Vibay

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Việt Nam - Ấn Độ tăng hợp tác dầu khí, quốc phòng

Việt Nam và Ấn Độ vừa ký kết nhiều hiệp ước trong đó có thỏa thuận tăng cường hợp tác dò tìm và khai thác dầu khí trên Biển Đông. Nhật báo Người Việt dẫn nguồn Hindustan Times cho hay.


Bắc Kinh luôn ngang ngược tuyên bố 80% Biển Đông như “ao nhà” của mình bất chấp sự phẫn nộ của các nước khác trong khu vực. Việc Việt Nam và Ấn Độ ký kết hợp tác như vậy sẽ khó tránh khỏi sự khó chịu thêm và phản ứng từ phương bắc.

Các thỏa hiệp tăng cường hợp tác dò tìm và khai thác dầu khí Biển Đông Ấn Độ – Việt Nam được ký kết hôm Thứ Hai 20/11/2013 sau cuộc hội đàm quan hệ nhiều mặt giữa thủ tướng Manmohan Singh và ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN về các vấn đề khu vực và những phương cách nâng cao mối quan hệ đối tác chiến lược đã được thiết lập từ năm 2007.

“Cả Ấn Độ và Việt Nam nằm ở khu vực có tiềm năng lớn lao nhưng cũng có rất nhiều thử thách. Chúng tôi cùng có chủ đích hợp tác với các nước khác trong khu vực để có một Á châu ổn định hòa bình và thịnh vượng. Vì vậy, chúng tôi xây dựng mối quan hệ toàn diện với một lịch trình rộng rãi về hợp tác song phương và khu vực”. Bản thông cáo báo chí phổ biến sau cuộc hội đàm nói như vậy.

Theo hãng tin Ấn PTI, Việt nam cho công ty dầu khí ONGC Videsh Limited dò tìm và khai thác thêm một lô nữa trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam. Không thấy tin tức cho biết lô đó nằm ở đâu, có dính vào cái “Lưỡi Bò” hay không. Bắc Kinh sẽ nhảy dựng lên nếu chuyện này xảy ra.

Chỉ thấy tin cho biết Bản Ghi Nhớ giữa Tập Đoàn Dầu Khí quốc doanh Việt Nam và công ty ONGC Videsh Limited (OVL) nói hai bên hợp tác dò tìm, phát triển và sản xuất tài nguyên dầu khí ở hai nước với các đầu tư mới của OVL tại một số lô tại Việt Nam. Tập đoàn Petro Vietnam cũng được mới tham dự các lô đấu thầu công khai ở Ấn và ở các nước thứ ba.

Nhưng theo tin báo Hindustan Times, Việt Nam nhượng cho Ấn dò tìm dầu khí tại 7 lô trên Biển Đông. OVL đã ký hợp đồng sản xuất dầu với Petro Việt Nam tại lô 6.1 mà sản xuất thương mại bắt đầu từ năm nay. Công ty OVL đã từng được cấp phép dò tìm tại các lô 127 và 128 từ năm 2006 nhưng họ đã từ bỏ lô 127 vì không tìm thấy gì. Còn lô 128 thì cũng dự tính bỏ cuộc khi hết thời hạn dò tìm vào năm tới với lý do “kỹ thuật và thương mại” không có lợi.

Các lô 127 và 128 có cái “Lưỡi Bò” vắt chéo qua nên Bắc Kinh từng lên tiếng đe dọa trả đủa. Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh từng bắn tiếng hồi thúc Ấn Độ “tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Trung quốc và và ngừng dò tìm dầu khí” trên Biển Đông.


Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố chống đơn phương dò tìm và phát triển dầu khí trên các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông nhưng lại không chịu đàm phán tranh chấp đa phương mà chỉ muốn điều đình tay đôi để dễ dùng thế nước lớn chèn ép.

Dù bị Bắc Kinh đe dọa, Hà Nội có lần đã tuyên bố Ấn Độ có quyền theo đuổi dò tìm và phát triển dầu khí ở những lô hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

Tuần trước, nhân chuyến thăm viếng Việt Nam của tổng thống Nga Vladimir Putin, Petro Vietnam đã ký một số hợp đồng hợp tác với một số đối tác Nga, trong đó có bản ghi nhớ về việc công ty Nga Rosneft tham gia lô 15-1/05 thềm lục địa Việt Nam.

Hợp tác quốc phòng

Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Đỗ Bá Tỵ và Bộ trưởng Quốc phòng RK Mathur đã đồng ý tăng cường hợp tác trong xây dựng năng lực chiến đấu, các dự án chung và đào tạo.

Ấn Độ đã đồng ý đào tạo 500 thủy thủ tàu ngầm Việt Nam và sẽ chuyển giao bốn tàu hải quân theo hạn mức tín dụng 100 triệu USD.

Thủ tướng Singh nhấn mạnh: "Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng, an ninh và nhất trí sẽ tăng cường hơn nữa. Ấn Độ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc hiện đại hóa, đào tạo quốc phòng và lực lượng an ninh."

Trong một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo gọi hợp tác quốc phòng là một "trụ cột quan trọng" của đối tác chiến lược và nhất trí gia tăng đối thoại quốc phòng, đào tạo và diễn tập, cho tàu chiến cập cảng , xây dựng năng lực và trao đổi các vấn đề chiến lược.

Về khinh tế, biên bản ghi nhớ chính thức hóa quyết định của Việt Nam trao cho công ty Tata Power một dự án nhiệt điện trị giá 1,8 tỷ USD và một thỏa thuận hàng không có thể dẫn tới việc thành lập các đường bay trực tiếp giữa hai quốc gia.

2 nhận xét: