Vibay

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Trạm ra đa 11 Trường Sa nhận lệnh bước vào "tình huống cấp 1"

Chúng tôi đến thăm Trạm ra đa 11, Trung đoàn 292, sư đoàn 377 Quân chủng Phòng không - Không quân vào một ngày gần đây khi đơn vị vừa nhận lệnh của cấp trên, bước vào "tình huống cấp 1".

Nhìn những bước chạy khẩn trương, thao tác mở máy nhanh, chính xác của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, chúng tôi khâm phục về tài năng và nghị lực của các anh - những người đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc thân yêu nơi đầu sóng, ngọn gió.


Luyện tập phương án tác chiến trên bản đồ tại Trạm radar 11 ở Trường Sa

Ngày 7/5/1988, Bộ Quốc Phòng quyết định tái thành lập Trạm ra đa 11. Sau đó, trạm nhanh chóng cơ động ra đóng trên đảo Trường Sa Lớn, huyện đảo Trường Sa. Thời điểm mới ra đây cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn: nhà kiên cố cho bộ đội ở, nhà để máy móc thiết bị chưa có... nhưng cán bộ, chiến sĩ của Trạm đã vượt qua tất cả khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Trạm ra đa 11 là trạm ra đa đầu tiên trên huyện đảo Trường Sa, quản lí các mục tiêu trong bán kính 200 - 300km. Nó có nhiệm vụ chính là sẵn sàng chiến đấu, quản lí vùng trời, biển, đảo và chỉ đường cho lực lượng Không quân hoạt động hiệu quả. Khi tôi hỏi: "làm thế nào để nhận dạng đâu là máy bay ta đâu là máy bay địch, rồi máy bay quá cảnh ...?", đồng chí Trung tá Nguyễn Mậu Thông - Trạm trưởng Trạm ra đa 11 cho biết: Hàng ngày, chúng tôi nhận được kế hoạch từ cấp trên thông báo các chuyến bay trong ngày sẽ bay qua không phận huyện đảo Trường Sa. Mặt khác, đường hàng không cũng có quy định rõ về tuyến bay, đường bay, vì vậy khi máy bay bay sai, bay lệch đường, lệch chiều là những dấu hiệu nghi vấn để phát hiện máy bay địch.


Quan sát mục tiêu bằng ống nhòm tại Trạm ra đa 11

Ở Trường Sa có nhiều trạm ra đa Phòng không, vì vậy chúng ta thực hiện chế độ trực xoay vòng, khi phát hiện mục tiêu, trạm sẽ thông tin cho nhiều trạm khác để đón lõng địch. Trung tá Thông tâm sự thêm: tháng 6 năm 2011 ta phát hiện một tàu địch dạng hàng không mẫu hạm chở máy bay đang tiến vào vùng biển nước ta, các trạm ra đa ở Trường Sa báo cho các trạm ở gần bờ như: Phú Quý, Chóp Chài... đón lõng địch và yêu cầu cấp trên cho máy bay ra xua đuổi kịp thời, không cho chúng tổ chức các hoạt động do thám bờ biển nước ta. Sau vụ việc này, chúng tôi được Quân chủng Phòng không Không quân tặng giấy khen vì tinh thần cảnh giác cao độ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng trời, vùng biển được giao.

Trạm ra đa 11 có hai bộ phận chính là ra đa và thông tin. Khi ra đa phát hiện mục tiêu sẽ báo cho bộ phận trực chiến của Trạm, bộ phận trực chiến sẽ báo động toàn đảo SSCĐ, đồng thời bộ phận thông tin báo về đất liền để xin chỉ thị của trên và mở máy để xử lí tình huống. Sau đó Trạm sẽ phối hợp với lực lượng không quân trên đảo để ra đa thực hiện nhiệm vụ dẫn đường cho máy bay ra làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền và chiến đấu.

Thời gian đầu mới ra đảo đóng quân, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, đơn vị gặp nhiều khó khăn nhất là trong bảo vệ vũ khí, khí tài đặc chủng, vì vậy công tác bảo đảm kĩ thuật cho khí tài ra đa được Trạm chú trọng. Trạm xác định: công tác bảo đảm kĩ thuật là vấn đề then chốt, quyết định đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì vậy, Trạm luôn có phương tiện dự trữ, sẵn sàng thay thế khi cần thiết để đảm bảo mọi hoạt động diễn ra bình thường. Mặt khác, cấp trên cũng quan tâm đưa nhiều thợ giỏi ở trong bờ ra đảo để sẵn sàng khắc phục những khó khăn, hỏng hóc xảy ra ở trên đảo. Anh em thợ ở đây rất lành nghề, khi nghe phương tiện hỏng gì là anh em có thể nói ra bệnh ngay, vì vậy luôn đảm bảo hệ số sẵn sàng chiến đấu đạt 100%.

Làm việc trong môi trường có từ trường mạnh, nên sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ ra đa bị ảnh hưởng rất nhiều. Để khắc phục, đơn vị tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ để tăng cường sức khỏe và tạo không khí thoải mái để anh em làm việc. Đồng chí Đại úy Trương Công Pháp - Chính trị viên Trạm ra đa 11 nói: "Chúng tôi duy trì thường xuyên các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông để tăng cường sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ trên đảo. Khi ở đảo có các đoàn công tác từ đất liền ra thăm, chúng tôi tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ để tăng cường tình đoàn kết và giúp cán bộ, chiến sĩ đỡ nhớ nhà".


Cán bộ chiến sĩ vui chơi thể thao trên quần đảo Trường Sa

Ngoài hoạt động chuyên môn, đơn vị còn tham gia đầy đủ các hoạt động huấn luyện SSCĐ của đảo như diễn tập phòng thủ đảo và được đảo giao cho 1 số hướng để phòng thủ, tham gia diễn tập đánh địch đổ bộ, tham gia đóng quân canh phòng...

Với những thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ chủ quyền vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, Trạm ra đa 11 là trạm ra đa duy nhất của Trung đoàn 292, sư 377 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kì đổi mới", năm 2000. Đây là vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn đối với các thế hệ cán bộ chiến sĩ Trạm ra đa 11, phấn đấu tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để xứng đáng với truyền thống "xa, nhanh, chính xác, liên tục, kịp thời"của ngành ra đa.

Bài, ảnh Thanh Tùng/ Infonet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét