắt đầu vào tháng 7/2012. Ấn Độ đã giúp mở Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực cao tại Hà Nội cũng như nâng số học bổng cho lưu học sinh Việt Nam lên 150 xuất theo chương trình ITEC hàng năm.

Hai bên cùng thống nhất nhận định, với quyết tâm cao của Lãnh đạo và sự nỗ lực của nhân dân hai nước, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.

Theo VOV
0

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Việt Nam, Ấn Độ liên minh chống TQ

(Asia Sentinel-06/01/2012) Khi sức mạnh của Mỹ suy yếu và Trung Quốc mạnh lên, các quốc gia khác bắt đầu tìm kiếm đồng minh


Thủy thủ đoàn tàu INS DELHI chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện quân đội Việt Nam và chính quyền TP.HCM tại cảng Nhà Rồng ngày 10/05/2011.

Khi sức mạnh của Mỹ giảm cùng với vai trò của nó chỉ như để hòa giải trong khu vực châu Á ngày càng gia tăng căng thẳng, Việt Nam đã tìm kiếm các đồng minh tiềm năng trong việc bảo hiểm rủi ro trong khi đối mặt với quyền bá chủ của Trung Quốc trong khu vực. Ấn Độ, với mối quan tâm chiến lược về Bắc Kinh, đang nổi lên như là một ân nhân và đối tác tiềm năng của Việt Nam.

Sự cấp thiết tìm kiếm đồng minh mới của Việt Nam tăng mạnh sau khi các tàu hải quân Trung Quốc cắt cáp hai tàu thăm dò dầu của Việt Nam tháng năm và tháng 6 năm 2011, các vụ việc xảy ra nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong biển Đông. Vụ việc dẫn đến các cuộc biểu tình chống TQ tại Việt Nam - hiếm có ở một đất nước được điều hành bởi một chính phủ trấn áp các cuộc biểu tình dưới bất kỳ hình thức nào. Mười một cuộc biểu tình chống TQ đã được tổ chức giữa tháng Sáu và tháng Tám.

"Đó là một cú sốc lớn về cơ bản huy động rất nhiều ý kiến ​​công chúng Việt Nam chống lại Trung Quốc. Nó (các cuộc biểu tình) cũng gây áp lực lên các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Việt Nam thể hiện rõ ràng lập trường của họ trên biển Đông, và làm thế nào để đối phó với Trung Quốc về vấn đề đó ", ông David Koh, một chuyên gia về chính trị và xã hội dân sự Việt Nam tại Học Viện Đông Nam Á nói.

"Các cuộc biểu tình đầu tiên phục vụ cho mục đích của chính phủ VN nhằm ra hiệu cho Trung Quốc rằng sự quyết đoán của TQ ở Biển Đông đã có một tác động phản tác dụng về quan hệ song phương", ông Carlyle Thayer, một giáo sư nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại học New South Wales cho biết.

Tuy nhiên, những biểu hiện hiếm gặp của tình cảm yêu nước của công chúng cuối cùng đã dừng lại bằng vũ lực. "Khi các cuộc biểu tình mặc nhiên đã trở thành một trách nhiệm pháp lý tiềm năng về các phương pháp tiếp cận ngoại giao của chính phủ Việt Nam với Trung Quốc," Thayer nói.

Thực tế là Việt Nam không thể đủ khả năng để thúc đẩy Trung Quốc thay đổi nhiều vì sự bất đối xứng của mối quan hệ 2 nước. "Tôi gọi là sự chuyên chế về địa lý", Thayer nói tiếp, "Việt Nam không thể chọn người hàng xóm của nó. Với 89 triệu người, quốc gia đông dân thứ 12 trên thế giới, Việt Nam chỉ bằng một tỉnh trung bình của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam bị phân chia giữa những người hiểu được cần phải hành động thận trọng đối với Trung Quốc và những người muốn nhìn thấy một lập trường cứng rắn hơn."

Thay vì trực tiếp làm mếch lòng người Trung Quốc, Việt Nam đã lựa chọn để tìm nơi khác để hỗ trợ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á trong Tháng Mười Một 2011, các nước khác trong khu vực đã tham gia cùng với Hoa Kỳ để yêu cầu được giải quyết tranh chấp hàng hải đa phương, chứ không phải song phương như Trung Quốc thích.

"Đây là hình thức của sự quyết đoán ở biển Đông Việt Nam và Biển Hoa Đông không chỉ nhằm vào Việt Nam. Đây là một phần của một sự quyết đoán rộng lớn hơn từ Trung Quốc. Điều này liên quan đến tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc có chung biên giới đất liền và hàng hải với Trung Quốc. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, các nước thể hiện rõ ràng đối với Trung Quốc rằng họ không thể tiếp cận song phương, nó cần phải được đa phương". ông Gopalapuram Parthasarathy, cựu Đại sứ Ấn Độ ở Myanmar nói.

Như là một dấu hiệu cho thấy mối quan tâm, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam. Tướng Phùng Quang Thanh, mời quan chức quân sự hàng đầu của Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, sang thăm Việt Nam trong chuyến đi đầu tiên của mình ở nước ngoài trong tháng mười một năm 2011. Min Aung Hlaing đã làm như vậy, rõ ràng không chọn Trung Quốc như người tiền nhiệm của ông đã làm. Mặc dù không có thông báo chi tiết về hành trình chuyến thăm, các quan sát viên quân sự nói rằng chuyến thăm được dự định để tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước cũng như báo hiệu một nỗ lực của Việt Nam như một lưa chọn mới của Myanmar và làm giảm các mối quan hệ chặt chẽ của Myanmar với Trung Quốc trước đó.

"Trung Quốc nhận ra rằng Ấn Độ đại diện cho một trong số các quốc gia có liên quan về sự quyết đoán của mình trong Biển Đông và lo ngại rằng một liên minh chống Trung Quốc có thể xuất hiện", Thayer nói.

Ấn Độ vẫn là nước được tập trung chính trong chính sách ngoại giao của Việt Nam. Chủ tịch Việt Nam, Trương Tấn Sang, đã đến thăm Ấn Độ lần đầu tiên trong tháng Mười. "Đó là một chuyến thăm quan trọng và tôi nghĩ rằng thời gian của chuyến thăm là tình cờ. Ấn Độ là một con tàu neo xa về phía tây của Việt Nam ", Koh nói.

Việt Nam đã tìm cách hợp tác với Ấn Độ trong các hình thức đào tạo quân sự, cả hai nước đều sử dụng rộng rãi thiết bị của Nga. Họ cũng dự kiến ​​sẽ mua tàu ngầm và hy vọng để có được sự chấp thuận để mua tên lửa hành trình chống tàu từ Nam Á.

Đổi lại, Ấn Độ được tham gia vào khai thác dầu của Việt Nam, và có lẽ quan trọng hơn hải quân của họ được sử dụng cảng biển Việt Nam ở Nha Trang (Vịnh Cam Ranh), có thể dẫn đến một sự hiện diện đáng kể của hải quân Ấn Độ trong vùng biển Đông.

Biển Đông đóng một vai trò quan trọng trong cân nhắc chiến lược của Ấn Độ. Khi cựu đại sứ Parthasarathy chỉ ra, 40% thương mại của Ấn Độ với Mỹ đi qua vùng biển Đông Việt Nam và biển Hoa Đông, cũng như thương mại với Hàn Quốc và Nhật Bản, hai trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Sau đó là dầu. "Mọi nước đều có lợi ích từ việc thăm dò và khai thác dầu. Trung Quốc không thể ra lệnh cho chúng tôi, nơi chúng tôi tìm dầu", Parthasarathy nói.

Các nền dân chủ lớn nhất trên thế giới đã giảm đáng kể hợp tác với đối tác cộng sản (Trung Quốc). Tranh chấp lãnh thổ trên dải biên giới đất liền được chia sẻ bởi hai nước láng giềng lớn. Ấn Độ đang rất lo lắng về tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, và những gì họ xem xét khi Trung Quốc xâm nhập vào Ấn Độ Dương. Trung Quốc gần đây đã xây dựng các cảng ở Sri Lanka và Myanmar.

Trung Quốc cũng được gọi là "người bạn trong mọi thời tiết" trong chính sách của Ấn Độ đối đầu với Pakistan, nước được Bắc Kinh coi là một cách để đóng hộp trong tham vọng của New Delhi ở Trung Á.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ vui mừng khi Ấn Độ di chuyển vào sân sau của Trung Quốc. "Có thể có được lợi thế cho Trung Quốc (ở Trung Á) nếu hải quân Ấn Độ thường xuyên xuất hiện trong vùng biển Đông ?" Koh đặt câu hỏi.

"Trung Quốc sẽ tiến hành, nhưng không sắp xảy ra, thiết lập tiền lệ về sự hiện diện của lực lượng hải quân trong khu vực tranh chấp ", ông Bharat Karnad, một cựu thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia Ấn Độ phát biểu.

Tuy nhiên, phái diều hâu ở Ấn Độ như Parthasarathy muốn thấy đất nước của họ mang lại cho Trung Quốc một hoặc hai mắc xích, và tăng tình hữu nghị với Việt Nam là một trong những cách để đạt được mục tiêu này.

"Chúng tôi không tuyên bố Ấn Độ Dương là lãnh thổ Ấn Độ, giống như người Trung Quốc với vùng biển Nam Trung Hoa", Parthasarathy. "Mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam đã rất tốt ngay cả trước khi các mối quan hệ Trung Quốc Việt Nam trở nên căng thẳng. Chúng tôi là một trong những người đã từng nói không với chiến tranh của người Mỹ, chúng tôi thực hiện sự không hài lòng của chúng tôi khá rõ ràng. "

"Người Trung Quốc đang hoạt động trên tất cả các sân sau của chúng tôi, tại sao họ lại làm phiền về điều này? Nếu bạn nghĩ rằng chúng ta đang sợ hãi người Trung Quốc, tôi có thể đảm bảo với bạn chúng tôi không," ông kết luận.

http://www.asiasentinel.com/index.php?option=com_content&task=view&id=47&Itemid=65
(Hết trích dẫn)





Trong đoạn video trên, tàu lớp Gepard của VN được phát âm là Geppə:d (giống như ghép-pơ)

Việt Nam - Ấn Độ sẽ gắn bó chặt chẽ hơn (TNO-06/01/2012)

Đó là khẳng định của ông E.Ahamed, Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại và phát triển nguồn nhân lực thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ.


Quốc vụ khanh E.Ahamed

Ông Ahamed đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược song phương. Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, Quốc vụ khanh Ấn Độ nhấn mạnh nền tảng quan hệ song phương đã được xây dựng từ những năm 1950 bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Ông cho biết thêm quan hệ với Việt Nam trong mọi lĩnh vực luôn nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong các đảng phái chính trị của Ấn Độ trên bình diện song phương lẫn khu vực.

Vị trí chiến lược trong chính sách Hướng Đông

Trao đổi với Thanh Niên, Quốc vụ khanh Ahamed nói Việt Nam chiếm một vị trí chiến lược trong chính sách Hướng Đông mà Ấn Độ đang theo đuổi và nước này đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam đối với quá trình tiếp cận ASEAN của New Delhi. Hai nước đang và sẽ có những bước đi đa dạng nhằm đưa quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ tới một tầm cao hơn.
Theo ông Ahamed, quan hệ song phương trên lĩnh vực quốc phòng và an ninh cũng đã và đang được củng cố, bao gồm các chuyến thăm lẫn nhau giữa các lực lượng vũ trang hai nước. Trong năm 2011, đã có 3 tàu chiến của Ấn Độ tới thăm Việt Nam. Về kinh tế - thương mại, kim ngạch song phương có bước tăng trưởng ấn tượng, ước tính vượt qua mốc 3,5 tỉ USD trong năm 2011 và đặt mục tiêu 7 tỉ USD vào năm 2015. Các doanh nghiệp Ấn Độ coi Việt Nam như một trục để vươn tới toàn thể khu vực ASEAN.

Ông Ahamed cho biết thêm Ấn Độ sẵn sàng bổ sung nội dung vào “Quan hệ đối tác chiến lược” đã được ký năm 2007, đặc biệt là về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật và văn hóa. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines và Jet Airways đã ký một Biên bản ghi nhớ về việc bắt đầu các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ đi vào hoạt động trong năm 2012. “Tất cả những bước đi này cho thấy quyết tâm chung của hai nước nhằm tăng cường động lực và nội dung lớn mạnh hơn cho sự hợp tác trong những năm sắp tới”, Quốc vụ khanh Ahamed khẳng định.

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120106/viet-nam-an-do-se-gan-bo-chat-che-hon.aspx
(Hết trích dẫn)
0