Vibay

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

"Việt Nam tồn tại giữa búa và đe"

27/11/2012- Tại hội thảo Việt Nam học đang diễn ra ở Hà Nội, về vấn đề Biển Đông, GS Vladimir Kotolov (ĐH St.Petersburg - Nga) cho rằng, nhìn rộng ra khu vực Đông Á tình hình hiện nay đang tạo điều kiện để cả Trung Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc chơi địa chính trị như trên bàn cờ vua và "Việt Nam tồn tại giữa búa và đe".

Hội thảo quy tụ hàng trăm nhà nghiên cứu về Việt Nam ở nhiều chủ đề, lĩnh vực. Trong ảnh là giáo sư Phan Huy Lê và học giả Motoo Furuta (Nhật Bản). Ảnh: N.Hưng.

"Bây giờ, Việt Nam (kể cả Hòang Sa và Trường Sa) là một vùng cạnh tranh ác liệt giữa các cường quốc. Việc sử dụng yếu tố Việt Nam có thể đẩy mạnh hoặc là ngăn chặn sự bành trướng chiến lược của Trung Quốc về phía nam", giáo sư Kotolov nhận định.

Đề cập đến đường đứt đoạn hình chữ U (đường lưỡi bò), tiến sĩ Erik Franckx đến từ ĐH Vrije (Brussel, Bỉ) cho rằng, "đường lưỡi bò" chỉ thực sự xuất hiện vào năm 2009 (đính kèm một bản đồ vẽ đường yêu sách này kèm theo công hàm gửi Liên Hợp quốc phản đối báo cáo của Việt Nam và báo chung Việt Nam - Malaysia về ranh giới thềm lục địa được vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở). Trước đó, dù xuất hiện từ những năm 1940 song Trung Quốc chưa từng công khai với cộng đồng quốc tế về đường ranh giới này.

Vị giáo sư này đánh giá năm 2009 là mốc thời gian đánh dấu sự kiện rất quan trọng đối với các xung đột gần đây trên Biển Đông. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa làm rõ ý nghĩa của đường 9 đoạn này.

Từ góc độ luật quốc tế, Phó giáo sư Nguyễn Bá Diến (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, Việt Nam đủ tự tin về căn cứ lịch sử, khoa học để chứng minh chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như đủ căn cứ bác bỏ "đường lưỡi bò". "Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ luận điểm của Trung Quốc và thấy rằng, lập luận của họ về đường chữ U hết sức mơ hồ, căn cứ là rất ít", ông Diến nói.

Phó giáo sư Trần Khánh (Viện nghiên cứu Đông Nam Á - Viện KHXH Việt Nam) cho rằng, vai trò của ASEAN trong ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông là rất quan trọng. Song, các nước trong khối đang đối mặt với nguy cơ mất đoàn kết, thống nhất.

"Hơn lúc nào hết, ASEAN nghiêm túc nhìn lại thất bại của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao lần thứ 45 để từ đó có những quyết sách và hành động chính trị hợp thời, thúc đẩy tiến trình COC về phía trước", ông Khánh nói. Vị Phó giáo sư cùng nêu quan điểm về việc xem lại "nguyên tắc đồng thuận trong khối". Theo đó, nguyên tắc này cần linh hoạt, thay đổi để phù hợp với thời đại.

Mang đến hội thảo kinh nghiệm từ việc đàm phán 9 năm phân định Vịnh Bắc Bộ, giáo sư Đỗ Tiến Sâm (Viện nghiên cứu Trung Quốc) cho biết, việc ký kết hiệp định phân định Vịnh đã giải quyết dứt điểm được vấn đề. Lần đầu tiên, Việt Nam và Trung Quốc có một đường biên giới rõ ràng bao gồm biên giới lãnh hải, ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh có giá trị pháp lý quốc tế, được hai bên cùng thỏa thuận.

Theo giáo sư, hiệp định này cùng với hiệp định về hợp tác nghề cá có giá trị tham khảo cho việc nghiên cứu, giải quyết các vấn đề về nghề cá trong khu vực Biển Đông. Đồng thời, nó thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ, các vùng biển, thềm lục địa thông qua thương lượng hòa bình.

Theo Phó giáo sư Đỗ Bang (ĐH Khoa học Huế), việc thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các vua triều Nguyễn thực hiện từ rất sớm. Trong nửa đầu thế kỷ 19, các triều vua này đã có nhiều biện pháp hữu hiệu như việc lập đội Hoàng Sa, đo đạc thuỷ trình, vẽ bản đồ biển đảo, cắm bia chủ quyền, lập miếu thờ, trồng cây và lập trạm thu thuế trên đảo.

Việc thực thi chủ quyền được triều đình Huế giao cho đội thuỷ quân và đội giám thành của triều đình phối hợp với lính địa phương hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định cùng ngư dân thực hiện và báo cáo tình hình về triều đình. Nhiều văn bản quan trọng, đích thân nhà vua xem xét và phê duyệt.

Ngoài ra, Châu bản triều Nguyễn, các bộ sách chính sử như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí… các bản đồ của triều Nguyễn đã ghi lại đầy đủ làm minh chứng và được xác minh bằng các nguồn tư liệu sưu tầm tại Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế trong thời gian gần đây. "Đây là một di sản lịch sử có ý nghĩa thực tiễn và có giá trị lâu dài đối với chủ quyền Việt Nam", Phó giáo sư Đỗ Bang khẳng định.

Theo Nguyễn Hưng/ VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét