Vibay

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Biển Đông: Ứng phó diễn biến phức tạp ở Trường Sa năm 1978

(Infonet- 22/9/13) Tình hình khu vực quần đảo Trường Sa, năm 1978, có nhiều diễn biến phức tạp khiến Hải quân Việt Nam càng quyết tâm tăng cường các biện pháp bảo vệ các đảo, trong đó có Trường Sa Đông.


Hải quân VN ở Trường Sa Đông

Tháng 3-1978, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, các nước trong khu vực tăng cường hoạt động thăm dò bằng máy bay, tàu thuyền xâm phạm các đảo chúng ta đang đóng giữ. Trước tình hình đó, Đảng uỷ Quân chủng Hải quân đã ra Nghị quyết chỉ rõ “Phải tập trung, khẩn trương mọi nỗ lực cao nhất của toàn Quân chủng vào việc chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành cho được thắng lợi từ trận đầu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Chấp hành mệnh lệnh của Quân chủng ngày 04/04/1978, tàu 681 thuộc đoàn 125 đưa 19 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Nguyễn Trung Cang, Tham mưu trưởng Trung đoàn 146 chỉ huy lực lượng củng cố phòng ngự đảo.

Ngày 19-04-1978, một lực lượng khác ra thay cho bộ phận của đồng chí Nguyễn Trung Cang. Chỉ huy trưởng lúc này là đồng chí Bùi Xuân Nhã. Sau gần một tháng khẩn trương xây dựng trận địa, công sự chiến đấu hoàn tất, đời sống cán bộ, chiến sỹ ổn định, khắc phục khó khăn quyết tâm bám trụ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.


Vì sự bình yên, toàn vẹn của Tổ quốc, trước sóng gió biển khơi, đã có những chiến sĩ hải quân hy sinh và vẫn nằm lại đảo Trường Sa Đông. Viếng liệt sĩ Vương Văn Mão trên đảo Trường Sa Đông (ảnh Báo Lao động)

Về vị trí địa lý, đảo Trường Sa Đông cách bán đảo Cam Ranh 239 hải lý, nằm ở 80 55’ 55” vĩ độ Bắc; 1220 21 phút 12 giây kinh độ Đông, cách đảo Đá Tây 11 hải lý về phía Tây Nam, cách đảo Đá Đông 18 hải lý về phía Đông Nam. Khoảng 30 hải lý có đảo Trường Sa.

Đảo chạy dài theo hướng Đông-Tây. Trên đảo không có giếng nước ngọt. Để trồng cây và rau xanh, cán bộ, chiến sỹ trên đảo phải vận chuyển từng bao đất nhỏ trong đất liền ra, tận dụng vật liệu xây dựng che chắn bồn rau, tiết kiệm từng giọt nước ngọt ươm mầm cây xanh.

Trải qua hơn 3 thập kỷ sau ngày giải phóng với ý chí và nghị lực của cán bộ, chiến sỹ nơi đây, đảo Trường Sa Đông đã được cải tạo. Từ đảo bãi đá san hô cằn cỗi hiện nay đảo đã trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát với nhiều loại cây cối. Người lính đảo Trường Sa Đông không chỉ anh hùng trong việc vượt qua khó khăn, kiên quyết giữ đảo mà còn là những con người đầy nghị lực, sáng tạo. Mới đây, cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông đã thiết kế thành công lò ấp trứng gia cầm, thủy cầm đầu tiên bằng đèn dầu trên quần đảo Trường Sa.

Đến nay, cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào tăng gia, chăn nuôi của Lữ đoàn 146. Năm 2012, đảo đã tăng gia sản xuất được hàng tấn rau xanh, thịt cá các loại...

Gần đây được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhiều công trình trên đảo như nhà ở, nơi làm việc, các công trình phục vụ sinh hoạt phục vụ chiến đấu đã được xây dựng khang trang vững chắc. Hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời được đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao đời sống. Các phân đội đều được trang bị tivi, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài truyền hình Việt Nam đã giúp cho cán bộ chiến sỹ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới qua đó nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc Việt Nam…

Hơn 30 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông đã lập được nhiều thành tích xuất sắc nhiều năm được khen thưởng: Năm 1982, đảo được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, nhiều năm được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” và các Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế tặng Bằng khen.

Hồng Chuyên- Lại Hà (ghi)

http://infonet.vn/Bien-dao/Bien-Dong-Ung-pho-dien-bien-phuc-tap-o-Truong-Sa-nam-1978/110867.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét