Vibay

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Nước cờ mới trong ngoại giao quân sự của Trung Quốc

19/6/12- (Tuần Việt Nam) Trong bối cảnh căng thẳng trong nước, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc muốn bên ngoài an toàn.

Đối với các lực lượng vũ trang Trung Quốc, hiện đang là thời điểm có vấn đề. Ngày 2/6 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng 60% tàu chiến của Mỹ sẽ được huy động tới châu Á vào năm 2020, tăng gấp đôi hiện nay. Các tướng lĩnh Trung Quốc thấy nước họ đang là mục tiêu và lo ngại rằng các nước châu Á khác sẽ bắt tay với Mỹ. Nhưng tình hình chính trị trong nước dường như đặt ra mối lo ngại còn lớn hơn.

Tuyên bố của Mỹ cuối tháng 11 về sự "tái cân bằng" chính sách ngoại giao hướng tới châu Á khiến các nhân vật diều hâu ở Trung Quốc tức giận. Họ đồn thổi trên báo chí rằng Mỹ đang tìm cách "kiềm chế" Trung Quốc và kìm hãm sức mạnh đang nổi lên của Trung Quốc.

Ông Panetta bác bỏ những cáo buộc này. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, một hội nghị thường niên các Bộ trưởng Quốc phòng và chuyên gia an ninh trong khu vực, ông nói: "Nỗ lực của chúng tôi nhằm làm mới lại và tăng cường sự can dự vào châu Á là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển và tăng trưởng của Trung Quốc".

Nhưng nhìn vào các động thái gần đây của Mỹ như việc huy động thủy quân lục chiến tới miền Bắc Australia hồi tháng 4 và một thỏa thuận với Singapore chuyển giao các tàu chiến ven bờ, giới chức Trung Quốc tỏ ra nghi ngại.

Quyết định của ông Panetta bay từ cảng Cam Ranh sang Singapore đã không hề làm giảm bớt những hoài nghi trên. Bộ trưởng Quốc phòng Panetta là quan chức Mỹ cấp cao nhất thăm cảng này từ sau chiến tranh Việt Nam, khi đây còn là một căn cứ không quân lớn của Mỹ. Lầu Năm Góc muốn sử dụng đây như một cảng để các tàu hải quân của họ dừng chân mỗi khi đi qua biển Đông.


Khu vực này đầy những căng thẳng giữa các nước có yêu sách chồng lấn nhau về đáy biển giàu tài nguyên. Trung Quốc là một trong số này, và họ tỏ ra bực tức trước việc mà họ cho là sự can dự của Mỹ. Ngày 4/6, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mô tả các ý định của Mỹ tăng cường đối tác quân sự tại châu Á là "không đúng lúc". Nhưng không hề nao núng, ông Panetta đã bay sang Niu Delhi để đàm phán với một quốc gia châu Á khác cũng đang đề phòng Trung Quốc.

Tuy nhiên, có vẻ kỳ cục khi giới lãnh đạo Trung Quốc bỏ qua một cơ hội để đấu với Mỹ. Khác với năm ngoái, khi Trung Quốc cử Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt tới Đối thoại Shangri-La, năm nay cấp cao nhất của Trung Quốc là một viện sĩ quân sự, Trung tướng Ren Haiquan. Việc này cho thấy sự giảm cam kết của Trung Quốc tại diễn đàn này, nơi đã trở thành một sân khấu cho các cuộc tiếp xúc không chính thức giữa các lãnh đạo quân sự châu Á - Thái Bình Dương (cũng như một số nước châu Âu) từ khi được khởi động vào năm 2002.

John Chipman, Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS), cơ quan có trụ sở tại London (Anh) và tổ chức sự kiện này, đã nói với những người tham dự rằng giới chức Trung Quốc đã thông báo với ông hồi tháng 3 rằng "các kế hoạch công du và ưu tiên đối nội" khiến Trung Quốc gặp một số khó khăn trong việc cử Bộ trưởng tham dự sự kiện năm nay.

Các nhân tố trong nước là cách giải thích thuyết phục hơn. Vào tháng ngay trước khi diễn ra Đối thoại Shangri-La, Tướng Lương đã thăm Washington, (Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Trung Quốc làm như vậy trong 9 năm qua) và tham dự một cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng Đông Nam Á tại Phnom Penh (Campuchia). Nhưng các sự kiện này dễ xoay sở hơn diễn đàn Singapore, nơi năm ngoái ông đã hỏi dồn với những câu hỏi về các lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Với sự kiện thay đổi lãnh đạo quân sự và dân sự mùa Thu tới ở Trung Quốc, không ngạc nhiên khi Tướng Lương tỏ ra e ngại hơn bình thường (IISS phải mất 10 năm để có được sự hiện diện của một Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, dù quân hàm trong phân cấp thứ bậc của quân đội Trung Quốc còn tương đối thấp so với các nước khác). Sự chuyển giao lãnh đạo đã gặp trục trặc bất ngờ với chuyến thăm của một quan chức cấp tỉnh tới trú ngụ tại Lãnh sự quán Mỹ hồi tháng Hai. Sự kiện này đã dẫn tới việc bắt giữ vợ của một lãnh đạo cấp tỉnh hùng mạnh, Bạc Hy Lai, vì bị tình nghi giết người, và việc ông Bạc bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị.

Ngón tay ai đặt trên cò súng?

Giới lãnh đạo Đảng dường như lo ngại rằng vụ bê bối liên quan đến ông Bạc và sự bất chắc xung quanh cuộc chuyển giao lãnh đạo có thể khiến các lực lượng vũ trang hiểu nhầm về chính trị. Có tin đồn rằng ông Bạc có quan hệ mật thiết với các lãnh đạo quân sự (cha ông từng là một đồng chí của Mao Trạch Đông).

Trong những tuần qua, nhiều bài báo đã được đăng trên các phương tiện truyền thông chính thống trong đó công kích khái niệm đặt các lực lượng vũ trang dưới sự kiểm soát của nhà nước, chứ không phải của Đảng. Một số nhà trí thức tự do cho rằng một sự thay đổi như thế sẽ tránh được việc quân đội bị Đảng sử dụng để phục vụ mục đích của mình. Loạt bài trên báo cho thấy mối lo ngại của các lãnh đạo Đảng rằng truyền thông có thể đã nhận sự ủng hộ của các lực lượng vũ trang.

Tin tức mà các phương tiện truyền thông nước ngoài đưa về việc phát hiện một điệp viên làm việc cho Mỹ ngay trong lòng Bộ Công an đã càng làm gia tăng lo ngại của giới lãnh đạo Đảng. Người này được cho là đang làm việc cho một Thứ trưởng. Trong một diễn biến liên quan, chính quyền đã siết chặt quy định hạn chế các học giả Học viện Quan hệ Quốc tế Đương thời tiếp xúc với người nước ngoài. Học viện này là một nhóm chuyên gia cố vấn trực thuộc Bộ Công an. Các chuyên gia nghiên cứu của học viện này thường tham gia các hội thảo quốc tế.

Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc sẽ không quá quan tâm tới việc bỏ lỡ một cuộc họp quốc tế nào một thời điểm nhạy cảm như thế. Theo lời một cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc: khi Trung Quốc làm việc với thế giới bên ngoài, họ không hiểu làm thế nào để được "an tâm"./.

Châu Giang theo Economist.com

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/77007/nuoc-co-moi-trong-ngoai-giao-quan-su-cua-trung-quoc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét