Vibay

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Trung Quốc dọa tấn công ngầm toàn Đông Á

Trong khi các Hạm đội Hải quân Trung Quốc đang dịch chuyển khó lường và nã pháo trên các vùng biển Tây Thái Bình Dương thì truyền thông nước này khoe khoang sức mạnh của tên lửa mới và đe dọa sẽ có thể tấn công chính xác mọi cơ sở chỉ huy ngầm tại khu vực Đông Á.

Hải quân Trung Quốc vẫn đang triển khai các bài tập trận tại các địa điểm bí mật trên khu vực Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Navy81
Hải quân Trung Quốc vẫn đang triển khai các bài tập trận tại các địa điểm bí mật trên khu vực Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Navy81

Tạp chí Weapon của Tập đoàn Công nghiệp miền Bắc Trung Quốc - đơn vị chuyên sản xuất các thiết bị quân sự - phô trương rằng: tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-15C đã được trang bị đầu đạn tân tiến và có khả năng phá hủy những cơ sở chỉ huy ngầm tại Đài Loan cũng như các đối tác an ninh của Mỹ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Á.

Theo các thông tin từ tạp chí này, DF-15C được gắn đầu đạn xuyên sâu có chiều dài từ 2-2,5m, qua đó biến DF-15C trở thành tên lửa có đầu đạn lớn nhất của quân đội Trung Quốc. Đây chính là loại được thiết kế để trang bị cho Binh chủng Pháo binh số 2 – lực lượng chiến lược của PLA với nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu ngầm. Thậm chí Weapon còn khoe khoang rằng nếu được tích hợp với DF-21 và DF-25, Bắc Kinh có thể tấn công các mục tiêu ở đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương.

DF-15C có tầm bắn khoảng 700km. Nó còn được trang bị hệ thống dẫn đường, hoạt động dựa trên hệ thống định vị toàn cầu (GPS) kết hợp với radar chủ động giai đoạn cuối nhằm đảm bảo độ chính xác khi tác chiến.

Song, giới quân sự đánh giá Washington và Tokyo sẽ không để cho Bắc Kinh “rảnh tay” với cuộc chiến ngầm tại khu vực.

Theo Wen Wei Po (Hong Kong), lực lượng tàu ngầm của cả Mỹ và Nhật Bản đang là một thách thức không nhỏ đối với Trung Quốc. Một báo cáo từ quân đội Nhật từng được Yomiuri Shimbun trích dẫn cho hay: tới năm 2021, lượng tàu ngầm Nhật Bản sẽ tăng lên từ 16-22 chiếc, trong đó có tàu ngầm lớp Soryu. Nó được trang bị ngư lôi Type 89 và tên lửa chống tàu phóng từ dưới mặt nước UGM-84 Harpoon và được coi là mạnh hơn rất nhiều so với các lớp tàu tiền nhiệm - Harushio và Narushio.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang triển khai nhiều tàu ngầm hơn đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, Washington đã triển khai từ 5-6 tàu tại căn cứ quân sự Yokosuka dưới sự chỉ huy của Hạm đội 7. Năm 2014, Mỹ sẽ điều thêm 4 tàu ngầm tới Guam.

Trưởng ban biên tập Tạp chí Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương – ông Trịnh Trì Văn – nhận định: Trung Quốc mới chỉ có máy bay vận tải Y-8 có thể thực hiện được các nhiệm vụ này bởi nó có thể mang ngư lôi, bom chìm và thủy lôi. Do đó, để có thể giám sát được các động thái dưới nước của Mỹ-Nhật thì Bắc Kinh cần có thêm một hệ thống tinh vi. Tuy nhiên, PLA chưa thể sở hữu được một hệ thống tân tiến như vậy, ông đánh giá.

Chí Đăng

http://songmoi.vn/the-gioi-quoc-phong/trung-quoc-doa-tan-cong-ngam-toan-dong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét