Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn News. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn News. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

'Tứ giác kim cương' củng cố liên thủ đối phó Trung Quốc

Việc Ấn Độ và Úc vừa ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự được xem là bước tiến mới trong sự phối hợp của tứ giác an ninh, gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc, để đối phó với Trung Quốc.


Các tàu chiến Ấn Độ và Úc trong cuộc tập trận AUSINDEX năm 2019

Tuần qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison đã có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến. Qua đó, hai bên thông qua nhiều hiệp định quân sự quan trọng như Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LEMOA), Thỏa thuận triển khai khoa học và công nghệ quốc phòng (DST)… Cả hai đều khẳng định việc tăng cường thỏa thuận là nhằm hướng đến cùng cam kết hợp tác vì an ninh, ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Thời gian qua, các nước trong tứ giác an ninh chia sẻ chung tầm nhìn về Indo-Pacific với nội dung cốt lõi là nhằm đảm bảo an ninh chung trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động gây quan ngại trong khu vực.

Bổ sung thỏa thuận quân sự

Trả lời Thanh Niên ngày 7.6, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: Việc Ấn Độ và Úc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và thông qua Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LEMOA) có ý nghĩa quan trọng. Bởi thỏa thuận này là bằng chứng cho thấy bước tiến triển của tứ giác an ninh (hay còn gọi là “tứ giác kim cương”).

Gần đây, việc hợp tác của tứ giác an ninh được cho là tiến triển nhưng làm sao để đo lường sự tiến triển đó thì vẫn đang gây tranh cãi, nhất là khi đến giờ vẫn chưa có một thỏa thuận liên minh nào được ký kết. Mà khi không có hiệp ước liên minh nào thì làm thế nào đo lường tiến trình hợp tác?

Để đo lường tiến trình hợp tác trong trường hợp này thì có thể xét đến các thỏa thuận để tạo điều kiện sẵn sàng chiến đấu cùng nhau. Các thỏa thuận như thế hướng đến việc chia sẻ thông tin, cho phép truy cập nguồn dữ liệu của nhau, chia sẻ việc cung cấp nguồn lực.

Trong đó, để chia sẻ thông tin, Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (G-SOMIA) đã có các ký kết song phương gồm: Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Ấn Độ, Mỹ - Úc, Nhật Bản - Ấn Độ. Nhật Bản và Úc không có hiệp định song phương tương tự G-SOMIA, nhưng liên minh tình báo Ngũ nhãn (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand) lại có thỏa thuận hợp tác tình báo với Nhật Bản. Dựa vào khung hợp tác này, Tokyo và Canberra có thể chia sẻ thông tin tình báo.

Để cùng chia sẻ nguồn lực hậu cần và truy cập vào cơ sở dữ liệu của nhau, Hiệp định Thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA) cũng đã có các ký kết song phương gồm: Mỹ - Nhật, Mỹ - Úc, Nhật - Úc. Về mặt lý thuyết, Mỹ và Ấn Độ chưa phải là đồng minh và hai nước cũng chưa ký kết ACSA. Ấn Độ cũng chưa ký kết ACSA với Nhật Bản. Giờ đây, Ấn Độ vừa ký kết LEMOA với Úc. Mục đích là giống nhau nên LEMOA có thể xem là một ACSA phiên bản Ấn Độ để New Delhi ký kết với các bên khác như Tokyo hay Washington.


Sơ lược về các thỏa thuận hợp tác tình báo và hậu cần của “tứ giác kim cương”

Khi đó, Mỹ - Nhật - Úc - Ấn sẽ có đủ hệ thống thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo, hậu cần như một mạng lưới đồng minh ở Indo-Pacific nhằm đối phó những mối nguy từ Trung Quốc như định hướng của “tứ giác kim cương”.

Thường xuyên tập trận chung

Thực tế thời gian qua, các nước trong “tứ giác kim cương” liên tục có những hoạt động chung ở Indo-Pacific nói chung, Biển Đông nói riêng.

Cuối tháng 5, Mỹ điều động 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer tham gia tập trận cùng 16 máy bay tiêm kích, bao gồm 2 loại F-15 và F-2 của Nhật Bản, ở khu vực vùng biển xung quanh quần đảo Okinawa. Tháng 6.2019, tàu chiến JS Izumo của Nhật Bản đã có cuộc tập trận chung với hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan ở khu vực Biển Đông.

Cũng trên Biển Đông, tháng 4.2020, tàu hộ tống HMAS Parramatta thuộc Úc đã tập trận cùng tàu tấn công đổ bộ USS America, tàu tuần dương USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Barry của Mỹ. Tháng 9.2019, tàu chiến của Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ tổ chức tập trận chung thường niên Malabar tại vùng biển ngoài khơi thành phố Sasebo (Nhật Bản).

Về tập trận song phương trong nhóm “tứ giác kim cương”, năm 2019, Úc đã điều động hạm đội tàu chiến lớn nhất nước này kể từ sau Thế chiến 2 tham gia cuộc tập trận chung với Ấn Độ mang tên AUSINDEX.

Không chỉ vậy, một số thành viên trong nhóm “tứ giác kim cương” còn cùng nhau tổ chức tập trận đa phương với các nước khác trong khu vực. Tháng 5.2019, Hạm đội 7 của Mỹ thông báo tàu chiến nước này cùng chiến hạm của Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc có cuộc tập trận chung đầu tiên ở gần đảo Guam. Cũng trong tháng 5.2019, hải quân 4 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines điều 6 chiến hạm tập trận chung trên Biển Đông.

Các cuộc tập trận chung có sự tham gia của các nước thuộc “bộ tứ kim cương” trên Biển Đông luôn được giới chuyên gia đánh giá như động thái thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại đây.

Ấn - Trung nhất trí giải quyết tranh chấp biên giới

Ấn Độ và Trung Quốc đang hành động nhằm giải quyết tình trạng căng thẳng và ẩu đả kéo dài cả tháng qua dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC), cụ thể là tại 4 điểm ở phía đông Ladakh, theo báo Hindustan Times hôm qua 7.6 dẫn nguồn thạo tin.

Trước đó, trung tướng Harinder Singh, tư lệnh quân đoàn 14 đóng tại Leh thuộc khu vực Ladakh, dẫn đầu phái đoàn Ấn Độ hội đàm với đoàn của thiếu tướng Liễu Lâm, chỉ huy quân khu Nam Tân Cương, tại Moldo-Chushul ở bên phần Trung Quốc ngày 6.6. Cuộc đối thoại kéo dài 7 giờ đánh dấu lần đầu tiên diễn ra đối thoại ở cấp tướng kể từ khi vụ chạm trán giữa binh sĩ tuần tra hai nước xảy ra gần hồ Pangong trên Himalaya ngày 5.5.

Hai bên đồng ý giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và dựa trên các thỏa thuận song phương đã ký kết, đồng thời nhất trí rằng quân đội Ấn - Trung không thể để tình hình leo thang dọc theo LAC như vừa qua. Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm qua cũng ra thông cáo với cùng nội dung.

H.G/ Báo Thanh Niên
0

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

Úc và Ấn Độ ký kết thỏa thuận về việc cùng sử dụng căn cứ quân sự


Ấn Độ và Úc vào hôm nay 04/06/2020 đã ký một thỏa thuận cho phép hai bên sử dụng căn cứ quân sự của nhau vào việc hỗ trợ hậu cần. Hai bên đồng thời đồng ý tăng cường hợp tác ở vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương trong bối cảnh quan hệ của hai nước với Trung Quốc đang có dấu hiệu căng thẳng

Thỏa thuận liên quan đến việc “hỗ trợ hậu cần song phương - Mutual Logistics Support” đã được thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đồng nhiệm Úc Scott Morrison ký kết trong một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến.

Thông cáo công bố sau cuộc họp nêu rõ: “Hai bên đồng ý tiếp tục thắt chặt và mở rộng hợp tác quốc phòng qua việc tăng cường quy mô và tính phức tạp các cuộc tập trận song phương và các hoạt động khác nhằm phát triển những hướng mới đối phó với những thách thức về an ninh mà hai bên cùng chia sẻ”.

Thỏa thuận này được ký trong bối cảnh tranh chấp Ấn -Trung về biên giới ở vùng Himalaya nổi cộm trở lại và quan hệ Canberra-Bắc Kinh cũng bị khuấy động sau khi Úc kêu gọi mở điều tra quốc tế về vụ virus corona xuất phát từ Vũ Hán.

Riêng về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, hai bên đã nhắc lại cam kết thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở một khu vực rộng lớn mà cả Ấn Độ lẫn Úc đều nhấn mạnh là rất quan trọng đối với thế giới.

Tuyên bố chung về tầm nhìn trên vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương

Một tuyên bố chung về tầm nhìn chung của hai quốc gia về hợp tác hàng hải ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương nêu rõ : "Ấn Độ và Úc có mối quan tâm lâu dài đối với một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, cởi mở", không loại trừ bất kỳ nước nào và vận hành trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế.

Hai bên đã khẳng định cùng quan tâm đến việc " bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Theo giới quan sát, tuyên bố về hợp tác hàng hải Ấn Độ-Úc đã gián tiếp đề cập đến Trung Quốc và các hành động quyết đoán của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông.

Trung Quốc phản đối Mỹ về Biển Đông

Liên quan đến Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vào hôm qua, 03/06, đã tiếp tục nhắc lại các luận điểm về "chủ quyền lãnh thổ lịch sử" của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Đây là phản ứng của Trung Quốc chống lại việc Mỹ vừa gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.


Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200604-u%CC%81c-va%CC%80-%C3%A2%CC%81n-%C4%91%C3%B4%CC%A3-ky%CC%81-k%C3%AA%CC%81t-tho%CC%89a-thu%C3%A2%CC%A3n-v%C3%AA%CC%80-vi%C3%AA%CC%A3c-cu%CC%80ng-s%C6%B0%CC%89-du%CC%A3ng-c%C4%83n-c%C6%B0%CC%81-qu%C3%A2n-s%C6%B0%CC%A3
0

Vụ George Floyd hủy hoại những nỗ lực của Mỹ bảo vệ tự do, dân chủ và nhân quyền trên thế giới

Hình ảnh một người Mỹ da đen bị một viên cảnh sát da trắng ghì gáy đến ngạt thở, rồi cái chết của George Floyd dẫn đến bạo động và hỗn loạn lan từ Minneapolis đến nhiều thành phố lớn trên toàn nước Mỹ đang làm « suy yếu nền dân chủ Hoa Kỳ ».


Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Robert O'Brien hôm 01/06/2020 nêu đích danh Trung Quốc, Iran và trong một chừng mực nào đó là nước Nga, « Những đối thủ của Mỹ sẽ lợi dụng khủng hoảng này để gây thêm chia rẽ nhằm làm suy yếu nền dân chủ của Hoa Kỳ » . Đó là những quốc gia thường xuyên bị Washington chỉ trích trà đạp nhân quyền. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, lãnh đạo ủy ban tình báo Thượng Viện Mỹ và là một đồng minh của tổng thống Trump báo động nhiều tài khoản trên các mạng xã hội ít nhiều liên quan đến « ba đối thủ nước ngoài » của Mỹ đang « đổ thêm dầu vào lửa, châm ngòi cho bạo động ».

Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif không ngần ngại cho rằng hình ảnh George Floyd bị cảnh sát « ghì gáy », gây « áp lực tối đa » phản ánh lối hành xử của chính quyền Trump nhắm vào 80 triệu dân Iran. Tại Matxcơva phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Maria Zakharova mỉa mai cho rằng như thường lệ mỗi lần có vấn đề Mỹ luôn quy trách nhiệm cho Nga, lần này cũng vậy Washington rồi sẽ tìm cách giải thích vụ án mạng dẫn tới bạo động lần này cũng do Nga « xúi giục ».

Nhưng đáng chú ý hơn cả là phản ứng của Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ-Trung tranh hùng trên tất cả mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chiến lược, ngoại giao... Biển Đông, Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng … Hoa Vi, virus corona hay Tổ Chức Y Tế Thế Giới … là muôn vàn những mặt trận Washington-Bắc Kinh đang đọ sức với nhau. Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội xoáy vào « điểm nhậy cảm » của đối phương.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong hai ngày họp báo liên tiếp đã trở lại với bạo động tại Hoa Kỳ khi nêu lên câu hỏi « Tại sao Washington luôn ca ngợi các cuộc xuống đường ở Hồng Kông nhưng lại xem người biểu tình chống tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ là những kẻ bạo loạn ? ».

Cũng ông Triệu kêu gọi Hoa Kỳ « chấm dứt kỳ thị chủng tộc và bảo vệ các cộng đồng thiểu số » trong lúc Quốc Hội lưỡng viện Mỹ đã có dự luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, tố cáo Bắc Kinh « giam giữ tùy tiện, tra tấn và sách nhiễu » cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi.

Hình ảnh cảnh sát Mỹ hành hung một George Floyd, hay những người biểu tình ở Minneapolis, và kể cả một số phóng viên Mỹ và quốc tế đến đưa tin, đang vô hiệu hóa những chỉ trích của Washington lên án Bắc Kinh ban hành luật an ninh Hồng Kông. Đạo luật này vừa được Quốc Hội Trung Quốc thông qua hôm 28/05/2020 nhằm « ngăn cản, chận đứng và trừng phạt mọi hành vi đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, như các hoạt động ly khai, lật đổ chế độ, khủng bố và sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài ».

Điều tai hại hơn nữa, theo phân tích của nhà báo Dorian Malovic, tổng biên tập chuyên về châu Á thuộc báo Công giáo La Croix, lập trường cứng rắn của tổng thống Donald Trump dọa triển khai quân đội để « dẹp loạn », « tái lập trật tự » bằng « luật pháp » vô hình chung « bật đèn xanh » cho ông Tập Cận Bình huy động quân đội đàn áp người biểu tình Hồng Kông, nhất là vào dịp đêm Canh Thức tưởng niệm các nạn nhân Thiên An Môn. Từ năm 1989 tới nay, người dân Hồng Kông luôn tổ chức tưởng niệm phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh đã bị đàn áp đẫm máu.

Dù vậy như cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Robert O'Brien, ghi nhận khác biệt giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ là « viên cảnh sát đã gây ra cái chết cho George Floyd sẽ bị điều tra, truy tố và sẽ xét xử trong một cách công bằng ». Khác biệt thứ nhì quan trọng không kém là « những người Mỹ biểu tình ôn hòa không sợ bị tống giam ».

Không một ai ngây thơ để có thể tin rằng, Iran, Trung Quốc hay Nga chỉ trích chính quyền Trump vì muốn bênh vực những cộng đồng người Mỹ gốc Phi đang bị phân biệt đối xử và kỳ thị. Có điều như cựu tổng thống Barack Obama ghi nhận « sức mạnh của Hoa Kỳ có được bởi nước Mỹ luôn là tấm gương sáng cho thế giới noi theo ». Khủng hoảng lần này và chủ trương của Nhà Trắng đang làm mất uy tín của nước Mỹ trong công cuộc « bảo vệ nhân quyền ».

Nhà cựu ngoại giao có uy tín của Mỹ Richard Haass trên mạng xã hội Twitter lo ngại rằng vụ án mạng George Floyd và dư âm kèm theo tạo cơ hội cho một số quốc gia trên thế giới « thách thức » Hoa Kỳ. Nhưng có lẽ hình ảnh hay uy tín của nước Mỹ ở thời điểm này không phải là ưu tiên của Donald Trump. Ông chỉ theo đuổi một mục tiêu: trong 5 tháng nữa, vẫn giữ được Nhà Trắng. Trên mạng Twitter tổng thống Mỹ viết hàng chữ hoa « 3 Tháng 11 ».


Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200603-v%E1%BB%A5-george-floyd-h%E1%BB%A7y-ho%E1%BA%A1i-nh%E1%BB%AFng-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-t%E1%BB%B1-do-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-v%C3%A0-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n-tr%C3%AAn-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi
0

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

Mỹ coi Việt Nam là ưu tiên hợp tác trong chuỗi cung ứng


Mỹ cho biết xác định Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong các dự án tại khu vực sắp tới, gồm sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ.

Thông tin được Adam Boehler, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) cho biết trong cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc ở thủ đô Washington ngày 2/6, theo thông cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.


Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, trái, trao 500 khẩu trang cho ông Boehler để tặng DFC tại thủ đô Washington ngày 2/6. Ảnh: ĐSQVNTM.

Ông Boehler cho hay DFC cũng quan tâm hỗ trợ các dự án phát triển tại khu vực tiểu vùng Mekong. Cơ quan này đang triển khai một loạt kế hoạch nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư tại các nước đang phát triển, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, hạ tầng và kinh tế số.

Đại sứ Ngọc đề nghị DFC tiếp tục tham gia vào các hoạt động liên quan trong năm nay, khi Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao. Các hoạt động gồm các hội nghị ASEAN - Mỹ, Việt Nam - Mỹ về hợp tác đầu tư tại khu vực.

Khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan ra khắp thế giới từ đầu năm nay, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các nước áp dụng biện pháp hạn chế để chặn dịch. Doanh nghiệp nhiều nước đã tính đến phương án chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa nguồn cung, giảm thiểu rủi ro.

Trong phiên họp Quốc hội giữa tháng 5, đại diện Chính phủ Việt Nam khẳng định bên cạnh những khó khăn do đại dịch, Việt Nam vẫn có những thời cơ mới mở ra khi làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã bắt đầu. Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trước đó cho rằng việc Việt Nam kiểm soát tốt Covid-19 đã "ghi điểm" về môi trường đầu tư.

Từ tháng ba, hãng Apple của Mỹ bắt đầu chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam và tăng số lượng. Khoảng 4 triệu chiếc AirPods sẽ được được sản xuất tại Việt Nam trong quý II. Apple gần đây liên tục tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam, làm dấy lên khả năng hãng này mở nhà máy tại Việt Nam. Google và Microsoft cũng đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Một số doanh nghiệp lớn như Amazon và Home Depot bắt đầu tuyển dụng, tìm kiếm chuỗi cung ứng, coi Việt Nam là một trong những điểm đến bên cạnh các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.

Nguồn: VnExpress
0

Mỹ gửi công hàm lên LHQ phản đối Trung Quốc ở Biển Đông


Đại sứ Mỹ tại LHQ gửi công hàm cho Tổng thư ký Antonio Guterres, khẳng định yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông "không phù hợp với luật pháp quốc tế".

"Hôm nay, Mỹ phản đối các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông tại Liên Hợp Quốc. Chúng tôi coi những yêu sách này là bất hợp pháp và nguy hiểm. Các quốc gia thành viên phải đoàn kết để duy trì luật pháp quốc tế và tự do trên biển", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 2/6 viết trên Twitter.


Công hàm do Mỹ gửi lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông

Ông đăng kèm công hàm do Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft gửi lên Tổng thư ký Antonio Guterres, nói về công hàm số CML/14/2019 Trung Quốc gửi cho Liên Hợp Quốc ngày 12/12/2019 để phản đối đệ trình của Malaysia lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) cùng ngày.

"Mỹ xác định các yêu sách hàng hải này không phù hợp với luật pháp quốc tế theo Công ước về Luật Biển 1982", công hàm có đoạn viết. Mỹ yêu cầu Liên Hợp Quốc gửi công hàm phản đối này đến tất cả thành viên, đồng thời đăng tải trên trang web của văn phòng pháp chế.

Trong công hàm ngày 12/12/2019, Trung Quốc cho biết nước này "có chủ quyền" với quần đảo ở Biển Đông, "bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa". Trung Quốc cũng nhắc đến "quyền lịch sử" ở Biển Đông.

Quần đảo Nam Sa và Tây Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 30/3, Việt Nam gửi công hàm lên LHQ, phản đối công hàm nói trên của Trung Quốc, khẳng định yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
0

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

Việt kiều Mỹ giữa nỗi lo bạo động


Trả lời Thanh Niên, nhiều người Việt sống tại Mỹ cho biết tình hình bạo động xảy ra ở nhiều bang của nước này khiến họ không khỏi lo ngại.

Ông Hung Nguyen ở khu vực nam California bày tỏ lo ngại trước những vụ bạo động và hôi của. “Biểu tình đòi công lý cho người da màu là chính đáng.

Thực tế là tư tưởng phân biệt chủng tộc ăn sâu vào đầu người da trắng, dù không thể hiện bên ngoài. Còn người da màu cũng biết rõ điều đó nhưng vẫn phải cam chịu và tiếp tục cuộc sống hằng ngày.

Tôi theo dõi báo đài và được biết sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin làm việc hơn 20 năm trong ngành nhưng ông đã bị khiếu nại 18 lần liên quan đến hành vi phân biệt chủng tộc. Dù vậy, ông Chauvin vẫn tiếp tục làm việc và đến nay xảy ra cái chết của người đàn ông da màu George Floyd (46 tuổi)”, ông Nguyen nói.

Vì lý do bản quyền, các bạn vui lòng xem trên Thanh Niên: https://thanhnien.vn/the-gioi/viet-kieu-my-giua-noi-lo-bao-dong-1232314.html
0

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Video: Nước Mỹ chìm trong bạo loạn


Hàng loạt vụ bạo loạn và biểu tình khiến nhiều thành phố của Mỹ chìm trong hỗn loạn sau vụ một người da màu bị cảnh sát ép đến chết.
0

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Chùm ảnh: Bạo loạn chống phân biệt chủng tộc bùng nổ ở Mỹ

Biểu tình ở thành phố Minneapolis phản đối vụ cảnh sát da trắng đè chết người da đen đã bước sang đêm thứ hai, có thêm các vụ đốt phá. Ít nhất một người bị bắn chết.

Cuộc biểu tình đòi quyền lợi cho Floyd ở New York
Cuộc biểu tình đòi quyền lựi cho Floyd ở New York (Ảnh: Reuters)


Một cửa tiệm bị phóng hỏa vào tối 27/5, tối thứ hai liên tiếp mà người biểu tình đụng độ với cảnh sát bên ngoài trụ sở cảnh sát ở thành phố Minneapolis. Một người đã bị bắn chết, và có hiện tượng đập phá các cửa hàng gần đó, theo AP.


Cảnh sát cho biết đang điều tra vụ nổ súng nói trên như một vụ giết người, và đã bắt giữ một nghi phạm, nhưng vẫn đang điều tra xem điều gì đã dẫn đến vụ nổ súng. Trong ảnh, một cửa hàng bị phóng hỏa.


Một người biểu tình giơ biểu ngữ trước mặt cảnh sát ở gần Oakdale, bang Minnesota, nơi ở của viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin đã đè chân lên cổ Floyd. Cảnh sát Derek Chauvin và ba viên cảnh sát khác bị sa thải ngày 26/5. Thị trưởng thành phố Minneapolis ngày 27/5 đã kêu gọi truy tố hình sự đối với Chauvin.


Người biểu tình ném sơn đỏ và vẽ chữ “Murderer” (Kẻ giết người) lên lối vào nhà của viên cảnh sát Derek Chauvin.


George Floyd, 46 tuổi, bị một cảnh sát đè đầu gối lên cổ trong hơn 8 phút, rồi bất tỉnh, vào ngày 15/5. Video cho thấy Floyd đã cầu xin “đừng, đừng, tôi không thở được”. Floyd sau đó được cấp cứu đến trung tâm y tế và tử vong.


Một người giơ đầu một con lợn về phía cảnh sát, bên ngoài một trụ sở cảnh sát ở thành phố Minneapolis ngày 27/5. Hình do trực thăng của báo đài địa phương ghi lại cho thấy nhiều siêu thị như Target, Cub Foods và Dollar Tree và một cửa hàng phụ tùng xe hơi đều có dấu hiệu bị phá hoại.


Người biểu tình bên ngoài trụ sở cảnh sát ở Minneapolis. Cảnh sát đứng tại các phố xung quanh trụ sở, nhưng dường như không cố gắng can thiệp, theo AP.


Trụ sở cảnh sát ở thành phố Minneapolis bị hư hại. Lãnh đạo cảnh sát Medaria Arradondo kêu gọi bình tĩnh. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nhắc đến các cuộc điều tra và nói công lý sẽ được thực thi. “Công lý không bao giờ có được thông qua các hành vi mà chúng ta thấy tối nay, dù là phá hoại hay hôi của”.


Người biểu tình vượt rào, phá hoại ở bên ngoài trụ sở cảnh sát ở Minneapolis.


Một chai nước được người biểu tình ném lên phía các cảnh sát đang đứng trên nóc trụ sở cảnh sát ở thành phố Minneapolis.


Người biểu tình ở thành phố Memphis, bang Tennessee, tập trung bên ngoài trụ sở cảnh sát ngày 27/5 để phản đối vụ cảnh sát làm chết George Floyd tại bang Minnesota.


Cảnh sát đứng gác bên ngoài trụ sở ở thành phố Memphis.


Ở bang California, hàng trăm người biểu tình chặn một con đường ở trung tâm Los Angeles ngày 27/5. Họ làm vỡ cửa kính màu đen của một xe cảnh sát tuần tra cao tốc bang California. Ảnh: KABC/AP.


“Cuộc biểu tình chuyển sang bạo lực”, màn hình TV của đài KBAC cho biết khi đưa tin hàng trăm người biểu tình chặn đường ở Los Angeles. Ảnh: KABC/AP.

0

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Những bài thơ hay về mưa mùa hạ

Mưa hạ đêm nằm căn nỗi nhớ/ Em trang đài tóc xõa buông lơi/ Chung bảng phấn, chung trường, chung lớp/ Nay kẻ chân mây, kẻ cuối trời...

MƯA HẠ


Tác giả: ( khuyết danh )

Mưa hạ đêm nằm căn nỗi nhớ
Em trang đài tóc xõa buông lơi
Chung bảng phấn, chung trường, chung lớp
Nay kẻ chân mây, kẻ cuối trời

Nhà anh nghèo bữa no, bữa đói
Em trang đài lầu biếc trăng soi
Nhớ ai ra đứng ngoài sông vắng
Ngẫn ngơ ngồi đếm lá thu rơi

Mưa hạ đêm nằm thương nhớ ai
Tám mươi năm đầu bạc phơ rồi
Sao không quên được người trong mộng
Thấp thoáng bên thềm bóng nguyệt soi


HẠ VÀ CƠN MƯA EM


Thơ : Hoàng Chẩm

Một tôi...một em ...một vầng trăng
khuyết
Một chút hao gầy... ngần ấy chưa phai
Cơn mưa Hạ... tình đau từ độ ấy
Em về chưa... nghiêng hết một bờ vai

Cơn mưa Hạ
Ngỡ chiều rơi thật thấp
Soi bóng mình đi suốt một thời xa
Em dừng lại thương bờ vai đã cũ
Áo nhàu phai
Hoài niệm với phôi pha

Cơn mưa Hạ
Giọt chiều đưa nhung nhớ
Anh xa hoài như cách biệt trùng khơi
Em đứng giữa cơn mưa
Trút lòng tiếc nuối
Tháo gỡ niềm đau
Ngày tháng buồn đầy vơi

Một tôi... một em... một không nhau
Thời dấu ái
Ngày mưa thương hoài tóc gió
Tiếng thầm kêu tên nhau
Trong cơn mưa Hạ
Anh về theo miền cổ tích
Bâng khuâng chiều em giấu kín niềm đau.


MƯA ƠI!


Tác giả: Ha Nguyen


Cứ ngọt lành như thế mãi mưa ơi!
Cứ từng giọt thấm vào nơi đất cỗi
Cứ dịu dàng, dịu dàng không chịu nổi
Cứ nồng nàn như thể bắt đầu yêu.

Ào ạt cơn mưa chiều
Cuốn trôi đi những gì chưa kịp nói
Để vô tình dưới mái hiên đứng đợi
Gặp gỡ nhau nhanh - chậm một ga đời.

Nông nổi không mưa ơi!
Xối xả tuôn rơi, mắt chạm mắt quay đi bối rối
Bao nhiêu rồi mà cười hồn nhiên như không tuổi
Xoè tay - tin - mãi thương nhớ trong đời.

Chầm chậm thôi mưa ơi!
Đừng tan nhanh như những lời chót lưỡi
Mang niềm tin ra giữa đời đánh đổi
Mang tình yêu ra đánh cược với người...!

(11/6/2019 thơ Ha Nguyen).


HẠ BUỒN


Vọng Thanh

Em im thinh
Anh im thinh
Để cho góc phố lặng nhìn
thâm nâu

Em tìm gì...
phía không nhau
Để đêm rơi vãi giọt sầu lãng du

Mưa đâu...
chín trái
mù u
Ai ngân câu hát lời ru
Hạ buồn

Mưa sang
từ buổi
hoàng hôn
Lời yêu chưa tỏ... đã hờn
Nhỏ ơi...

... Thôi về
nhặt nhánh cuộc người
Để nghe Tháng sáu, cựa lời...
nỉ non.


MƯA ĐẦU MÙA


Phan Thu Hà

Cơn mưa em dịu mát cả mùa hè
Xua cái nóng bao ngày rồi oi ả
Làm xanh lại đến từng con mắt lá
Chợt bồi hồi nhớ lắm một nụ hôn

Tôi ngỡ ngàng ...trong veo cánh bằng lăng
Màu tím thủy tinh nhắc một thời mực tím
Giọng cười ai quả đầu mùa ngọt lịm
Thấm vào lòng mát rượi những hạt mưa

Cơn mưa em về xao động giấc mơ xưa
Một mùa hè bát ngát sen hồng nở
Nụ hôn đầu đời thoảng hương sen trong gió
Tim đập dồn sóng vỗ tuổi tròn trăng

Mưa đi em cho về lại tháng năm
Mùa hè cuối rưng rưng dòng lưu bút
Chẳng giật mình đâu , sấm đầu mùa thảng thốt
Có cô bé nào nhìn hoa sấu rụng phố quen

Và tôi một mình chạy trong lối mưa em ...
------
HP - 9/6/2019


THÁNG SÁU MƯA ANH Ạ


Nga Vũ

Tháng sáu rồi mưa nhiều Anh nhỉ!
Giọt mưa nào rơi lạc mắt em cay
Gió không nhiều cũng đủ rối tóc bay
Tay em nhỏ mưa vẫn luồn mi ướt

Anh đã quên con đường về lá đổ
Hai đứa mình rúc rích chuyện vui xa
Mưa có về em cũng chẳng thiết tha
Anh đâu có để ôm em che gió!,...

Trời tháng sáu hanh hao như con gái
Lúc khóc cười như mưa nắng đan xen
Bàn tay em lạc lõng chẳng có quen
Bàn tay lạ nên cứ buồn vời vợi !.....

Tháng sáu Anh ơi! giọt rơi da diết
Bong bóng buồn vì vỡ chẳng ai xem
Từng ngón tay hứng từng giọt mưa đen
Hay tại mắt em chỉ một màu tối xám

Vâng Anh ạ, tại nhớ Anh nhiều quá
Trời nghiêng nghiêng nên em cũng nghiêng nghiêng
Chênh chao buồn nỗi nhớ chẳng xưng tên
Trời tháng sáu uốn cong lời hò hẹn

Thôi Anh nhé em sẽ về nơi cũ
Chốn hẹn hò ngày ấy đã rêu phong
Cuốn vào tim giọt nước chẳng thuỷ chung
Cho bão nổi xua đi mưa tháng sáu.....

Anh đừng về em không đợi đâu Anh!....


MÙA SEN NĂM ẤY


Trần Thanh Nhàn

Sen tháng sáu như níu tay người hái
Chiều Hồ Tây giăng trải một màn sương
Thuyền hoa ai nhuộm đỏ ánh tà dương
Hoà sắc tím vấn vương hoài thương nhớ.

Ta trở về dưới cơn mưa một thuở
Ngắt lá sen to hai đứa đội đầu
Dưới cơn mưa đất trời xích gần nhau
Tay ta nắm bàn tay em thật vội.

Ta vụng về mà mưa thì chẳng đợi
Ào ạt qua đủ ướt mãi về sau
Em vô tình, ta trách mưa quá mau
Để tháng sáu mùa sen còn vương mãi...

MƯA THÁNG SÁU


Thơ : Tony Bui

Mưa chiều xoã cánh chim di
Để ai ngơ ngẩn tìm gì trong thơ?
Biển tình còn đó ai chờ
Sông tương bến cũ trong mơ đi tìm

Chữ duyên bẩy nổi ba chìm
Dòng đời xô đẩy trái tim u buồn
Lệ lòng hoà với mưa tuôn
Gió giăng nỗi nhớ mây buồn chẳng bay

Thương người uống giọt mưa say
Của trời đổ xuống đắng cay ngập lòng
Bao đêm hoang hoải chờ mong
Đợi người tâm sự ân nồng nhớ thương

Xa người canh cánh vấn vương
Nhớ đôi mắt ngọc môi hường của em
Nhớ vòng tay ấm dịu êm
Nhớ nụ hôn ngọt cho mềm bờ môi

Về đâu cái thủa thiếu thời
Mưa đêm tháng hạ cho đời nở hoa
Ước gì ta được chung nhà
Niềm vui , hạnh phúc hoà ca cuộc đời

Warszawa, 11/06/2019


MƯA CHIỀU NAY


Hoa Diên Vỹ

Mưa chiều nay có buồn như hôm ấy
Mà mắt người lấp lánh hạt châu sa?
Bông cúc nào ngơ ngẩn giữa mùa hoa
Chao cánh mỏng đáp nghiêng bờ cỏ lạ?

Hạt nối hạt phập phồng tan nắng hạ
Đất thỏa lòng từng ngụm uống nồng say.
Cơn mưa nào như tháng sáu chiều nay
Bàn tay nhỏ chạm không vừa nỗi nhớ?

Phút giây ấy có hai người dạo phố
Vít ô gầy ngọn gió hững hờ rơi.
Nước nghịch đùa lấp lánh ở trên môi
Cơn khát cháy vô tình người cúi xuống...

Mưa chiều nay cạn lòng ta muốn uống
Giọt châu buồn rưng rức vạt mi cong...

(Hoa Diên Vỹ)

HẠ THƯƠNG


Miền Ký Ức

Có cơn mưa nào vừa dội xuống miền yêu
Làm tơi tả cánh bằng lăng trong chiều heo hút...
gió
Mây lang thang nơi đại ngàn xa đó
Có chở dùm nổi buồn về phía đại dương xanh

Em và anh chỉ cách một mùa hạ mong manh
Mà tháng sáu trời gieo bản tình sầu trên màu hoa tím ngắt
Nổi nhớ như dao cứa lòng người nhưng nhức
Thương như thương phận mình
lạc lõng những đêm sương

Mưa chiều nay rơi dài trên những mảnh tường loang
Tí tách
nỉ non như tiếng con mèo già..chua chát
Hoài công như con dã tràng xây lâu đài trên cát
Trút cạn linh hồn cho một mối tơ đau

Anh lạc về miền xa nên dĩ vãng chỉ là ký ức không màu
Bên ô cửa đìu hiu
em nép vào lòng đêm nương náu
Mà hạ vẫn thương em nên rót từng cơn mưa tháng sáu
Như xua tan bão lòng hay xua tiếng đời trôi

Anh có về khu vườn xưa xin đừng ghé lại chỗ em ngồi
Đừng nhặt cánh hoa tàn trên bậc thềm loang nước
Đừng với ánh trăng gầy trong màn đêm sũng ướt
Đừng...đừng khơi lại tro tàn khi tất cả đã hóa cơn mưa

9/06/2019


MƯA MÙA HẠ


Bùi Văn Huy

Có cơn mưa mùa hạ
Ngang qua tuổi học trò
Cơn mưa trông đến lạ!
Tím cả những vần thơ

Cơn mưa đu theo gió
Rạo rực và hát ca
Mưa ào con đường nhỏ
Trên vòm lá me già

Mưa bung cánh phượng nở
Mưa ướt tiếng ve sầu
Mướt áo ai má đỏ
Ríu rít mắt bồ câu

Mưa sầu trang lưu bút
Ướt cả trời thanh xuân
Mắt hoen nhòa lệ ướt
Giữa mùa mưa tần ngần

Mưa ngập ngừng tý tách
Chập chờn cùng gió đưa
Có cơn mưa khanh khách
Tím hạ về lưa thưa …

CÒN LẠI ANH VÀ EM


Tác giả: Hồng Soi

Em chờ anh như chờ mưa mùa hạ
Bao đêm rồi lòng trống trải cô liêu?
Càng khát khao em càng thương anh nhiều
Đó là điều khuya về em trăn trở!

Ngày nối ngày thấm vào trong nỗi nhớ
Chảy về nguồn nơi biển đảo xa xôi
Những giọt tình còn động lại bờ môi
Em cất giữ nơi buồng tim yêu dấu

Anh yêu ơi! ở ngoài khơi có thấu
Đêm từng đêm em vẫn đợi vẫn chờ
Phượng hồng rơi tím cả ở trong mơ
Ve than thở từng giờ em mong đợi!

Anh yêu ơi! mãi ở xa vời vợi
Cuối hè rồi em đành đợi sang ngâu
Ngày anh về mình đoàn tụ bên nhau
Em sẽ trao cả bầu trời tình ái

Hai chúng ta mãi quyện thành một dải
Thế giới này còn lại anh và em!

11.6.2019


GẶP MƯA


Thơ Duy Hạnh Trần

Cơn mưa đầu mùa Hạ
Bất chợt rải mặt đường
Tà áo trắng vấn vương
Vuốt mềm những ánh mắt.

Hiên nhà tránh mưa hắt
Đang nghĩ việc dở dang
Chợt thấy ai vội vàng
Ô che đầu đang tới.

Lẻ bóng chim chới với
Ngập ngừng trong cơn mưa
Chiếc ô đây đủ vừa
Cho hai người sánh bước .

Gió cứ chạy phía trước
Em mong mưa đừng nhanh
Vì đã được gần anh
Cứ từ từ mưa nhé!

Gặp mưa đôi chim sẻ
Trời cao tung cánh bay
Còn em đây mỗi ngày
Đã có anh bên cạnh.

MƯA THÁNG SÁU


Tác giả: Thanh Tâm

Tháng sáu đến rồi anh biết không?
Bằng lăng rụng kín tái tê lòng
Cơn mưa đổ xuống bao thương nhớ
Ngập kín lòng em những chờ mong

Tháng sáu đến rồi buồn mênh mang
Sụt sùi mắt ướt lệ hai hàng
Giọt rơi trắc ẩn lòng quạnh vắng
Giọt rớt âm thầm những thở than

Tháng sáu qua rồi kín niềm đau
Lòng em lạnh giá trái tim sầu
Em gọi tên người trong khắc khoải
Âm thầm mắt ướt lệ mi tràn

Tháng sáu em buồn nhớ đến anh
Tương tư ấp ủ giấc mộng lành
Đêm về nghe tiếng mưa tí tách
Lòng buồn da diết nhớ đến anh

Em thả hồn theo giấc mộng lành
Mang về hơi ấm của ngày xanh
Gửi theo tháng sáu về phương ấy
Tưới mát lòng anh hết muộn phiền

Mỹ Đức 09/06/2019


MƯA THÁNG SÁU


Đào Mạnh Thạnh

Mưa tháng sáu chở vạt nắng đi đâu
Vương chút nhớ rớt giọt sầu tê tái
Cánh phượng hồng nhẹ rơi vào khắc khoải
Để bằng lăng hoang hoải lúc chia xa

Mái trường xưa mưa tháng sáu nhạt nhòa
Chùm phượng vĩ cũng lìa xa theo gió
Tiếng ve kêu râm ran như muốn ngỏ
Lời yêu thương nhung nhớ hạ chia ly

Sân trường nay giờ vắng bước chân đi
Trong nắng hạ mùa thi qua xa mãi
Mưa tháng sáu chở phượng buồn đi mãi
Để bằng lăng nhớ lại tím chơi vơi

Mưa mùa hạ dìu dặt cánh phượng rơi
Bao nhung nhớ lạc trôi theo dòng nước
Phút chạnh lòng chênh chao niềm mong ước
Thuở dại khờ chập chững bước đam mê

Mưa cuối hạ đem nhung nhớ quay về
Cho nỗi nhớ câu ước thề ngày ấy
Xa nhau rồi niềm nhớ nhung trỗi dậy
Hạ mưa tuôn ......
........ run rẩy giọt lệ rơi.............

HP. 15-6-2019

MƯA BUỒN NHỚ ANH


Trần Tuyết Tuyết

Sáng nay mây như trẩy hội
Xám đen nghịt cả bầu trời
Không gian chìm trong vắng lặng
Em ngồi đếm hạt mưa rơi

Mà lòng cứ hoài nhung nhớ
À ơi ...trong giấc ru hời
Một mình thương ơi em đợi
Tình xa vạn nẻo phương trời

Người ơi sao mà nhớ thế
Con tim thao thức mong chờ
Mắt buồn dõi về nơi ấy
Chờ người đang viết tình thơ

Có phải là anh cũng nhớ
Thương người con gái xa xăm
Và mưa cũng buồn lắm đó
Đang nhớ,nỗi nhớ lặng thầm

Mưa ơi tôi đang chờ đợi
Một ngày nở nụ hoa thơm
Người về niềm vui chất ngất
Thương yêu thấm đẫm ngọt ngào !


MƯA!


Nguyễn Thị Khánh Hà

Lắng nghe đất thở
Mây chẳng buồn trôi
Trút cơn mưa hạ
Trắng xóa bầu trời

Phất phơ trong gió
Hạt gần hạt xa
Hoa cười mầm nhú
Như ngàn lời ca

Mưa hạ gần xa
Ướt nhòa đường phố
Giăng giăng cánh đồng
Khoảng trời mênh mông

Đất khao khát đợi
Chờ mưa giao hòa
Cỏ cây hoa lá
Cựa mình sinh sôi

HỒI SINH


Hồng Vũ

Em như mùa hạ nồng nàn,
Bừng bừng nắng toả ngút ngàn trời xanh.
Đốt thiêu luôn cả đời anh,
Tan tành tro bụi trong vành lửa nung.
Theo cơn giông hạ bay tung.
Tàn anh man mác trong vùng mây em.
Dạt dào muôn khúc nhạc êm,
Thành cơn mưa hạ rơi trên đất cằn.
Cây khô, cành khát héo dần.
Uống muôn hạt nước mưa em mát lành.
Chứa chan dòng nhựa hồi sinh,
Lá reo khúc hát tự tình cùng mưa.


MƯA ĐẦU MÙA


Đình Khải

Mùa Hạ đã sang rồi
Những hàng cây đứng lặng
Chẳng có cơn gió nào thoáng qua
Chợt những đám mây gần, mây xa
Ầm ầm kéo tới

Trời đang nắng bỗng dưng mù mịt tối
Chớp nhì nhằng và sấm nổi gần xa
Những hạt mưa rơi xuống trước sân nhà
Nước chảy khắp ngoài đường, ngoài ngõ

Mưa ào ào trong cơn giông gió
Biết đến khi nào mới hết gió mưa đây
Chợt thương em chẳng biết giờ này
Em đang ở đâu, liệu có nơi nào tạm trú

Anh muốn băng mình trong mưa gió
Anh đi tìm em
Em đang ở nơi đâu?

10-6-2019


NHỚ NGÀY MƯA HẠ


Thơ: Nghi Lâm

Anh quen em một chiều thu trong sáng
Dưới mái trường xưa cũ dấu rêu phong
Hàng phượng yêu còn sót những cánh hồng
Của dư hạ vừa qua đà lưu lại

Rồi từ buổi đầu tiên còn e ngại
Bước nhẹ nhàng nép dáng nhỏ vào anh
Em ngước nhìn lên ngắm khoảng trời xanh
Thỏ thẻ những lời yêu ngây thơ quá

Trưa dã ngoại trời mưa rung cành lá
Suốt chặng đường hai đứa dựa vào nhau
Tà áo xinh tuy đã thấm ướt nhàu
Cũng ấm áp không còn nghe se lạnh

Thời gian dần phôi pha trong cô quạnh
Nhớ thật nhiều kỷ niệm sớm qua mau
Lưu bút kia nét chữ chưa phai màu
Đã vắng ai ngày xưa từng chung lối

Nay những câu thơ thay lời muốn nói
Gửi trao xa về người cũ phương nào
Rằng có anh trong da diết nghẹn ngào
NGẮM MƯA HẠ,.. MÀ NHỚ THỜI CẮP SÁCH!

(Sài Gòn, sáng giữa hạ 12/6/2019.) N.L

0

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Tản mạn về chiếc áo dài Việt Nam


Cho đến nay, chưa ai rõ nguồn gốc đích thực của chiếc áo dài. Các hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cho thấy thủy tổ của nó, vốn làm bằng da thú và lông chim, xuất hiện trước thời Hai Bà Trưng.


Theo truyền thuyết, Hai Bà Trưng đã mặc giáp vàng hai tà, che lọng vàng khi cưỡi voi xông trận đánh đuổi quân nhà Hán.


Cũng tương truyền, do tôn kính Hai Bà, phụ nữ Việt Nam tránh mặc áo hai tà mà thay bằng áo tứ thân, tượng trưng cho bốn bậc sinh thành (của hai vợ chồng). Vả lại, khi đó kỹ thuật còn thô sơ, vải được dệt thành từng mảnh khổ nhỏ nên phải ghép bốn mảnh lại mới may đủ một áo, gọi quen là áo tứ thân.


Áo gồm hai mảnh đằng sau chắp lại giữa sống lưng. Hai mảnh trước được thắt lại và để thòng xuống ở giữa, nên không phải cài cúc khi mặc. Bình thường, gấu áo được vén lên, chỉ khi có đại tang mới thả xuống và mép vải để lộ ra ngoài thay vì dấu vào trong. Đấy là hình ảnh chiếc áo dài tứ thân mộc mạc, khiêm tốn.


Vào thời vua Gia Long (1802-1819), chiếc áo dài tứ thân được biến cải thành áo ngũ thân, rất phổ thông trong giới quyền quý và dân thành thị. Áo ngũ thân cũng được may như áo tứ thân, nhưng vạt áo bên phải phía trước chỉ được may bằng một thân vải, còn vạt áo bên trái được may bằng hai thân vải như vạt áo đằng sau.


Ngoài ra, áo năm thân có khuy áo như đàn ông, lúc mặc có thể cài khuy như áo dài ngày nay hoặc thắt vạt như áo tứ thân. Về ý nghĩa, bốn thân áo chính tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, và thân thứ năm tượng trưng cho người mặc áo; năm chiếc khuy tượng trưng cho đạo làm người theo Khổng Giáo: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.


Năm 1884, triều đình Huế nhượng quyền cai trị nước vào tay Pháp. Sau khi chính phủ Pháp mở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội, nhiều cuộc cải cách cho chiếc áo dài truyền thống đã được một số người có tâm huyết với chiếc áo dài đưa ra. Các màu nâu, đen được thay bằng các sắc màu tươi sáng hơn, gây sôi nổi trong dư luận quần chúng thời ấy.


Năm 1934, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã khích động phong trào cải cách: "...Các nhà đạo đức thường nói: Quần áo chỉ là những vật dụng để che thân thể ta khỏi bị gió mưa, nắng lạnh, ta chẳng nên để ý đến cái đẹp, cái sang của nó làm gì...Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân, song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Muốn biết nước nào tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ, ta cũng đủ hiểu...."


Trong thập niên 1930, Cát Tường đưa ra thị trường kiểu áo dài mới Le mur, được vẽ theo kiểu áo đầm Tây Phương với nối vai và tay phồng, cổ lá sen, cài khuy trên vai, mặc với quần trắng, đeo bóp, che dù...


Sau đó, họa sĩ Lê Phổ cải tiến áo Le mur và mẫu áo dài này được hoan nghênh trong Hội chợ Nữ Công Đà Nẵng. Đây là một kết hợp giữa áo Le mur và áo tứ thân, rất gần gũi với chiếc áo dài tân thời ngày nay: nối vai và tay không phồng lên, cổ kín, cài nút bên phải, thân ôm sát người, hai tà áo mềm mại bay lượn.


Áo dài Lê Phổ được may bằng vải màu mặc với quần trắng, tóc búi lỏng hay vấn trần hoặc vấn khăn nhung. trong suốt gần 30 năm sau, chiếc áo dài không thay đổi bao nhiêu, ngoại trừ cổ áo, gấu áo, và eo áo. Những thay đổi này tuỳ theo thị hiếu thẩm mỹ của từng giai đoạn một.


Có thể khẳng định: không nơi đâu có tà áo dài độc đáo như của Việt Nam. Chiếc áo dài biểu tượng cho nét duyên dáng, thanh thoát của người phụ nữ Việt Nam.Vì thế, tà áo dài xứng đáng với tên gọi "Nét duyên dáng Việt Nam"!.



Nguồn: https://www.cungviettiephp.com.vn/van-nghe/bai-viet/tan-man-ve-chiec-ao-dai-viet-nam.html
0