Vibay

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

"Mãnh hổ" T-90S: Bước đột phá của lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam

Những tính năng mới của xe tăng T-90S, với sức sáng tạo và lòng dũng cảm của bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam, sẽ là sự bất ngờ rất lớn đối với bất cứ kẻ thù xâm lược nào.


(Viettimes) Thực tế Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) chuẩn bị tiếp nhận tăng T-90S của Nga, vì một lý do nào đáo gây ra sự quan tâm đáng kể của truyền thông nước láng giềng Trung Quốc. Ngày 03.01.2017, trang Sina tiếp tục có bài viết bàn về vấn đề này.

Trên trang Sina, tác giả của bài viết nhấn mạnh đến khó khăn sử dụng T-90 trong điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam. Việt Nam có 3/4 diện tích là đồi núi và cao nguyên, chỉ có vùng duyên hải là đồng bằng, địa hình thấp và bằng phẳng, sông ngòi dày đặc. Địa hình như vậy hoàn toàn không thích hợp cho việc sử dụng lực lượng cơ giới binh chủng hợp thành hạng nặng.

Ngoài ra, tác giả bài viết nhận xét, quy mô lực lượng thiết giáp của Việt Nam có hạn, nhiệm vụ cũng chủ yếu là chi viện cho bộ binh, trang bị cũng tương đối lạc hậu, phục vụ đã trên 30 năm, thậm chí 50 năm trở lên, chẳng hạn như xe tăng T-34.

Cần nhận thấy rằng, trong khoảng 20 năm trở lại đây, quân đội Trung Quốc đang có những bước phát triển mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hóa quy mô lớn. Số lượng binh khí kỹ thuật cao tăng vọt, đặc biệt trong các đơn vị tăng thiết giáp, hải quân và không quân. Đặc biệt, Trung Quốc phát triển sản xuất tăng thiết giáp, nổi bật nhất là xe thiết giáp VN17, tăng chủ lực VT-4. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, chiếc tăng VT-4 hiện đại hơn cả siêu tăng mới nhất Armata T-14 của Nga.

Từ quan điểm phát triển lực lượng của quân đội Trung Quốc, dễ dàng nhận thấy, lực lượng PLA đang phát triển mô hình quân đội theo học thuyết toàn cầu hóa quân sự. Có nghĩa là quân đội Trung Quốc đang phát triển quân đội theo mô hình quân đội Mỹ, được coi là lực lượng quân sự toàn cầu, có khả năng có mặt trên bất cứ điểm nóng nào trên thế giới. Từ đó nhận thấy, quan điểm của tác giả bài viết, dù ngắn ngủi nhưng cũng cảm thấy rất rõ, lý luận quân sự của quân đội Trung Quốc dựa trên khái niệm tấn công tổng lực. Quân binh chủng hợp thành, tác chiến trên tất cả các không gian chiến trường, khống chế đường không và lực lượng đột phá chủ lực sẽ là các đơn vị cơ giới hạng nặng tốc độ cao.

Đúng như tác giả nhận xét, không có xe tăng, thiết giáp thì không thể thắng chiến tranh, nhưng nhận xét xe tăng QĐNDVN chỉ đóng vai trò yểm trợ hỏa lực cho bộ binh là một nhận thức sai lầm, tương tự như các chiến lược gia Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam là lực lượng tấn công chủ lực của QĐNDVN.

Khác hơn so với lực lượng tăng thiết giáp Trung Quốc, được viện trợ cả nhà máy sản xuất, làm nền tảng cho ngành công nghiệp tăng thiết giáp sau này. Binh chủng tăng thiết giáp Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, được Liên Xô viện trợ những loại xe tăng không phải là tốt nhất như T-34, PT – 76, T-54A,B, ngoài ra còn có xe tăng được sản xuất từ chính Trung Quốc như T-59, gần cuối cuộc chiến tranh Việt Nam mới có được xe tăng T-55.

Nhưng cũng trên chiến trường Việt Nam, từ xe tăng PT-76 đến T-55 đều trở thành những vũ khí nổi tiếng trên thế giới do những chiến công vang dội: Từ trận chiến Tà Mây – Làng Vây ngày 06 - 07.02.1968 đến chiến dịch tấn công giải phóng thành phố Sài Gòn tháng 04.1075, tăng thiết giáp Việt Nam đánh hơn 200 trận với hiệu quả tác chiến cao. Lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam cũng là lực lượng đột phá chủ lực trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn và giải phóng Campuchia khỏi bè lũ diệt chủng Polpot.

Địa hình Việt Nam tương đối phức tạp với đồi núi, cao nguyên, vùng đồng bằng có sông ngòi dày đặc và các vùng trũng. Nhưng tăng thiết giáp Việt Nam có mặt ở khắp nơi, trên mọi chiến trường, từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, chiến trường Đường 9 Nam Lào với dãy núi Trường Sơn trùng điệp, vùng 6 tỉnh biên giới và thậm chí cả trên các đảo xa.

Trên mọi chiến trường, xe tăng Việt Nam, dù là T-34 hay T-54, T-55 và cả các dòng xe K2 (xe chiến lợi phẩm M-41, M-48 Mỹ) đều phát huy được hết năng lực vũ khí trang bị. Không có những trường hợp hỏng hóc phải bỏ xe tháo chạy như trên chiến trường Syria, Iraq.

Ngay trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, mặc dù Mỹ là siêu cường quân sự, nhưng tăng thiết giáp trên chiến trường Việt Nam đóng vai trò yểm trợ bộ binh tấn công. Nhưng QĐNDVN dù không có không quân, vẫn có thể tổ chức được các trận tấn công bằng xe tăng có bộ binh yểm trợ.

Tất nhiên, trên không gian chiến trường giới hạn như ở Việt Nam, nếu xảy ra chiến tranh, các bên tham chiến rất khó có thể triển khai đội hình chiến đấu tấn công quy mô lớn cấp sư đoàn, lữ đoàn tăng thiết giáp. Hơn thế nữa, với sự phát triển của một số lượng lớn các loại vũ khí diệt tăng, việc tiến hành một cuộc tấn công lớn bằng lực lượng tăng thiết giáp, dù có sự yểm trợ mạnh mẽ từ trên không của không quân chiến trường, cũng chỉ có thế diễn ra trong cuộc chiến Iraq 20.03. 2003 đến 15.12 .2011. Trong đó, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ồ ạt đổ quân tấn công với hỏa lực dữ dội của không quân liên minh, các lực lượng vũ trang Iraq trên thực tế đã hoàn toàn tan rã.

Những diễn biến trên chiến trường Iraq và Syria cho thấy, ngay cả trong điều kiện thuận lợi nhất, có được hỏa lực yểm trợ tuyệt đối từ trên không, lực lượng đối phương là các nhóm chiến binh, chiến đấu theo phương thức chiến tranh du kích, số lượng tăng thiết giáp, từ T – 55, T-72 và cả xe tăng Abrams M1 vẫn bị tiêu diệt nhiều và với số lượng không nhỏ.

Do đó, trong các cuộc chiến tranh trong tương lai, đặc biệt khi diễn ra trên các địa hình phức tạp như các khu dân cư, đô thị, địa hình đồi núi, khu vực đồng bằng phức tạp. Phương thức tác chiến tốt nhất là sử dụng các đơn vị binh chủng hợp thành đến cấp lữ đoàn, trong đó xe tăng trong đội hình đột kích đến cấp tiểu đoàn, phối hợp với các phương tiện tấn công khác như xe bộ binh chiến đấu BMP, xe thiết giáp, xe yểm trợ hỏa lực trang bị tên lửa chống tăng và pháo tự động có khả năng phòng không 30 mm.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh có sử dụng rộng rãi tăng thiết giáp như cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước giai đoạn cuối, cuộc chiến tranh giải phóng Campuchia, các lực lượng vũ trang QĐNDVN dày dạn kinh nghiệm sử dụng tăng thiết giáp trên chiến trường Việt Nam, đặc biệt trong chiến đấu tiến công, vốn là đặc trưng của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Tương tự như AK-47, tên lửa SA-75, xe tăng T-54 AB, xe tăng hạng nhẹ PT-76, xe tăng T-90S hoàn toàn có thể trở thành vũ khí tấn công chủ lực và tìm được vinh quang khi phục vụ trong QĐNDVN.

Syria, theo nhận xét của tổng thống Nga V.Putin là thao trường kiểm tra năng lực tác chiến thực tế của vũ khí, xe tăng T-90 đã vượt qua kỳ thi này rất xuất sắc, với chỉ có 3 xe bị phá hủy trên chiến trường. Trong đó 1 xe T-90 bị bắn bằng đạn xuyên giáp dưới cỡ bắn ngang sườn là chính thức bị phá hủy. Đây là một đòn tấn công mà không có một xe tăng nào trên thế giới có thể chống được, 2 xe còn lại bị phá hủy do 1 xe bị tên lửa chống tăng bắn trúng tháp pháo, gây cháy trên nắp, kíp xe bỏ chạy, để xe tự cháy lan vào bên trong. Một xe khác do kíp xe hoảng sợ bỏ xe rút lui, các tay súng khủng bố IS thu được xe, đặt bộc phá phá hủy để tuyên truyền.


Ngoài ra, xe tăng T-90A cũng là xe tăng chịu được các đòn tấn công của tên lửa chống tăng hạng nặng BGM-71 ТOW. Т-90 không những chịu được, mà còn có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chiến đấu sau đòn tấn công.

Một thực tế cho thấy, khác với QĐNDVN, quân đội Syria ít sử dụng xe tăng trong chiến đấu tấn công, mà thường sử dụng như một hỏa khí đi cùng. Hầu như tất cả các trường hợp xe tăng bị tấn công đều đang ở trạng thái đứng bắn tại chỗ, trên khoảng trống địa hình không che chắn, nguy trang, không cơ động chiến thuật.

Tăng thiết giáp Việt Nam thường xuyên đi đầu trong chiến đấu tấn công, được sự yểm trợ mạnh của bộ binh, thiết giáp chống tăng và pháo, tên lửa phòng không đi cùng, triệt để tuân thủ công tác ngụy trang đánh lừa địch và kỹ năng phòng chống tên lửa chống tăng có điều khiển.

T-90 sử dụng động cơ động cơ 12 xi lanh B-92S2, cho phép xe phát huy tốc độ tối đa hơn 60 km/h, có khả năng vượt chướng ngại vật nước đến 1,2 m (1,8 m nếu có chuẩn bị ngắn), vượt hào rộng 2,8 mét, vượt tường thẳng đứng cao 0.8 mét, vượt dốc đến 30. Những tính năng kỹ thuật này cho phép T-90 có thể hoạt động hiệu quả trên mọi khu vực chiến trường Việt Nam, chiến đấu theo cách đánh của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Nhiều đặc điểm ưu việt sẽ làm vừa lòng lính tăng Việt, vốn có khổ người bé nhỏ hơn ngay cả với lính Syria. Đây sẽ là lần đầu tiên trong suốt lịch sử phát triển tăng thiết giáp Việt Nam, lái xe và pháo thủ sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với T-55. Xe tăng T-90 có hệ thống kiểm soát hỏa lực tự động với phạm vi phát hiện mục tiêu đến 1.500 m. Nhờ vào thiết bị kính ngắm quang ảnh nhiệt, pháo thủ T-90 có thể quan sát không gian chiến trường cả ngày lẫn đêm, không chỉ các mục tiêu tăng thiết giáp mà cả bộ binh trên khoảng cách đến 3 km. Với những tính năng kỹ chiến thuật này, tăng Việt Nam sẽ tác chiến có hiệu quả gấp nhiều lần so với T-55.

Lần đầu tiên lính tăng Việt Nam, vốn rất vất vả với việc nạp đạn, dừng ngắm, bắn nhanh bằng pháo 100 mm có thể được sử dụng pháo nòng trơn 125M 2A46M, với hệ thống nạp đạn tự động. Các lính tăng may mắn sẽ giã biệt hệ thống ổn định cổ lỗ của T-55 để đến với hệ thống ổn định hiệu quả của T-90S, phù hợp với việc xạ kích khi xe đang cơ động.

Xe có cơ số đạn 43 quả đạn xuyên giáp, đạn nổ lõm hoặc nổ phá mảnh. Nhưng trưởng xe T-90 chắc chắn hài lòng với hệ thống tên lửa bắn qua nòng pháo “Reflex” với tầm bắn lên đến 5 km, dẫn đường laser.


Tăng T-90s

Những tính năng mới của xe tăng T-90S, với sức sáng tạo và lòng dũng cảm của bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam, sẽ là sự bất ngờ rất lớn đối với bất cứ kẻ thù xâm lược nào.

Không có gì ngạc nhiên, nếu trong một đơn vị binh chủng hợp thành có sự tham gia cùng lúc cả xe tăng T-54, T-55, T-55M3 và T-90S trong đội hình chiến đấu tấn công mạnh, có sức đột phá lớn và sự phối kết hợp hoàn hảo, vì đó chính là đặc trưng của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Một vấn đề mà tác giả bài viết trên báo Sina có để cập tới về điều kiện khí hậu, môi trường tác chiến có thể ảnh hưởng không nhỏ đến xe tăng T-90S khi phục vụ trong QĐNDVN. Chắc chắn tác giả không tìm hiểu kỹ về năng lực của các đơn vị trang bị kỹ thuật Việt Nam.

Trong suốt các cuộc chiến tranh và trong điều kiện thời bình, những loại vũ khí tưởng như đã hết thời sử dụng như tên lửa phòng không SA – 75 Dvina hoặc các xe tăng thiết giáp cách đây hơn 70 năm, vẫn hoạt động rất tốt và phục vụ hiệu quả trong quân đội. Lực lượng kỹ thuật quân sự Việt Nam là lực lượng hiểu và khai thác sử dụng hiệu quả nhất vũ khí trang bị Liên Xô trước đây và Nga ngày nay. Hơn hẳn các nước khu vực Đông Âu và vượt xa các nước Trung Đông, có lẽ chỉ thua sút với quê hương nó, lực lượng kỹ thuật quân sự Nga.

Trong tương lai không xa, trong quá trình hợp tác công nghiệp quốc phòng với các nước trên thế giới, có thể binh chủng tăng thiết giáp Việt Nam sẽ có hệ thống phòng thủ tích cực loại Arena hoặc cao cấp hơn. Tăng Việt Nam sẽ trang bị được các mô đun pháo – tên lửa chống tăng tự động thế hệ mới, xe yểm trợ hỏa lực tăng thiết giáp BMPT, robot thiết giáp chiến đấu và tăng cường thêm số lượng xe tăng hiện đại như T-90SM, T-72B3.

Từ những phân tích trên, có thể nói không chỉ riêng chất lượng xe, mà số lượng 64 chiếc T-90S đã là một bước đột phá mạnh mẽ trong lực lượng đột kích trên chiến trường của quân đội Việt Nam. Sau những chiếc T-90S đầu tiên, lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam sẽ có những bước đột phá mạnh cả về lượng và chất của các đơn vị binh chủng kỹ thuật cao.

Nguồn: Viettimes.vn/...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét